Văn bản pháp quy, công văn chỉ đạo:
1. Ngày 11/11/2014, Bộ Y tế ban hành các Quyết định số 4717/QĐ-BYT về kế hoạch hành động phòng chống bệnh sốt rét giai đoạn 2015 - 2020 và Quyết định số 4718/QĐ-BYT về kế hoạch hành động ngăn chặn sốt rét kháng thuốc Artemisinin giai đoạn 2015 - 2017.
2. Ngày 05/11/2014, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 4600/QĐ-BYT về hướng dẫn chẩn đoán điều trị bệnh do vi rút Ebola.
3. Ngày 09/10/2014, Bộ Nội vụ ban hành Thông tư số 11/2014/TT-BNV quy định chức danh, mã số ngạch và tiêu chuẩn nghiệp vụ chuyên môn các ngạch công chức chuyên ngành hành chính, Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/12/2014. Theo đó:
- Chuyên viên cao cấp (Mã số ngạch: 01.001), CV chính (Mã số ngạch: 01.002), CV (Mã số ngạch: 01.003), Cán sự (Mã số ngạch: 01.004), Nhân viên (Mã số ngạch: 01.005).
- Bãi bỏ Quyết định số 414/TCCP-VC ngày 29/5/1993. Bãi bỏ ngạch và mã số các ngạch tại Quyết định số 78/2004/QĐ-BNV ngày 03/11/2004 của Bộ Nội vụ về việc ban hành danh mục các ngạch công chức và các ngạch viên chức, cụ thể như sau:
a) Kỹ thuật viên đánh máy (mã số ngạch 01.005);
b) Nhân viên đánh máy (mã số ngạch 01.006);
c) Nhân viên kỹ thuật (mã số ngạch 01.007);
d) Nhân viên văn thư (mã số ngạch 01.008);
đ) Nhân viên phục vụ (mã số ngạch 01.009);
e) Lái xe cơ quan (mã số ngạch 01.010);
g) Nhân viên bảo vệ (mã số ngạch 01.011).
Các công chức hiện đang giữ các ngạch a, b, c, d, đ, e, g nêu trên được chuyển sang ngạch nhân viên (mã số ngạch 01.005) quy định tại Điều 9 của Thông tư này.
Thông tin chuyên môn:
1. Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo phòng chống bệnh dịch hạch. Từ năm 2003 đến nay ở Việt Nam không ghi nhận ca bệnh dịch hạch trên người, tuy nhiên nguy cơ lây lan bệnh dịch hạch từ nước ngoài vào nước ta là rất lớn. Theo thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), từ ngày 31/8/2014 đến nay, tại Madagascar đã ghi nhận 119 trường hợp mắc, 40 trường hợp tử vong. Ở Mỹ đã ghi nhận 4 trường hợp mắc tại bang Colorado. Tại Trung Quốc, ghi nhận 1 trường hợp tử vong do bệnh dịch hạch thể phổi tại tỉnh Cam Túc. WHO nhận định, tại Madagascar, có nhiều nguy cơ làm dịch bệnh dịch hạch lây lan rộng. Ngoài ra, tình hình dịch bệnh phức tạp hơn do véc-tơ truyền bệnh dịch hạch là loài bọ chét đã kháng với deltamethrin ở mức độ cao. Trước diễn biến phức tạp của bệnh, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo cộng đồng cần thực hiện tốt các biện pháp phòng chống.
(http://vov.vn/doi-song/bo-y-te-khuyen-cao-phong-chong-benh-dich-hach-367242.vov);(http://www.moh.gov.vn/news/pages/phongchongdichsoi.aspx?ItemID=700).
2. Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo cộng đồng cách phòng bệnh Rubela. Theo WHO, tính đến 9/2014 trên thế giới dịch sởi ghi nhận tại 175/194 quốc gia và vùng lãnh thổ trong đó có Việt Nam. Thực tế cho thấy, hầu như những người chưa có miễn dịch, chưa được tiêm chủng hoặc chưa bị mắc sởi đều có nguy cơ mắc bệnh. Còn với Rubella, vụ dịch năm 2005, 2011 đã khiến hàng ngàn phụ nữ mang thai mắc bệnh phải phá thai, hàng trăm đến hàng ngàn trẻ sinh ra bị hội chứng rubella bẩm sinh. Giám sát trọng điểm tại một số bệnh viện ở TP Hà Nội và TP HCM của vụ dịch 2010 - 2011 cho thấy hơn hơn 80% trẻ sinh ra mắc hội chứng rubella bẩm sinh bị đa dị tật. Nhắc lại sự việc này, cách đây vài tháng hơn 30.000 trẻ em tại Việt Nam mắc sởi, hơn 100 trẻ không qua khỏi, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam cho rằng “đây là một thảm kịch mà đáng nhẽ chúng ta có thể phòng tránh được”. Trước diễn biến phức tạp của bệnh, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo cộng đồng cần thực hiện tốt các biện pháp phòng chống.
(http://vietnamnet.vn/vn/doi-song/208756/truc-tuyen--an-toan-tiem-vac-xin-soi---rubella.html); (http://vncdc.gov.vn/News.aspx?id=698).
3. Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo cộng đồng cách phòng tránh phản ứng tâm lý dây chuyền khi tiêm vắc xin sởi - rubella. Từ tháng 10/2014, cả nước đã triển khai chiến dịch tiêm vắc xin sởi và rubella cho trẻ em từ 1 đến 14 tuổi, cho đến tháng 2/2015, với mục tiêu là giảm thiểu tỷ lệ tử vong và bệnh tật do virus sởi và rubella gây ra và tiến tới loại trừ hoàn toàn các bệnh này tại Việt Nam. Trong quá trình triển khai chiến dịch này đã ghi nhận một số rất ít các trường hợp có hiện tượng đau đầu, chóng mặt, mệt xỉu đồng loạt xảy ra với học sinh khi tham gia tiêm tại điểm tiêm ở nhà trường. Nguyên nhân là hiện tượng phản ứng tâm lý dây chuyền do quá lo lắng của trẻ khi tiêm chủng, hiện tượng này đã được WHO khuyến cáo.
(http://vncdc.gov.vn/News.aspx?id=699);(http://www.wpro.who.int/vietnam/topics/immunization/measles_rubella/vi/).
BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN SỐT RÉT - KÝ SINH TRÙNG - CÔN TRÙNG - TP. HỒ CHÍ MINH
Số 685 Trần Hưng Đạo - Phường 1 - Quận 5 - TP. Hồ Chí Minh | www.impehcm.org.vn
Điện thoại: 84-028-3923.7117 / 3923.9940 / 3923.7422 / 3923.8091 / 3923.9946 - Fax: 84-8-3923.6734
Giấy phép số 125/GP-BC (9/4/2007)