Điểm tin y tế tuần 52

VĂN BẢN PHÁP LÝ VÀ CHỈ ĐẠO

1. Quy định thời gian tập sự theo chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế

Ngày 15/12/2016, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 43/2016/TT-BYT về việc quy định thời gian tập sự theo chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế:

+ Người trúng tuyển chức danh nghề nghiệp y sĩ (hạng IV), điều dưỡng (hạng IV), dược (hạng IV), hộ sinh (hạng IV), kỹ thuật y (hạng IV), dinh dưỡng (hạng IV), dân số viên (hạng IV) phải thực hiện thời gian tập sự 06 (sáu) tháng.

+ Người trúng tuyển chức danh nghề nghiệp bác sĩ (hạng III), bác sĩ y học dự phòng (hạng III) phải thực hiện thời gian tập sự 09 (chín) tháng.

+ Người trúng tuyển chức danh nghề nghiệp y tế công cộng (hạng III), dược sĩ (hạng III), điều dưỡng (hạng III), hộ sinh (hạng III), kỹ thuật y (hạng III), dinh dưỡng (hạng III), dân số viên (hạng III) phải thực hiện thời gian tập sự 12 (mười hai) tháng.

2. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 điều 9 của Thông tư liên tịch số 56/2015/TTLT-BYT-BNV

Ngày 15/12/2016, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 44/2016/TT-BYT về việc sửa đổi, bổ sung khoản 1 điều 9 của thông tư liên tịch số 56/2015/TTLT-BYT-BNV ngày 29/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế - Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định về tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế

Viên chức tham dự kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ bác sĩ y học dự phòng (hạng III) lên chức danh bác sĩ y học dự phòng chính (hạng II), từ chức danh bác sĩ y học dự phòng chính (hạng II) lên chức danh bác sĩ y học dự phòng cao cấp (hạng I) năm 2017 phải có thời gian 02 năm gần nhất làm việc trong lĩnh vực y tế dự phòng thay cho 02 năm gần nhất giữ chức danh bác sĩ y học dự phòng (hạng III), bác sĩ y học dự phòng chính (hạng II).

Viên chức tham dự kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế năm 2017 chưa phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dự thi nhưng trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày Bộ Y tế ban hành chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp thì cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quản lý, sử dụng viên chức phải cử viên chức đã tham dự kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế năm 2017 tham dự khóa đào tạo, bồi dưỡng để bảo đảm đủ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dự thi.”

3. Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực y tế

Ngày 14/11/2016, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 278/2016/TT-BTC về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực y tế.

Theo đó, bỏ thu một số lệ phí trong lĩnh vực y tế như sau:

+ Lệ phí cấp giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế (thay vào đó sẽ thu Phí thẩm định cấp giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế: 2.000.000 đồng/hồ sơ);

+ Lệ phí cấp giấy phép nhập khẩu thuốc chưa có số đăng ký;

+ Lệ phí cấp giấy phép lưu hành tự do (CFS)/chứng nhận sản phẩm dược (CPP) đối với dược phẩm xuất khẩu, thiết bị y tế sản xuất trong nước đã có giấy phép lưu hành;

+ Lệ phí cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do mỹ phẩm;

+ Lệ phí cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề khám,chữa bệnh;

+ Lệ phí cấp, cấp lại giấy phép hoạt động cho cơ sở khám, chữa bệnh.

Thông tư 278/2016/TT-BTC có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2017.

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN

1. 10 sự kiện tiêu biểu ngành Y tế năm 2016

Theo báo Sức khỏe & Đời sống, ngày 22/12/2016, Bộ Y tế đã công bố 10 sự kiện tiêu biểu của ngành y tế năm 2016:

1) Em bé đầu tiên ra đời bằng phương pháp mang thai hộ tại Việt Nam

2) Triển khai đồng bộ các giải pháp hướng tới sự hài lòng của người bệnh

3) Việt Nam sản xuất thành công vắc xin phối hợp sởi – rubella

4) Lần đầu tiên tại Việt Nam, thực hiện phẫu thuật nội soi bằng Robot cho người lớn.

5) Năm 2016, 81,3% dân số tham gia bảo hiểm y tế, vượt chỉ tiêu của Quốc hội và Chính phủ giao (năm 2016 Chính phủ giao 79%).

6) Chỉ số cải cách hành chính của Bộ Y tế tăng 9 bậc so với năm 2015 (xếp thứ 17/19 lên 8/19 bộ, ngành do Chính phủ công bố năm 2016).

7) Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định số 2348/QĐ-TTg ngày 05/12/2016).

8) Đưa tiền lương vào giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế

9) Bộ mã danh mục dùng chung trong quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán BHYT lần đầu được xây dựng và triển khai rộng rãi

10) Việt Nam đã được bầu vào Ban Chấp hành (Executive Board) của Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization, WHO) nhiệm kỳ 3 năm, từ 2016 - 2019.

2. 10 loại vi rút gây chết người nguy hiểm nhất thế giới

Theo báo Phụ nữ, ngày 22/12/2016, vi rút là các sinh vật không có cấu tạo tế bào mang các nucleic acid, chỉ có thể nhân lên trong các tế bào chủ và sử dụng bộ máy trao đổi chất và ribosome của tế bào chủ để tổng hợp nên các bộ phận cấu thành sau đó lắp ráp các bộ phận này tạo thành các hạt vi rút gọi là các virion mang bộ gien vi rút và có thể nhiễm vào. Theo hồ sơ, có khoảng năm nghìn vi rút đang sinh sống trên toàn thế giới. Chúng ta hãy nhìn vào Top 10 vi rút nguy hiểm nhất đe dọa sức khỏe con người:

  1. Vi rút Bệnh dại
  2. Vi rút HIV
  3. Vi rút Cúm
  4. Vi rút Zika
  5. Vi rút Ebola
  6. Vi rút viêm não Nhật Bản
  7. Các loại vi rút do muỗi truyền
  8. Vi rút viêm gan B, C
  9. Vi rút Rota
  10. Vi rút Dengue

3. Bệnh viêm màng não mủ do não mô cầu có nguy cơ tái phát

Theo báo Sức khỏe & Đời sống, ngày 22/12/2016, một nữ sinh 18 tuổi ở Quận Cầu Giấy Hà Nội vào Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương với chẩn đoán viêm não mô cầu. Như vậy, mùa của bệnh viêm não do não mô cầu đã đến. Bởi vì, mùa đông xuân là mùa thuận lợi cho các vi sinh vật phát triển, trong đó có vi khuẩn não mô cầu. Bệnh có thể lây thành dịch, tỈ lệ tử vong cao.

4. Nhiều bệnh nhi mắc bệnh hiếm kawasaki

Theo báo Dân trí, ngày 22/12/2016, trung bình các năm trước đây, các bác sĩ ở bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ chỉ ghi nhận khoảng vài ba bệnh nhi mắc bệnh kawasaki (bệnh do bác sĩ người Nhật Tomisaku Kawasaki tìm ra) nhưng thời gian gần đây bệnh viện này tiếp nhận đến 16 ca bệnh hiếm này.

Theo y văn, đến nay trên thế giới vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây ra bệnh kawasaki ở trẻ em. Tuy nhiên, bệnh này thường gặp nhiều hơn ở trẻ em người Châu Á, độ tuổi từ 2- 5 tuổi; có một số yếu tố, giả thuyết được đưa ra rằng, bệnh kawasaki có liên quan đến các bệnh nhiễm trùng, siêu vi trên những đứa trẻ có một cơ thể đặc biệt.

THÔNG TIN Y TẾ QUỐC TẾ

1. Nhìn lại năm 2016: Các vấn đề sức khỏe quan trọng

Theo WHO, ngày 19/12/2016, năm 2016 là một năm đầy biến động, trong đó WHO đã giải quyết dịch bệnh và khủng hoảng nhân đạo và ủng hộ những nỗ lực để chống lại kháng kháng sinh và bảo hiểm y tế toàn dân. Đã giúp các nước loại bỏ các bệnh truyền nhiễm và thực hiện các chương trình để đánh bại bệnh ung thư, tiểu đường và các bệnh truyền nhiễm khác như sau:

Tháng 01: Cuộc vây hãm ở Syria (WHO đã gửi nhân viên hỗ trợ vấn đề y tế trên khắp đất nước Syria và kêu gọi các bên liên quan bảo vệ và tôn trọng nhân viên chăm sóc y tế và các cơ sở y tế)

Tháng 02: Vi rút Zika là sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế (PHEIC); Bộ trưởng y tế các nước cam kết cải thiện tiếp cận với vắc-xin ở châu Phi; Ngày ung thư thế giới (2/4).

Tháng 03: Sức khỏe thanh thiếu niên bị tổn thương do sự bất bình đẳng; Các môi trường không lành mạnh; Mất thính lực trẻ em; Sốt vàng bùng phát.

Tháng 04: Đầu tư vào sức khỏe tâm thần được trả cổ tức; Kết thúc bệnh phong vào năm 2020; Động đất ở Ecuador; Ngày sức khỏe thế giới 2016 (Đánh bại bệnh tiểu đường); Châu Âu tuyên bố loại trừ sốt rét.

Tháng 05: Kế hoạch đông lạnh để cứu sống người; Thống kê y tế thế giới năm 2016; Giảm gánh nặng các bệnh nhiệt đới ít được quan tâm; Đông Nam Á đẩy lùi bệnh uốn ván ở bà mẹ và trẻ sơ sinh.

Tháng 06: Ngăn chặn lan truyền HIV và giang mai từ mẹ sang con; Kết thúc dịch Ebola lớn nhất từ trước tới nay; Những tiến bộ trong chiến lược loại trừ bệnh giun chỉ bạch huyết.

Tháng 07: Ngày viêm gan thế giới; Những nhu cầu y tế quan trọng ở Juba.

Tháng 08: WHO ghi nhận tuần lễ thế giới cho con bú; Cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Nigeria; Cải thiện sức khỏe bà mẹ

Tháng 09: Châu Mỹ không còn bệnh sởi; Tiếp xúc với không khí ô nhiễm và ảnh hưởng đến sức khỏe; Tình trạng kháng kháng sinh; Đầu tư vào nhân lực y tế toàn cầu; Tử vong do rượu gia tăng tại châu Âu.

Tháng 10: Báo cáo về bệnh lao toàn cầu; Điều kiện làm việc tốt hơn cho nữ hộ sinh.

Tháng 11: Hội nghị toàn cầu lần thứ 9 về nâng cao sức khỏe; Ma Rốc loại trừ bệnh mắt hột; Bệnh tả hoành hành ở Yemen; Vấn đề y tế ở Mosul; Vi rút Zika không còn là sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế

Tháng 12: Hướng dẫn mới về tự xét nghiệm HIV; Báo cáo bệnh sốt rét trên toàn thế giới.

Ban Biên tập website Viện

Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,