MUỖI AEDES

1. VỊ TRÍ PHÂN LOẠI

Giới

Động vật

Ngành

Chân khớp

Lớp

Côn trùng

Bộ

Hai cánh

Họ

Culicidae

Giống

Aedes

2. THÀNH PHẦN LOÀI VÀ PHÂN BỐ

2.1. Trên thế giới

Aedes là một giống muỗi được tìm thấy đầu tiên ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, nhưng ngày nay người ta đã phát hiện được chúng có mặt ở tất cả các châu lục ngoại trừ Nam Cực. Một số loài phân bố khắp nơi là do hoạt động đi lại của con người. Aedes albopictus, được xem là loài xâm lấn lớn nhất, gần đây chúng đã cơ mặt ở thế giới mới, bao gồm cả Hoa Kỳ, do hoạt động buôn bán lốp xe. Giống muỗi Aedes được mô tả đầu tiên và được đặt tên bởi nhà côn trùng học người Đức Johann Wilhelm Meigen vào năm 1818, tên chung xuất phát từ tiếng Hy Lạp cổ đại aēdēs, có nghĩa là " unpleasant = khó chịu" hoặc " odious = đáng ghét" [8]. Giống Aedes là giống lớn nhất với 931 loài thuộc 78 giống phụ (Wilkerson và cộng sự 2015) [9]

2.2.Việt Nam

Theo thống kê của Nguyễn Văn Dũng và cộng sự, 2015 [2]. Ở Việt Nam có 35 loài: Ae. hirsutipleura, Ae. agrestis , Ae. uniformis, Ae. alboscutellatus, Ae. caecus, Ae. culicinus, Ae. jamesii, Ae. mediolineatus, Ae. niveoscutelum, Ae. pampagensis, Ae. taeniorhynchoites, Ae. vexans, Ae. alongi, Ae. eldridgei, Ae. helenae, Ae. manhi, Ae. cancricomes, Ae. ibis, Ae.imprimens, Ae. vittatus, Ae. amesii, Ae. lineatopennis, Ae. ostentatio, Ae. thailandensis, Ae. albolineatus, Ae. aegypti, Ae. albopictus, Ae. annandalei, Ae. desmotes, Ae. gardnerii imitator, Ae. malayensis, Ae. mediopunctatus, Ae. patriciae, Ae. pseudalbopictus, Ae.walbus. Theo Trần Thanh Dương và cộng sự, 2015, ở Việt Nam đã phát hiện 59 loài thuộc, 16 phân giống [3].

Tuy nhiên số loài có khả năng truyền bệnh được xem là véc tơ truyền bệnh Sốt xuất huyết chỉ 2 loài là Aedes aegyptiAedes albopictus.

Muỗi Ae. aegypti là loài trú ẩn, tiêu máu trong nhà diển hình. Kết quả nghiên cứu cho thấy muỗi Ae. aegypti ở trong nhà là chủ yếu. Những nơi thuờng gặp muỗi Ae. aegypti trú dậu và nghỉ chủ yếu ở những nơi tối, khuất gió như ở quần áo treo trong nhà, chăn, màn, chiếm trên 90%. Ngoài ra, còn gặp chúng đậu ở dây phơi và các đồ vật khác. Trên tuờng vách gặp Ae. aegypti với tỉ lệ rất thấp. Ae. aegypti thuờng đẻ trứng ở những nơi nuớc sạch chứa trong chum vại, bể, lọ hoa, phuy nuớc, chậu cây cảnh, chai lọ, vỏ dừa, lốp ô tô cũ, máng nuớc, đôi khi có ở hốc cây, kẽ lá (dừa, chuối, bẹ khoai) ở trong và quanh nhà những nơi râm mát, bọ gậy ưa nuớc có độ pH hơi axít, nhất là nuớc mưa.

Ae. albopictus sống ở ngoài nhà, ẩn núp duới các bụi cây gần nhà hay xa nhà. Hiện nay đôi khi bắt gặp muỗi trú đậu trong nhà. Muỗi Ae. albopictus đẻ trứng ở nơi nuớc sạch ngoài tự nhiên như: hốc cây, kẽ lã … đôi khi ở dụng cụ chứa nuớc: Chum vại, châu cây cảnh, chai lọ, vỏ dừa, lốp xe ô tô cũ, máng nuớc ở ngoài nhà.

Phân bố cụ thể của 2 loài muỗi Ae. aegypti Ae. albopictus tương đối khác nhau tại các vùng miền khác nhau. Higa và cộng sự đã tiến hành điều tra muỗi Aedes dọc trên quốc lộ 1A (không điều tra trong nhà) từ Lạng Sơn đến Cà Mau năm 2008. Kết quả cho thấy tại khu vực Miền Bắc, muỗi Ae. albopictus nhiều hơn so với muỗi Ae. aegypti, tuy nhiên kết quả lại ngược lại đối với khu vực Miền Nam, Miền Trung và Tây Nguyên, muỗi Ae. aegypti lại nhiều hơn so với muỗi Ae. albopictus. Tại một số tỉnh thành phố của khu vực Miền Bắc như Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng, Bắc Giang, Quảng Ninh và Bắc Ninh muỗi Ae. aegypti tập trung nhiều tại trung tâm tỉnh/thành phố, nơi tập trung đông người và bên cạnh đó muỗi Ae. albopictus có xu hướng lan tới các vùng xa trung tâm như nông thôn và vùng núi.

2.3. Khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng

Theo Nguyễn Văn Châu, 2012 [1], nghiên cứu về thành phần loài ruồi và muỗi tại một số Vườn Quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên ở Nam Bộ tại Vườn quốc gia Cát Tiên, khu Bảo tồn Thiên nhiên Cần Giờ, Vườn quốc gia Côn Đảo và Vườn quốc gia

Phú Quốc đã xác đinh được 22 loài muỗi thuộc giống Aedes: Aedes aegypti, Ae. albopictus, Ae. amesii, Ae. andamanensis, Ae. annandalei, Ae. caecus, Ae. cancricomes, Ae. desmotes, Ae. dux, Ae. eldriger, Ae. helenac, Ae. imprimens, Ae. laniger, Ae. lineotopennis, Ae. maclalanei, Ae. mediolineatus , Ae. niveus, Ae. poicilius, Ae. pulcheiventer, Ae. vexans, Ae. vigilax, Ae. vittatus.

Trong đó có hai vé tơ chính truyền bệnh sốt xuất huyết ở khu vực:

  • Aedes aegypti

  • Ae. albopictus

3. ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC

3.1. Đặc điểm hình thể

3.1.1 Trứng Aedes

Ở hầu hết các loài, trứng có hình bầu dục, một đầu rộng và một đầu hẹp, đầu rộng có một lỗ noãn được bao bọc bởi vòng globulin trong suốt. Trứng của giống muỗi Aedes nhỏ không có phao nổi. Muỗi đẻ trứng trên những giá thể ẩm ướt không trực tiếp đẻ vào nước. Trứng có dạng con thuyền nhỏ, mặt trên phẳng và mặt dưới cong. Trứng được đẻ thành từng cái rời rạc bám trên thành các dụng cụ chứa nước. Trứng muỗi được bao bọc bởi 3 lớp màng: màng vàng, màng chorion trong (màu đen) và màng chorion ngoài. Mỗi con muỗi cái từ 60 -100 trứng /lần đẻ, trứng muỗi có màu đen.

Hình 2.1. Hình thể trứng muỗi Aedes [10]

3.1.2. Bọ gậy Aedes

Cơ thể bọ gậy chia ra làm ba phần: đầu, ngực và bụng. Đặc điểm đặc trưng của bọ gây Aedes có một chùm lông nằm ở giữa ống thở. Tỷ lệ giữa chiều dài và chiều rộng của ống thở gọi là chỉ số ống thở. Bọ gậy giống Aedes thường có chỉ số ống thở nhỏ, đa số lớn hơn 1 và chỉ số có một đôi chùm lông ở ống thở.

Hình 2.2. Hình thể bọ gậy muỗi Aedes [10]

3.1.3. Quăng Aedes

Quăng (nhộng) của muỗi Culicidae nói chung và muỗi Aedes nói riêng. Bên ngoài quăng được bao bọc bởi lớp vỏ màu sẫm. Cơ thẻ quăng chia thành 2 phần: đầu ngực và bụng, phần đầu ngực có dạng hình cầu. Phía trước đầu tương đối phẳng và có phần phụ miệng. Ở hai bên đầu có một đôi mắt kép lớn và phía sau mắt kép là 5 mắt đơn. Phía trước mắt kép là gốc râu. Đốt gốc râu của quăng đực lớn hơn quăng cái. Râu áp sát vào mặt bên của phần ngực. Trên lưng ngực mang đôi ống thở hình trụ. Phần bụng có chín đốt, từ đốt II đến đốt VII có cấu tạo tương đối giống nhau, đốt I nhỏ hơn, đốt VII mang vây đuôi và di tích đốt IX, trên phần bụng có cấu trúc lông.

Hình 2.3.Hình thể nhộng (pupa) muỗi Aedes [11]

3.1.4. Muỗi Aedes trưởng thành

Chỉ số dùng để chỉ độ lớn của muỗi là chiều dài của cánh. Màu sắc của muỗi cũng thay đổi theo từng loài, từng giống. Giống Aedes thường có màu đen và ánh bạc, giống Culex có màu nâu hoặc vàng rơm. Có loại màu nâu và có nhiều đốm trắng như muỗi Mansonia, Coquillenttidia. Muỗi Aedes có kích thước trung bình, độ dài sải cánh vào khoảng từ 4,5-5mm. Muỗi Aedes thường có màu đen, điểm nhiều vẩy trắng bạc tập trung thành từng cụm hay từng đường trên mình muỗi nên được gọi là muỗi vằn. Cơ thể muỗi được chia làm ba phần: đầu, ngực và bụng.

Đa số các loài thuộc giống Aedes có kích thước trung bình và nhỏ màu đen có phủ vảy trắng bạc tập trung thành từng cụm hoặc từng đường tùy theo từng loại, vòi thon và thẳng có lông sau lỗ thở. Ở trên mặt lưng ngực có hai đường vẩy trắng bạc phình ra, như hai nửa vòng cung ôm hai bên lưng nên gọi là hình đàn, đầu muỗi có hai đốm vảy trắng bạc đính ở gốc râu, đỉnh pan trắng. Trên mặt lưng ở gốc các đốt II đến VIII đếu có đường vẩy trắng ngang từng đốt, gốc các đốt bàn chân sau có những khoang trắng, riêng đốt bàn chân thứ V trắng hoàn toàn.

Hình 2.4. Hình thể muỗi Aedes trưởng thành [12]

3.2. Vòng đời phát triển

Ở những nơi khí hậu ấm áp, thời gian từ trứng phát triển thành bọ gậy mất khoảng từ 4 đến 7 ngày hoặc có thể dài hơn nếu nguồn nước thiếu thức ăn. Sau đó, bọ gậy phát triển hết và chuyển thành loăng quăng, còn gọi là cung quăng có hình dấu phẩy; loăng quăng không ăn và hầu như chỉ ở trên mặt nước nhưng khi bị khuấy động chúng cũng lặn nhanh xuống đáy nước để tránh nguy hiểm. Khi loăng quăng phát triển đến mức độ phù hợp thì muỗi trưởng thành nở ra và chui qua vỏ loăng quăng đã được tách ra ở một đầu. Ở vùng nhiệt đới, giai đoạn phát triển từ loăng quăng thành muỗi trưởng thành mất khoảng từ 1 đến 3 ngày.

Hình 2.5.Vòng đời phát triển của muỗi Aedes [13]

Như vậy toàn bộ thời gian từ trứng muỗi nở thành muỗi trưởng thành ở điều kiện tốt nhất chiếm khoảng từ 7 đến 13 ngày; trong đó giai đoạn trứng nở ra bọ gậy từ 2 đến 3 ngày, bọ gậy phát triển thành loăng quăng từ 4 đến 7 ngày và loăng quăng nở thành muỗi trường thành từ 1 đến 3 ngày, thời gian tiêu sinh của muỗi khoảng 5 ngày. Muỗi cái sống từ 20 đến 40 ngày, muỗi đực sống ngắn hơn từ 9 đến 12 ngày; số lượng trứng đẻ của mỗi con muỗi cái từ 60-100 trứng/lần đẻ,trứng muỗi có màu đen, riêng rẻ từng quả một đính vào thành vật chứa hay chìm xuống nước.

Tỷ lệ sống sót từ trứng à muỗi trưởng thành: 59,7%

Bọ gậy và lăng quăng là hai giai đoạn khác nhau trong chu kỳ phát triển được gọi chung là ấu trùng muỗi. Về phân biệt các loài muỗi, chỉ có trứng, bọ gậy và muỗi trưởng thành mới có những đặc điểm để phân loại, nhận biết từng loài; riêng lăng quăng ít có sự khác biệt giữa các loài nên khó phân biệt. Giai đoạn bọ gậy phát triển từ tuổi I đến tuổi IV có thời gian dài hơn lăng quăng nên dễ phát hiện, còn lăng quăng chỉ trong thời gian ngắn đã nở thành muỗi trưởng thành. Nếu diệt được ấu trùng muỗi có thể chủ động ngăn ngừa được dịch bệnh sốt xuất huyết phát triển vì mật độ hoạt động của muỗi trưởng thành đã được khống chế hạ thấp.

3.3. Tập tính

Hình 2.6. Vị trí muỗi Aedes thường đẻ trứng [14]

Muỗi trưởng thành đẻ trứng chỗ mép nước, trứng có vỏ dày, khi mới đẻ trứng có lớp chất dính để bám vào thành dụng cụ chứa nước. Nếu gặp môi trường thuận lợi, trứng nở thành bọ gậy sau 2-5 ngày. Nếu ở trạng thái khô hạn, trứng có thể tồn tại trên 6 tháng.

Muỗi trưởng thành hút máu vào ban ngày, hoạt động mạnh vào thời điểm bình minh (6-8 giờ) và trước hoàng hôn (16-18 giờ). Muỗi Aedes hút cả máu người lẫn máu động vật khác (chó, mèo, lợn, gà). Khoảng bay trung của muỗi cái Ae. aegypti từ vị trí mà chúng được đẻ và phát triển thành muỗi khoảng 400 m [15]

Muỗi Aedes có thể sinh sản và phát triển ở các điểm ở ngoài nhà để lây nhiễm bệnh, chúng có thể phát triển từ đống rác, vỏ xe, vật liệu xây dựng, máng nước, bể nước, các chậu cây cảnh đọng nước và nhiều loại vật chứa. Tại nhiều khu vực, trong mùa hè nắng nóng, khô hạn, ngoài những trận mưa giông giải nhiệt, các hộ gia đình thường lắp đặt thiết bị vòi nước phun sương trên các mái nhà hàng ngày để giải nhiệt. Ngoài lợi ích giải nhiệt, nước mưa, vòi nước phun, ống xả nước của điều hòa còn có thể là nơi tạo nên các ổ chứa lăng quăng thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sinh sản phát triển và truyền bệnh.

4. VAI TRÒ Y HỌC

4.1. Truyền Arbovirus

Arbovirus là chữ viết tắt của Arthropod – borne viruses, là nhóm các vi rút gây bệnh qua trung gian động vật chân khớp (Arthropod) hút máu từ động vật có xương sống này sang động vật có xương sống khác. Vi rút tăng trưởng trong mô tế bào động vật chân khớp nhưng không gây bệnh cho động vật chân khớp. Một số Arbovirus tồn tại trong tự nhiên bằng cách truyền vi rút qua trứng động vật chân khớp. Có khoảng 100 loài arbovirus có thể gây nhiễm ở người nhưng không phải tất cả đều gây bệnh được. Người là ký chủ tai nạn chứ không có vai trò quan trọng trong việc duy trì sự tồn tại hay chu kỳ truyền bệnh của vi rút, ngoại trừ bệnh sốt vàng và sốt xuất huyết Dengue [4].

Khả năng gây bệnh của arbovirus có thể chia thành ba hội chứng lâm sàng chủ yếu: Sốt và có thể kèm theo phát ban, bệnh thường diễn tiến lành tính; viêm não với tỉ lệ tử vong cao; Sốt xuất huyết, bệnh có thể diễn tiến nặng và gây tử vong. Tùy thuộc vào mức độ tăng trưởng của vi rút và vị trí mô tế bào ký chủ bị thương tổn mà có biểu hiện hội chứng lâm sàng. Vì vậy, có người nhiễm arbovirus chỉ có hội chứng sốt nhưng có người lại có hội chứng sốt xuất huyết hoặc hội chứng viêm não. Do đó, khi chẩn đoán arbovirus, ngoài các hội chứng lâm sàng nên dựa vào các dữ kiện về dịch tễ học và huyết thanh học [4].

Một số bệnh arbovirus do muỗi Aedes truyền:

4.1.1. Sốt xuất huyết Dengue [5]

Bệnh sốt xuất huyết Dengue (SXHD) là bệnh nhiễm vi rút Dengue (DEN) cấp tính do muỗi truyền và có thể gây thành dịch lớn. Đây là bệnh dịch lưu hành địa phương ở Việt Nam, nhất là ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng Bắc bộ và vùng ven biển miền Trung.

Tác nhân gây bệnh: do vi rút Dengue thuộc nhóm Flavivirus, họ Flaviviridae với 4 tuýp huyết thanh DEN - 1, DEN - 2, DEN - 3 và DEN - 4.

Phương thức truyền bệnh: Bệnh không lây truyền trực tiếp từ người sang người mà do muỗi đốt người bệnh có mang vi rút sau đó truyền vi rút sang người lành qua vết đốt. Ở Việt Nam, hai loài muỗi truyền bệnh SXHD là Aedes aegyptiAedes albopictus, trong đó quan trọng nhất là Aedes aegypti.

Hình 2.7. Chu trình dịch tễ học của bệnh sốt xuất huyết Dengue [7]

Ca bệnh lâm sàng: người sống hoặc đến từ vùng có ổ dịch hoặc lưu hành sốt xuất huyết Dengue trong vòng 14 ngày có biểu hiện sốt cao đột ngột, liên tục từ 2 - 7 ngày và có ít nhất hai trong các dấu hiệu sau: nghiệm pháp dây thắt dương tính, chấm/mảng xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam; nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, nôn; da xung huyết, phát ban; đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt; vật vã, li bì; đau bụng vùng gan hoặc ấn đau vùng gan.

Ca bệnh xác định: là ca bệnh được chẩn đoán xác định bằng kỹ thuật ELISA (phát hiện IgM hoặc NS1) hoặc phân lập vi rút hoặc xét nghiệm PCR.

Điều trị: đến nay, bệnh sốt xuất huyết Dengue chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh, vì vậy hoạt động diệt véc tơ đặc biệt là diệt lăng quăng/bọ gậy với sự tham gia tích cực của từng hộ gia đình và cả cộng đồng là biện pháp hiệu quả trong phòng chống sốt xuất huyết Dengue.

4.1.2. Bệnh sốt vàng [16]

Bệnh lưu hành địa phương, trước hết ở một số vùng thuộc các quốc gia Nam Mỹ và Trung Mỹ như: Bolivia, Brasil, Colombia, Ecuador, Peru, Trinidat..., trong đó trên 70% số ca bệnh tập trung ở Bolivia và Peru. Tại Châu Phi, bệnh lưu hành trong khu vực giữa 15 vĩ độ Bắc tới 10 vĩ độ Nam, tập trung ở những quốc gia nam sa mạc Sahara, Angola, Zaire, Tanzania, Nigeria... Bệnh chưa từng gặp ở Châu Á và các châu lục khác, trừ một số ca nghi ngờ do du nhập từ vùng lưu hành.

Tác nhân gây bệnh: vi rút sốt vàng (Yellow fever virus) thuộc giống Flavivirus, họ Flaviviridae.

Phương thức lây truyền: bệnh lây theo đường máu do côn trùng đốt và hút máu người và động vật nhiễm bệnh, sau đó đốt, hút máu và truyền vi rút cho người lành. Loài muỗi Aedes được coi là véc tơ chính của vi rút sốt vàng, đồng thời cũng là ổ chứa mầm bệnh. Tại khu vực có lưu hành bệnh sốt vàng ở vùng rừng núi Châu Mỹ và Châu Phi, vi rút được truyền từ loài khỉ sang người và giữa người với người bởi một số loài muỗi như Ae. africanus, Ae. bromelia, Ae. simpsoni, Ae. furcifertaylori, Ae. luteocephalus, Ae. albopictus. Trong các vùng nông thôn và thành thị, bệnh lan truyền chủ yếu bởi loài muỗi Ae. aegypti và có thể của một vài loài Aedes khác [7].

Ca bệnh lâm sàng: bệnh nhân có sốt cao, khởi phát đột ngột, kèm rét run, đau đầu, đau cơ toàn thân, mặt đỏ xung huyết, buồn nôn và nôn, mạch chậm và yếu không tương xứng với tăng thân nhiệt, có vàng da nhẹ, bạch cầu máu ngoại vi giảm. Giai đoạn toàn phát có dấu hiệu xuất huyết niêm mạc (chảy máu cam, máu mũi, nôn ra máu hoặc đi ngoài phân đen). Trường hợp nặng, bệnh nhân tổn thương nhiều phủ tạng, suy gan, suy

thận, trụy tim mạch, vàng da vừa hoặc nặng, sốc nhiễm khuẩn. Tỷ lệ tử vong ở thể nặng 20% - 50%, các thể khác dưới 5%.

Hình 2.8.Chu trình dịch tễ học của bệnh sốt vàng [17]

Ca bệnh xác định: Khi một bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng nghi sốt vàng, có thêm kết quả dương tính của ít nhất một trong các xét nghiệm sau:

- MAC - ELISA phát hiện kháng thể IgM kháng vi rút sốt vàng ở giai đoạn sớm của bệnh; Kỹ thuật ngăn ngưng kết hồng cầu (HI) hoặc GAC - ELISA trên máu kép lấy cách nhau 14 ngày phát hiện IgG có hiệu giá kháng thể tăng ít nhất gấp bốn lần.

- Phân lập vi rút, hay kỹ thuật PCR từ máu, dịch não tủy bệnh nhân lấy trong giai đoạn nhiễm vi rút huyết.

Điều trị: Bệnh sốt vàng hiện chưa có thuốc đặc trị, vì vậy điều trị theo các nguyên tắc: phát hiện, chẩn đoán đúng bệnh; điều trị sớm; tập trung chủ yếu điều trị triệu chứng như giảm sốt, giảm đau, chống xuất huyết; chống suy gan, thận; trợ tim mạch, chống dị ứng; chỉ dùng kháng sinh khi có biểu hiện bội nhiễm vi khuẩn; hạn chế tối đa các biến chứng muộn.

4.1.3. Bệnh sốt Chikungunya

Chikungunya là một vi rút lây sang nguời do muỗi dốt. Ổ dịch Chikungunya đầu tiên đã được ghi nhận tại cao nguyên Makonde, dọc theo biên giới giữa Tanzania (trước đây là Tanganyika) và Mozambique, trong 1952-1953. Sau vụ dịch năm 1952 - 1953, vi rút đã phổ biến rộng rãi trên khắp châu Phi cận Sahara, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á, là nguyên nhân gây dịch trong những năm tiếp theo. Vi rút đã trở thành lưu hành phổ biến ở châu Phi, bằng chứng là dịch xảy ra thường xuyên ở Uganda, Cộng hòa Dân chủ Congo, Zimbabwe, Senegal, Nigeria, Nam Phi và Kenya [18]. Tại Việt Nam, một số nghiên cứu gần đây cũng đã xác định được tỷ lệ nhất định bệnh nhân nhiễm vi rút Chikungunya [6].

Tác nhân gây bệnh: Vi rút Chikungunya thuộc giống Alphavirus, họ Togaviridae

Phương thức truyền bệnh: vật chủ trung gian truyền bệnh (véc tơ) của vi rút CHIKV là muỗi Aedes aegypti. Muỗi Aedes albopictus cũng đóng vai trò quan trọng trong việc lan truyền vi rút ở khu vực châu Á. Người ta cũng phân lập được virut ở một số loài muỗi sống ở khu vực rừng châu Phi [18].

Ca bệnh lâm sàng: các triệu chứng thuờng xuất hiện từ 3 dến 7 ngày sau khi bị muỗi đốt. Các triệu chứng bao gồm: sốt, đau khớp, đau đầu, đau cơ, sưng khớp, hoặc phát ban. Hầu hết mọi nguời sẽ có một số triệu chứng, thuờng là sốt và đau khớp. Mặc dù chikungunya hiếm khi gây tử vong, nhưng các triệu chứng có thể trở nên nghiêm trọng. Hầu hết mọi nguời sẽ khỏe hơn trong vòng một tuần, nhưng đau khớp có thể kéo dài nhiều tháng [18].

Ca bệnh xác định: là ca bệnh được chẩn đoán xác định bằng kỹ thuật ELISA (phát hiện IgM hoặc NS1) hoặc phân lập vi rút hoặc xét nghiệm PCR [6].

Hình 2.9.Chu trình dịch tễ học của bệnh sốt Chikungunya [19]

Điều trị: Hiện nay chưa có cách điều trị chikungunya. Chăm sóc đúng cách có thể giúp giảm các triệu chứng, bao gồm cả việc nghỉ ngơi đầy đủ, uống nhiều nuớc để tránh mất nuớc và dùng một số loại thuốc có thể giúp hạ sốt và giảm đtau, gồm ibuprofen, naproxen, acetaminophen hoặc paracetamol.

4.1.4.Truyền bệnh do vi rút zika

Bệnh do vi rút zika là một bệnh truyền nhiễm lây sang nguời do muỗi đốt. Bệnh được phát hiện đầu tiên ở Uganda, sau đó là ở các quốc gia châu Phi và châu Á (Gabon, Ai Cập, Nigeria, Senegal, Sierra Leone, Côte d'Ivoire, Cộng hòa Trung Phi, Campuchia, Micronesia, Malaysia, Pakistan, Ấn Độ, Thái Lan , Philippines, Indonesia) và cũng như đã xuất hiện ở Brazil năm 2015, rất có thể được bệnh được mang từ các nước phương Tây tới thế vận hội World Cup 2014. Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 10/3/2017, tổng số 148 quốc gia và vùng lãnh thổ có sự lưu hành hoặc lây truyền vi rút Zika. Có 31 quốc gia và vùng lãnh thổ báo cáo ghi nhận trẻ mắc chứng đầu nhỏ có liên quan đến vi rút Zika. Tại Việt Nam, từ tháng 3 năm 2016 đến ngày 12/6/2017, cả nước ghi nhận 246 trường hợp dương tính với vi rút Zika tại 15 tỉnh, thành phố. Trong đó có 01 trường hợp trẻ 4 tháng tuổi mắc chứng đầu nhỏ nghi liên quan đến vi rút Zika tại tỉnh Đắk Lắk [6].

Hình 2.10. Chu trình dịch tễ học của bệnh do vi rút zika [22]

Tác nhân gây bệnh: Vi rút Zika (viết tắt là ZIKV) là một vi rút thuộc họ Flaviviridae được phân lập lần đầu tiên từ một con khỉ Rhesus trong rừng Zika của Uganda vào năm 1947 [21]

Phương thức lan truyền: lan truyền qua các muỗi Aedes đốt (Ae. africanus, Ae. aegypti, Ae. vitattus, Ae. furcifer, Ae. apicoargenteus, Ae. luciocephalus); lan truyền qua đường máu; mẹ sang con; có thể qua đường tình dục [20].

Ca bệnh lâm sàng: triệu chứng tương tự như nhiễm trùng do các vi rút arbo khác như sốt xuất huyết Dengue, bao gồm sốt, nổi ban trên da, viêm kết mạc, đau khớp và đau cơ, mệt mỏi và đau đầu. Các triệu chứng này thường nhẹ và kéo dài từ 2 - 7 ngày [21].

Ca bệnh khẳng định: Chẩn đoán vi rút Zika bằng phương pháp PCR và phân lập vi rút từ mẫu máu. Chẩn đoán bằng phương pháp huyết thanh học có thể khó khăn do vi rút có thể có phản ứng chéo với các vi rút khác thuộc họ flavivirut như vi rút Dengue, Sốt Tây sông Nile và sốt vàng [21].

Điều trị: Bệnh do vi rút Zika thường nhẹ và không cần thuốc đặc hiệu điều trị. Người bệnh cần nghỉ ngơi, uống đủ nước, và điều trị triệu chứng như giảm đau, hạ sốt bằng các thuốc thông dụng. Khi triệu chứng nặng hơn, cần tới các cơ sở Y tế để chăm sóc điều trị. Hiện tại chưa có vắc xin phòng bệnh [21].

4.1.5.Truyền bệnh sốt thung lũng Rift [23]

Sốt thung lũng Rift được dịch từ chữ tiếng Anh “Rift Valley Fever”, viết tắt là RVF. Đây là một loại bệnh truyền nhiễm có khả năng gây bệnh cho động vật, kể cả con người. Bệnh có thể lây truyền với tỷ lệ mắc và chết cao ở cả người và động vật, gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng và kinh tế nghiêm trọng ở những vùng lãnh thổ và quốc gia có dịch bệnh lưu hành. Bệnh do virus gây ra, trong quá trình điều tra một ổ dịch trên loài cừu ở một trang trại chăn nuôi trong thung lũng Rift của Kenya vào năm 1930, lần đầu tiên các nhà khoa học đã phân lập được loại virus gây bệnh. Từ đó, một số ổ dịch trên người và động vật cũng được phát hiện ở Ai Cập vào năm 1977, 1978, 1993 và ở Mauritania vào năm 1987. Tại vùng sa mạc Sahara và Bắc Phi, ở Kenya và Somalia cũng đã có nhiều ổ dịch xảy ra vào các năm 1997-1998. Tháng 10 năm 2000, lần đầu tiên bệnh xuất hiện bên ngoài lục địa châu Phi, các ổ dịch được ghi nhận ở Saudi Arabia và Yemen đã tạo nên mối lo ngại về nguy cơ dịch bệnh này lây lan sang các châu lục khác.

Trong tiến trình giao lưu và hội nhập quốc tế, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo tất cả các quốc gia cảnh báo về tình hình dịch bệnh Sốt thung lũng Rift do virus gây ra, đây là một loại dịch bệnh nguy hiểm xuất phát từ châu Phi, có tỷ lệ mắc và tử vong rất cao; bệnh có thể xâm nhập vào nội địa các quốc gia khác nếu không có biện pháp kiểm soát chặt chẽ. Vào năm 2007, tại Kenya ở châu Phi, một vụ dịch đã xảy ra đã làm cho 220 người mắc bệnh và 82 trường hợp bị tử vong.

Hình 2.11. Chu trình dịch tễ học của bệnh sốt thung lũng Rift [24]

Tác nhân gây bệnh: loài vi rút thuộc giống Phlebovirus thuộc họ Bunyaviridae

Phương thức lan truyền bệnh: người bị nhiễm vi rút này do các loài muỗi Aedes, Culex đốt truyền vi rút sang. Vi rút cũng có thể lây sang người do tiếp xúc với máu hoặc nội tạng của động vật bị nhiễm, qua đường hô hấp hay qua vết trầy xước trên da, hoặc do uống sửa chưa tiệt trùng của động vật bị nhiễm.

Ca bệnh lâm sàng: Thời gian ủ bệnh ở người thường từ 2-6 ngày, khi khởi phát bệnh xuất hiện triệu chứng giống bệnh cúm với các biểu hiện như sốt đột ngột, đau đầu, đau cơ và đau lưng. Một vài bệnh nhân có triệu chứng cứng cổ, sợ ánh sáng và nôn oẹ. Đối với những bệnh nhân này, trong giai đoạn đầu có thể nhầm lẫn với bệnh viêm màng não. Những triệu chứng bệnh sẽ hết sau 4-7 ngày, sau đó lượng kháng thể trong máu sẽ tăng cao và không còn mầm bệnh virus ở trong máu.

Ca bệnh xác định: các triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm dương tính với vi rút bằng kỹ thuật RT-PCR, IgG và IgM (ELISA), phân lập được vi rút.

Điều trị: Hiện nay chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị bệnh sốt thung lũng Rift. Đối với những trường hợp bệnh nặng, có thể áp dụng các phác đồ điều trị triệu chứng và biến chứng. Do chưa có thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh nên vấn đề vệ sinh phòng bệnh và diệt muỗi truyền bệnh vẫn là những biện pháp hữu hiệu

4.2. Truyền bệnh giun chỉ bạch huyết

Xem bài muỗi Culex (Bài 3)

5. BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG

5.1. Các biện pháp vật lý

Tương tự muỗi Anopheles (Bài 1)

5.2. Các biện pháp sinh học

Tương tự muỗi Anopheles (Bài 1)

5.3. Các biện pháp hóa học

Tương tự muỗi Anopheles (Bài 1)

Trong phòng chống dịch: xử lý phun ULV , phun mù nòng theo Quyết định số 3711/QĐ-BYT, ngày 19/9/2014 của Bộ Y tế về việc ban hành “ Hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh sốt xuất huyết Dengue” [5]

6. PHƯƠNG PHÁP THU THẬP, ĐIỀU TRA

Theo Quyết định số 3711/QĐ-BYT, ngày 19/9/2014 của Bộ Y tế về việc ban hành “ Hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh sốt xuất huyết Dengue” [5]

- Thu thập muỗi bằng máy hút cầm tay

- Hướng dẫn thu thập muỗi bằng máy hút đeo vai backpack

- Hướng dẫn kỹ thuật thu thập mẫu muỗi bằng bẫy GAT

- Thu thập bọ gậy/lăng quăng

7. HÌNH ẢNH MỘT SỐ LOÀI MUỖI AEDES CÓ VAI TRÒ TRUYỀN BỆNH

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Văn Châu, 2012. Thành phần loài ruồi và muỗi tại một số vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên ở nam bộ. Tạp chí Phòng chống sốt rét và các bệnh ký sinh trùng.

  2. Nguyễn Văn Dũng và cộng sự, 2015. Danh mục các loài muỗi ở Việt Nam. Hội nghị khoa học toàn quốc về sinh thái và tài nguyên sinh vật lần thứ 6.

  3. Trần Thanh Dương và cộng sự, 2015. Kỹ năng nhận biết và phòng chống côn trùng gây bệnh, gây hại. Viện Sốt rét - KST - CT Trung ương.

  4. Cao Minh Nga và cộng sự, 2014. Virus học. Khoa Y – Bộ môn Vi sinh, Đại học Y Dược TP. HCM.

  5. Quyết định số 3711/QĐ-BYT, ngày 19/9/2014 của Bộ Y tế về việc ban hành “Hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh sốt xuất huyết Dengue”

  6. Quyết định số 3091/QĐ-BYT ngày 03/7/2018 của Bộ Y tế về việc ban hành “hướng dẫn giám sát trọng điểm lồng ghép bệnh sốt xuất huyết dengue, bệnh do vi rút zika và chikungunya”

  7. Nikos Vasilakis, Jane Cardosa, Kathryn A. Hanley, Edward C. Holmes, and Scott C. Weaver, 2011. Fever from the forest: prospects for the continued emergence of sylvatic dengue virus and its impact on public health. Macmillan Publishers Limited.

  8. https://en.wikipedia.org/wiki/Aedes

  9. http://mosquito-taxonomic-inventory.info/simpletaxonomy/term/8589

  10. https://bugguide.net/node/view/1248367

  11. http://www.raywilsonbirdphotography.co.uk/Galleries/Invertebrates/vectors/Aedes_aegypti.html

  12. http://eagle.co.ug/2017/09/12/health-ministry-offer-free-yellow-fever-vaccination.html

  13. https://us.biogents.com/aedes-aegypti-yellow-fever-mosquitoes/life-cycle-aedes-aegypti-yellow-fever-mosquito-en/

  14. http://denguepatrolskpj.blogspot.com/2015/10/

  15. http://www.who.int/denguecontrol/mosquito/en/

  16. http://vncdc.gov.vn/vi/danh-muc-benh-truyen-nhiem/1080/benh-sot-vang

  17. https://healthtoolbox.wfsj.org/resource-centre/yellow-fever/

  18. https://www.cdc.gov/chikungunya/transmission/index.html

  19. https://www.researchgate.net/figure/Life-cycle-of-the-Chikungunya-virus_fig1_288664425

  20. http://www.impehcm.org.vn/noi-dung/tin-y-te/benh-do-vi-rut-zika.html

  21. http://www.who.int/mediacentre/factsheets/zika/en/

  22. https://www.frontiersin.org/articles/10.3389/fmicb.2017.01417/full

  23. http://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/rift-valley-fever

  24. https://www.researchgate.net/figure/Cycle-of-Rift-Valley-fever-The-virus-can-be-maintained-in-an-enzootic-cycle-involving_fig2_256478007

  25. https://www.britannica.com/animal/Aedes-aegypti

  26. http://www.abc.net.au/news/2018-07-10/aedes_aegypti_feeding.jpg/9962678

  27. https://today.agrilife.org/2014/07/31/chikungunya-texas/aedes-albopictus/

  28. https://www.u3amoraira-teulada.org/javea-town-hall-campaign-to-raise-awareness-about-tiger-mosquitos/

  29. https://bugguide.net/node/view/7643/bgpage

  30. https://www.inaturalist.org/taxa/568624-Aedes-niveus/browse_photos

Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,