Điểm tin y tế tuần 12 - 2018

VĂN BẢN PHÁP LÝ VÀ CHỈ ĐẠO

1. Chủ trương đầu tư dự án do quỹ toàn cầu phòng chống AIDS, lao và sốt rét tài trợ

Theo quyết định số 302/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 13/03/2018 đã Phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án “Quỹ Toàn cầu phòng chống HIV/AIDS giai đoạn 2018 - 2020” do Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, Lao và Sốt rét (Quỹ Toàn cầu) tài trợ với các nội dung chính sẽ do cơ quan chủ quản Dự án: Bộ Y tế, với mục tiêu Dự án: Góp Phần thực hiện Mục tiêu Chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam, khống chế tỷ lệ lây nhiễm HIV trong quần thể dân cư nói chung dưới 0,3% và giảm tác động của HIV/AIDS đối với phát triển kinh tế, xã hội.Thời gian và địa điểm thực hiện từ 2018 - 2020. Địa điểm: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, Điện Biên, An Giang, Sơn La, Cần Thơ, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Bà Rịa - Vũng tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Nam Định, Nghệ An, Ninh Bình, Bắc Giang, Hải Dương, Thái Bình, Lai Châu, Yên Bái, Đồng Tháp, Khánh Hòa, Kiên Giang, Long An, Phú Thọ, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Tây Ninh, Bắc Ninh, Sóc Trăng, Cà Mau.

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN

1. Phát hiện mới trong điều trị ung thư liên quan đến protein ERK5

Theo Dân trí (13/3/2018), các nhà khoa học Italy và Anh đã tìm ra một loại protein trong cơ thể người có tác dụng kích thích sự phát triển của các khối u, qua đó mở ra một hướng mới trong nghiên cứu điều trị bệnh ung thư. Nghiên cứu này được thực hiện bởi các nhà khoa học của Trường Đại học Siena, Đại học Brescia (Italy), Đại học Manchester (Anh) và được công bố trên tạp chí PNAS của Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ.

Phóng viên TTXVN tại Rome ngày 12/3 dẫn nghiên cứu trên cho biết protein được tìm ra có tên gọi là ERK5, được đánh giá là một “đồng minh” tốt nhất của các khối u khi chúng ngăn chặn các tế bào của hệ thống miễn dịch và kích thích sự phát triển của các khối u.

Về bản chất, ERK5 là các đại thực bào “ăn xác thối” của hệ thống miễn dịch. Tuy nhiên, dưới sự tác động của môi trường vi mô được tạo ra trong quá trình các tế bào khỏe mạnh biến đổi thành các tế bào ung thư, các đại thực bào này đã biến đổi thành các ERK5.

Do vậy, ERK5 có thể trở thành mục tiêu của các loại thuốc trong tương lai. Các thí nghiệm trên chuột đã cho kết quả tích cực khi ngăn chặn được sự phát triển của các khối u bằng cách loại trừ các protein ERK5.

Giáo sư Emanuele Giurisato, một trong các tác giả của công trình nghiên cứu khẳng định các kết quả nghiên cứu mới này sẽ nâng cao khả năng tác động đến các thực bào tiền ung thư thông qua phương pháp điều trị ức chế protein ERK5.

Nghiên cứu này sẽ mở ra một phương pháp mới trong điều trị bệnh ung thư trong tương lai.

2. Một virút tự nhiên chống lại vi khuẩn kháng kháng sinh

Theo TTO (13/03/2018), một loại vi-rút có khả năng chống vi khuẩn kháng kháng sinh hữu hiệu được tìm thấy trong tự nhiên ở hồ Connecticut đã cứu mạng một bệnh nhân 80 tuổi bị nhiễm trùng tim. Qua trường hợp cụ thể này, các nhà nghiên cứu cho biết loại vi-rút bacteriophages có thể là phương pháp chữa trị hiệu quả đối với nhiều trường hợp nhiễm trùng kháng kháng sinh khác. Các bác sĩ đã thử ứng dụng vi-rút bacteriophage từ gợi ý của nhà khoa học Benjamin Chan, người nghiên cứu hiệu quả của bacteriophage đối với vi khuẩn kháng kháng sinh. Theo ông Chan loại vi-rút được tìm thấy ở hồ Dodge, bang Connecticut có thể có hiệu quả đối với bệnh nhiễm trùng kháng thuốc của bệnh nhân. Họ đã đưa hàng trăm ngàn vi-rút bacteriophages bé xíu vào lồng ngực bệnh nhân và những kiểm nghiệm sau đó cho thấy bệnh nhân không còn vi khuẩn kháng thuốc.

Thành công này được mô tả đầy đủ trong bài báo khoa học trên tạp chí Evolution, Medicine, and Public Health ngày 8-3 và được đăng tải trên trang tin của Đại học Yale cùng ngày.

Đồng tác giả bài báo, Giáo sư Paul Turner của Đại học Yale, ngành Sinh thái và tiến hóa sinh học giải thích vi-rút bacteriophage, còn được biết đến với tên OMKO1, bám vào proteins bề mặt của vi khuẩn. Loại proteins này có chức năng đẩy kháng sinh trở ra, làm vi khuẩn có khả năng chống chịu lại các loại thuốc kháng sinh.

Một khi OMKO1 phá hủy các vi khuẩn có chức năng bơm kháng sinh, căn bệnh nhanh chóng được chữa khỏi.

Nhà khoa học Benjamin Chan, tác giả đầu tiên của nghiên cứu cho biết ông và các đồng nghiệp đã nghiên cứu rất nhiều chủng vi-rút bacteriophages chống lại các vi khuẩn kháng kháng sinh khác như E. Coli gây bệnh tiêu chảy và vi khuẩn đường ruột Klebsiella pneumoniae

3. Việt Nam ghép phổi từ người cho chết não thành công: Kỳ tích lịch sử

Theo SGGP (17/3/2018), trong số các kỹ thuật ghép tạng thì ghép phổi vẫn là thách thức lớn nhất với y học vì đây là kỹ thuật ghép tạng rất phức tạp. Tuy nhiên, lần đầu tiên, Việt Nam đã thành công ca ghép phổi lấy từ người cho chết não...Đây là thông tin chấn động nhưng rất đáng vui mừng, được Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết tại buổi họp báo ngày 16-3.

Chủ trì họp báo, GS-TS Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện 108, tổng chỉ huy ca ghép phổi đầu tiên từ người cho chết não cho biết, người cho phổi để ghép cho ông Hanh là một bệnh nhân nam (45 tuổi) bị chết não đã đồng ý hiến tạng của mình cho y học. Đặc biệt hơn, với nguồn nội tạng của bệnh nhân nam này hiến tặng, Bệnh viện 108 không chỉ thực hiện thành công ca ghép cả 2 lá phổi cho ông Hanh mà Bệnh viện 108 đã phối hợp với một số bệnh viện khác thực hiện được 5 ca ghép tạng cho bệnh nhân gồm: ghép thận, giác mạc và tim.

Trong khi đó, TS Ngô Vi Hải, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật tim mạch, thành viên chính trong ê kíp ghép phổi chia sẻ, hiện nay ghép phổi vẫn là thách thức lớn nhất với y học vì đây là kỹ thuật ghép tạng rất phức tạp. Hơn nữa, phổi là cơ quan hô hấp cung cấp ôxy cho cơ thể nên mọi sự thay đổi, vi trùng, vi khuẩn đều dễ ảnh hưởng tới phổi nên khả năng nhiễm trùng rất cao.

Tuy nhiên, ghép phổi từ người cho còn sống đã rất khó khăn thì ghép phổi từ người cho chết não phức tạp, khó khăn hơn nhiều. Bởi lẽ, đây là trạng thái ghép cấp cứu, không có nhiều sự chuẩn bị trước, đòi hỏi sự khẩn trương, nhanh chóng. Bắt buộc bệnh viện phải đảm bảo tuyệt đối từ kỹ thuật, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và nguồn nhân lực. Tiếp đó, việc điều trị sau ghép, chống thải ghép, chống nhiễm khuẩn cũng đòi hỏi phối hợp chặt chẽ giữa các khâu.

GS-TS Mai Hồng Bàng cho biết thêm, để thực hiện được ca ghép phổi trên, trong suốt hơn 2 năm qua, Bệnh viện 108 đã có sự chuẩn bị rất kỹ càng về cơ sở vật chất, đội ngũ chuyên môn, cử 4 ê kíp ghép tạng sang Pháp để học tập, nghiên cứu chuyên môn, kỹ thuật về ghép phổi, đồng thời đẩy mạnh hợp tác chuyển giao kỹ thuật ghép tạng với một số bệnh viện nổi tiếng ở Pháp và Bỉ.

“Việc thực hiện thành công ca ghép phổi đầu tiên ở Việt Nam từ người cho chết não là cột mốc lịch sử, đánh dấu sự phát triển tiến bộ vượt bậc của lĩnh vực ghép tạng ở Việt Nam nói chung và trình độ, chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện 108 nói riêng...”, GS-TS Mai Hồng Bàng nhấn mạnh.

Ban Biên tập website Viện