Các vấn đề thách thức ngành y tế toàn cầu năm 2019

Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), thế giớiđang đối mặt với nhiều thách thức về sức khỏe. Chúng gồm những yếu tố như: sự gia tăng của các dịch bệnh có thể phòng ngừa được bằng vắc - xin (sởi, bạch hầu), sự kháng thuốc kháng sinh của tác nhân gây bệnh (mầm bệnh), sự gia tăng về tỉ lệ béo phì, vấn đề ô nhiễm môi trường, vấn đề biến đổi khí hậu và sự khủng hoảng về nhân đạo.

Để giải quyết các vấn đề trên, năm 2019 là năm khởi động của chiến lược 5 năm của WHO[2], kế hoạch tập trung mục tiêu vào 3 tỷ người trên thế giới:

  • 1 tỷ người được lợi ích từ việc bảo hiểm y tế toàn cầu,

  • 1 tỷ người được bảo vệ trong các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe,

  • 1 tỉ người được hưởng sức khỏe tốt hơn.

Để đạt được mục tiêu trên, WHO kiêu gọi sự hợp tác để giải quyết 10 vấn đề liên quan đến sức khỏe từ các thành viên trong năm 2019.

  1. Ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu

    Theo WHO, mức độ ô nhiễm không khí vẫn ở mức cao nguy hiểm ở nhiều nơi trên thế giới. Dữ liệu mới từ WHO cho thấy có 9/10 người hít thở không khí có chứa chất gây ô nhiễm cao [3]. Các chất ô nhiễm (bụi) với kích thước siêu nhỏ như: PM10 và PM25 (*) [3] trong không khí có thể xâm nhập hệ thống hô hấp và tuần hoàn gây hại cho phổi, tim, não.

    Nguyên nhân chính của việc ô nhiễm không khí là sử dụng nguyên liệu hóa thạch (dầu hỏa, than), gây biến đổi khí hậu, ảnh hưởng đến sức khỏe. Dự báo giai đoạn 2030 đến 2050, biến đổi khí hậu có thể gây ra 250.000 cái chết mỗi năm từ các yếu tố liên quan như: suy dinh dưỡng, bệnh sốt rét, tiêu chảy, sốc nhiệt.

    Tháng 10 năm 2018, WHO đã tổ chức hội nghị toàn cầu về ô nhiễm không khí và sức khỏe tại Geneva. Có hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ thực hiện cam kết cải thiện chất lượng không khí.

    Năm 2019, ô nhiễm không khí được WHO coi là nguy cơ lớn nhất đối với sức khỏe nhân loại. Các ước tính đáng báo động với 7 triệu người chết mỗi năm do ô nhiễm không khí ngoài trời và hộ gia đình [3] liên quan đến các bệnh như ung thư, đột quỵ, tim mạch và phổi. Khoảng 90% số ca tử vong này là ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, với lượng lớn khí thải từ các ngành công nghiệp, giao thông vận tải, nông nghiệp, hoạt động nấu nướng sử dụng than củi.

    Thành phố Port Harcourt, Negeria chìm trong khói bụi[4]

  2. Bệnh không lây

    Các bệnh không lây có thể kể đến như: tiểu đường, ung thư, tim mạch, béo phì và là nguyên nhân gây ra khoảng 70% số ca tử vong trên thế giới (41 triệu người), trong đó có khoảng 15 triệu người có độ tuổi tử vong từ 30 đến 69 tuổi. Với hơn 85% số ca tử vong xảy ra ở các nước có mức thu nhập trung bình, thấp.

    Sự gia tăng bệnh tật xấu đi nếu có 5 yếu tố nguy cơ như: hút thuốc, lối sống ít vận động, sử dụng rượu bia, ăn uống không lành mạnh và ô nhiễm không khí.

    Từ các yếu tố nguy cơ trên, WHO sẽ hợp tác với các quốc gia và vùng lãnh thổ thông qua các hành động như cung cấp bộ công cụ Active để giúp nhiều người trở nên năng động hơn, giảm 15% số ca lười vận động vào năm 2030.

  3. Đại dịch cúm

    Thế giới có thể đối mặt với dịch cúm, tuy nhiên chúng ta không thể biết nó xảy ra khi nào và mức độ nghiêm trọng đến đâu. Bệnh cúm là bệnh được gây ra bởi
    vi -rút cúm, có chu kỳ bệnh theo mùa. Bệnh cúm xảy ra quanh năm, ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Dịch cúm xảy ra hàng năm, ở mọi nơi và trẻ em là đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất.[5]

    Không ai nghĩ rằng cúm là một bệnh nguy hiểm với các triệu chứng đau đầu, sổ mũi, ho và đau cơ có thể khiến mọi người làm tưởng với bệnh cảm lạnh. Bệnh cúm theo mùa gây ra 650.000 cái chết mỗi năm. Do đó, việc tiêm ngừa vắc - xin cúm rất cần thiết. [5]

  4. Môi trường sống khó khăn và dễ bị tổn thương

    Với hơn 1,6 tỉ người (22% dân số thế giới) đang sống ở những nơi có hoàn cảnh sống khó khăn như: hạn hán, nạn đói, xung đột và tình trạng di dân, điều kiện chăm sóc sức khỏe cơ bản còn hạn chế.

    Hệ thống chăm sóc sức khỏe thiếu sự chặt chẽ thường xảy ra ở nhiều vùng lãnh thổ trên thế giới, và đây cũng là nơi chiếm 50% các mục tiêu về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em vẫn chưa được đáp ứng.

  5. Tình trạng kháng kháng sinh (**)

    Sự phát triển của thuốc kháng sinh đóng vai trò quan trọng trong nền y học hiện đại. Cùng với sự phát triển của y học, tình trạng kháng kháng sinh gia tăng nhanh chóng, do nhiều yếu tố: việc lạm dụng và tự sử dụng kháng sinh để tự điều trị cho người, sử dụng kháng sinh để điều trị bệnh do nhiễm vi - rút, lạm dụng kháng sinh cho động vật - vật nuôi (heo, bò, gà, …),[8] đã làm gia tăng tình trạng kháng thuốc kháng kháng sinh.[6]

    Sự gia tăng kháng kháng sinh được cho là mối đe dọa đối với sức khỏe nhân loại trên toàn thế giới. Sự gia tăng kháng kháng sinh là nguyên nhân gây nhiễm trùng nặng, thời gian nằm viện lâu hơn và tỉ lệ tử vong cao hơn [9], ước tính mỗi năm có khoảng 700.000 đến vài triệu người tử vong.[10]

    Mỗi năm, có khoảng 10 triệu người mắc bệnh lao và 1,6 triệu người tử vong (bao gồm 0,3 triệu người bị nhiễm lao liên quan đến nhiễm HIV).[7]

    Trong năm 2017, khoảng 600.000 trường hợp mắc bệnh lao kháng với rifampicin (thuốc có hiệu quả trong điều trị bệnh lao) và isoniazid [8], [9], 82% người bệnh lao đa kháng thuốc.

    Tranh cổ động: Luôn tham vấn chuyên gia về chăm sóc sức khỏe trước khi dùng kháng sinh [6]

  6. Ebola và các mầm bệnh có nguy cơ cao

    Trong năm 2018, nước Cộng hòa Dân chủ Công đã xảy ra hai đợt dịch Ebola với hơn 1 triệu người bị ảnh hưởng. Điều đó cho thấy dịch bệnh có nguy cơ cao như Ebola là rất nghiêm trọng.

    Các chuyên gia cho rằng mầm bệnh có khả năng gây ra tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cho cộng đồng nhưng lại thiếu phương pháp điều trị và vắc - xin dự phòng hiệu quả, và cần phải được ưu tiên nghiên cứu gồm: Ebola, Zika, các bệnh sốt xuất huyết, hội chứng hôi hấp Trung Đông (MES-CoV), hội chứng hô hấp cấp tính (SARS).

  7. Chăm sóc sức khỏe ban đầu chưa tốt

    Chăm sóc sức khỏe ban đầu là nơi đầu tiên để mọi người đến với hệ thống chăm sóc sức khỏe, đáp ứng nhu cầu sức khỏe của một người trong quá trình sinh sống tại cộng đồng đó.

    Tuy nhiên, tại một số quốc gia có thu nhập thấp hoặc trung bình, không có đầy đủ các cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu do thiếu nguồn lực.

  8. Do dự tiêm ngừa vắc - xin phòng bệnh

    Sự do dự tiêm vắc - xin là sự chậm trễ trong việc chấp nhận hoặc từ chối tiêm
    vắc - xin mặc dù vắc - xin có sẵn, điều đó sẽ đe dọa đến quá trình chống lại những căn bệnh có thể được phòng ngừa nhờ tiêm vắc - xin. Tiêm vắc - xin là phương pháp hiệu quả nhất để tránh mắc bệnh, giảm 2 - 3 triệu ca tử vong mỗi năm.

    Có rất nhiều lý do dẫn đến việc không tiêm hoặc do dự không tiêm vắc - xin như sự tự mãn, khó tiếp cận với vắc - xin, sự thiếu hiểu biết, thiếu tự tin tưởng.

    Bệnh sởi đã gia tăng 30% trên toàn cầu, lý do của sự gia tăng này là phức tạp, không phải tất cả các trường hợp bệnh sởi là sự do dự tiêm ngừa vắc - xin. Tuy nhiên, một số quốc gia gần như loại bỏ được bệnh sởi thì bệnh sởi đang có dấu hiệu trở lại.

  9. Sốt xuất huyết

    Sốt xuất huyết Dengue (SXH) là bệnh truyền nhiễm, với tác nhân gây bệnh là
    vi - rút Dengue, muỗi Aedes (muỗi vằn) là vật chủ trung gian truyền bệnh, chưa có
    vắc - xin, và cách điều trị đặc hiệu cho bệnh SXH. Bệnh xảy ra quanh năm và mang tính theo mùa (thường gia tăng vào mùa mưa), chủ yếu ở vùng nhiệt đới và cận nhiễm đới.

    Theo WHO năm 2009, bệnh sốt xuất huyết do Dengue chia làm 3 mức độ gồm: SXH Dengue, SXH Dengue có dấu hiệu cảnh báo, SXH Dengue nặng.

    Bệnh SXH diễn biến phức tạp, nhanh chóng từ nhẹ đến nặng, có các biểu hiện lâm sàng đa dạng như: sốt cao đột ngột, liên tục; nhức đầu, chán ăn, nôn hoặc buồn nôn; có dấu hiệu xuất huyết ở dưới da, nghiệm pháp lancet (dấu thắt dây) dương tính,[11] bệnh có tỉ lệ tử vong lên đến 20% nếu không được chuẩn đoán và điều trị kịp thời.

    Trong những thập kỷ gần đây, ti lệ mắc bệnh SXH ngày càng gia tăng.[11] Và theo ước tính của WHO, trên thế giới có khoảng 40% dân số có nguy cơ mắc bệnh SXH và khoảng 390 triệu ca bệnh mỗi năm.

  10. HIV

    HIV là tên viết tắt của cụm từ tiếng Anh Human Immuno - deficiency Virus
    (Vi - rút gây suy giảm miễn dịch ở người), vi - rút HIV có 2 tysp là HIV - 1 và HIV - 2. Đường truyền của bệnh HIV qua các con đường như: đường máu, đường tình dục, đường từ mẹ truyền sang con.

    Vào những năm 1980, dịch bệnh HIV do vi - rút HIV gây ra, bùng phát toàn cầu, và giết chết hàng ngàn người.

    Theo thống kê của WHO 2017, trên thế giới có hơn 36 triệu người nhiễm HIV (bao gồm 1,8 triệu ca nhiễm mới), có 21 triệu người được điều trị bằng thuốc kháng vi - rút.[12]

    Hiện nay, nhờ có những tiến bộ trong chuẩn đoán và điều trị bệnh HIV, nếu tuân thủ theo phác đồ điều trị bệnh, thì người nhiễm HIV có khả năng sống tốt, sống khỏe. Tuy nhiên, mỗi năm có gần 1 triệu người chết do HIV/AIDS, kể từ khi dịch bệnh được công bố đến nay đã có hơn 70 triệu người mắc và hơn 35 triệu người đã chết. [12]

    ThS. Trần Minh Quí

Ghi chú:

(*): Ký hiệu PM10 (Particulate Matter) là chỉ những hạt có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 10µm, PM20 là chỉ những hạt có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 20µm.

(**) Kháng kháng sinh (vi khuẩn trở nên kháng kháng sinh: Antimicrobial resistance - AMR) là khả năng vi khuẩn chống lại tác dụng của thuốc mà trước đây điều trị thành công vi khuẩn.

Tài liệu tham khảo:

  1. WHO (2018). WHO 13th General Programme of Work (GPW 13) Impact Framework _Indicators_English.pdf?ua=1> Truy cập ngày 22/01/2019

  2. WHO (2018). Ten threats to global health in 2019 Truy cập ngày 22/01/2019

  3. WHO (2018). https://www.who.int/news-room/detail/02-05-2018-9-out-of-10-people-worldwide-breathe-polluted-air-but-more-countries-are-taking-action> Truy cập ngày 22/01/2019

  4. CNN (2018). Port Harcourt: Why is this Nigerian city covered in a strange black soot? Truy cập ngày 22/01/2018

  5. WHO (2018). https://www.who.int/influenza/spotlight> Truy cập ngày 22/01/2019

  6. WHO (2018). https://www.who.int/who-campaigns/world-antibiotic-awareness-week/world-antibiotic-awareness-week-2018> Truy cập ngày 22/01/2019

  7. WHO (2018). https://www.who.int/en/news-room/fact-sheets/detail/tuberculosis> Truy cập ngày 23/01/2019

  8. Castro-Sánchez, E., Moore, L. S., Husson, F., & Holmes, A. H. (2016). What are the factors driving antimicrobial resistance? Perspectives from a public event in London, England. BMC infectious diseases, 16(1), 465.

  9. Llor, C., & Bjerrum, L. (2014). Antimicrobial resistance: risk associated with antibiotic overuse and initiatives to reduce the problem. Therapeutic advances in drug safety, 5(6), 229-241. PMC4232501/>

  10. O'neill J (2016). "Tackling drug-resistant infections globally: final report and recommendations" (PDF). amr-review.org/. Archived(PDF) from the original on 14 November 2017. Retrieved 10 November 2017.

  11. Quyết định 458/QĐ-BYT ngày 16 tháng 02 năm 2011 của Bộ Y tế quyết định về việc ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết Dengue.

  12. WHO. HIV/ https://www.who.int/hiv/data/en/> Truy cập ngày 23/01/2019

Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,