Tăng cường đổi mới hướng tới kiểm soát véc tơ trên toàn cầu

Kiểm soát véc tơ là hoạt động chính để giải quyết nhiều bệnh truyền nhiễm trên thế giới. Các loài muỗi, ruồi, ve, bọ xít và các véc tơ truyền bệnh khác được phòng chống tốt thì cuộc sống và sức khoẻ của hàng triệu người sẽ được đãm bảo.

Từ năm 2001 đến năm 2015, hai biện pháp chính phòng chống véc tơ là tẩm màn và phun tồn lưu trong nhà đã ngăn ngừa được khoảng 663 triệu ca sốt rét ở châu Phi - Cận Sahara (1). Việc sử dụng hai biện pháp này trong phòng chống véc tơ sốt rét đã làm giảm đáng kể các bệnh truyền nhiễm khác như bệnh giun chỉ onchocerca (bệnh mù sông), bệnh leishmania nội tạng, và bệnh Chagas thông qua việc phòng chống véc tơ trên phạm vi lớn (2).

Tuy nhiên, việc phòng chống véc tơ cần phải thực hiện liên tục, vì các bệnh lãng quên và các bệnh mới nổi do véc tơ truyền đã cho thấy những mối đe dọa mới. Sự bùng phát bệnh zika gần đây (3) và sự xuất hiện trở lại của bệnh sốt vàng (4), cùng với sự gia tăng các ca bệnh sốt xuất huyết và chikungunya đã làm cho thấy tầm quan trọng lớn của việc phòng chống véc tơ bền vững và tính cấp thiết của việc nâng cao năng lực toàn cầu để đáp ứng với những mối đe dọa này.

Ngày nay, hơn 80% dân số thế giới có nguy cơ mắc bệnh do véc tơ truyền, trong đó một nửa dân số có nguy cơ mắc từ hai bệnh trở lên (5). Nhiều bệnh trong số này tập trung ở các cộng đồng dân cư nghèo nhất ở các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới; chúng gây tử vong và bệnh tật làm cản trở tăng trưởng kinh tế (6), (7).

Các tác nhân gây bệnh sốt rét, sốt xuất huyết, giun chỉ bạch huyết, chikungunya, bệnh zika, sốt vàng, viêm não Nhật Bản, và sốt Tây sông Nile do muỗi truyền sang người. Bệnh giun chỉ onchocerca do ruồi đen truyền; bệnh leishmania do ruồi cát; bệnh chagas do bọ xít triatomine; bệnh lyme (borreliosis) và viêm não do ve; bệnh ngủ châu Phi (trypanosomiasis) do ruồi tsetse; và bệnh sán máng do ốc.

Phát biểu tại Đại hội đồng Y tế thế giới (WHO/WHA) năm 2016, Tổng giám đốc của WHO đã bày tỏ sự quan tâm sâu sắc đối với tình trạng kiểm soát véc tơ trên toàn cầu (8). Một cách tiếp cận mới và toàn diện để phòng ngừa bệnh tật và ứng phó với sự bùng phát là thật sự cần thiết - hoạt động này cần có sự tham gia của nhiều ngành và cộng đồng và dựa trên nền tảng sẵn có là cách tốt nhất.

Một năm sau, ngày 30/ 5/2017, Đại hội đồng Y tế thế giới lần thứ 70 đã hoan nghênh phương pháp tiếp cận chiến lược mới được WHO đưa ra “Kiểm soát Thích ứng Véc tơ Toàn cầu” từ năm 2017-2030 (9). Chiến lược này nhằm giảm bớt gánh nặng và mối đe dọa của các bệnh truyền nhiễm do véc tơ truyền thông qua việc kiểm soát véc tơ hiệu quả, phù hợp với từng địa phương và bền vững. Đây không phải là kế hoạch để phòng chống một bệnh mà thay vào đó là một chương trình giải quyết nhiều loại bệnh do nhiều véc tơ truyền, nó đòi hỏi phải hành động trên nhiều lĩnh vực của nhiều ngành nghề khác nhau không chỉ riêng ngành y tế, bao gồm môi trường, quy hoạch đô thị và giáo dục... Người ta tin rằng cách tiếp cận này sẽ sử dụng các nguồn lực hiệu quả hơn về chi phí và mang lại những kết quả bền vững hơn.

Thành công sẽ phụ thuộc vào việc tăng cường năng lực và khả năng của các chương trình quốc gia, tuy nhiên nó gặp nhiều khó khăn do việc cắt giảm nhân lực và sự thiếu hụt chuyên môn về kiểm soát véc tơ trong những thập kỷ gần đây. Các nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng cũng cần phải tăng cường để cung cấp cơ sở bằng chứng cần thiết cho việc kiểm soát và loại trừ dịch bệnh.

Cần phải tiếp tục đầu tư đổi mới; các biện pháp can thiệp mới ở các giai đoạn phát triển khác nhau, bao gồm các loại hóa chất diệt côn trùng mới, kem xua, bẫy mùi ngoài nhà, cửa lưới ngăn muỗi, kiểm soát sinh học sử dụng vi khuẩn wolbachia và muỗi chuyển gen. Khi WHO khẳng định tính an toàn, hiệu quả, chất lượng và tiện ích của các biện pháp này thì cần được triển khai trong thực địa và được lòng ghép vào các chương trình kiểm soát véc tơ để tối đa hóa lợi ích.

Chiến lược Kiểm soát thích ứng véc tơ toàn cầu ở các quốc gia cần ưu tiên theo bốn hoạt động sau: Thứ nhất, tăng cường hoạt động liên ngành và chuyên ngành vì kiểm soát bệnh do véc tơ truyền là trách nhiệm chung của tất cả các thành phần trong xã hội, sự hợp tác ngoài ngành y tế là rất quan trọng. Thứ hai, tham gia và huy động cộng đồng để phát triển bền vững và xây dựng khả năng phòng chống sự bùng phát dịch bệnh trong tương lai. Thứ ba, tăng cường điều tra và giám sát để có các hành động sớm nếu thấy quần thể véc tơ gia tăng, và để xác định liệu các biện pháp can thiệp có hiệu quả như mong muốn hay không. Cuối cùng, tăng cường mở rộng quy mô và giám sát lồng ghép các véc tơ để giảm thiểu tối đa bệnh tật đồng thời giảm thiểu tác động đến môi trường.

Như vậy, Chiến lược này phụ thuộc nhiều vào tầng lớp lãnh đạo và sự hỗ trợ của quốc gia. Kiểm soát véc tơ phải là yếu tố cốt lõi trong các chiến lược y tế ở các quốc gia bị ảnh hưởng và có nguy cơ, nólà một phần không thể tách rời của các kế hoạch quốc gia để thực hiện Chương trình Phát triển bền vững đến năm 2030. Truyền thông hiệu quả giữa các bộ ngành, tăng cường tài chính, tăng cường năng lực và duy trì nhân lực, sửa đổicác quy định pháp lý về kiểm soát véc tơ vì sức khoẻ cộng đồng cũng rất quan trọng.

Chiến lược Kiểm soát thích ứng véc tơ toàn cầu có những mục tiêu đầy tham vọng nhưng có thể đạt được: giảm tỷ lệ tử vong đối với các bệnh do véc tơ truyền ít nhất 75%, giảm tỷ lệ mắc mới ít nhất 60% vào năm 2030, không để dịch xảy ra ở tất cả các nước. Chi phí cho các hoạt động ưu tiên tăng cường nhân lực, theo dõi, giám sát và điều phối ước tính chỉ khoảng 5 xu (cents) cho mỗi người có nguy cơ mỗi năm, hoặc khoảng 330 triệu đô la Mỹ mỗi năm trên toàn thế giới (9). So sánh với nhu cầu mỗi năm trên 4 tỷ đô la chi cho kiểm soát véc tơ sốt rét, sốt xuất huyết, và bệnh chagas (2), (10) thì số tiền này quá khiêm tốn. Việc lồng ghép hoạt động phòng chống véc tơ theo địa phương không chỉ giúp giảm bệnh tật mà còn tiết kiệm đuwocj kinh phí.

Chiến lược Kiểm soát thích ứng véc tơ toàn cầu đã được các quốc gia thành viên WHO nhất trí ủng hộ tại Đại hội đồng Y tế thế giới năm 2017 và hứa hẹn một tương lai mới cho việc kiểm soát và loại bỏ các bệnh do véc tơ truyền. WHO cam kết sẽ hướng dẫn thực hiện Chiến lược này, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng thế giới.

ThS. Đoàn Bình Minh, CN. Trần Nguyên Hùng

Lược dịch từ Renewed push to strengthen vector control globally, http://www.who.int/mediacentre/commentaries/strengthen-vector-control/en/

Tài liệu tham khảo:

1. Cibulskis, RE, Alonso, P, Aponte, J et al. Malaria: global progress 2000–2015 and future challenges. Infect Dis Poverty. 2016; 5: 61

2. WHO. ((accessed May 31, 2017).)Investing to overcome the global impact of neglected tropical diseases. Third WHO report on neglected tropical diseases. World Health Organization, Geneva; 2015 http://www.who.int/neglected_diseases/9789241564861/en/

3. Pan America Health Organization and WHO. Zika epidemiological update. ((accessed May 31, 2017).) http://www2.paho.org/hq/index.php?option=com_content&id=11599&Itemid=41691

4. Pan America Health Organization and WHO. Yellow fever epidemiological update. ((accessed May 31, 2017).) 5. Golding, N, Wilson, AL, Moyes, CL et al. Integrating vector control across diseases. BMC Med. 2015; 13: 249

6. WHO. World malaria report. 2016. World Health Organization, Geneva; 2016

7. WHO. Integrating neglected tropical diseases in global health and development. Fourth WHO report on neglected tropical diseases. World Health Organization, Geneva; 2017

8. Chan, M. Address to the Sixty-ninth World Health Assembly. ((accessed May 31, 2017).) http://www.who.int/dg/speeches/2016/wha-69/

9. WHO. ((accessed May 31, 2017).)Global vector control response 2017–2030. World Health Organization, Geneva; 2016
http://www.who.int/malaria/global-vector-control-response/

10. Patouillard, E, Griffin, JT, Bhatt, S, Ghani, AC, and Cibulskis, R. Global investment targets for malaria control and elimination 2016-2030. BMJ Global Health. 2017; 2: e000176

Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,