Điểm tin y tế tuần 03 - 2019

VĂN BẢN PHÁP LÝ VÀ CHỈ ĐẠO

1. Công văn hướng dẫn triển khai hoạt động quản lý trang thiết bị y tế

Ngày 2/1/2019, Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 14/ BYT-TB-CT về việc triển khai Nghị định số 169/2018/NĐ-CP ngày 31/12/2018 của Chính phủ. Theo đó, vào ngày Ngày 31/12/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 169/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 36/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế (sau đây gọi tắt là Nghị định số 169/2018/NĐ-CP) có hiệu lực thi hành từ ngày ký. Nghị định số 169/2018/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến hoạt động quản lý trang thiết bị y tế như sau: giải thích từ ngữ về trang thiết bị y tế; phân loại trang thiết bị y tế; điều kiện của cơ sở phân loại, sản xuất, mua bán trang thiết bị y tế; thủ tục công bố, đăng ký lưu hành và nhập khẩu trang thiết bị y tế; hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn trang thiết bị y tế; quản lý, sử dụng trang thiết bị y tế trong các cơ sở y tế; tổ chức thực hiện.

Ngoài ra, Nghị định số 169/2018/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung các quy định về điều khoản chuyển tiếp tại Điều 68 của Nghị định số 36/2016/NĐ-CP với các nội dung cần lưu ý như sau:

- Trang thiết bị y tế là sinh phẩm chẩn đoán in vitro đã được cấp giấy đăng ký lưu hành theo quy định của Luật dược năm 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật này thì giá trị sử dụng của số lưu hành đã được cấp có hiệu lực đến hết thời gian ghi trên giấy đăng ký lưu hành. Riêng đối với các số đăng ký lưu hành sinh phẩm chẩn đoán in vitro hết hiệu lực sau ngày 01 tháng 01 năm 2019 và trước ngày 31 tháng 12 năm 2019 thì được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2019.

- Hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế chỉ có một mục đích là khử khuẩn trang thiết bị y tế đã được cấp giấy chứng nhận lưu hành nếu hết hiệu lực sau ngày 01 tháng 7 năm 2016 và trước ngày 01 tháng 01 năm 2019 thì được tiếp tục sử dụng giấy chứng nhận lưu hành đó đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2019.

- Tổ chức thực hiện việc phân loại trang thiết bị y tế có trách nhiệm hoàn thành việc công khai kết quả phân loại trang thiết bị y tế đã ban hành trước ngày 31 tháng 12 năm 2018 trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế tại địa chỉ: www.dmec.moh.gov.vn trước ngày 01 tháng 4 năm 2019.

- Tất cả các chứng nhận đã qua đào tạo về phân loại trang thiết bị y tế được cấp trước ngày 31 tháng 12 năm 2018 chỉ có hiệu lực là 03 năm kể từ ngày ký.

Đính kèm Công văn số 14/ BYT-TB-CT

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN

1. Bộ Y tế khởi động tập thể dục ngay tại công sở để phòng bệnh

Tại buổi thông tin báo chí chiều 9/1, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế bắt đầu khởi động chương trình tập thể dục ngay tại công sở. Điều này được đánh giá là rất tốt trong việc nâng cao sức khỏe, phòng các bệnh không lây nhiễm liên quan đến lối sống, vận động của người dân.

Theo đó, buổi tập thể dục tại công sở chính thức được thực hiện tại cuộc họp giao ban Bộ Y tế ngày 8/1 và sẽ tiếp tục được khởi động. Việc này được áp dụng trước hết là ở cơ quan Bộ, cán bộ ngành y, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, các bệnh viện, y tế dự phòng, văn phòng sở...

Sau đó, Bộ Y tế sẽ mở rộng mô hình này đến các cơ sở y tế tại các tỉnh thành. Nếu các Bộ, ngành khác có quan tâm, Bộ Y tế cũng sẵn sàng hỗ trợ các chương trình tập thể dục tại công sở, lan tỏa lối sống lành mạnh, thể dục rèn luyện sức khỏe trong nhân dân.

2. Chủ động phòng chống dịch bệnh dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội 2019

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hiện nay Việt Nam được xác định là một trong những “điểm nóng” có nguy cơ rất cao xuất hiện các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm gồm các bệnh lây truyền từ vật nuôi, động vật hoang dã, hoặc hệ sinh thái. Nguyên nhân dẫn đến một số dịch, bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có chiều hướng gia tăng thời gian gần đây là do tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, lụt bão. Mạng lưới y tế tại một số địa phương còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng nguồn nhân lực, cơ cấu chưa hợp lý. Kinh phí cho công tác phòng, chống dịch chưa được đầu tư đúng mức, khi xảy ra dịch bệnh mới được cấp kinh phí, hoặc cấp muộn dẫn đến tình trạng thụ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh,…

Do đó, để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe người dân trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội 2019, Cục Y tế dự phòng yêu cầu các đơn vị y tế dự phòng tăng cường hoạt động giám sát tại khu vực cửa khẩu và cộng đồng, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, trường hợp bệnh xâm nhập, nhất là các ổ dịch cũ. Các trường hợp người trở về từ vùng có dịch cần tổ chức cách ly, quản lý kịp thời và xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh.

Đối với người dân, cần thực hiện tốt việc vệ sinh phòng bệnh trong chăn nuôi, buôn bán, giết mổ, chế biến gia cầm và các sản phẩm gia cầm. Khi tiếp xúc với gia cầm và các sản phẩm gia cầm cần sử dụng khẩu trang, găng tay. Người dân tuyệt đối không ăn tiết canh và sử dụng thịt, sản phẩm gia cầm ốm, chết, không rõ nguồn gốc

3. Nguy cơ nhiễm khuẩn liên cầu lợn tăng cao trong dịp Tết

Những ngày gần Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, nhu cầu sử dụng thực phẩm tăng cao, đặc biệt là thịt lợn. Lượng thịt lợn cung ứng ra thị trường lớn kéo theo các mặt hàng như tiết canh, nội tạng lợn bán rộng rãi. Đây là mầm mống của bệnh nhiễm khuẩn do liên cầu lợn.Bệnh liên cầu lợn nguyên nhân do vi khuẩn liên cầu (Streptococcus Suis) ký sinh ở lợn gây nên.

Bệnh liên cầu lợn lây sang người chủ yếu qua đường tiêu hóa. Ăn tiết canh lợn có mầm bệnh là nguyên nhân chiếm tới 70% trường hợp. Ngoài ra bệnh có thể lây qua đường hô hấp hoặc lây trực tiếp qua các tổn thương trên da.

Triệu chứng nhẹ như đau bụng, sốt, buồn nôn, nôn và đi ngoài phân lỏng (số lần ít) dễ khiến nhiều người chủ quan nhầm với rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm thông thường. Khi mắc bệnh diễn biến cấp tính, thời gian điều trị kéo dài và rất tốn kém với nhiều biến chứng như nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, viêm màng não mủ... nguy hiểm đến tính mạng.

Do đó, Bô Y tế khuyến cáo người dân không ăn lợn bệnh, thịt lợn sống, tiết canh, nội tạng lợn chưa nấu chín và đặc biệt không ăn thịt lợn ốm, chết. Khi có những triệu chứng bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.

TIN Y TẾ QUỐC TẾ

1. Dịch cúm tại Mỹ làm 13 trẻ em tử vong, 1.500 người nhiễm bệnh

Theo Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Mỹ, 90% số trường hợp nhiễm cúm H1N1, loại virus từng gây ra dịch cúm tại Mỹ năm 2009. Hiện nay 19 bang tại Mỹ và thành phố New York đang ở trong tình trạng cảnh giác cao vì dịch cúm bùng phát. Ít nhất 13 trẻ em đã tử vong và hơn 1.500 người nhiễm cúm.

Một số bang như New Jersy, Bắc Carolina và Indiana đã có những hạn chế với du khách, nhằm ngăn chặn dịch cúm lan rộng. Trong khi đó, các bệnh viện đã yêu cầu bệnh nhân, những người đến khám bệnh phải đeo khẩu trang thường xuyên.

Tại Scottsdale, bang Arizona, tất cả các du khách buộc phải đeo khẩu trang. Tại Providence, những người không tiêm phòng cúm cũng được yêu cầu phải đeo khẩu

Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Mỹ cũng cho biết, chủng cúm H1N1 nhẹ hơn rất nhiều so với chủng H3N2 đã cướp đi sinh mạng của khoảng 80.000 người tại Mỹ trong mùa cúm trước. Tiêm phòng cúm tại Mỹ trong năm qua đã được triển khai hiệu quả hơn.

2. Dịch virus Hanta lây lan làm 9 người thiệt mạng tại Argentina

Ngày 9/1/2019, Bộ Y tế Argentina cho biết số người tử vong do nhiễm virus Hanta ở miền Nam nước này đã tăng lên 9, kể từ khi dịch bệnh này bùng phát hồi đầu tháng 12/2018. Ngoài ra, vẫn còn khoảng gần 30 người nhiễm virus đang được điều trị tích cực tại cơ sở y tế này.

Cơ quan chức năng tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng ngừa virus Hanta lây lan, đồng thời khuyến cáo người dân tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn. Bộ Y tế Chile đã phải phát đi thông cáo khẩn khuyến cáo công dân nước này khi du lịch tới Argentina cần phải tránh những khu vực có khả năng cao bị lây nhiễm loại virus chết người.

Hanta là virus lây từ chuột sang người. Loại virus này có trong nước bọt và nước tiểu của chuột, ngay cả khi chết xác chuột vẫn còn phóng thích virus Hanta. Nguy hiểm hơn, phân và nước tiểu của chuột nhiễm bệnh khi thải ra môi trường, con người hít phải cũng sẽ bị nhiễm bệnh. Ngoài ra, virus này có thể lây từ người sang người.

Những người nhiễm virus Hanta thường có dấu hiệu cảm cúm, sốt, đau cơ, ớn lạnh, buồn nôn và đau bụng. Trường hợp bệnh diễn tiến nặng, nếu phát hiện muộn, bệnh nhân có thể tử vong (tỷ lệ tử vong từ 6-10%) do suy hô hấp, suy tim, và suy thận phải.

Ban Biên tập website Viện