Điểm tin y tế tuần 14

VĂN BẢN PHÁP LÝ VÀ CHỈ ĐẠO

1. Tập trung phòng chống vi rút cúm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm gia cầm có khả năng lây sang người xâm nhiễm vào Việt Nam.

Ngày 27/3/2017, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Công điện số 427/CĐ-TTg về việc việc tập trung phòng chống vi rút cúm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm gia cầm có khả năng lây sang người xâm nhiễm vào Việt Nam.

Để chủ động ngăn chặn vi rút cúm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm gia cầm khác xâm nhiễm vào nước ta, hạn chế thấp nhất vi rút cúm lây nhiễm và gây tử vong cho người, ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng, giảm thiểu thiệt hại kinh tế cho ngành chăn nuôi, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện công tác phòng chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 18/TTg-KGVX ngày 27/2/2017, đồng thời tập trung chỉ đạo quyết liệt một số biện pháp sau:

  1. Nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, kể cả hình thức cho, tặng gia cầm và sản phẩm gia cầm qua biên giới của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới.
  2. Tổ chức giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới đối với người từ vùng có dịch cúm A/H7N9 nhập cảnh vào Việt Nam và xây dựng phương án xử lý triệt để ca bệnh khi phát hiện có bệnh nhân nhiễm vi rút cúm A/H7N9 tại Việt Nam.
  3. Tổ chức lấy mẫu giám sát chủ động đối với gia cầm và môi trường nhằm phát hiện vi rút cúm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm gia cầm chưa có ở Việt Nam xâm nhiễm vào nước ta.
  4. Quy định cụ thể, giám sát chặt chẽ khu vực buôn bán, giết mổ gia cầm tại các chợ có bán gia cầm sống và tổ chức thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi chợ; xây dựng phương án đóng cửa chợ gia cầm và có các biện pháp xử lý khi phát hiện có vi rút cúm A/H7N9 tại chợ.
  5. Tổ chức diễn tập tình huống theo kế hoạch ứng phó cúm A/H7N9 để chủ động triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch khi phát hiện vi rút cúm A/H7N9 xâm nhiễm vào trong nước.

2. Phê duyệt kế hoạch truyền thông về quản lý chất thải y tế, giai đoạn 2017 – 2021

Ngày 28/3/2017, Bộ Y tế ban hành Quyến định số 1119/QĐ-BYT về việc phê duyệt kế hoạch truyền thông về quản lý chất thải y tế, giai đoạn 2017 – 2021

Mục tiêu: Nâng cao nhận thức và tăng cường thực hiện các quy định về quản lý chất thải y tế nhằm thực hiện hiệu quả công tác quản lý chất thải y tế và xây dựng cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp.

Giải pháp về chuyên môn: Truyền thông thay đổi hành vi tới nhân viên y tế, nhân viên vệ sinh môi trường, nhân viên vận hành hệ thống xử lý CTYT tại các CSYT thực hiện hành vi quản lý chất thải y tế trong các cơ sở y tế ; Truyền thông vận động cán bộ lãnh đạo ngành y tế, lãnh đạo địa phương và các cơ quan, bộ ngành liên quan chỉ đạo và đảm bảo các điều kiện về thể chế và nguồn lực cho công tác quản lý chất thải y tế và xây dựng CSYT xanh - sạch - đẹp; Quản lý thông tin về quản lý chất thải y tế; Tổ chức thực hiện công tác truyền thông về QLCTYT trong cơ sở y tế và nâng cao năng lực truyền thông cho đội ngũ thực hiện truyền thông.

Tổ chức thực hiện: Cục Quản lý Môi trường Y tế; Cục Quản lý Khám chữa bệnh; Cục Y tế dự phòng ( Phối hợp chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, tổng kết và đánh giá việc thực hiện kế hoạch truyền thông về QLCTYT của các các cơ sở y tế dự phòng); Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng; Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Các cơ sở y tế

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN

1. Cảnh báo người lớn tử vong do bệnh sốt xuất huyết

Theo báo điện tử đài truyền hình Việt Nam, ngày 31/3/2017, mặc dù chưa vào cao điểm mùa bệnh sốt xuất huyết nhưng tại TP.HCM đã có 3 ca tử vong trong vòng 1 tháng. Tỷ lệ người lớn nhập viện điều trị cũng có dấu hiệu gia tăng.

Tại Khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, TP.HCM, mỗi ngày đều có người lớn bị sốt xuất huyết nặng vào nhập viện. Số liệu thống kê của bệnh viện cũng cho thấy, chỉ tính riêng tháng 3, bệnh viện đã tiếp nhận hơn 480 trường hợp, tăng khoảng 70 ca so với cùng kỳ năm 2016. Theo các bác sĩ, thật sự đây là con số đáng cảnh báo người dân không nên chủ quan với loại bệnh này.

2. 40% cơ sở y tế không đạt chuẩn hệ thống xử lý nước thải

Theo báo Dân trí, tại hội thảo góp ý vào dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về thuê dịch vụ xử lý nước thải y tế trong các bệnh viện công lập diễn ra ngày 30/3/2017. Bà Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho biết, trong 13.000 cơ sở y tế trên cả nước có khoảng 60% cơ sở có hệ thống xử lý nước thải y tế đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn, 40% còn lại vẫn chưa đạt.

Đại diện bệnh viện chỉ ra nhiều bất cập trong xử lý nước thải bệnh viện hiện nay: áp dụng hình thức xử lý nước thải theo mô hình như hiện nay có rất nhiều bất cập do Nhà nước không đủ nguồn lực đầu tư. Hơn nữa, có đầu tư thì cũng không đủ nhân lực để vận hành, quản lý vận hành; việc xử lý nước thải y tế, đa số các bệnh viện tự vận hành và nhân viên xử lý chính là bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên trong bệnh viện nên không thể đảm bảo chất lượng tốt như thuê dịch vụ.

Trước vấn đề còn tồn tại về vận hành xử lý nước thải y tế, Bộ Y tế đã trình Thủ tướng Chính phủ xin ban hành cơ chế chính sách đặc thù về xử lý chất thải y tế và xây dựng nội dung dự thảo Quyết đinh, dự thảo Tờ trình Quyết định về thuê dịch vụ xử lý nước thải y tế trong các bệnh viện công lập, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các bệnh viện.

Theo dự thảo này, các bệnh viện công lập trên cả nước sẽ được phép thuê dịch vụ xử lý nước thải y tế bảo đảm yêu cầu về chất lượng dịch vụ, nước thải đầu ra sau xử lý phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật về môi trường. Kinh phí chi trả thuê dịch vụ xử lý nước thải y tế tại các bệnh viện sẽ được tính vào giá dịch vụ khám chữa bệnh.

3. Tỷ lệ dược liệu không đạt chất lượng qua lấy mẫu kiểm nghiệm chiếm 13,39%

Theo báo Nhân dân, ngày 31/3/2017, tại Hội thảo công tác kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc năm 2016, lãnh đạo Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương (Bộ Y tế) cho biết, chất lượng thuốc trên thị trường năm 2016 ổn định và được kiểm soát. Các lô thuốc nhập khẩu của các nhà sản xuất có nguy cơ cao về chất lượng đã được thực hiện tiền kiểm 100% trước khi lưu hành, góp phần ngăn chặn thuốc kém chất lượng trên thị trường. Tỷ lệ thuốc tân dược sản xuất trong nước không đạt chất lượng giảm từ 2% năm 2015 xuống còn 1,98%, thấp nhất trong năm năm qua. Tỷ lệ thuốc giả thấp so với các nước trong khu vực (0,03%), trong số 11 mẫu thuốc tân dược bị làm giả đa số là kháng sinh.

Tuy nhiên, tỷ lệ dược liệu không đạt chất lượng qua lấy mẫu khá cao, chiếm 13,39%. Vấn đề kiểm soát nguồn gốc, chất lượng dược liệu sử dụng trong sản xuất thuốc từ dược liệu và sử dụng các cơ sở y dược học cổ truyền chưa được thực hiện tốt. Khó khăn lớn nhất của công tác kiểm nghiệm chất lượng thuốc hiện nay là chưa đủ trang thiết bị và chất chuẩn để kiểm nghiệm. Trong khi số lượng mặt hàng thuốc được sản xuất và lưu hành trên thị trường ngày càng tăng, nhiều dạng bào chế mới, hoạt chất mới với hơn 1.000 hoạt chất thì hệ thống kiểm nghiệm mới kiểm tra được khoảng 500 hoạt chất. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu cán bộ lấy mẫu và kiểm tra chất lượng thuốc và người bán hàng không hợp tác lập biên bản vi phạm khi lấy mẫu ảnh hưởng công tác kiểm nghiệm chất lượng thuốc.

4. Mỗi năm, cả nước có khoảng 40.000 người chết do các bệnh liên quan đến thuốc lá

Theo báo Hà Nội mới, ngày 1/4/2017, Ths. Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho biết, khói thuốc lá chứa hơn 4.000 loại hóa chất, trong đó hơn 200 loại hóa chất có hại cho sức khỏe và hơn 40 chất gây ung thư. Thuốc lá có nguy cơ gây ra ung thư phổi cao gấp 10-20 lần; làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim từ 10-15 lần; gây xơ vữa động mạch cao hơn 1,5-2 lần; có nguy cơ gây tai biến mạch máu não cao gấp 2-4 lần…

Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 40.000 người chết do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Nếu các biện pháp kiểm soát thuốc lá không được áp dụng kịp thời thì số người tử vong vì thuốc lá sẽ tăng lên thành 70.000 người vào năm 2030. Trong thời gian tới, Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá tiếp tục đẩy mạnh việc thực thi quy định cấm hút thuốc lá ở những nơi công cộng, chú trọng các khu vực trong khách sạn, nhà hàng, công sở, trường học, bệnh viện.

THÔNG TIN Y TẾ QUỐC TẾ

1. WHO kêu gọi thế giới quan tâm tới bệnh trầm cảm

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố vào ngày 30/3/2017, hiện có hơn 300 triệu người đang mắc căn bệnh trầm cảm.

Báo cáo của WHO cho biết kể từ năm 2005 đến nay, số người mắc bệnh trầm cảm đã tăng 18%. Tuy nhiên, việc thiếu chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần, cùng sự kỳ thị đã khiến nhiều người mắc bệnh không được điều trị đầy đủ. WHO kêu gọi các quốc gia cần xem xét lại các chương trình y tế để có thể hỗ trợ kịp thời người mắc bệnh. Trầm cảm là một bệnh tâm lý phổ biến có biểu hiện như buồn bực kéo dài hay mất đi mọi mối quan tâm. Trầm cảm làm tăng nguy cơ một số bệnh và chứng rối loạn như nghiện, hành vi tự sát, bệnh tiểu đường và bệnh tim.

2. Anh: Tạo ra phôi thai nhân tạo đầu tiên trên thế giới

Theo Nature World News, lần đầu tiên trên thế giới, một phôi thai nhân tạo có thể phát triển và hoạt động được. Các nhà khoa học tại Đại học Cambridge (Anh) đã chế tạo thành công phôi thai nhân tạo đầu tiên trên thế giới của chuột nhờ sử dụng hai loại tế bào gốc và một khung 3D cho phôi thai phát triển.

Theo đó, các nhà khoa học đã nuôi dưỡng các tế bào gốc của chuột bên ngoài cơ thể vật chủ. Chúng đã hình thanh giai đoạn đầu tiên của cơ quan nội tạng, giống hệt sự phát triển của một phôi thai bình thường. Với thành công này, các nhà nghiên cứu mong muốn sẽ trả lời được những bí ẩn về quá trình hình thành sự sống, từ đó giải thích được vì sao có rất nhiều phụ nữ bị hỏng thai ngay từ giai đoạn đầu của thai kỳ.

3. Nuôi cấy thành công tế bào hồng cầu bất tử

Theo tạp chí Nature Communications, nhóm nghiên cứu từ Đại học Bristol và NHS Blood and Transplant đã có thể sản xuất được các tế bào hồng cầu ở quy mô hiệu quả hơn so với trước đây. Nếu thành công trong các thử nghiệm lâm sàng, có thể đem lại nguồn truyền máu an toàn cho những người có nhóm máu hiếm và ở những nơi mà nguồn cung cấp máu không đầy đủ hoặc không an toàn.

Trước đây, nghiên cứu trong lĩnh vực này tập trung vào việc phát triển trực tiếp tế bào gốc từ người cho thành tế bào hồng cầu trưởng thành. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ sản xuất được một lượng nhỏ các tế bào trưởng thành và đòi hỏi phải cho tế bào gốc nhiều lần. Nhóm nghiên cứu đã phát triển một kỹ thuật mới và lặp lại được, cho phép sản xuất các dòng tế bào tạo hồng cầu bất tử từ tế bào gốc người lớn. Những tế bào hồng cầu non này có thể được nuôi cấy vô thời hạn, cho phép sản xuất quy mô lớn, trước khi được biệt hóa thành các tế bào hồng cầu trưởng thành.

Ban Biên tập website Viện

Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,