Điểm tin y tế tuần 9

VĂN BẢN PHÁP LÝ VÀ CHỈ ĐẠO

1. Thông tư hướng dẫn việc bổ nhiệm và xếp lương theo chức danh nghề nghiệp

Ngày 11/01/2016, Bộ KH-CN và Bộ Nội vụ ban hành Thông tư Liên tịch số 01/2016/TTLT-BKHCN-BNV về hướng dẫn thực hiện việc bổ nhiệm và xếp lương theo chức danh nghề nghiệp đối với viên chức chuyên ngành khoa học và công nghệ.

Đối với nhóm chức danh nghiên cứu khoa học: Bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp nghiên cứu viên cao cấp, nghiên cứu viên chính và nghiên cứu viên hạng I, II, III tương ứng.

Đối với nhóm chức danh công nghệ: Bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp kỹ sư cao cấp, kỹ sư chính, kỹ sư và kỹ thuật viên I, II, III, IV tương ứng.

Các chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành khoa học và công nghệ quy định tại Thông tư số 24/2014/TTLT-BKHCN-BNV được áp dụng Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/3/2016.

2. Thông tư quy định việc kiểm tra vệ sinh, chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt

Ngày 11/12/2015, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 50/2015/TT-BYT về quy định việc kiểm tra vệ sinh, chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt.

Cơ quan nhà nước có thẩm quyền trực tiếp kiểm tra vệ sinh, chất lượng nước: Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Trung tâm Y tế dự phòng hoặc Trung tâm Y tế huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh kiểm tra vệ sinh, chất lượng nước của các cơ sở cung cấp nước; Trạm Y tế xã, phường, thị trấn kiểm tra vệ sinh, chất lượng nước đối với các hình thức cấp nước hộ gia đình.

Nội kiểm vệ sinh, chất lượng nước: cơ sở cung cấp nước sử dụng nguồn nước ngầm; cơ sở cung cấp nước sử dụng nguồn nước sông; cơ sở cung cấp nước sử dụng nguồn nước từ hồ chứa nước; kiểm tra vệ sinh ngoại cảnh của cơ sở cung cấp nước; kiểm tra vệ sinh hệ thống sản xuất nước của cơ sở cung cấp nước; xét nghiệm chất lượng nước thành phẩm; kiểm tra định kỳ và kiểm tra đột xuất.

Ngoại kiểm vệ sinh, chất lượng nước: Kiểm tra vệ sinh chung; Kiểm tra việc thực hiện chế độ nội kiểm; Xét nghiệm chất lượng nước thành phẩm; Kiểm tra định kỳ và Kiểm tra đột xuất.

Cơ sở cung cấp nước thực hiện báo cáo bằng văn bản theo các nội dung quy định. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/3/2016.

3. Hướng dẫn Thông tư 40/2015/TT-BYT về cơ sở khám, chữa bệnh

Ngày 25/02/2016, Bộ Y tế ban hành Công văn 978/BYT-BH hướng dẫn thực hiện Thông tư 40/2015/TT-BYT về tuyến của một số cơ sở khám, chữa bệnh và sử dụng Giấy hẹn khám lại. Theo đó:

- Phòng chuẩn trị y học cổ truyền là cơ sở khám, chữa bệnh tuyến xã.

- Nhà hộ sinh, Nhà hộ sinh khu vực, Phòng khám chuyên khoa tư nhân là cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện.

- Bệnh viên chuyên khoa tư nhân tương đương hạng III, tương đương hạng IV hoặc chưa xếp hạng tương đương là cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện.

- Bệnh viện chuyên khoa tư nhân tương đương hạng I, tương đương hạng II là cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh.

- Bệnh viện chuyên khoa và Trung tâm chuyên khoa tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (không có phòng khám đa khoa) là cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh.

- Bệnh viện chuyên khoa và Viện chuyên khoa trực thuộc Bộ Y tế (không có phòng khám đa khoa) là cơ sở khám, chữa bệnh tuyến trung ương.

- Bệnh viện hạng I thuộc các Quân khu, Quân đoàn thuộc Bộ Quốc phòng là cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh.

- Đối với Bệnh viện đa khoa khu vực trên địa bàn huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh: Tuyến của bệnh viện này được xác định theo Quyết định của Ủy ban nhân dân hoặc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm

Ngày 28/01/2016, Thủ tướng chính phủ ban hành Quyết định Số 02/2016/QĐ-TTg về quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm.

Đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A: có ít nhất một người bệnh được chẩn đoán xác định.

Đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B và nhóm C: Một xã, phường, thị trấn được coi là có dịch khi có số người mắc bệnh vượt quá số mắc trung bình của tháng cùng kỳ 03 năm gần nhất; Một huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh được coi là có dịch khi có từ 2 xã có dịch trở lên; Một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được coi là có dịch khi có từ 2 huyện có dịch trở lên.

Bộ trưởng Bộ Y tế: Công bố dịch trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được đề nghị của Chủ tịch UBND tỉnh; Thông báo trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi nhận được báo cáo của cơ quan xác minh dịch đối với trường hợp người nhập cảnh Việt Nam được xác định mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; Đề nghị Thủ tướng Chính phủ công bố dịch đối với trường hợp dịch lây lan nhanh từ tỉnh này sang tỉnh khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người.

Chủ tịch UBND tỉnh nơi xảy ra dịch có trách nhiệm xem xét, quyết định việc công bố dịch nhóm B và nhóm C theo thẩm quyền; Trường hợp có từ hai tỉnh trở lên đã công bố cùng một dịch bệnh truyền nhiễm thuộc danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm B, Bộ trưởng Bộ Y tế có trách nhiệm công bố dịch theo quy định.

4. Danh mục 39 vắc xin, sinh phẩm y tế được cấp phép lưu hành tại Việt Nam

Ngày 05/02/2016, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 52/QĐ-QLD về việc ban hành danh mục 39 vắc xin, sinh phẩm y tế được cấp phép lưu hành tại Việt Nam đợt 30. Các đơn vị có vắc xin, sinh phẩm y tế được phép lưu hành tại Việt Nam phải in số đăng ký được Bộ Y tế Việt Nam cấp lên nhãn và phải chấp hành đúng các quy định của pháp luật Việt Nam về sản xuất và kinh doanh vắc xin, sinh phẩm y tế. Các số đăng ký giá trị 05 năm kể từ ngày cấp.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

TIN Y TẾ NỔI BẬT

1. Tình hình bệnh do vi rút Zika và công tác phòng chống

Diễn biến dịch do vi rút Zika vẫn phức tạp, lây lan nhanh trên nhiều quốc gia. Đến nay trên thế giới đã ghi nhận 43 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận sự lưu hành vi rút Zika trong vòng 9 tháng qua, chủ yếu ở các nước thuộc khu vực Nam Mỹ, khu vực Caribe và quần đảo Thái Bình Dương, tính riêng trong tháng 2 năm 2016 đã có 10 quốc gia và vùng lãnh thổ mới ghi nhận vi rút Zika.

Tại Việt Nam, báo cáo từ các đơn vị kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu quốc tế, trong thời gian từ tháng 12/2015 đến nay chưa ghi nhận trường hợp nghi ngờ mắc bệnh do vi rút Zika về từ vùng có dịch. Đặc biệt, kết quả xét nghiệm 83 trường hợp có biểu hiện triệu chứng tương tự bệnh do vi rút Zika đầu năm 2016 tại 8 tỉnh có mật độ lưu hành muỗi Aedes cao khu vực phía Nam (Đồng Tháp, Tây Ninh, Đồng Nai, Tiền Giang, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang) không phát hiện ca nhiễm Zika. Trong 83 mẫu này phát hiện 9 trường hợp dương tính với Chikungunya tại Thới Lai (Cần Thơ) và 5 trường hợp dương tính với sốt xuất huyết Dengue tại Xuân Lộc (Đồng Nai) và Đồng Tháp.

Kế hoạch hành động phòng chống

Ngày 05/02/2016, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 460/QĐ-BYT về việc ban hành kế hoạch hành động phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika.

Mục tiêu chung: Phát hiện sớm trường hợp nhiễm vi rút Zika, xử lý kịp thời không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất biến chứng do bệnh gây ra. Mục tiêu cụ thể: Theo tình huống dịch bệnh. Các hoạt động chính: Công tác chỉ đạo, kiểm tra; giám sát, dự phòng; điều trị; truyền thông giáo dục sức khỏe; công tác hậu cần; hợp tác quốc tế.

2. Tăng cường giám sát, phát hiện sớm ca bệnh do não mô cầu

Bệnh viêm não, màng não do não mô cầu lưu hành ở mọi nơi trên thế giới. Bệnh thường tản phát và có thể gây dịch. Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có khoảng 650 trường hợp viêm màng não mủ do vi khuẩn, trong đó vi khuẩn não mô cầu chiếm khoảng 14%. Bệnh thường để lại di chứng nặng nề như chậm phát triển tinh thần, điếc, liệt với tỷ lệ 10-20%. Trong cộng đồng, tỷ lệ người mang vi khuẩn không có triệu chứng lâm sàng ở mũi, hầu, họng từ 5-25%. Bệnh viêm não, màng não do não mô cầu nhóm A lưu hành ở nhiều nơi, bệnh xuất hiện quanh năm, có thể xảy ra dịch vào mùa thu, đông và xuân. Trong năm 2015 và những tháng đầu năm 2016 ghi nhận một số trường hợp mắc bệnh rải rác tại các tỉnh, Sơn La, Hòa Bình, Gia Lai, Nam Định, Lạng Sơn, Hải Dương, TP.HCM …, trong đó đã có trường hợp tử vong.

Viêm não, màng não do não mô cầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Neisseria meningtidis gây nên. Vi khuẩn não mô cầu gồm có 4 nhóm chính: A, B, C và D, não mô cầu nhóm A và B thường gặp nhất. Ổ chứa vi khuẩn trong tự nhiên là ở người, do vậy nguồn lây bệnh chủ yếu là bệnh nhân và người lành mang trùng. Bệnh lây qua đường hô hấp do hít phải các giọt bắn của dịch tiết hô hấp có chứa mầm bệnh. Mọi người đều có cảm nhiễm với vi khuẩn não mô cầu, nhưng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là nhóm đối tượng dễ mắc bệnh nhất. Bệnh xuất hiện đột ngột với triệu chứng: Sốt cao, đau đầu dữ dội, nôn, cứng gáy, mệt mỏi, có thể có đau họng, chấm hay mảng xuất huyết, ban xuất huyết hình sao hoặc có thể có mụn nước.

Để chủ động phòng chống bệnh do não mô cầu, Cục Y tế dự phòng đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường các giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh do não mô cầu, các ổ dịch mới phát sinh; lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc và các đối tượng nguy cơ để phát hiện sớm người lành mang trùng; điều trị dự phòng và triển khai kịp thời các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lan rộng. Bộ Y tế khuyến cáo:

- Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường.

- Thực hiện tốt vệ sinh nơi ở, nơi làm việc.

- Chủ động tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cho trẻ, vắc xin được tiêm tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ.

- Khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

3. Có thể ngừng tuyển dụng cán bộ trung cấp trong ngành Y từ năm 2021

Bộ Y tế cho biết từ năm 2021, các bệnh viện, cơ sở y tế trên toàn quốc sẽ ngừng nhận điều dưỡng, kỹ thuật viên y học, dược sĩ, nữ hộ sinh, hộ lý... hệ trung cấp, các vị trí này tuyển đầu vào thấp nhất là cao đẳng. Từ năm 2025 sẽ bỏ chức danh cán bộ hệ trung cấp trong toàn bộ ngành y tế. Trước mắt, từ năm 2018 sẽ ngừng tuyển sinh và đào tạo hệ trung cấp y dược, kỹ thuật viên y học.

4. Bệnh lạ bùng phát ở Nigeria

Một căn bệnh chưa xác định được đã bùng phát tại Nigeria, làm ít nhất 13 người thiệt mạng trong vòng một tuần. Các nạn nhân có triệu chứng đau bụng và tiêu chảy, một số người đi ngoài ra máu và sốt trước khi đột ngột tử vong. Các mẫu máu của nạn nhân đã được đưa tới một phòng thí nghiệm của Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Nigeria xác định chẩn đoán.

Ban Biên tập website Viện

Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,