Điểm tin y tế tuần 46

VĂN BẢN PHÁP LÝ MỚI BAN HÀNH

1) Danh mục bí mật Nhà nước độ tuyệt mật và tối mật của Ngành Y tế

Ngày 10/11/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 56/2015/QĐ-TTg về Danh mục bí mật Nhà nước độ tuyệt mật và tối mật của ngành Y tế.

Theo đó, Danh mục bí mật Nhà nước độ tuyệt mật gồm: Chiến lược, kế hoạch của ngành Y tế phục vụ nhiệm vụ an ninh, quốc phòng; Chủng loại, số lượng, khu vực bảo quản thuốc và trang thiết bị y tế thuộc danh mục dự trữ quốc gia; Văn bản có sử dụng tin, tài liệu thuộc Danh mục bí mật Nhà nước độ Tuyệt mật của các cơ quan, tổ chức khác.

Danh mục bí mật Nhà nước độ tối mật gồm: Nội dung đàm phán, các văn bản ký kết với nước ngoài thuộc lĩnh vực y tế và những tài liệu của nước ngoài hoặc các tổ chức quốc tế chuyển giao cho Việt Nam thuộc lĩnh vực y tế mà giữa các bên có thỏa thuận không công bố hoặc chưa công bố; Kế hoạch, hồ sơ, tài liệu bảo vệ sức khỏe lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước không công bố hoặc chưa công bố; Chủng, giống vi sinh vật mới phát hiện có liên quan đến sức khỏe, tính mạng của con người chưa xác định được không công bố hoặc chưa công bố; Kết quả điều tra, nghiên cứu khoa học ở cấp Quốc gia trong lĩnh vực y tế không công bố hoặc chưa công bố; Chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoạt động khắc phục hậu quả chất độc hóa học sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam không công bố hoặc chưa công bố; Văn bản có sử dụng tin, tài liệu thuộc Danh mục bí mật Nhà nước độ Tối mật của các cơ quan, tổ chức khác.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016, thay thế Quyết định số 168/2004/QĐ-TTg ngày 22/9/2004 của Thủ tướng Chính phủ về lĩnh vực này.

2) Hệ thống chỉ tiêu thống kê Ngành Y tế

Ngày 14/8/2014, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 28/2014/TT-BYT quy định nội dung hệ thống chỉ tiêu thống kê Ngành Y tế. Thông tư quy định 88 chỉ tiêu về đầu tư kinh phí, nhân lực, đào tạo, cơ sở y tế, chỉ tiêu đánh giá hệ thống thông tin y tế, đánh giá và điều hành chính sách, chỉ tiêu về số lượt khám, điều trị bệnh, bảo hiểm y tế, tiêm chủng, sinh đẻ, kế hoạch hóa gia đình, chỉ tiêu vệ sinh, chỉ tiêu về một số bệnh truyền nhiễm, tâm thần, an toàn thực phẩm, tai nạn thương tích, bệnh không truyền nhiễm. Thông qua quy định về các chỉ tiêu này, giúp cho nhà quản lý, nhà nghiên cứu khoa học có cơ sở xây dựng kế hoạch, dự án được chính xác, khách quan. Xem chi tiết tại vncdc.gov.vn (Thông tư số 28/2014/TT-BYT).

3) Thủ tục hành chính quản lý của Bộ Y tế trong lĩnh vực y tế dự phòng

Ngày 04/11/2015, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 4695/QĐ-BYT về việc công bố thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Y tế trong lĩnh vực y tế dự phòng. Theo đó, đối với cấp Trung ương quy định về phòng xét nghiệm đủ điều kiện thực hiện xét nghiệm sàng lọc HIV thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế cấp; cấp mới/cấp lại giấy chứng nhận phòng xét nghiệm khẳng định HIV; đăng ký lưu hành chính thức/bổ sung hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế; cấp phép nhập khẩu đối với hóa chất, chế phẩm chưa có số đăng ký lưu hành nhập khẩu; cấp lại/cấp mới giấy chứng nhận phòng xét nghiệm đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học cấp III và cấp IV; đề nghị nhập khẩu, xuất khẩu mẫu bệnh phẩm. Đối với cấp địa phương, quy định cấp giấy chứng nhận bị phơi nhiễm/bị nhiễm với HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp; cấp thẻ/cấp lại thẻ nhân viên tiếp cận cộng đồng; thông báo hoạt động đối với tổ chức tư vấn về phòng, chống HIV/AIDS; cấp phép/cấp lại giấy phép hoạt động đối với cơ sở điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện…

Xem toàn văn bản tại Quyết định số 4695/QĐ-BYT.

4) Hướng dẫn bảo quản vắc xin và tổ chức buổi tiêm chủng

Ngày 16/5/2014, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Quyết định số 1730/QĐ-BYT về việc ban hành “Hướng dẫn bảo quản vắc xin”. “Hướng dẫn bảo quản vắc xin” là tài liệu hướng dẫn được áp dụng trong các cơ sở tiêm chủng Nhà nước và tư nhân trên phạm vi toàn quốc. Đồng thời trong ngày Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Quyết định số 1731/QĐ-BYT “Hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng”. “Hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng” là tài liệu hướng dẫn được áp dụng trong các cơ sở tiêm chủng Nhà nước và tư nhân trên phạm vi toàn quốc.

Xem chi tiết cụ thể tại trang vncdc.gov.vn (Quyết định số 1730/QĐ-BYT, Quyết định số 1731/QĐ-BYT).

TIN Y TẾ NỔI BẬT

1) Chính phủ chỉ đạo tăng cường phòng chống sốt xuất huyết

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố tăng cường các hoạt động chỉ đạo liên ngành, phân rõ trách nhiệm của chính quyền các cấp và người đứng đầu trong công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn. Bộ Y tế chủ động, phối hợp, hướng dẫn các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý dịch và thực hiện chế độ giám sát, báo cáo theo quy định. Phó Thủ tướng giao các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục tăng cường thực hiện các biện pháp tại Công điện 1632/CĐ-TTg ngày 11/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống sốt xuất huyết.

2) Phòng chống bệnh cúm A(H7N9)

Trong 2 tháng gần đây, 4 trường hợp mắc cúm A(H7N9) trên người đều được phát hiện tại tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc và có tiếp xúc với gia cầm sống. Từ 3/2013 đến nay, toàn cầu ghi nhận 575 trường hợp mắc cúm A(H7N9) ở người (Trung Quốc (556), Đài Loan (4), Hồng Kông (12), Malaysia (1) và Canada (2)), trong đó 212 tử vong. Đối với trường hợp mắc cúm A(H7N9) báo cáo từ Malaysia và Canada đều có tiền sử là đi từ Trung Quốc về. WHO dự báo, có thể số trường hợp mắc cúm trên người sẽ gia tăng. WHO lưu ý, các trường hợp mắc cúm A(H7N9) khi đi tới quốc gia khác, nếu phát hiện lây nhiễm ngay hoặc sau khi đến, cần xem xét mức độ lây lan của vi rút trong cộng đồng vì cho đến nay chưa có bằng chứng cho thấy vi rút này có thể lây truyền dễ dàng từ người sang người.

Để chủ động phòng chống bệnh cúm A(H7N9) ở người, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp:

  1. Thường xuyên rửa tay với xà phòng. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, nơi ở thông thoáng, hạn chế tiếp xúc với người bệnh.
  2. Không sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc. Đảm bảo an toàn thực phẩm.
  3. Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết phải báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.
  4. Người trở về nước từ khu vực có dịch bệnh phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khai báo tình trạng sức khỏe cho cơ quan y tế địa phương để được theo dõi sức khỏe.
  5. Khi có các biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.

Ban biên tập