Hình thành - Phát triển

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA VIỆN SỐT RÉT - KÝ SINH TRÙNG - CÔN TRÙNG TP HỒ CHÍ MINH

Quá trình hình thành, xây dựng và phát triển của Viện Sốt rét - KST - CT TP. Hồ Chí Minh cũng như của hệ thống chuyên khoa phòng chống sốt rét, phòng chống ký sinh trùng và côn trùng luôn gắn liền với các giai đoạn phát triển lịch sử của đất nước, đồng thời gắn liền với công cuộc phòng chống sốt rét, phòng chống các bệnh ký sinh trùng và côn trùng truyền bệnh, trong đó chủ yếu là bệnh sốt rét.

Năm 1954, kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, ở miền Nam, giặc Mỹ xâm chiếm và biến miền Nam trở thành thuộc địa kiểu mới của đế quốc Mỹ. Nhiệm vụ chung của cách mạng nước ta là xây dựng miền Bắc làm hậu phương vững chắc để đấu tranh thực hiện giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Năm 1955, bắt đầu điều tra, nghiên cứu tình hình sốt rét ở miền Bắc, kết quả các cuộc điều tra, tỷ lệ ký trùng sốt rét trung bình từ 15 - 20%, có nơi 50%, tỉ lệ lách sưng trung bình 50 - 60%, có nhiều nơi trên 80%. Ở miền Nam, do Mỹ xâm chiếm, không có số liệu về tình hình sốt rét.

Nửa đầu thế kỷ 20, người ta đã phát minh và sản xuất ra DDT, hóa chất có tác dụng chống muỗi hiệu quả, phát minh ra một số thuốc chữa sốt rét như acrikine, plasmocid. Năm 1955, Đại hội đồng Y tế thế giới lần thứ VIII thông qua chủ trương tiêu diệt sốt rét trên thế giới, chiến lược được tiến hành làm 4 giai đoạn: giai đoạn chuẩn bị, giai đoạn tấn công, giai đoạn củng cố, và giai đoạn tăng cường bảo vệ.

Trước tình hình sốt rét trầm trọng và đòi hỏi cấp bách của công tác phòng chống bệnh sốt rét ở nước ta, năm 1957, Chính phủ cho thành lập đơn vị đầu tiên của Việt Nam nghiên cứu phòng chống bệnh sốt rét và các bệnh giun, sán, đó là Viện nghiên cứu sốt rét đặt tại Hà Nội. Từ một Viện, sau phát triển thành 3 Viện (Viện Sốt rét - KST - CT Trung ương, Viện Sốt rét - KST - CT Quy Nhơn và Viện Sốt rét - KST - CT TP. HCM) và mạng lưới phòng chống sốt rét ở địa phương từ Trung tâm Phòng chống sốt rét/Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, thành phố đến y tế huyện, thị, y tế xã, phường và y tế thôn bản ở các địa phương tham gia phòng chống sốt rét và các bệnh ký sinh trùng.

Có thể tóm tắt quá trình lịch sử và các yếu tố liên quan hình thành, xây dựng và phát triển của Viện Sốt rét - KST - CT TP. HCM qua các thời kỳ như sau:

Thời kỳ trước giải phóng miền Nam thống nhất đất nước:

THỜI GIAN ĐẦU TỪ 1957 - 1975

Từ năm 1957 đến 1964 là giai đoạn chuẩn bị thực hiện chiến dịch tiêu diệt sốt rét ở miền Bắc. Giai đoạn này tình hình sốt rét rất phổ biến và nghiêm trọng. Tuy nhiên, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, với sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô, chiến dịch tiêu diệt sốt rét ở miền Bắc đã đạt được thành tựu to lớn. Ở Nam Bộ, từ năm 1963, bác sĩ Võ Hồng Ân (tức Ba Ân), là cán bộ miền Nam tập kết, theo chỉ đạo, trở về thực hiện nhiệm vụ xây dựng cơ sở và tiến hành các hoạt động phòng chống sốt rét ở chiến trường Nam Bộ.

Sau năm 1965, là thời kỳ thử thách quyết liệt nhất, vừa phải củng cố thành quả tiêu diệt sốt rét ở miền Bắc trong điều kiện chiến tranh ác liệt, vừa phải chi viện và gây dựng cơ sở phòng chống sốt rét ở chiến trường miền Nam. Nhiều gian lao, vất vả và hy sinh mất mát lớn, trong đó có sự hy sinh cao cả của Giáo sư, Anh hùng, Liệt sĩ, Viện trưởng Đặng Văn Ngữ cùng nhiều đồng nghiệp. Cuộc chiến tranh chống Mỹ ngày càng quyết liệt, số lượng bộ đội, thanh niên xung phong từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc ngày càng tăng lên, khiến sự lây lan bệnh sốt rét ngày một tăng. Đó là một khó khăn lớn cho công tác phòng chống sốt rét.

BT BYT CHMNVN Dương Quỳnh Hoa cắt băng triển lãm sốt rét (1973)

Từ sau năm 1968, tiếp tục tiêu diệt sốt rét ở miền Bắc, tăng cường chi viện, tiếp quản xây dựng cơ sở phòng chống sốt rét ban đầu ở miền Nam, hàng trăm cán bộ từ Viện Sốt rét, ký sinh trùng và côn trùng, từ các tỉnh phía Bắc được đào tạo và đưa vào các chiến trường B2, Khu 5. Trên cơ sở cán bộ tăng cường từ miền Bắc và lực lượng phát triển tại chỗ, một Tổ Sốt rét thuộc Phòng Vi trùng (C34) có 3 cán bộ do bác sĩ Võ Hồng Ân làm tổ trưởng được thành lập. Năm 1969, Ban Y tế B2 (Nam Bộ) quyết định thành lập Phòng sốt rét miền Nam (C30) trực thuộc Ban Y tế B2 Bộ Y tế - Xã hội và Thương binh, Cộng hòa miền nam Việt Nam (trên cơ sở tách C34 thành C30 và C4), C30 do bác sĩ Võ Hồng Ân phụ trách, là tiền thân của Viện Sốt rét - KST - CT TP. HCM và là cơ sở ban đầu để tiến tới xây dựng mạng lưới chuyên khoa sốt rét ở miền Nam sau này.

Năm 1973, Hiệp định Pari chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, vùng giải phóng ngày càng mở rộng, nhưng điều kiện kinh tế, xã hội ở các vùng giải phóng gặp nhiều khó khăn, công tác y tế chưa thể đáp ứng được nhu cầu. Do đó, Chính phủ quyết định chi viện cho miền Nam nhằm hạn chế và tiến tới tiêu diệt sốt rét ở vùng giải phóng và khu căn cứ.

Từ năm 1973, C30 được bổ sung thêm một số cán bộ từ Bắc vào, lực lượng cán bộ đã được tăng cường. C30 đã triển khai công tác ở T.1 (Đông Nam Bộ), T.3 (Tây Nam Bộ), T6 (khu vực Lâm Đồng); ở Tân Biên, Lộc Ninh, Bù Đốp.... Mặc dù gặp nhiều khó khăn song các cán bộ C30 đều thực hiện tốt nhiệm vụ, giúp đỡ kỹ thuật, chỉ đạo công tác tiêu diệt sốt rét. Ngoài ra, C30 cũng đã tiến hành điều tra cơ bản về bệnh sốt rét, đã khống chế được dịch sốt rét ở các phạm vi hoạt động. Các bác sĩ Bùi Đình Bái, Nguyễn Long Giang từ miền Nam ra Bắc tập huấn, bồi dưỡng kiến thức phòng chống sốt rét được cử trở lại miền Nam chỉ đạo công tác tiêu diệt sốt rét trong giai đoạn mới. Nhờ sự tăng cường, bổ sung cán bộ và chi viện trang thiết bị, phương tiện phòng chống sốt rét, công tác phòng chống sốt rét ở phía Nam đã đạt được những tiến bộ rõ rệt.

Ngày 30/4/1975, ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, chính quyền cách mạng tiếp quản Nha Y tế công cộng, sau đó tiến hành sắp xếp, bố trí các tổ chức ban ngành, các đoàn thể, đơn vị, trong đó sắp xếp C30 và tiếp quản Chương trình diệt trừ sốt rét thuộc Nha Y tế công cộng của chính quyền cũ thành một đơn vị và gọi là Phân viện Sốt rét (16/9/1975) thuộc Bộ Y tế - Xã hội và Thương binh, Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, lực lượng là những cán bộ nhân viên C30 và một số nhân viên từ chế độ cũ. Bác sĩ Nguyễn Long Giang được cử làm Phân viện trưởng, bác sĩ Lê Văn Hạnh và đồng chí Nguyễn Văn Nam là Phó Phân viện trưởng. Tháng 6/1976, Bộ Y tế - Xã hội và Thương binh, Cộng hòa Miền Nam Việt Nam sát nhập 2 đơn vị là Viện Vệ sinh và Phân viện Sốt rét thành Viện Vệ sinh và Sốt rét thuộc Bộ Y tế - Xã hội và Thương binh Cộng hoà miền Nam Việt Nam. Tuy nhiên, do tình hình sốt rét hết sức phức tạp, đồng thời sau khi ổn định về tổ chức của các bộ, ngành, địa phương nên 2 đơn vị lại được tách ra như trước.

THỜI KỲ SAU GIẢI PHÓNG MIỀN NAM (1976 - 1990):

Đất nước hòa bình, hệ thống chuyên khoa sốt rét cũng được thống nhất, mở rộng công cuộc thanh toán bệnh sốt rét trên phạm vi cả nước. Tình hình bệnh sốt rét quay trở lại và ngày càng nghiêm trọng, do điều kiện dân cư biến động, kinh tế khó khăn, ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc, muỗi truyền bệnh sốt rét kháng DDT. Đây cũng là thời kỳ hệ thống sốt rét phát triển một bước cả về số lượng và chất lượng đội ngũ.

BT BYT Vũ Văn Cẩn chỉ đạo PCSR tại vùng kinh tế mới tỉnh Sông Bé (1976)

Năm 1976, số cán bộ chuyên khoa sốt rét ở miền Nam thiếu trầm trọng, các đơn vị phòng chống sốt rét ở các khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ đều mới được thành lập, chưa thể độc lập đảm đương được đầy đủ chức năng, nhiệm vụ nên phải có sự hỗ trợ của Viện Sốt rét - KST - CT (Trung ương). Sau giải phóng, hàng loạt vụ dịch sốt rét xảy ra, tỷ lệ bệnh nhân sốt rét chiếm 60-70% tổng số các bệnh. Mục tiêu thanh toán sốt rét trong cả nước là làm giảm nhanh tình hình sốt rét đang rất nghiêm trọng ở miền Nam; ra sức bảo vệ những thành quả thanh toán sốt rét đạt được ở miền Bắc.

Hội nghị tổng kết phòng chống sốt rét miền Nam (1976)

Trong quá trình tấn công tiêu diệt sốt rét, cho thấy khả năng loại trừ hoàn toàn (hay tiêu diệt) bệnh sốt rét trong một thời gian hạn định trên thế giới là rất khó khăn, chưa thể thực hiện được trong điều kiện lúc đó. Bởi vậy, Đại hội đồng y tế thế giới lần thứ 31 đề ra nghị quyết chuyển hẳn từ chiến lược tiêu diệt sốt rét sang chiến lược phòng chống sốt rét không hạn định thời gian với mục tiêu để phòng và giảm tử vong do sốt rét, giảm tỷ lệ mắc, và giảm thiệt hại do sốt rét gây ra.

Từ năm 1977 nước ta đã chuyển chiến lược tiêu diệt sốt rét sang chiến lược thanh toán sốt rét không hạn định. Trước tình hình sốt rét trầm trọng trên phạm vi cả nước, nhất là ở các tỉnh phía Nam, ngày 20/6/1977, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị “… đến năm 1980 phải thanh toán về cơ bản bệnh sốt rét trong cả nước", ... ở các tỉnh phía Nam trong 2 năm 1977 - 1978 phải tập trung đẩy mạnh công tác chống sốt rét..., năm 1979 - 1980 phải thanh toán về cơ bản bệnh sốt rét…; phải nhanh chóng xây dựng và củng cố lực lượng chuyên môn làm công tác chống sốt rét; ...". Đối với các tỉnh phía Nam, việc củng cố, xây dựng lực lượng chuyên khoa đủ mạnh để thiết lập hệ thống tiêu diệt sốt rét thống nhất trên phạm vi cả nước là yếu tố quan trọng hàng đầu đảm bảo được việc thực hiện tốt nhiệm vụ. Dưới sự chỉ đạo và hỗ trợ tích cực của Bộ Y tế, công tác tổ chức và xây dựng lực lượng chuyên khoa triển khai nhanh chóng và thuận lợi.

Ngày 18/01/1977, Bộ Y tế ban hành Quyết định công nhận và xác định tên gọi các đơn vị sự nghiệp tại Ban Y tế B2 cũ thuộc hệ thống y tế trung ương, Phân viện Sốt rét - Ký sinh trùng và Côn trùng TP. Hồ Chí Minh được thành lập. Như vậy sau một thời gian hình thành, xây dựng và phát triển trong chiến tranh, sau một thời gian củng cố, sắp xếp tổ chức bộ máy, ngày 18/01/1977, Phân viện Sốt rét - KST và CT TP. HCM là đơn vị y tế trực thuộc Bộ Y tế nước CHXHCN Việt Nam chính thức được thành lập.

CBVC Phân viện điều tra và PCSR tại thực địa (Đồng Xoài 1978)

- Năm 1977 cũng là năm hệ thống mạng lưới chuyên khoa nhanh chóng được xác lập và thống nhất trên phạm vi cả nước, dưới sự chỉ đạo thống nhất về chuyên môn của Viện Sốt rét - KST và CT (Trung ương). Phạm vi khu vực phụ trách của Phân viện gồm các tỉnh từ Lâm Đồng trở vào (các tỉnh thuộc B2 cũ), Phân viện trưởng là bác sĩ Nguyễn Long Giang, các Phó Phân viện trưởng là bác sĩ Lê Văn Hạnh và bác sĩ Phạm Văn Dần. Phân viện có khối giúp việc là Phòng Hành chính quản trị (bao gồm cả kế hoạch, vật tư), Tổ Tổ chức cán bộ (bao gồm cả công tác bảo vệ), Tổ Kế toán - Tài vụ; khối chuyên môn gồm Phòng Chỉ đạo địa phương (bao gồm dịch tễ, chỉ đạo điểm ký sinh trùng, côn trùng sốt rét, huấn luyện, tuyên truyền, thư viện), Phòng Nghiên cứu (bao gồm cả côn trùng, nghiên cứu điều trị lâm sàng, thực nghiệm và dược).

BT BYT Nguyễn Văn Hưởng và GS. Vũ Thị Phan tại Hội nghị sốt rét miền Nam (1978)

Ngày mới thành lập, Phân viện Sốt rét - KST và CT TP. HCM cũng như các tỉnh, thành phố rất thiếu nhân viên chuyên môn kỹ thuật. Ở các tỉnh chỉ có một số đội lưu động phòng chống dịch. Trước thực tế đó, công tác đào tạo, huấn luyện cán bộ chuyên khoa cho các tỉnh phía Nam hết sức bức bách. Do kinh phí đào tạo hạn hẹp, Phân viện Sốt rét - KST và CT TP. HCM đã có phương pháp đào tạo và đào tạo lại có hiệu quả. Phân viện giao nhiệm vụ cho y tế cơ sở huấn luyện các đối tượng, sau đó Phân viện bồi dưỡng thêm và tổ chức thi. Theo phương thức này, kinh phí đào tạo một lớp có thể triển khai 2 lớp. Phân viện chú trọng đào tạo trưởng phòng xét nghiệm mà hạt nhân là những xét nghiệm viên giỏi.

Chuyên gia sốt rét Liên Xô hỗ trợ kỹ thuật PCSR

Năm 1979, 1980, công cuộc thanh toán sốt rét ở nước ta được thực hiện trong điều kiện có nhiều khó khăn đột xuất. Cuộc chiến tranh biên giới phía Tây Nam và phía Bắc nổ ra, hậu quả lớn của thiên tai lũ lụt trong mấy năm liền ở nhiều tỉnh, dẫn đến một bộ phận rất lớn cán bộ, nhân dân, học sinh từ đồng bằng lên miền núi làm kinh tế làm cho công tác quản lý và phòng chống bệnh gặp nhiều khó khăn; các vùng kinh tế mới tiếp tục được mở rộng; các nông trường, công trình giao thông, thủy lợi xây dựng ở nhiều tỉnh trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn. Thời gian này, các đoàn chuyên gia từ Liên Xô (cũ), từ Viện Sốt rét - KST - CT (Trung ương) đã nhiều lần đến làm việc và giúp đỡ Phân viện về chuyên môn kỹ thuật và phối hợp nghiên cứu, điều tra, chỉ đạo phòng chống sốt rét.

Từ năm 1981 đến 1988, nguồn thuốc men, hoá chất và dụng cụ phòng chống sốt rét do nước ngoài viện trợ giảm dần. Ký sinh trùng sốt rét ở nhiều nơi kháng thuốc, muỗi kháng DDT. Mạng lưới y tế cơ sở xuống cấp, tình hình sốt rét ở nước ta bắt đầu có những chuyển biến phức tạp. Bệnh sốt rét đã dần dần tăng trên phạm vi cả nước. Đời sống của nhân dân đều thiếu thốn, các đoàn người tự phát đi đãi vàng, tìm trầm hương, v.v ở khắp các vùng trung du, miền núi, khiến việc quản lý bệnh gặp nhiều trở ngại. Trong khi đó, bộ máy y tế cơ sở tiếp tục xuống cấp, nhiều nơi không có kinh phí hoạt động, giai đoạn này Phân viện Sốt rét - KST và CT TP. HCM cũng gặp nhiều khó khăn cả về thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, đời sống cán bộ và nhân lực. Năm 1985, Bộ Y tế bổ nhiệm Bác sĩ Phạm Thị Hòa làm Phó Phân viện trưởng, bổ sung thay Bác sĩ Lê Văn Hạnh và Nguyễn Văn Nam nghỉ hưu.

Từ năm 1989, Chương trình phòng chống sốt rét và thanh toán sốt rét được đưa lên thành Chương trình y tế quốc gia ưu tiên và là một trong những công tác trọng tâm của ngành y tế nước ta. Đến cuối năm 1989 đầu năm 1990, mặc dù đã có rất nhiều cố gắng, nhưng tình hình sốt rét vẫn hết sức nghiêm trọng. Do những khó khăn lớn về kỹ thuật, như phun DDT toàn diện ở những vùng có An.dirusAn.minimus trú ẩn ngoài nhà không cắt đứt được sự lây truyền bệnh. Trong điều trị, ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc với tỷ lệ cao (trên 70%), phạm vi kháng rộng và đã có đa kháng ở một vài khu vực trọng điểm sốt rét như miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ. Trong khi đó, toàn bộ viện trợ nước ngoài dường như cạn kiệt, ngay đến DDT, mặc dù không còn mấy hiệu lực cũng hết. Do thiếu điều kiện để duy trì thành quả thanh toán sốt rét, nên sốt rét đã quay trở lại trên phạm vi toàn quốc.

GIAI ĐOẠN TỪ 1991 ĐẾN NAY

Đại tướng Võ Nguyên Giáp phát biểu chỉ đạo Hội nghị PCSR 1991

Năm 1991, tình hình sốt rét trên cả nước đã trở nên rất nghiêm trọng đến mức báo động: hơn l triệu người mắc sốt rét, 144 vụ dịch xảy ra, 4.646 người chết vì sốt rét. Để đáp ứng yêu cầu của sự chuyển hướng chiến lược, năm 1991, Bộ Y tế đã quyết định thành lập Ban chủ nhiệm Chương trình quốc gia phòng chống sốt rét do Bộ trưởng làm chủ nhiệm. Là một chương trình y tế quốc gia ưu tiên, Chương trình quốc gia phòng chống sốt rét 1991 - 1995 đã được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ bằng nhiều biện pháp, cả về chuyên môn kỹ thuật lẫn việc tổ chức thực hiện; thuốc sốt rét được cung cấp ngày càng đầy đủ và nhiều loại có hiệu lực cao; các biện pháp phòng chống trung gian truyền bệnh như phun tồn lưu, tẩm màn ngày càng có điều kiện mở rộng. Năm 1995, Bộ Y tế bổ nhiệm Thạc sĩ Nguyễn Quốc Hưng và Cử nhân Đinh Văn Sự làm Phó Phân viện trưởng. Năm 1996 bổ nhiệm Thạc sĩ Nguyễn Quốc Hưng làm Phân viện trưởng thay thế Bác sĩ Nguyễn Long Giang nghỉ hưu, đồng thời bổ nhiệm Cử nhân Phạm Xuân Đỉnh làm Phó Phân viện trưởng, năm 1995 Bác sĩ Phạm Thị Hòa nghỉ hưu.

BT BYT Đỗ Nguyên Phương làm việc và chỉ đạo PCSR khu vực tại Viện (1995)

Từ năm 1997 đến năm 2000 công cuộc đổi mới của đất nước đạt được những thành tựu quan trọng, Chương trình quốc gia phòng chống sốt rét với các biện pháp chuyên môn kỹ thuật như sử dụng thuốc điều trị mới artemisinin và tẩm màn bằng hóa chất mới permethrin đã chặn được sự bùng nổ của dịch, đẩy lùi một bước bệnh sốt rét và bắt đầu hướng tới các yếu tố bền vững. Cùng với hệ thống phòng chống sốt rét cả nước, Phân viện Sốt rét - KST - CT TP. HCM cũng đã bước vào giai đoạn phát triển về chất, nâng cao hiệu quả hoạt động, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, chỉ đạo chuyên khoa, đào tạo tập huấn và các hoạt động hợp tác quốc tế được thực hiện.

BT. BYT Trần Thị Trung Chiến tại Lễ công bố nâng cấp và đổi tên Phân viện

Ngày 15/5/2003, Chính phủ ban hành Nghị định sắp xếp các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Y tế, theo đó, ngày 18/6/2003 Bộ Y tế ban hành Quyết định nâng cấp và đổi tên Phân viện Sốt rét - KST - CT TP. HCM thành Viện Sốt rét - KST - CT TP. HCM. Lãnh đạo viện gồm Thạc sĩ Nguyễn Quốc Hưng, Viện trưởng, các Phó viện trưởng gồm Cử nhân Đinh Văn Sự, Thạc sĩ Phạm Xuân Đỉnh và năm 2008, Bộ Y tế điều chuyển bổ sung Thạc sĩ Lương Trường Sơn, Phó giám đốc Bệnh viện Phong - Da liễu trung ương Quy Hòa làm Phó Viện trưởng. Theo quy định tại Điều lệ tổ chức và hoạt động, Viện có 12 khoa, phòng, trung tâm và trại, bao gồm Khoa Dịch tễ sốt rét, Khoa Ký sinh trùng, Khoa Côn trùng, Khoa Sinh học phân tử và Miễn dịch, Phòng Kế hoạch tổng hợp, Phòng Tổ chức - Hành chính - Quản trị, Phòng Tài chính - Kế toán, Phòng Quản lý khoa học và Đào tạo, Khoa Nghiên cứu lâm sàng và Khám bệnh chuyên ngành, Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Trung tâm Dịch vụ khoa học kỹ thuật, Trại Chăn nuôi và Thực nghiệm.

Đến năm 2008, 2009, Viện gặp nhiều khó khăn về bộ máy lãnh đạo Viện do Viện trưởng Nguyễn Quốc Hưng đột ngột từ trần, các Phó Viện trưởng Đinh Văn Sự, Phạm Xuân Đỉnh lần lượt nghỉ hưu, do đó, tháng 3/2009, Bộ Y tế quyết định bổ nhiệm Tiến sĩ Lê Thành Đồng từ Bộ Y tế về làm Viện trưởng, Phó Viện trưởng là Thạc sĩ Lương Trường Sơn.

Đoàn khảo sát của WHO về P. falciparum kháng artemisinin tại xã Dak Nhau (Bình Phước), 2010

Về thành quả đạt được trong phòng chống sốt rét, hòa chung với những nỗ lực to lớn của ngành y tế, đặc biệt là những cán bộ nhân viên trong hệ thống phòng chống sốt rét cả nước, công cuộc phòng chống sốt rét đã đạt được những kết quả to lớn. So với đỉnh cao của bệnh năm 1991, từ 144 số vụ dịch, đến nay nhiều năm liền không còn dịch xảy ra. Số bệnh nhân sốt rét từ trên một triệu người năm 1991, đến nay chỉ còn khoảng 50.000; riêng ở khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng, từ năm 1991 - 1993, hàng năm có trên 300.000, năm 1994 - 1997 hàng năm có từ trên 100.000 đến hơn 200.000 người mắc sốt rét, bắt đầu từ năm 1998, số mắc sốt rét chỉ còn hàng chục ngàn và từ năm 2007 đến nay chỉ còn dưới chục ngàn người mắc sốt rét hàng năm. Số người chết do sốt rét từ 4.646 trường hợp năm 1991 đến nay chỉ còn hàng chục; riêng ở khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng, từ năm 1991 đến 1993, hàng năm tử vong do sốt rét từ 300 đến hơn 800 người, đến năm 1997 chỉ còn 26 người, bắt đầu từ năm 1998, tử vong do sốt rét dao động một vài chục người. Phạm vi lưu hành bệnh sốt rét đã thu hẹp, tập trung chủ yếu tại các tỉnh khu vực miền Trung, Tây Nguyên và các tỉnh Đông Nam Bộ, khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, tình hình bệnh sốt rét trong thời gian gần đây ở khu vực có xu hướng gia tăng trở lại, ký sinh trùng sốt rét, tử vong do sốt rét đều không ổn định và có xu hướng gia tăng trong năm 2009, 2010 và 6 tháng năm 2011. Đặc biệt ở khu vực là nơi năm 2009 phát hiện ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc xảy ra (P. falciparum kháng artesunat).

PHÒNG CHỐNG CÁC BỆNH KÝ SINH TRÙNG, CÔN TRÙNG, NGOẠI KÝ SINH, SỐT XUẤT HUYẾT

Công tác phòng chống các bệnh ký sinh trùng:

Giám sát công tác tẩy giun cho HSTH tại Sóc Trăng

Tổ chức tẩy giun tại trường học

Vệ sinh môi trường PCGS

Công tác phòng chống các bệnh do ký sinh trùng khác cũng từng bước được quan tâm, đầu tư hoạt động, Viện đã tiến hành thực hiện một số hoạt động điều tra giun sán tại một số vùng trọng điểm, chuẩn bị tiến hành điều tra tổng thể để phân vùng dịch tễ bệnh giun sán và các bệnh ký sinh trùng khác, xây dựng và thực hiện dự án/chương trình phòng chống giun sán cho trẻ em, học sinh và cộng đồng khu vực, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Từ 2010- 2013 Viện Sốt rét – KST – CT TP. HCM xây dựng và thực hiện “Dự án phòng chống giun sán trẻ em lứa tuổi học đường khu vực NB – LĐ”.

Năm 2015 Viện Xây dựng đề cương nghiên cứu đề tài cấp Bộ: “Nghiên cứu tình trạng nhiễm một số loài giun, sán phổ biến ở khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng và đánh giá kết quả một số biện pháp phòng chống giun, sán dựa vào cộng đồng”.

Các hoạt động này giúp cho việc xây dựng bản đồ phân bố tình hình nhiễm ký sinh trùng của khu vực và hướng tới mục tiêu xã hội hóa công tác PCGS góp phần nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Công tác phòng chống côn trùng truyền bệnh

Phối hợp với WHO trong công tác phòng chống dịch bệnh

Các biện pháp can thiệp phòng chống véc tơ phải được xây dựng dựa trên những đặc điểm sinh thái học,sinh học véc tơ (thành phần loài véc tơ, phân bố, khả năng truyền bệnh, mùa sinh sản và phát triển, các giai đoạn phát triển, các đặc điểm liên quan đến vai trò truyền bệnh và mùa truyền bệnh ...). Viện đã tiến hành giám sát véc tơ thường xuyên để nắm được diễn biến của các quần thể véc tơ theo không gian và thời gian. Đánh giá nhạy kháng của hóa chất phun diệt muỗi, đồng thời tổ chức tập huấn thường xuyên về quy trình giám sát véc tơ và xử lý ổ dịch tuyến cơ sở.Từ đó có chiến lược và biện pháp phòng chống véc tơ phải phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương của khu vực.

Phòng chống có trọng tâm, trọng điểm: tiến hành các biện pháp phòng chống véc tơ. Sử dụng các biện pháp phòng chống véc tơ tổng hợp, kết hợp các biện pháp cơ - lý - hoá - sinh học… để phòng chống véc tơ.

Lồng ghép phòng chống véc tơ với các hoạt động, các chương trình y tế khác và chương trình chăm sóc sức khoẻ ban đầu. Xã hội hoá công tác phòng chống véc tơ, hoạt động phòng chống véc tơ với sự tham gia của cộng đồng.

Công tác ngoại ký sinh

Thu thập ngoại ký sinh

Điều tra ngoại ký sinh tại thực địa

Công tác ngoại ký sinh, bắt đầu từ năm 2010, Viện đã củng cố lại tổ chức và chỉ đạo các hoạt động nghiên cứu khoa học, điều tra, đánh giá tình hình ngoại ký sinh ở khu vực. Trước hết, tập trung xác định thành phần loài, phân bố của các ngoại ký sinh, đặc biệt là ngoại ký sinh đã được xác định có vai trò truyền bệnh để định hướng nghiên cứu tiếp, đồng thời làm cơ sở khoa học để tham mưu giúp Bộ Y tế chỉ đạo các hoạt động phòng chống bệnh từ động vật lây sang người, các bệnh mới nổi có nguồn gốc từ động vật.

Đã thực hiện một số đề tài khoa học cấp cơ sở như điều tra và đánh giá tình hình ngoại ký sinh ở khu vực. Xây dựng và thực hiện đề tài cấp bộ: “Xác định thành phần loài, sự lưu hành tác nhân gây bệnh và đề xuất quy trình giám sát một số loài chân đốt y học ở Khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng”. Để nắm bắt được những kỹ thuật chuyên môn triển khai hoạt động Viện đã không ngừng đào tạo cán bộ khoa và tập huấn tuyến cơ sở về lĩnh vực NKS, thực địa tại cộng đồng thu thập mẫu và xét nghiệm chẩn đoán bằng các phương pháp kỹ thuật cao. Bên cạnh đó công tác truyền thông cộng đồng luôn được quan tâm qua các kênh thông tin về y tế.

Công tác phòng chống sốt xuất huyết

TT BYT. Nguyễn Thanh Long chỉ đạo phòng chống sốt xuất huyết

Năm 2009, theo sự phân công của Bộ Y tế về công tác phối hợp phòng chống bệnh sốt xuất huyết ở khu vực, Viện đã tiếp nhận và triển khai các hoạt động giám sát côn trùng sốt xuất huyết, diệt véc tơ, xử lý các ổ dịch tại các địa phương, phối hợp với các Viện tại khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng thành lập Đoàn công tác đi kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác phòng chống dịch do vi rút sốt xuất huyết tại các địa phương có nguy cơ cao.

Tổ chức các đợt giám sát véc tơ và hoạt động xử lý ổ dịch sốt xuất huyết, Trọng tâm các đợt giám sát tại địa phương Viện tập trung vào công tác giám sát, kiểm soát véc tơ, kế hoạch và hiệu quả can thiệp, xử lý ổ dịch của địa phương. Qua giám sát đoàn Viện đã kịp thời chỉ ra các điểm thiếu sót trong kế hoach, cách triển khai của địa phương góp phần ngăn chặn dịch SXHD.

Thực hiện hoạt động đánh giá sự nhạy kháng của hóa chất phun đối với các loại hóa chất phun trong chương trình phòng chống sốt xuất huyết. Với kết quả đánh giá thử nghiệm hóa chất phun diệt muỗi tại thực địa hẹp trong chương trình phòng chống sốt xuất huyết trong những năm gần đây cho thấy: Đa số các loại hóa chất thuộc nhóm Pyrethroids vẫn còn có hiệu lực diệt tốt.

Công tác nghiên cứu khoa học thực hiện nhiều nghiên cứu về lĩnh vực phòng chống véc tơ có ý nghĩa trong thực tiễn.

Tham gia giám sát, chỉ đạo phun, xử lý ổ dịch

Chỉ đạo xử lý ổ dịch SXH

Nhằm hỗ trợ địa phương trong hoạt động xử lý ổ dịch đạt hiệu quả. Viện đã tổ chưc tập huấn cho cán bộ y tế địa phương : Tăng cường kiểm soát véc tơ sốt xuất huyết tại các điểm nóng khu vực phía Nam, xử lý ổ dịch….

Về đào tạo, xây dựng nhân lực: Viện đã tổ chức đào tạo lại, đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý và cán bộ chuyên môn kỹ thuật chuyên ngành sốt rét, ký sinh trùng và côn trùng truyền bệnh cho các tuyến tỉnh, huyện thuộc khu vực các tỉnh Nam Bộ và tỉnh Lâm Đồng. Tham gia đào tạo cán bộ đại học và sau đại học về chuyên ngành sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng truyền bệnh tại cơ sở đào tạo theo quy định của pháp luật.

BT BYT. Nguyễn Quốc Triệu thăm và chỉ đạo công tác (2009)

Với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, với tình hình dịch bệnh và nhu cầu thực tế của khu vực, trước nguy cơ bệnh sốt rét có thể bùng phát trở lại, các bệnh ký sinh trùng và bệnh do côn trùng, ngoại ký sinh chưa được giải quyết thỏa đáng, việc triển khai xây dựng và phát triển đơn vị còn hạn chế, do đó, để duy trì thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, phát huy những thành quả đạt được, triển khai thêm nhiệm vụ công tác mới, năm 2009, Viện đã xây dựng và được Bộ Y tế phê duyệt Đề án Quy hoạch phát triển Viện đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, năm 2010, Bộ Y tế tiếp tục phê duyệt Đề án Kiện toàn tổ chức và hoạt động của Viện, theo đó Viện có 15 khoa, phòng, trung tâm. Năm 2012 được Bộ Y tế xếp hạng là Viện hạng I.

Kế thừa bộ máy tổ chức và kinh nghiệm sẵn có, với đội ngũ nhân lực vẫn nhiệt huyết với công cuộc phòng chống sốt rét, ký sinh trùng và côn trùng của Viện và các địa phương, việc nghiên cứu, chỉ đạo và thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn không ngừng được duy trì, đẩy mạnh. Hiện tại, nhiều cán bộ của Viện tiếp tục theo học đại học, thạc sĩ, tiến sĩ về các lĩnh vực liên quan đến nhiệm vụ của Viện, nhiều đề tài nghiên cứu được xây dựng và thực hiện, đời sống của cán bộ từng bước được nâng cao.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại buổi

Lễ kỷ niệm 35 năm thành lập

Trải qua 40 năm hình thành và phát triển, song song với tiến hành công cuộc phòng chống bệnh sốt rét, phòng chống bệnh ký sinh trùng và côn trùng, việc thực hiện nhiệm vụ của Viện luôn gắn chặt đường lối y tế của Đảng, với sự nghiệp phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những thành tựu mà Viện đã đạt được trong phòng chống bệnh sốt rét, phòng chống các bệnh ký sinh trùng và côn trùng truyền bệnh là những đóng góp lớn cho ngành y tế và cho đất nước, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ sức khỏe nhân dân. Có được kết quả đó là do sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Y tế. Đó là cả một quá trình phấn đấu, hy sinh gian khổ của nhiều thế hệ cán bộ viên chức, người lao động của Viện, đó là những nhân tố quan trọng hàng đầu, tạo nên sức mạnh, góp phần quyết định đảm bảo việc thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ.

PGS.TS. Lê Thành Đồng (sưu tầm và biên soạn)