Điểm tin y tế tuần 8

VĂN BẢN PHÁP LÝ VÀ CHỈ ĐẠO

1. Sắp ban hành 46 Nghị định mới

Thủ tướng vừa ban hành Quyết định 196/QĐ-TTg về danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các Luật được thông qua tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII. Theo đó, phân công các Bộ, ngành liên quan xây dựng 46 Nghị định mới để hướng dẫn các Luật sau:

1. Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 01/7/2016.

2. Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự 01/7/2016.

3. Bộ luật tố tụng hình sự 01/7/2016.

4. Luật phí và lệ phí,01/01/2017.

5. Luật kế toán 01/01/2017.

6. Luật khí tượng thủy văn 01/7/2016.

7. Luật an toàn thông tin mạng 01/7/2016.

8. Bộ luật hàng hải Việt Nam 01/7/2017.

9. Luật thống kê 01/7/2016.

10. Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng 01/7/2016.

11. Bộ luật tố tụng hành chính 01/7/2016.

2. Nghị định quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 09/2016/NĐ-CP quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm. Theo đó, việc bắt buộc tăng cường một số vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm nhằm:

- Tăng cường I-ốt vào muối để phòng, chống bệnh bướu cổ, đần độn và các rối loạn do thiếu I-ốt gây ra.

- Tăng cường sắt vào bột mỳ để phòng, chống thiếu máu thiếu sắt và khắc phục các hậu quả do thiếu máu thiếu sắt gây ra như chậm tăng trưởng, suy dinh dưỡng, giảm phát triển trí tuệ.

- Tăng cường kẽm vào bột mỳ để cải thiện tăng trưởng góp phần nâng cao tầm vóc con người; phòng, chống một số rối loạn chuyển hóa, biệt hóa tế bào, bệnh nhiễm khuẩn, rối loạn phát triển xương, suy giảm chức năng sinh dục.

- Tăng cường vitamin A vào dầu thực vật để phòng, chống khô mắt, mù lòa và khắc phục các hậu quả như còi cọc, suy dinh dưỡng do thiếu vitamin A gây ra và góp phần tăng cường sức đề kháng cơ thể.

Nghị định 09/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/3/2016.

3. Quy định về quyết toán dự án thuộc nguồn vốn nhà nước

Ngày 18/01/2016, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 09/2016/TT-BTC quy định về quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn nhà nước. Thông tư quy định cụ thể về chi phí đầu tư được quyết toán như sau:

- Chi phí đầu tư được quyết toán là toàn bộ chi phí hợp pháp thực hiện trong quá trình đầu tư xây dựng để đưa dự án vào khai thác, sử dụng.

- Chi phí hợp pháp là toàn bộ các khoản chi phí thực hiện trong phạm vi dự án, thiết kế, dự toán được duyệt; hợp đồng được ký kết kể cả phần điều chỉnh, bổ sung được duyệt theo quy định và đúng thẩm quyền.

- Chi phí đầu tư được quyết toán phải nằm trong giới hạn tổng mức đầu tư được phê duyệt hoặc được điều chỉnh theo quy định của pháp luật.

Thông tư 09/2016/TT-BTC có hiệu lực ngày 05/3/2016, thay thế Thông tư 19/2011/TT-BTC và Thông tư 04/2014/TT-BTC .

4. Danh sách các xã đặc biệt khó khăn theo Chương trình 135

Ngày 01/02/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 204/QĐ-TTg phê duyệt danh sách xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 năm 2016. Theo đó:

- Danh sách gồm 2.275 xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu của 48 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

- Ngân sách trung ương hỗ trợ đầu tư 2.240 xã của 44 tỉnh.

- Ngân sách địa phương đầu tư 35 xã của Q Ninh, Hà Nội, Khánh Hòa, BRVT.

Quyết định 204/QĐ-TTg có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định 2405/QĐ-TTg ngày 10/12/2013 và Quyết định 495/QĐ-TTg ngày 08/4/2014.

TIN Y TẾ NỔI BẬT

1. Sốt rét ở khỉ có thể lây bệnh cho người

Ký sinh trùng sốt rét gây bệnh cho người được xác định có 4 loại là Plasmodium falciparum, Plasmodium vivax, Plasmodium malariae và Plasmodium ovale. Tuy nhiên, các nhà khoa học khuyến cáo ký sinh trùng sốt rét của khỉ cũng có khả năng lây nhiễm gây bệnh cho người là Plasmodium knowlesi qua trung gian truyền bệnh là muỗi Anopheles.

Tại Malaysia và một số nước khác, ký sinh trùng sốt rét của khỉ truyền sang người đã được các nhà khoa học cảnh báo và phát hiện. Riêng tại nước ta trong thời gian gần đây, đã ghi nhận các trường hợp ký sinh trùng sốt rét Plasmodium inui ký sinh ở loài khỉ đuôi dài Macaca fascicularis có khả năng lây nhiễm sang người tại Phú Yên, Quảng Trị và một vài trường hợp bệnh nhân bị nhiễm ký sinh trùng sốt rét Plasmodium knowlesi từ khỉ.

Vì vậy, loại ký sinh trùng sốt rét Plasmodium knowlesi của khỉ được xác định có khả năng lây nhiễm gây bệnh cho người là cơ sở cho các cơ sở y tế chú ý phát hiện, chẩn đoán và điều trị phù hợp.

2. Xét nghiệm miễn phí nghi các trường hợp nghi nhiễm vi rút Zika

Ngày 16/02/2016, Bộ Y tế thông báo đang chủ trương xét nghiệm miễn phí các trường hợp nghi ngờ có nhiễm virus Zika nhằm phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh và khuyến cáo những người đi từ vùng có dịch trở về, dù có hay không có triệu chứng, đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, cần đến các cơ quan y tế lấy mẫu xét nghiệm nhằm có thể chủ động phát hiện sớm, điều trị kịp thời và có biện pháp phòng chống, giám sát hiệu quả.

3. Vi rút Cytomegalovirus và Pyriproxyfen có thể gây teo não ở trẻ sơ sinh?

Trên các trang thông tin đại chúng đang nói nhiều về mối liên quan giữa nhiễm vi rút Cytomegalovirus (CMV), nhiễm hoá chất Pyriproxyfen và bệnh teo não ở trẻ sơ sinh. CMV là một loại vi rút gây bệnh cho người ở các lứa tuổi khác nhau, từ trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, thanh thiếu niên, phụ nữ mang thai, người lớn, người nhiễm HIV và cả người được ghép tạng. Vi rút này được tìm thấy trong máu, nước bọt, phân, nước tiểu và cả trong dịch tiết sinh dục. Một khi vi rút CMV xâm nhập vào người, nó có thể tồn tại lâu dài, thậm chí suốt đời trong cơ thể người bị nhiễm. Loại vi rút này hiện diện tại khu vực châu Mỹ Latin và một vài nơi khác trên thế giới và tồn tại ở khắp nơi. Tại Mỹ, 1% trong số 4 triệu trẻ sinh ra mỗi năm nhiễm vi rút CMV. Khoảng 90% những đứa trẻ này không có biểu hiện triệu chứng gì, nhưng số còn lại đều phải gánh chịu ít nhất một trong nhiều loại dị tật khác nhau, trong đó có điếc và teo não.

Tại Brazil tới nay có 17 trong số khoảng 400 trường hợp trẻ sơ sinh bị teo não ở được khẳng định có kết quả xét nghiệm dương tính với virút Zika. Bộ Y tế Brazil cũng đã phát hiện thấy chất Pyriproxyfen trong các khu chứa nước ở bang Pernambuco để ngăn chặn ấu trùng muỗi trong các bồn chứa nước. Đây là bang đầu tiên ở Brazil phát hiện ra sự cố dị tật não ở trẻ sơ sinh, số ca bệnh chiếm 35% tổng số ca trẻ sơ sinh bị teo não tại Brazil. Tuy nhiên mối liên quan giữa nhiễm hoá chất Pyriproxyfen và bệnh teo não ở trẻ em hiện chưa có bằng chứng rõ ràng. Tại Việt Nam, hóa chất này chỉ được sử dụng phạm vi hẹp, không sử dụng trong nước ăn uống, nước sinh hoạt mà dùng xử lý diệt ấu trùng muỗi trong nước thải, nước công trình xây dựng.

4. Điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con

Theo báo cáo của WHO, trong 100 trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV không được dùng thuốc để điều trị dự phòng HIV lây truyền từ mẹ sang con thì trung bình có 30-35 trẻ sinh ra bị lây nhiễm HIV từ mẹ. Trong khi đó, nếu được phát hiện sớm và điều trị thích hợp, tỷ lệ này giảm xuống còn dưới 5%.

Tại Việt Nam, với mục tiêu không còn trẻ nhiễm HIV từ những bà mẹ mang thai nhiễm HIV truyền sang, Bộ Y tế đã áp dụng khuyến cáo mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới là điều trị ngay ARV cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV không phụ thuộc vào số lượng tế bào CD4 và giai đoạn lâm sàng, điểm ưu việt của chương trình này là những phụ nữ mang thai khi được chẩn đoán nhiễm HIV sẽ được điều trị ngay theo phác đồ. Những đứa trẻ cũng được điều trị và không bị cấm bú sữa mẹ như trước.

5. Viện phí tăng từ 01/3/2016

Theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ban hành ngày 29/10/2015 và thông báo của Vụ Kế hoạch tài chính - Bộ Y tế ngày 17/02/2016, mức thu viện phí mới áp dụng từ 01/3/2016.

Theo thông báo này, viện phí sẽ tăng tối thiểu 30% từ ngày 01/3/2016, riêng tại 9 bệnh viện tuyến Trung ương đã thực hiện tự chủ tài chính hoàn toàn viện phí sẽ tăng tối thiểu 50%. Viện phí mới này trước mắt sẽ áp dụng thanh toán đối với người bệnh có thẻ BHYT. Với người không có thẻ BHYT, nhóm bệnh nhân chi trả viện phí trực tiếp sẽ được xem xét quyết định sau.


Ban Biên tập website Viện