Điểm tin y tế tuần 11 - 2018

VĂN BẢN PHÁP LÝ VÀ CHỈ ĐẠO

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN

1. Liệu pháp gene - Giảm thiểu nỗi đau do bệnh lý di truyền

Theo Suckhoedoisong.vn (9/3/2018), PGS.TS.Trần Vân Khánh (sinh năm 1973) được Giải thưởng Kovalevskaia. Đây là giải thưởng mang tên nhà toán học người Nga ghi nhận xứng đáng cho tâm huyết của chị trong nghiên cứu khoa học nhiều năm qua nhờ thành tích trong nghiên cứu khoa học về liệu pháp điều trị gene; chẩn đoán trước sinh một số bệnh lý di truyền và người mang gene; chẩn đoán trước làm tổ một số bệnh lý di truyền hay bệnh học phân tử trong ung thư...

Trong các nghiên cứu về bệnh lý di truyền, BS. Khánh dành nhiều quan tâm đến hội chứng loạn dưỡng cơ Duchenne, một trong những bệnh lý di truyền phổ biến nhất ở Việt Nam cũng như trên thế giới với tần suất mắc bệnh 1/3.500 trẻ trai. Khi người mẹ mang gene bệnh sẽ truyền bệnh cho con trai và truyền gene bệnh cho con gái. Đây là bệnh về cơ rất nặng, hầu hết trẻ mắc đều có dấu hiệu suy cơ, thường tàn phế, mất khả năng đi lại ở tuổi 12, tử vong ở tuổi 20 do tổn thương cơ tim và rối loạn hô hấp...

BS. Vân Khánh nghiên cứu và đưa ra phương pháp điều trị bệnh bằng liệu pháp gene nhằm loại bỏ đoạn gene có chứa đột biến cho người bệnh. Kết quả, liệu pháp điều trị gene đã giúp chuyển từ thể bệnh nặng (loạn dưỡng cơ Duchenne) sang thể nhẹ (loạn dưỡng cơ Becker). Nhờ đó, bệnh tiến triển chậm, triệu chứng lâm sàng nhẹ hơn và cuộc sống của người bệnh có thể kéo dài tới sau 60 tuổi. Việc chẩn đoán chính xác đột biến gene gây bệnh đã giúp các bác sĩ đưa ra được phác đồ điều trị sớm, điều trị hỗ trợ giảm nhẹ tác động, thực hiện tư vấn di truyền cho các bà mẹ có nguy cơ cao sinh con bị bệnh.

2. Chính thức thả muỗi phòng bệnh sốt xuất huyết ở ngoại ô Nha Trang

Theo Dân trí, Sáng 6/3, tại UBND xã Vĩnh Lương (TP Nha Trang, Khánh Hòa), Dự án “Hướng tới loại trừ sốt xuất huyết tại Việt Nam” đã tổ chức thả muỗi mang Wolbachia nhằm phòng bệnh sốt xuất huyết Dengue.

Tham dự buổi lễ kể trên có đại diện các cơ quan thuộc Bộ Y tế, UBND tỉnh Khánh Hòa, Viện Pasteur Nha Trang, Trường ĐH Monash (Úc) cùng các đơn vị, ban ngành liên quan.

Theo dự án, muỗi vằn mang Wolbachia sau khi được thả ra thực địa sẽ cặp đôi, sinh sản và tự duy trì trong môi trường tự nhiên. Muỗi cái mang Wolbachia giao phối với muỗi đực mang hoặc không mang Wolbachia thì cũng đều sinh ra trứng nở thành thế hệ muỗi tiếp theo mang vi khuẩn Wolbachia, theo cơ chế mẹ truyền sang con.

Trong khi đó, muỗi cái không mang Wolbachia (muỗi truyền bệnh) nếu giao phối với muỗi đực có Wolbachia thì trứng do con cái sinh ra sẽ không nở (do cơ chế bất hợp dịch bào), nhờ đó làm giảm số lượng muỗi truyền bệnh.

Theo dự án, muỗi mang vi khuẩn Wolbachia không “tiêu diệt” muỗi vằn tự nhiên mà chúng cặp đôi/giao phối lẫn nhau. Việc thả cả muỗi đực và muỗi cái mang Wolbachia giúp cho loại muỗi này tự duy trì qua nhiều thế hệ, giúp phòng bệnh SXH và Zika.

Trước đó, được sự đồng ý của UBND tỉnh Khánh Hoà và Bộ Y tế, dự án đã phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền, tham vấn cộng đồng bằng nhiều hình thức khác nhau.

Theo kế hoạch, từ ngày 6/3, sẽ tiến hành thả muỗi tuần một lần ở 8 thôn trung tâm xã Vĩnh Lương, gồm các thôn Lương Sơn 1-2- 3, Văn Đăng 1-2- 3 và Võ Tánh 1-2. Thời gian thả muỗi dự kiến kéo dài trong 12-18 tuần. Mỗi tuần sẽ thả khoảng 100 con muỗi vào mỗi ô có kích thước 50mx50m (diện tích 2.500m2 ), tương ứng với mức thả trung bình là 1 con muỗi/25m2 /tuần.

Đây là lần đầu tiên muỗi mang Wolbachia được thả trên đất liền tại Việt Nam. Trước đó, vào năm 2013-2014, dự án đã thả muỗi mang Wolbachia trên thực địa hẹp tại đảo Trí Nguyên (TP Nha Trang).

3. Bộ Y tế Việt Nam nhận giải thưởng quốc tế về theo dõi, giám sát sử dụng thuốc lá

Theo NDĐT (8/3/2018), Bộ Y tế Việt Nam đã được vinh danh vì những thành tựu trong theo dõi, giám sát sử dụng thuốc lá và nhận giải thưởng MPOWER (Giải thưởng về thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá hiệu quả) tại Hội nghị Thế giới về Phòng, chống tác hại thuốc lá với chủ đề “Thuốc lá hay sức khoẻ” lần thứ 17 được tổ chức tại thành phố Cape Town, Nam Phi ngày 7-3 .

Bộ Y tế Việt Nam là nước duy nhất được vinh dự nhận giải thưởng trong việc thực hiện chính sách theo dõi, giám sát tình hình sử dụng thuốc lá và các chính sách phòng chống tác hại thuốc lá tại Hội nghị.

Trong những năm qua, được sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự tham gia tích cực của các bộ, ban, ngành Trung ương và sự hưởng ứng tích cực của các địa phương, Bộ Y tế đã tiến hành hai cuộc điều tra về tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành (GATS), ba cuộc điều tra về tình hình sử dụng thuốc lá trong thanh thiếu niên (GYTS), cùng với việc xây dựng và thực thi các quyết định, văn bản, chính sách toàn diện giúp thực hiện công tác phòng, chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam đạt hiệu quả.

Kết quả điều tra GATS và GYTS tại Việt Nam giúp Chính phủ nắm bắt được tình hình sử dụng thuốc lá cũng như các yêu cầu cần thiết trong việc ban hành văn bản pháp luật, chính sách, chiến lược phòng chống tác hại của thuốc lá để thực thi hiệu quả công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá. Điều tra cũng cung cấp những thông tin hữu ích cho việc xây dựng báo cáo hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá hàng năm.

Việt Nam đã ban hành Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-5-2013

TIN TỨC THẾ GIỚI

1. 7 sinh viên tình nguyện bị nhiễm sán máng để nghiên cứu vắc xin

Theo Thanhnien online (8/3/2018), Tại một trường đại học ở Hà Lan, 17 sinh viên đều bị nhiễm sán máng - một bệnh ký sinh nhiệt đới, nhưng tất cả họ đều chưa bao giờ đặt chân đến các nước mà có loại ký sinh này trú ngụ cả.

Live Science ngày 5.3 cho biết tất cả 17 sinh viên này đã tình nguyện làm cho bản thân bị nhiễm loài sán này qua da. Họ đang tham gia một nghiên cứu về một loại vắc xin có thể giúp phòng ngừa nhiễm loài sán này.

Nghiên cứu đang thực hiện tại Bệnh viện Đại học Y dược Leiden (Hà Lan), theo Times đăng ngày 1.3. Trong nghiên cứu, 20 ấu trùng của loại sán này được đưa vào cơ thể của 17 sinh viên này. Đổi lại, mỗi người trong số họ được trả 1.200 USD.

Bởi vì tất cả ấu trùng đều là ấu trùng đực nên chúng không thể sinh nở bên trong cơ thể của các sinh viên này để đảm bảo số lượng ấu trùng sán máng không thể tăng trong cơ thể họ. Sau khi được theo dõi kỹ trong tám tuần, các bác sĩ sẽ cho những sinh viên này uống thuốc diệt ký sinh trùng.

Theo Times, cuộc thử nghiệm hiện tại không phải là kiểm tra hiệu quả của một vắc xin mà thay vào đó, các nhà nghiên cứu muốn biết xem liệu cho những sinh viên tình nguyện bị nhiễm như thế này có phải là cách để kiểm tra các vắc xin sẽ được sản xuất trong tương lai không.

Ban Biên tập website Viện