Điểm tin y tế tuần 15

VĂN BẢN PHÁP LÝ VÀ CHỈ ĐẠO

1. Bảo đảm an toàn sinh học tại phòng xét nghiệm

Ngày 04/4/2017, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 1273/QĐ-BYT về việc công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung quy định tại Nghị định số 103/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của chính phủ quy định về bảo đảm an toàn sinh học tại phòng xét nghiệm và Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng.

Công bố kèm theo Quyết định này 03 thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế được quy định tại Nghị định số 103/2016/NĐ-CP:

+ Về điều kiện của cơ sở xét nghiệm an toàn sinh học cấp IV, Nghị định 103 cũng quy định một số nội dung bổ sung quy định tại Nghị định 92/2010/NĐ-CP về 4 bậc (I, II, III, IV) tại Điều 5, 6, 7,8 về điều kiện. Đối với cơ sở xét nghiệm bậc I, Nghị định 103 không c òn yêu cầu diện tích tối thiểu là 12m2(không bao gồm diện tích để thực hiện các công việc hành chính liên quan đến xét nghiệm); bổ sung quy định về sàn, tường, bản xét nghiệm phải bằng phẳng, không thấm nước, chịu được nhiệt và các loại hóa chất ăn mòn và dễ cọ rửa vệ sinh; có điện với hệ thống tiếp đất và có nguồn điện dự phòng và ngoài ra yêu cầu phải có đủ ánh sáng để thực hiện xét nghiệm. Tương tự, các bậc cơ sở còn lại cũng bổ sung các yêu cầu về Điều kiện. Do đó, các cơ sở chưa đủ điều kiện phải thực hiện bổ sung trong thời gian có hiệu lực của Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn sinh học, để không bị phạt khicơ quan có thẩm quyền yêu cầu thanh tra, kiểm tra theo quy định.

+ Về điều kiện nhân sự của cơ sở an toàn cấp I, Nghị định 103 yêu cầu cụ thể cơ sở xét nghiệm phải có ít nhất 02 nhân viên xét nghiệm, nhân viên trực tiếp thực hiện xét nghiệm phải có văn bằng, chứng chỉ phù hợp; Nghị định còn yêu cầu mỗi cơ sở phải có quy định về thực hành xét nghiệm gồm quy định về việc ra vào khu vực xét nghiệm, chế độ báo cáo, hướng dẫn sử dụng các trang thiết bị phục vụ hoạt động xét nghiệm, giám sát sức khỏe và y tế; quy trình khử nhiểm và xử lý chất thải quy trình xét nghiệm phù hợp và quy trình lưu trữ hồ sơ.

+ Nội dung quy định tại Điều 10 Nghị định 103, theo đó đói với các cơ sở an toàn sinh học cấp III, cấp IV vẫn thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Trưởng Bộ Y tế (trừ các cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Quốc Phòng). Còn các cơ sở an toàn sinh học cấp I, cấp II, Giám đốc Sơ Y tế không còn thực hiện quy trình thẩm định, cấp mới, cấp lại và thu hồi như quy định cũ mà Nghị định mới giao cho các cơ sở thực hiện tự công bố đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học cấp I và cấp II. Trên cơ sở công bố, Sở Y Tế đăng tải trên trang thông tin điện tử danh sách các cơ sở xét nghiệm đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học cấp I và cấp II.

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN

1. Tình hình dịch bệnh trong tháng 3/2017

Tả (A00): Trong tháng không ghi nhận trường hợp mắc.

Thương hàn (A01): Trong tháng ghi nhận 44 trường hợp mắc. Tích lũy từ đầu năm, cả nước có 87 trường hợp mắc.

Sốt xuất huyết (A90): Trong tháng ghi nhận 4.189 trường hợp mắc, 02 trường hợp tử vong. Tích lũy từ đầu năm, cả nước ghi nhận 14.052 trường hợp mắc, 02 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ 2016 (22.231/4) số mắc giảm 36,8%, tử vong giảm 02 trường hợp.

Viêm não vi rút (A83-A89): Trong tháng ghi nhận 29 trường hợp mắc, không ghi nhận tử vong. Tích lũy từ đầu năm, cả nước có 73 trường hợp mắc.

Viêm màng não do não mô cầu (A39): Trong tháng ghi nhận 05 trường hợp mắc, không ghi nhận tử vong. Tích lũy từ đầu năm, cả nước có 10 trường hợp mắc.

Cúm A (H5N1): Trong tháng không ghi nhận trường hợp mắc.

Tay chân miệng: Trong tháng, cả nước ghi nhận 1.728 trường hợp mắc, không ghi nhận tử vong. Tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 6.272 trường hợp mắc, không có trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2016 (5.105 trường hợp mắc/0 tử vong), số mắc tang 22,9%.

Bệnh do vi rút zika: Trong tháng cả nước ghi nhận 03 trường hợp mắc tại TP. HCM (02) và Khánh Hòa (01) trong tổng số 50 mẫu xét nghiệm. Tích lũy từ đầu năm, cả nước ghi nhận 16 trường hợp mắc tại TP.HCM (11), Bình Dương (02), Đồng Nai (01), Lâm Đồng (01) và Khánh Hòa (01) trong tổng số 251 mẫu xét nghiệm.

Bệnh ho gà: 13 trường hợp mắc ho gà tại Quảng Ninh (04), Hà Nội (02), Bắc Ninh (01), Cao Bằng (01), Hà Tĩnh (01), Nam Định (01), Lào Cai (01), Nghệ An (01) và TP.HCM (01). Tích lũy đến tuần 10 năm 2017, cả nước ghi nhận 114 trường hợp mắc, 05 trường hợp tử vong. Các trường hợp mắc tập trung chủ yếu ở khu vực miền Bắc (107/114 trường hợp mắc), trong đó nhiều nhất tại Quảng Ninh (27), Hà Nội (22) và Cao Bằng (13).

Trong 02 tháng đầu năm 2017, tại bệnh viện Nhi Trung ương có 55 trường hợp ho gà nhập viện, trong đó có 05 trường hợp tử vong (02 trường hợp tử vong tại bệnh viện, 03 trường hợp nặng xin về). Các ca bệnh chủ yếu xảy ra với trẻ dưới 03 tháng tuổi do không có miễn dịch từ mẹ và chưa tiêm vắc xin phòng bệnh.

THÔNG TIN Y TẾ QUỐC TẾ

1. Bé gái phải cắt chân do nhiễm “vi khuẩn ăn thịt người'”

Theo Independent, bé Tessa Puma tại Ohio, Mỹ, được điều trị kháng sinh để chữa bệnh viêm họng do Streptococcus, một bệnh nhiễm khuẩn ở phần sau cổ họng và amidan trong khi chân cô bé ngày càng đau đớn. Các bác sĩ xác định vi khuẩn từ cổ họng đã theo máu đến các mô ở chân. Nhiễm trùng đã lây lan nhanh chóng dẫn đến các biến chứng khác như nhiễm trùng huyết, suy gan, tử vong. Tình trạng xấu dần, nhiễm trùng đã gây tổn thương, hoại tử nặng chân trái. Bé Tessa phải cắt bỏ phần chi từ đầu gối trở xuống để khỏi ảnh hưởng tính mạng. Sau đó cô bé sẽ được lắp chân giả để trở về cuộc sống.

Viêm cân mạc hoại tử là bệnh nhiễm trùng có thể phá hủy da, các mô trong thời gian rất nhanh. Bệnh do nhiều loại vi khuẩn, đặc biệt là "vi khuẩn ăn thịt người" Streptococcus. Các nhà khoa học cảnh báo viêm họng liên cầu khuẩn Streptococcus đang có sự gia tăng.

2. Sử dụng tế bào gốc để “sửa chữa” tim

Theo Journal of the American Heart Association, một nghiên cứu mới đã thử nghiệm một cách tiếp cận đột phá để điều trị suy tim. Sử dụng các tế bào gốc cơ của chính bệnh nhân, các nhà nghiên cứu đã “vá” thành công tim bị tổn thương, mang lại kết quả đáng khích lệ.

Thử nghiệm giai đoạn I bao gồm tạo ra những “miếng dán” tế bào từ cơ đùi của bệnh nhân (cụ thể là cơ rộng trong). Những “miếng dán” tế bào mô tự thân này sau đó được “dán” vào bề mặt của tâm thất trái của tim nhờ phẫu thuật. Tế bào gốc đôi khi được sử dụng để thay thế hoàn toàn các mô hư hỏng của cơ thể. Tuy nhiên, tế bào gốc cũng có thể giúp tái tạo tế bào theo cách thứ hai là sử dụng hiệu ứng paracrine (cận tiết). Mô được cấy ghép tiết ra các yếu tố khuyến khích mô cũ hoạt động khác đi, đó chính là điều xảy ra trong nghiên cứu này. Mô ghép giúp mô hiện tại hoạt động tốt hơn, thay vì lấn át mô cũ. Sau phẫu thuật, bệnh nhân không gặp biến chứng đáng kể, và một năm sau phẫu thuật, có sự cải thiện đáng kể về khả năng gắng sức và chức năng tim.

Các tác giả kết luận: “Nghiên cứu giai đoạn I này thấy rằng liệu pháp đơn thuần bằng ghép miếng tế bào là cách điều trị khả thi cho bệnh cơ tim. Các kết quả hứa hẹn về độ an toàn và phục hồi chức năng và an toàn thấy trong nghiên cứu cần được tìm hiểu thêm để xác nhận hiệu quả điều trị của miếng dán tế bào cơ xương tự thân đối với suy tim ứ huyết nặng".

3. 6 lý do khiến con người không thể tránh được đại dịch

Theo CNN, ngày 07/04/2017, với những đợt bùng phát quy mô lớn các dịch bệnh toàn cầu như SARS, cúm gia cầm, Ebola và Zika, các chuyên gia về sức khoẻ tin rằng, loài người đang đứng trước nguy cơ phải hứng chịu nhiều đại dịch chết người hơn bao giờ hết. Mỗi tháng, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) được báo cáo hàng trăm đợt bùng phát dịch bệnh nhỏ. Qua đó, các nhà khoa học cảnh báo rằng, con người phải luôn sẵn sàng cho những bất ngờ sắp diễn ra. Chính các khía cạnh của cuộc sống hiện đại làm cho chúng ta gặp nhiều rủi ro hơn. Và đây là những lý do:

  1. Dân số tăng và quá trình đô thị hoá

Đây là cuộc sống chốn đô thị: bạn sống, ăn, làm việc và đi lại trong những khoảng không gian toàn người là người và điều này mang lại cơ hội lớn cho các căn bệnh lây lan qua không khí, nước, muỗi.

Khi dân số tăng lên, số người sống ở thành thị cũng sẽ tăng lên. Theo dự báo của Liên hiệp quốc, đến năm 2050, 66% dân số thế giới sẽ sống ở các khu vực thành thị.

David Heymann, Giám đốc Trung tâm An toàn Sức khoẻ Toàn cầu, nói: "Sự gia tăng dân số khu vực thành thị còn có thể gây ra những vấn đề căng thẳng về vệ sinh. Nhu cầu lương thực tăng dẫn tới số lượng vật nuôi tăng và khoảng cách về không gian sống giữa người – vật ngày càng thu hẹp trong khi động vật vốn là “ổ” của rất nhiều loại bệnh tật như cúm gia cầm, bệnh lao ở gia súc… Đây chính là nguồn lây nhiễm lớn thứ 2”.

Với những người thường xuyên di chuyển giữa 2 khu vực nông thôn - thành thị, nguy cơ nhiễm bệnh và sau đó lây cho người khác sẽ càng cao.

  1. Mở rộng môi trường sống

Dân số tăng đồng nghĩa với nhu cầu về đất đai cũng tăng, dẫn tới việc không gian sống được mở rộng sang những vùng đất trước đó chưa có sự xuất hiện của con người, chẳng hạn như rừng. Lãnh thổ mới, sự tiếp xúc với các loài động vật mới chắc chắn sẽ xuất hiện các bệnh nhiễm trùng mới.

“Sốt Lassa là một trong những ví dụ điển hình, xuất hiện khi người dân phá rừng để trồng trọt”, Heymann nói. Sốt Lassa là một bệnh do vi rút lây lan qua tiếp xúc với phân của loài gặm nhấm bị nhiễm bệnh. Nó có thể gây sốt và xuất huyết trên các bộ phận khác nhau của cơ thể, bao gồm cả mắt và mũi. Sự bùng phát dịch bệnh này đã xảy ra ở Tây Phi từ năm 2016.

“Khi rừng bị phá hủy, các loài động vật gặm nhấm sống ở đó không thể tìm được thức ăn và do đó phải đi kiếm ở các khu vực con người sinh sống”, Heymann cho biết thêm.

  1. Biến đổi khí hậu

Các bằng chứng vẫn tiếp tục cho thấy biến đổi khí hậu dẫn đến số lượng các đợt nóng và lũ lụt ngày càng tăng, tạo cơ hội cho các căn bệnh như bệnh tả và dịch bệnh từ muỗi gia tăng.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, từ năm 2030 đến năm 2050, biến đổi khí hậu sẽ gây ra thêm 250.000 ca tử vong mỗi năm do sốc nhiệt, suy dinh dưỡng và lây lan các bệnh truyền nhiễm như sốt rét.

  1. Sự phát triển của ngành du lịch toàn cầu

“Con người là đối tượng dễ bị tổn thương nhất vì sự phát triển của ngành du lịch”, Heymann nói. Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UN World Tourism Organization), số lượng khách du lịch quốc tế đã đạt kỷ lục gần 1,2 tỷ người vào năm 2015. Đây là năm thứ 6 liên tiếp tốc độ tăng trưởng trên mức trung bình. Đây chính là điều kiện thuận lợi cho các căn bệnh lây lan từ lục địa này tới lục địa khác.

Heymann nhấn mạnh rằng “tác nhân lây lan qua đường du lịch không chỉ có con người” mà còn qua côn trùng, thực phẩm và động vật được vận chuyển giữa các quốc gia. Nói cách khác, đó còn là do các hoạt động thương mại.

  1. Xung đột dân sự

Heymann nói: “Bât kỳ một hệ thống y tế nào cũng có thể xử lý được một ổ dịch. Cho nên, vệ sinh kém không phải là lý do duy nhất”. Nhưng nếu một quốc gia đang trên bờ vực đổ vỡ vì bất ổn dân sự, thì khả năng xử lý những vấn đề sức khỏe đột ngột như sự bùng phát dịch bệnh dường như là điều rất khó.

Đại dịch Ebola năm 2014 là một ví dụ điển hình. Trong đại dịch này, ngành y tế Sierra Leone, Guinea và Liberia đã “gần như thất bại”. Tình trạng bất ổn trong nội bộ đã cản trở cả ba nước, khiến cơ sở hạ tầng kinh tế và y tế của họ gần như phải xây dựng lại từ đầu, đúng vào lúc Ebola xuất hiện càng làm trầm trọng thêm vấn đề.

  1. Sự thiếu hụt số lượng bác sỹ và y tá ở các ổ dịch

Ngoài hệ thống y tế yếu kém, tại các quốc gia có nhiều ổ dịch, số lượng bác sĩ và y tá khá khiêm tốn. Hầu hết đều có suy nghĩ tìm kiếm triển vọng tốt hơn ở nơi khác.

Ông Heymann nói: “Chúng ta phải giải quyết vấn đề đó bằng cách nhìn thẳng vào thực tế, một số nước thậm chí còn khuyến khích các tài năng y khoa trẻ đi nghiên cứu tại nước ngoài”.

Ban Biên tập website Viện

Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,