1. VỊ TRÍ PHÂN LOẠI
Giới | Động vật |
Ngành | Chân đốt |
Lớp | Côn trùng |
Bộ | Cánh nửa |
Họ | Bọ xít bắt mồi |
Phân họ | Triatominae |
Giống | Triatoma |
2. THÀNH PHẦN LOÀI VÀ PHÂN BỐ
2.1. Trên thế giới
Bọ xít thuộc họ Reduviidae, trong đó phân họ Triatominae có nhiều loài hút máu động vật và có ý nghĩa y học và thú y, những loài này có nhiều tên gọi khác nhau như bọ xít hút máu, bọ Conenose, bọ sát thủ. Chúng thường sống thành tổ và nương tựa vào các động vật có xương sống để dễ dàng hút máu. Chúng được tìm thấy chủ yếu ở châu Mỹ, số ít khác ở châu Á, châu Phi và châu Úc. Năm 1590, Fray Reginaldo de Lizarraga là người đầu tiên mô tả các đặc điểm hình thể và thói quen của bọ xít. Tuy nhiên, Triatominae đầu tiên được chính thức đưa vào các tài liệu khoa học năm 1773 bởi DeGeer như loài Cimex rubrofasciatus[6]. Gần 60 năm sau (1832-1833), Laporte đã xếp chúng vào nhóm Triatoma. Sau khi phát hiện ra tác nhân (Trypanosoma cruzi) gây bệnh Chagas và véc tơ (1909), trên thế giới đã có rất nhiều nghiên cứu về bọ xít hút máu Triatominae, đến năm 1910 đã phát hiện được 112 loài và cho đến nay trên thế giới đã phát hiện được 142 loài và phụ loài, 15 - 17 giống, ở châu Á có 14 loài, Francisco Panzera, 2011[6].
Có 141 loài bọ xít hút máu thuộc giống Triatoma phân bố hầu như khắp thế giới. Trong đó, loài phân bố rộng khắp thế giới là loài Triatoma rubrofasciata (quần đảo Andaman, Angola, Antigua, Argentina, Azores, Bahamas, Brazil, Campuchia, quần đảo Caroline, Trung Quốc, Comoros, Cuba, Cộng hòa Dominica, Guyana thuộc Pháp, Đảo Grenada, Guadeloupe, Haiti, Hồng Kông, Ấn Độ, Indonesia, Jamaica, Nhật Bản, Madagascar, Malaysia, Martinique, Mauritania, Myanmar, Papua New Guinea, Philippines, Reunion, đảo Rodriguez, Ả Rập Saudi, Seychelles, Sierra Leone, Singapore, Nam Phi, Sri Lanka, Đảo Ste Croix, Đảo St Vincent, Đài Loan, Tanzania, Thái Lan, Venezuela, Việt Nam, Quần đảo Virgin, Hoa Kỳ)[6].
Một số loài bọ xít hút máu là véc tơ chính trực tiếp truyền ký sinh trùng đơn bào Trypanosoma cruzi, gây ra bệnh Chagas:
Giống Triatom[8]:
+ Triatoma infestans: Argentina, Bolivia, Brazil, Chile, Paraguay, Nam Peru, Uruguay.
+ Triatoma dimidiata: Belice, Colombia, Costa Rica, đường xích đạo, El Salvador, Guatemala, Honduras, Mexico, Nicaragua, Bắc Peru, Venezuela.
+ Triatomabrasiliensis: Brazil. Có ba phức hợp loài T. b. brasiliensis, T. b. melanica, T. b. macromelanosoma.
+ Triatoma barberi: Mexico.
Giống Rhodnius[5]:
+ Rhodnius prolixus là véc tơ truyền Trypanosoma cruzi ở Trung Mỹ và miền bắc Nam Mỹ.
2.2. Việt Nam
Ở Việt Nam, các loài bọ xít hút máu cũng được ghi nhận từ trước bởi các nhà khoa học nước ngoài như Lent và Wygodzinsky (1979), đã ghi nhận ba loài là T. bouvieri, T. migrans và T. rubrofasciata. Hsiao and Ren (1981) đã mô tả loài T. rubrofasciata và ghi nhận ở Trung Quốc, Việt Nam; Tạ Huy Thịnh (2002) đã phát hiện được loài T. rubrofasciata ở Vĩnh Phúc; Trịnh Xuân Lam (2004) phát hiện được hai loài là T. rubrofasciata và T. bouvieri ở Vườn quốc gia (Hà Nội), Vườn quốc gia Tam Đảo (Vĩnh phúc), Mai Châu (Hòa Bình)[1]. Ở Việt Nam, cho đến nay mới phát hiện được bốn loài bọ xít hút máu là Triatoma bouvieri Larosse, T. migrans Breddin, T. rubrofasciata (De Geer, 1773) và T. rubida (Uhler, 1894). Trong đó, loài Triatoma rubrofasciata phổ biến nhất, đã tìm thấy ở 28 tỉnh trong cả nước (Nguyễn Văn Châu và cộng sự, 2011)[2].
Hiện nay, bọ xít hút máu đang có xu hướng phát triển và gia tăng số lượng ở nhiều địa phương trong cả nước, đặc biệt ở các khu dân cư ở các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Tp. HCM. Hơn nửa các loài bọ xít hút máu này đã tạo lập và hình thành thói quen sống gần với con người, thích nghi với điều kiện sống của con người. Chúng tập trung và tạo thành ổ bọ xít hút máu với số lượng lớn trong các khu dân cư đông người. Bọ xít hút máu từ các ổ phát tán vào trong nhà tìm cơ hội tấn công và hút máu người để sinh sản và phát triển làm ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt và cuộc sống hàng ngày của mỗi người dân, gây nên tâm lý lo ngại về sức khỏe khi bị bọ xít hút máu tấn công[3].
2.3. Khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng
Theo Nguyễn Văn Châu, Lê Thành Đồng và cộng sự (2013), nghiên cứu về phân bố, tập tính sinh thái và tác hại của loài bọ xít hút máu T. rubrofasciata ở Việt Nam và các kết quả điều tra trong những năm gần đây của Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Tp. HCM cho thấy tại khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng mới phát hiện được một loài Triatoma rubrofasciata. Kết quả nghiên cứu không tìm thấy ký sinh trùng đơn bào Trypanosoma cruzi ở loài bọ xít Triatoma rubrofasciata[1].
3. ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC
3.1. Đặc điểm hình thể
3.1.1. Trứng
Trứng có hình bầu dục, thường có màu trắng ngà, kích thước khoảng 1-1,5 mm.
Hình 5.1. Hình thể trứng bọ xít Triatoma[9, 10]
3.1.2. Thiếu trùng
Có năm giai đoạn từ thiếu trùng giai đoạn 1 đến thiếu trùng giai đoạn 5. Về mặt hình thể giai đoạn thiếu trùng giống với con trưởng thành nhưng bé hơn, chưa có cánh và thiếu cơ quan sinh dục.
Hình 5.2.a. Hình thể thiếu trùng bọ xít Triatoma từ giai đoạn 1 đến 5[11]
Hình 5.2.b. Hình thể thiếu trùng bọ xít Triatoma từ giai đoạn 1 đến 5[11]
3.1.3. Bọ xít trưởng thành
Bọ xít dẹp theo hướng lưng bụng, kích thước và màu sắc khác nhau tùy theo giống và loài. Bọ xít trưởng thành có chiều dài 6-7 mm.
Hình 5.3. Hình thể bọ xít hút máu trưởng thành[12]
Ghi chú: 1- Ăng ten có 4 đoạn nhỏ. 2- Gốc ăng ten nằm ở giữa vị trí giữa mắt và lề trước của đầu. 3- Mắt đơn và mắt kép. 4- Ngực trước. 5- Ngực giữa. 6 - Mai. 7- Hai cặp cánh. 8- Diềm bên. 9- Bụng. 10- Vòi rất dài; khi không sử dụng, nó được gấp bên dưới đầu.
Cơ thể chia làm ba phần: đầu, ngực, bụng.
Trên đầu có đôi mắt đơn và một đôi mắt kép to, trước mắt là một đôi râu (hay anten gồm bốn đốt) dài khoảng 4 mm. Tận cùng đầu là vòi khỏe, gồm ba đốt, đốt thứ ba nhọn. Giữa đầu và ngực là cổ thắt lại.
Ngực 3 đốt hầu như gắn liền với nhau, mỗi đốt mang một đôi chân. Sau ngực là bụng gồm 8 đốt. Chân 5 đốt gồm: đốt gốc (hay đốt háng), đối gối, đốt đùi, đốt cẳng và đốt bàn. Cuối đốt bàn có hai móng sắc. Phần gốc vòi cong, không dính sát đầu.
Mặt bụng của ngực trước có rãnh lõm để nạp vòi và có nọc độc làm tê liệt con mồi. Ở rìa thân có sọc màu vàng, thân có màu nâu đặc trưng, khác với các loại bọ xít khác có đủ màu xanh, đen, nâu...
Có thể phân biệt con đực và con cái ở bọ xít trưởng thành bằng hình thái bên ngoài. Ở con cái, đốt cuối bụng có rãnh dọc, con đực liền không có rãnh dọc.
3.2. Vòng đời phát triển
Bọ xít là loài côn trùng biến thái không hoàn toàn, phát triển qua các giai đoạn trứng, thiếu trùng và trưởng thành.
Hình 5.4. Vòng đời phát triển của Triatoma[13]
Bọ xít thường đẻ trứng trên thành của giường, tủ hoặc dưới các đống gỗ ngoài nhà. Thiếu trùng, trưởng thành con đực và cái đều hút máu động vật, người. Con trưởng thành và thiếu trùng giống nhau về tập tính, nơi cư trú và cách ăn.
Chúng sinh trưởng rất nhanh và mạnh. Mỗi con bọ xít hút máu hằng năm sản sinh 200-250 trứng trong một vòng đời, trong đó 80-85% trứng có thể tồn tại ở bất cứ nhiệt độ, môi trường nào. Bọ xít mới nở đã hút máu được ngay, loài này cũng có đặc điểm đáng chú ý là sống rất dai, chỉ cần hút máu 2-3 lần/năm là có thể sống hết cả vòng đời. Nếu đã hút máu người, chỉ 1-2 ngày sau, cá thể sẽ đẻ trứng. Mỗi đợt đẻ khoảng 150-200 quả. Trứng bọ xít hút máu nhỏ, rất khó phát hiện và khoảng 16-18 ngày sau sẽ nở thành cá thể bọ xít non. Cá thể này ngay lập tức sẽ hút máu người. Nếu có một cá thể cái đẻ trứng trong nhà thì khoảng 20 ngày sau trong nhà có thể có hàng trăm cá thể bọ xít hút máu người xuất hiện[2].
3.3. Tập tính
Con trưởng thành và thiếu trùng sống trong hang tổ của động vật hoang dại, bao gồm hang tổ của chim, dơi, sóc… Ở đó, chúng ăn vào ban đêm bằng cách hút máu khi động vật đang ngủ. Một số loài thích sống trong và gần nhà người ở. Tại đó chúng có thể hút máu trên người và động vật nuôi như gà, mèo con, ngỗng và chó. Sự hút máu có thể xảy ra 10 – 25 phút. Bọ xít thường hút máu vào ban đêm và chích hút khá êm nên nhiều người không biết, và chỉ hút máu đang chảy trong huyết quản của người. Khi đốt, chúng tiết ra một loại chất gây tê nên người bị đốt thường không cảm nhận được gì. Để có thức ăn, thông thường chúng phát tán vào nhà, có tập tính là sống gần người trong các khe giường, trần nhà, bàn ghế, quần áo và nhất là trong phòng ngủ. Chúng không chỉ xuất hiện ở các khu nhà ẩm thấp, tối tăm mà còn có mặt cả ở những khu nhà cao tầng, đầy đủ tiện nghi[3].
Thông thường, thời kỳ sinh sản của bọ xít hút máu là vào đầu mùa mưa, khi độ ẩm trong không khí tăng cao, nên ở khu vực miền trung trong thời điểm hiện nay đang là mùa sinh sản của bọ xít hút máu. sinh trưởng và phát tán loại bọ xít này thường bắt đầu từ tháng 6 tới tháng 8, hiện nay xuất hiện từ tháng 5 và có thể kéo dài tới tháng 9. Loài côn trùng này phát triển vào thời điểm giao mùa giữa nắng nóng và mưa. Đây là thời điểm vào mùa sinh trưởng, phát triển của bọ xít hút máu nên chúng rất cần thức ăn là máu của các động vật, trong đó có con người. Bọ xít hút máu người sinh sản trong mùa nóng. Hàng năm chúng thường xuất hiện vào tháng 7 đối với những năm có hai tháng nhuận nên theo lịch thì sẽ xuất hiện muộn hơn vào khoảng tháng 8.
Nơi ẩn náu: các loài Triatoma truyền bệnh Chagas suốt ngày ở trong các khe kẽ tối tăm gần người. Con trưởng thành và thiếu trùng giống nhau về tập tính, nơi cư trú và cách ăn[2].
Nơi trú ẩn trong nhà: ban ngày, bọ xít Triatoma thích giấu mình trong khe kẽ, đường nứt tường tối tăm. Chúng tập trung nhiều trong khe của tường gạch tróc lớp trát ngoài, vách đất, sau các bức tường và trong giường[2].
Nơi trú ẩn gần nhà: một số loài Triatoma tìm thấy những nơi nhất định trong các khu vực quanh nhà, từ đó chúng có thể vào nhà kiếm ăn. Chỗ ở tìm thấy trong tất cả mọi thứ của kho chứa đồ đạc, như củi, gỗ xẻ, đá, ngói và các túi đựng thức ăn. Nơi ẩn náu của bọ xít cũng tìm thấy trong chuồng động vật như chuồng gà, chuồng dê[2].
Ở Việt Nam, đã tìm thấy loài Triatoma rubrofasciata sinh sống trong các đống củi kho có khối lượng 1 m2 trở lên, nơi ẩm thấp, thời gian một vài năm hay hơn. Trong các đống củi có cả chuột sinh sống nên có thể máu chuột con là thức ăn của bọ xít. Thiếu trùng vì chưa có cánh nên sống tại chỗ và di chuyển qua lại trong đống củi, con trưởng thành đã có cánh nên thường bay xa, khoảng trên dưới 50 m để tìm mồi[2].
Nghiên cứu một số đặc điểm sinh thái, hay tập tính sinh thái của bọ xít Triatoma rubrofasciata trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh miền bắc cho thấy loài bọ xít này xuất hiện quanh năm, nhưng nhiều nhất vào mùa hè (tháng 9 - 10), chúng hoạt động kiếm mồi, hút máu chủ yếu vào ban đêm (98,96%). Ở Hà Nội, bọ xít Triatoma rubrofasciata có khả năng bay vào nhà tới tầng thứ sáu (tương đương độ cao 18 – 20 m kể từ mặt đất), chủ yếu vào tầng 1 (61,53%) và tầng 2 (21,67%). Chúng thường bay vào qua cửa sổ, cửa ra vào và những ô cửa thông gió. Tổ của chúng là ở những đống củi gỗ hay gỗ xẻ nhỏ xếp thành đống có khối lượng lớn hơn 0,5 m3 và xếp cố định trong thời gian hơn 6 tháng, ở nơi khô ráo trong nhà hay ngoài vườn được che mưa, có tổ chuột trong đó. Gác xép nhà trọ làm bằng gỗ cũng là nơi làm tổ của bọ xít. Người nằm trên đó chính là nguồn cung cấp thức ăn cho bọ xít. Ngoài ra, còn thấy một số tổ bọ xít trong khe nứt của tường gạch nhà cấp bốn, nơi thường nhốt chó. Nhóm bọ xít hút máu có vai trò trong y học ở Việt Nam cho tới nay được nghiên cứu còn ít[1].
4. VAI TRÒ Y HỌC
4.1. Vai trò gây bệnh
Bọ xít đốt và gây ngứa rát, đau buốt, nổi sần tại chỗ.
]
Hình 5.5. Sang thương do bọ xít hút máu đốt[7
Bọ xít T. rubrofasciata đốt thường gây tổn thương tại chỗ. Qua theo dõi 154 người bị bọ xít đốt cho thấy vết đốt hầu như rải rác từ đầu đến chân. Bọ xít có thể chui vào trong quần áo đốt như đã thấy các vết đốt ở mông và bụng. Hiện tượng sưng, ngứa tại vết đốt là phổ biến (99,35%) và kéo dài từ 2-5 ngày. Hiện tuợng sưng ngứa và có sốt là 7 trường hợp (4,54%) và kéo dài trong vài ngày. Kết quả xét nghiệm máu trong dạ dày 245 cá thể bọ xít thu thập ở một số tỉnh miền bắc trong năm 2010-2011 cho thấy tỷ lệ hút máu người của bọ xít T. rubrofasciata là 1,0% (đối với những con bọ xít thu thập trong tổ) và 53,33% (đối với những bọ xít bắt được trong nhà người ở)[1].
4.2. Truyền bệnh Chagas[5]
Bệnh Chagas là bệnh nhiễm trùng do ký sinh trùng được tìm thấy trong phân của bọ xít hút máu gây ra. Bệnh Chagas phổ biến ở Nam Mỹ, Trung Mỹ và Mexico. Trong vài trường hợp hiếm hoi, bệnh Chagas đã được phát hiện ở miền nam Hoa Kỳ. Bệnh Chagas có thể lây nhiễm bất cứ ai và thường được phát hiện ở trẻ em. Nếu không điều trị, bệnh Chagas sau này có thể gây ra các vấn đề về tim mạch và tiêu hóa trầm trọng.
Hình 5.6. Phân bố ca bệnh Chagas trên thế giới tính đến năm 2006[5]
Tác nhân gây bệnh: là Trypanosoma cruzi một loại trùng roi đường máu.
Phương thức lan truyền: bọ xít hút máu khi đốt người sẽ thải ký sinh trùng T. cruzi qua phân. Sau đó, các ký sinh trùng có thể xâm nhập vào cơ thể do người bị đốt gãi hoặc chà xát chỗ bị đốt hoặc ký sinh trùng xâm nhập vào cơ thể qua mắt, miệng, trầy xước hoặc vết thương từ vết đốt của chúng… Bệnh cũng lây qua truyền máu, cấy ghép nội tạng, ăn phải thực phẩm bị nhiễm ký sinh trùng và từ mẹ sang bào thai.
Triệu trứng lâm sàng: bệnh do Trypanosoma cruzi gây ra có các biểu hiện lâm sàng của thể cấp tính hoặc thể mạn tính. Trong thể cấp tính, sau thời gian ủ bệnh âm thầm từ 5-20 ngày, bệnh có phản ứng tại chỗ vết đốt, nơi ký sinh trùng xâm nhập như bị phù nề do viêm, hạch bạch huyết trong vùng gần chỗ vết đốt sưng lên; thường nếu bị đốt ở vùng mặt thì bị viêm mí mắt một bên. Các dấu hiệu này kéo dài khoảng một tháng. Sau đó, ký sinh trùng theo máu phát tán khắp cơ thể với biểu hiện sốt cao từ 38-40oC, sốt không đều, sốt kéo dài khoảng hai tuần. Ngoài ra có các dấu hiệu đi kèm như phù mặt, chi, điển hình là phù một bên mí mắt; viêm cơ tim cấp với triệu chứng nhịp tim nhanh, tiếng tim nhỏ, huyết áp hạ, tim to; gan, lách, hạch bạch huyết sưng to; đồng thời có những biểu hiện viêm não-màng não. Bệnh nhân có thể tử vong từ sau 2 đến 4 tuần do bị các biến chứng trầm trọng. Thể mạn tính kéo dài nếu người bệnh vượt qua được giai đoạn cấp tính. Trong giai đoạn này, các triệu chứng lâm sàng giảm dần nhưng không khỏi hẳn. Bệnh chuyển qua thể mạn tính, tiến triển âm thầm và kéo dài hàng chục năm. Bệnh có thể tái xuất hiện với những biến chứng, di chứng ở não, tim và hệ tiêu hóa. Di chứng ở tim thường gặp là biểu hiện hồi hộp, đau vùng trước tim, to tim toàn bộ. Di chứng ở ruột thường thấy là thực quản và đại tràng bị phì đại.
Hình 5.7. Chu trình dịch tễ học của bệnh Chagas[5]
Chẩn đoán: chẩn đoán xác định bệnh Chagas bằng cách xét nghiệm máu, mô làm tiêu bản nhuộm giemsa phát hiện ký sinh trùng Trypanosoma cruzi. Ngoài ra, còn có thể sử dụng kỹ thuật phản ứng huyết thanh miễn dịch chẩn đoán.
Điều trị: điều trị bệnh Chagas tập trung vào tiêu diệt ký sinh trùng và kiểm soát các triệu chứng. Trong giai đoạn cấp tính của bệnh Chagas, bác sĩ sẽ kê toa các loại thuốc như benznidazole và nifurtimox. Điều trị bổ sung phụ thuộc vào các triệu chứng cụ thể như sau:
Biến chứng liên quan đến tim. Điều trị bao gồm thuốc, máy tạo nhịp tim hoặc các thiết bị khác để điều chỉnh nhịp tim, phẫu thuật hoặc thậm chí ghép tim.
Biến chứng liên quan đến tiêu hóa. Điều trị có thể bao gồm thay đổi chế độ ăn, thuốc, corticosteroid hoặc trong trường hợp nặng thì phẫu thuật.
Ở Việt Nam, chưa tìm ký sinh trùng Trypanosoma cruzi ở người bị bọ xít đốt cũng như ở máu trong dạ dày của bọ xít.
5. BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG[3]
Để phòng, chống bọ xít hút máu, mỗi người nên thường dọn dẹp nhà cửa, gầm giường, phòng ngủ, mở cửa cho ánh nắng chiếu vào.
Nếu phát hiện trong nhà có bọ xít hút máu thì nên tìm diệt chúng bằng cách dọn dẹp nhà cửa, gầm giường, dưới đệm phòng ngủ hoặc ban đêm thì tắt đèn và dùng đèn pin soi tìm diệt bọ xít và trứng bọ xít. Ở vùng đã phát hiện có bọ xít đốt hút máu thì nên ngủ màn và giắt màn cẩn thận để bọ xít không thể chui vào đốt người.
Sử dụng các hóa chất côn trùng thuộc nhóm pyrethroid (Fendona 10SC, ICON 10 WP) phun trong nhà và xung quanh nhà. Để diệt tận gốc, cần thu gom trứng ấu trùng cho vào túi và đốt.
6. PHƯƠNG PHÁP THU THẬP, ĐIỀU TRA[2]
Thu thập trực tiếp: là cách tốt nhất để thăm dò có bọ xít hay không bằng cách dùng đèn pin soi phát hiện các chỗ ở của bọ xít.
Những kẽ sâu và những nơi ẩn nấp khác của bọ xít có thể phun chất gây khó chịu hay phun nước như phun pyrethroid tổng hợp 0,5% hay tinh dầu pyrethrum hòa tan trong dầu lửa để xua bọ xít ra. Có thể phun bằng bình phun tay giống như phun cho cây trong nhà.
Có thể thu thập bất kỳ con bọ xít trưởng thành và trứng bằng pan nhỏ cho vào lọ có chứa clorofoc hay ete giết chết, sau đó xếp theo thứ tự vào trong hộp giấy hay hộp nhựa trong có trải lớp bông gạc và ghi số ký hiệu từng con đem về phòng thí nghiệm. Trong hộp đựng bọ xít cần cho ít viên băng phiến vào để chống mốc.
Nếu bọ xít ít thì sau khi giết chết bằng clorofoc cho vào lọ có chứa cồn 900 kèm nhãn viết bằng bút chì đen trên giấy nến cho vào lọ và nút chặt lại đem về.
Thu thập bằng bẫy đèn: bẫy đèn được treo trong các công viên, gần khu dân cư có bọ xít vào ban đêm, trong mùa hè, mỗi điểm đặt ba đèn.
7. HÌNH ẢNH MỘT SỐ LOÀI BỌ XÍT HÚT MÁU
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Nguyễn Văn Châu, Lê Thành Đồng và cộng sự, 2013. phân bố, tập tính sinh thái và tác hại của loài bọ xít hút máu Triatoma rubrofasciata (de geer, 1773) ở Việt Nam. NXB Y học TP. HCM. Tập 17, Phụ bản của Số 1
Nguyễn Văn Châu, Nguyễn Mạnh Hùng, Hồ Đình Trung (2011), Thực hành kỹ thuật chân đốt y học, NXB Y học, Hà Nội, 462.
Trần Thanh Dương và cs (2015). Kỹ năng nhận biết và phòng chống côn trùng gây bệnh, gây hại. Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương.
Trương Xuân La, 2017. Bọ xít hút máu ở Việt Nam. Sách chuyên khảo. NXB Khoa học Tự nhiên và Công nghệ
Anis Rassi Jr, Anis Rassi, José Antonio Marin-Neto, 2010. Chagas disease. www.thelancet.com Vol 375 April 17, 2010. 1388 – 1402.
Lent, H., and Wygodzinsky P., 1979. Revision of the Triatomi^ (Hemiptera, Reduviidae), and their signifcace as vec-tcrs of chagas’ disease Bulletin of the American museum of natural history.Volum 163: Article Ne\y york: 1979 [2
Norman L. Beatty., Stephen A. Klotz, 2017. The Midnight Bite! a Kissing Bug Nightmare. The American Journal of Medicine (2017), https://doi.org/doi:10.1016/j.amjmed.2017.10.013.
https://sites.google.com/site/triatominae/triatoma-genus
https://parasitesandvectors.biomedcentral.com/articles/10.1186/s13071-017-1982-2
https://www.researchgate.net/figure/A-arrow-Triatomine-nymphs-and-adults-found-colonising-a-house-B-arrow-Ocluded-eggs_fig2_317352707
http://onlineresize.club/selfie-club.html
https://zookeys.pensoft.net/article/22553/element/2/16/
https://i.pinimg.com/originals/17/6a/e4/176ae4ce280cea4caa307746acb176d3.jpg
https://kissingbug.tamu.edu/
https://www.discoverlife.org/mp/20q?search=Triatoma+rubrofasciata
http://unibio.unam.mx/irekani/handle/123456789/5587?proyecto=Irekani
http://www.pbase.com/tmurray74/image/133602350
https://www.inaturalist.org/taxa/499426-Triatoma-migrans
https://bugguide.net/node/view/284403
https://www.eurekalert.org/multimedia/pub/79868.php
https://www.researchgate.net/figure/Triatoma-brasiliensis-macromelasoma-adult-collected-in-Sao-Joao-do-Piaui_fig3_317352707
http://unibio.unam.mx/irekani/handle/123456789/5589?proyecto=Irekani
http://unibio.unam.mx/irekani/handle/123456789/1/browse2?type=subject&order=ASC&rpp=12800&value=chinche+besucona%2C+chinche+hocicona&proyecto=Irekani
BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN SỐT RÉT - KÝ SINH TRÙNG - CÔN TRÙNG - TP. HỒ CHÍ MINH
Số 685 Trần Hưng Đạo - Phường 1 - Quận 5 - TP. Hồ Chí Minh | www.impehcm.org.vn
Điện thoại: 84-028-3923.7117 / 3923.9940 / 3923.7422 / 3923.8091 / 3923.9946 - Fax: 84-8-3923.6734
Giấy phép số 125/GP-BC (9/4/2007)