Kết quả Hội nghị sơ kết phòng chống và loại trừ sốt rét, phòng chống giun sán 6 tháng đầu năm, triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2014, khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng

Ngày 31/7/2014, Viện Sốt rét - KST - CT TP. HCM tổ chức Hội nghị sơ kết công tác phòng chống và loại trừ sốt rét, phòng chống giun sán 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2014, khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng.

Hội nghị được tổ chức tại Hội trường Viện Sốt rét - KST - CT TP. HCM. Tham dự Hội nghị, về phía đại biểu và khách mời có TS. Trần Thanh Dương, Trưởng Ban điều hành dự án quốc gia phòng chống và loại trừ sốt rét - Viện trưởng Viện Sốt rét - KST - CT Trung ương; TS. Hồ Văn Hoàng - Phó viện trưởng Viện Sốt rét - KST - CT Quy Nhơn; Lãnh đạo Sở Y tế một số tỉnh, Lãnh đạo vá cán bộ Trung tâm PCSR, Trung tâm YTDP của 20 tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng, lãnh đạo Trung tâm y tế các huyện trọng điểm sốt rét, lãnh đạo các Viện, Bệnh viện, đơn vị y tế của các bộ, ngành ở phía Nam. Về phía Viện Sốt rét - KST - CT TP. HCM có các đồng chí lãnh đạo Viện cùng toàn thể cán bộ viên chức chuyên môn.

PGS.TS. Lê Thành Đồng - Viện trưởng phát biểu khai mạc Hội nghị
Sau phần khai mạc của PGS.TS. Lê Thành Đồng - Viện trưởng, Hội nghị đã nghe ThS. Lương Trường Sơn, Phó viện trưởng báo cáo kết quả công tác phòng chống và loại trừ sốt rét, phòng chống giun sán, phòng chống sốt xuất huyết và ngoại ký sinh 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2014 khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2014, tình hình sốt rét giảm thấp trên toàn khu vực NB - LĐ, tuy nhiên khu vực vẫn phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn thách thức do tình hình sốt rét phức tạp, di biến động dân khó kiểm soát (dân di cư tự do, đi rừng, ngủ rẫy, giao lưu biên giới), sốt rét kháng thuốc có nguy cơ tăng và lan rộng, muỗi An.epiroticus, véc tơ truyền bệnh sốt rét chính ở đồng bằng Nam Bộ, tăng sức chịu đựng và kháng với các hóa chất đang sử dụng hiện nay, sốt rét bùng phát ở các địa phương không còn sốt rét lưu hành (SRLH) hoặc đã giảm thấp, hoạt động của các điểm kính hiển vi, của mạng lưới y tế cơ sở còn yếu, kiêm nhiệm nhiều việc... nguy cơ sốt rét quay trở lại và có thể bùng phát thành dịch bất cứ lúc nào, do đó đòi hỏi sự quan tâm chỉ đạo của ngành và của chính quyền các cấp, sự quyết liệt của hệ thống chuyên khoa phòng chống sốt rét (PCSR) mới triển khai thực hiện tốt chiến lược chống và loại trừ sốt rét.

Các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2014: (1) Triển khai chiến lược phòng chống và loại trừ sốt rét theo quy định của chương trình quốc gia PCSR; (2) Triển khai kế hoạch phân vùng dịch tễ sốt rét, giám sát trọng điểm sốt rét năm 2014; (3) Tổ chức rà soát, xây dựng kế hoạch PCSR năm 2015 của khu vực sát với nhu cầu thực tế của địa phương; (4) Tổ chức điều tra phát hiện ký sinh trùng sốt rét ở địa phương, điều trị kịp thời và đầy đủ, đúng phác đồ quy định. Tăng cường giám sát chất lượng chẩn đoán, điều trị sốt rét ở các tuyến, chú trọng ở tuyến huyện, xã, giám sát và chỉ đạo việc điều trị các chủng ký sinh trùng sốt rét đúng quy định; (5) Triển khai các hoạt động tăng cường PCSR cho các đối tượng đi rừng, ngủ rẫy, dân di biến động vào vùng SRLH; (6) Tiếp tục triển khai và hoàn thành công tác bảo vệ dân nguy cơ bằng hóa chất đúng như kế hoạch của năm 2014. Tăng cường giám sát các hoạt động phòng chống véc tơ của các địa phương; (7) Tiếp tục nghiên cứu, giám sát và triển khai các hoạt động ngăn chặn chủng P.falciparum kháng artesunat lan rộng ra các vùng lân cận và các vùng khác; (8) Rà soát, tổng hợp các điểm kính hiển vi, bố trí, tổ chức lại hoạt động, tập trung các kính hiển vi cho các vùng SRLH, vùng có nguy cơ sốt rét quay trở lại như có nhiều đối tượng giao lưu vào vùng SRLH, hải đảo, biên giới. Tăng cường năng suất hoạt động của điểm kính; (9) Triển khai các hoạt động của Dự án PCSR do Quỹ toàn cầu tài trợ đúng tiến độ và đạt hiệu quả cao tại 5 tỉnh của dự án.

Về công tác phòng chống giun sán trong khu vực, tiếp tục thực hiện các hoạt động chỉ đạo, giám sát; điều tra, đánh giá tỷ lệ nhiễm giun sán; tẩy giun; tập huấn; truyền thông phòng chống giun, sán; xây dựng nhiều đề tài NCKH về sán máng, sán lá gan lớn, phương pháp chẩn đoán Toxocara sp, xây dựng thư viện mẫu.

Về công tác phòng chống sốt xuất huyết, trong 6 tháng cuối năm sẽ tăng cường các hoạt động giám sát, điều tra véc tơ, điều tra bọ gậy nguồn, thử nhạy cảm và đánh giá mức độ nhạy cảm của muỗi Ae.aegypti với hóa chất.

Về công tác ngoại ký sinh, tiếp tục điều tra, thu thập thành phần loài; triển khai nghiên cứu về 4 nhóm loài ngoại ký sinh gây bệnh (ve, mò, mạt, bọ chét); tăng cường hoạt động truyền thông cộng đồng để người dân hưởng ứng với công tác phòng chống các loài ngoại ký sinh gây bệnh.

Hội nghị cũng đã nghe báo cáo tham luận TS. Hồ Văn Hoàng - Phó viện trưởng Viện Sốt rét - KST - CT Quy Nhơn về công tác phối hợp PCSR giữa hai khu vực miền Trung - Tây Nguyên và Nam Bộ - Lâm Đồng, báo cáo tham luận của các địa phương về các vấn đề trọng tâm như sốt rét gia tăng, bùng phát do di biến động dân ở Lâm Đồng, sốt rét dai dẳng ở Bình Phước và các vấn đề chuyên môn kỹ thuật; những khó khăn trong công tác PCSR ở địa phương, về tình hình kiểm soát di biến động dân, tình hình điều trị; điểm nóng về sốt rét, sốt rét kháng thuốc; muỗi kháng hóa chất; những bài học kinh nghiệm ở các tỉnh có sốt rét giảm… đồng thời đề xuất các giải pháp thực hiện; báo cáo tham luận của y tế ngành cao su. Hội nghị đã thảo luận sôi nổi, thẳng thắn nhiều vấn đề bức xúc, cần giải quyết hiện nay.


Báo cáo tham luận của các đại biểu
Phát biểu tại Hội nghị, TS. Trần Thanh Dương, Trưởng Ban điều hành dự án, chỉ đạo các địa phương cùng phối hợp trong công tác PCSR và quản lý dân di biến động, điều trị sốt rét theo phác đồ của Bộ Y tế, phải có sự liên kết giữa các Bộ, ngành, địa phương trong việc tổ chức triển khai PCSR, thực hiện các hoạt động PCSR do Dự án Quỹ toàn cầu tài trợ, tái cơ cấu hệ thống PCSR, duy trì ổn định và phát triển hệ thống tổ chức, đẩy mạnh công tác phòng chống các bệnh ký sinh trùng, giun sán, sốt xuất huyết, ngoại ký sinh khi sốt rét giảm mạnh.

Hội nghị cũng nghe phổ biến kế hoạch phân vùng dịch tễ sốt rét và giám sát trọng điểm sốt rét năm 2014, nghe hướng dẫn xây dựng kế hoạch phòng chống và loại trừ sốt rét năm 2015 đối với các địa phương.

Phát biểu bế mạc hội nghị, PGS.TS. Lê Thành Đồng đánh giá cao những nỗ lực và những thành tích đạt được trong công tác PCSR của các đơn vị y tế trong khu vực NB - LĐ, ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương tiếp tục triển khai tốt các hoạt động PCSR 6 tháng cuối năm, bám sát các chỉ tiêu, mục tiêu đã đặt ra, đặc biệt đánh giá sát tình hình sốt rét thực tế tại địa phương, từ đó xây dựng kế hoạch năm 2015 phải cụ thể, sát với nhu cầu thực tế, nhất là các địa phương có sốt rét giảm. Đối với các địa phương có tình hình sốt rét giảm thấp, đề nghị các địa phương quan tâm triển khai các biện pháp phát hiện các ca bệnh chủ động, điều trị triệt để các trường hợp mang ký sinh trùng, phối hợp giữa địa phương và Viện xem xét các trường hợp mang KST lạnh, KST chưa được điều trị triệt để, hy vọng các địa phương này tiến tới loại trừ được bệnh sốt rét. Đối với các địa phương có tình hình sốt rét dai dẳng, trọng điểm sốt rét, triển khai đầy đủ các biện pháp PCSR. Trong thời gian tới, Viện Sốt rét - KST - CT TP. HCM phối hợp với Viện Sốt rét - KST - CT Trung ương và các địa phương liên quan đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học (NCKH) về các vấn đề KST kháng thuốc, muỗi kháng hóa chất, di biến động dân… Qua Hội nghị này, các địa phương nhận thấy vai trò, trách nhiệm của chuyên ngành sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng, từ đó phải xây dựng, triển khai mạnh mẽ, khẳng định được mình về các lĩnh vực công tác phòng chống sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng, sốt xuất huyết, ngoại ký sinh…

CN. Nguyễn Thị Yến

Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,