Điểm tin y tế tuần 10 - 2018

VĂN BẢN PHÁP LÝ VÀ CHỈ ĐẠO

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN

1. Trao bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Hội nghị Cán bộ y tế đầu năm 1955

Theo NDĐT (26/02/2018), Chiều 26-2, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Bộ Nội vụ đã trao tặng Bộ Y tế bản sao thư có chữ ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Hội nghị cán bộ y tế đầu năm 1955.

Ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước, Bộ Nội vụ đã tiến hành trao tư liệu quý này cho ông Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua Khen thưởng, Bộ Y tế trước sự chứng kiến của lãnh đạo Bộ Y tế và lãnh đạo các vụ, cục, tổng cục, văn phòng Bộ, thanh tra Bộ và Công đoàn ngành y tế.

Cách đây trong 63 năm, ngày 27-2-1955, Hội nghị cán bộ Y tế được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội. Vì bận việc nên Chủ tịch Hồ Chí Minh không đến dự được và Người đã gửi một bức thư tới Hội nghị. Bức thư ngắn gọn, súc tích, chỉ có 368 từ. Đó là ý kiến chỉ đạo của Người, đồng thời cũng là gợi ý để cán bộ y tế thảo luận, bàn bạc tại hội nghị.

Với ý nghĩa sâu sắc của bức thư này, ngày 6-2-1985, Hội đồng Bộ trưởng, nay là Chính phủ đã ban hành quyết định lấy ngày 27-2 hằng năm là Ngày Thầy thuốc Việt Nam.

2. Từ 1-3, mua thuốc cho con, bố mẹ phải trình chứng minh thư

Theo NDĐT (01/3/2018), Thông tư số 52/2017/TT-BYT của Bộ Y tế ban hành Quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú có quy định, từ ngày 1-3, khi kê đơn cho trẻ dưới 72 tháng tuổi, phải kê chứng minh thư của bố hoặc mẹ, hoặc người giám hộ.

Tại Điều 6 của Thông tư này, Bộ Y tế yêu cầu chung với nội dung kê đơn thuốc đó là đơn thuốc phải ghi đủ, rõ ràng và chính xác các mục in trong Đơn thuốc hoặc trong sổ khám bệnh của người bệnh. Ghi địa chỉ nơi người bệnh thường trú hoặc tạm trú: số nhà, đường phố, tổ dân phố hoặc thôn/ấp/bản, xã/phường/thị trấn, quận/huyện/thị xã/thành phố thuộc tỉnh, tỉnh/thành phố.

Khi kê đơn thuốc theo quy định như sau: Thuốc có một hoạt chất, theo tên chung quốc tế (INN, generic);Ví dụ: thuốc có hoạt chất là Paracetamol, hàm lượng 500mg thì ghi tên thuốc như sau: Paracetamol 500mg. Theo tên chung quốc tế + (tên thương mại). Ví dụ: thuốc có hoạt chất là Paracetamol, hàm lượng 500mg, tên thương mại là A thì ghi tên thuốc như sau: Paracetamol (A) 500mg.Thuốc có nhiều hoạt chất hoặc sinh phẩm y tế thì ghi theo tên thương mại.

Trong đơn thuốc phải ghi tên thuốc, nồng độ/hàm lượng, số lượng/thể tích, liều dùng, đường dùng, thời điểm dùng của mỗi loại thuốc. Nếu đơn thuốc có thuốc độc phải ghi thuốc độc trước khi ghi các thuốc khác.

3. Phát triển y tế cơ sở, tạo nền tảng hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân

Theo báo NDĐT, (27/2/2018), Nghị quyết số 20-NQ/TW của Hội nghị T.Ư 6, khóa XII đã nêu các quan điểm “Y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng”, “Hướng tới thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế toàn dân”... Nghị quyết cũng đề ra một số mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể được thực hiện bởi mạng lưới y tế cơ sở như triển khai chăm sóc sức khỏe ban đầu, nâng cao sức khỏe nhân dân, quản lý sức khỏe đến từng người dân; thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế xã, phường, thị trấn…

Y tế cơ sở (YTCS) ở nước ta hiện nay bao gồm: Y tế thôn, bản, xã, phường, thị trấn, quận, huyện, thị xã, là tuyến y tế ban đầu gần dân nhất, bảo đảm cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe cơ bản với chi phí thấp nhất và hiệu quả nhất.

Trong những năm qua, mạng lưới YTCS ở Việt Nam đã được củng cố, phát triển. Việt Nam được quốc tế đánh giá là một trong số ít quốc gia có mạng lưới y tế hoàn chỉnh, tổ chức rộng khắp tới tận thôn, bản và đang là mô hình mà nhiều nước trên thế giới quan tâm, học hỏi, làm theo.

Trong năm 2018, ngành y tế tập trung thực hiện một số nội dung quan trọng để YTCS thật sự trở thành nền tảng, xương sống của hệ thống y tế Việt Nam.

TIN TỨC THẾ GIỚI

1.Nhật phê duyệt thuốc diệt vi rút cúm trong 24h

Theo báo Dân trí, Bộ Y tế Nhật Bản đã thông qua một loại thuốc mới có thể tiểu diệt các týp vi–rút cúm A và B chỉ trong 1 ngày đối với một số bệnh nhân.

Thuốc có tên là Baloxavir marboxil có thể tiêu diệt vi-rút cúm trong 24 giờ, mặc dù một số triệu chứng có thể kéo dài hơn, theo tờ The Wall Street Journal. Nó ngăn ngừa bệnh cúm lây lan khác với các loại thuốc hiện có. Không giống như các thuốc cúm hiện có khác, như Tamiflu, đòi hỏi bệnh nhân phải uống 2lần/ngày trong 5 ngày, loại thuốc của Nhật được dùng một liều duy nhất bất kể tuổi của bệnh nhân, công ty cho biết.

Baloxavir marboxil đã được kiểm nghiệm nghiêm ngặt, với sự tham gia của tổng cộng 1.436 bệnh nhân không bị bệnh gì khác có chẩn đoán bị cúm.

Kết quả thử nghiệm, báo cáo tại Tuần lễ Bệnh truyền nhiễm năm 2017, cho thấy sự cải thiện đáng kể trong phục hồi khỏi bệnh cúm so với giả dược.

Thuốc mới cũng cho thấy giảm sốt nhanh hơn đáng kể.

Theo tờ The Wall Street Journal, Shionogi, nhà sản xuất thuốc cho biết sẽ đưa Xofluza ra thị trường ngay lập tức tại Nhật Bản sau khi niêm yết giá bảo hiểm y tế quốc gia, nhưng thuốc sẽ chưa được phê duyệt tại Mỹ trước năm 2019.

Ban Biên tập website Viện

Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,