Điểm tin y tế tuần 36

VĂN BẢN PHÁP LÝ VÀ CHỈ ĐẠO

1. Rà soát, thanh tra, kiểm tra việc sử dụng quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế

Ngày 29/8/2016, Văn phòng Chính phủ ban hành Công văn số 7200/VPCP-KGVX về việc rà soát, thanh tra, kiểm tra việc sử dụng quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Thời gian vừa qua, các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin, bài phản ánh việc trục lợi quỹ bảo hiểm y tế tại một số tỉnh, thành phố dẫn đến tình trạng có nguy cơ bội chi quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trong năm 2016.

Về việc này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có ý kiến:

1) Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam khẩn trương thực hiện rà soát, thanh tra, kiểm tra việc sử dụng quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, kịp thời xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng, trục lợi nhằm sử dụng hiệu quả quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia bảo hiểm y tế.

2) Đề nghị Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức một hội đồng chuyên gia đánh giá, kiến nghị các giải pháp để sử dụng hiệu quả quỹ bảo hiểm y tế.

2. Công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ y tế từ ngày 01/01/2016 đến ngày 30/6/2016.

Ngày 29/8/2016, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 4666/QĐ-BYT về việc Công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ y tế từ ngày 01/01/2016 đến ngày 30/6/2016 (Danh mục đính kèm)

Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG NƯỚC

1. Họp tại 4 điểm cầu trực tuyến về tăng cường giám sát Zika

Theo vncdc.gov.vn: Sáng 1/9/2016, tại Hà Nội đã diễn ra cuộc họp trực tuyến tại 4 điểm cầu Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh, Tây Nguyên, Khánh Hòa nhằm mục tiêu tăng cường giám sát phát hiện sớm trường hợp nhiễm vi rút Zika tại các điểm có nguy cơ cao.

Tại buổi họp trực tuyến, các đại biểu tại cả 4 điểm cầu tập trung thảo luận thống nhất cần tăng cường giám sát các trường hợp nghi ngờ Zika, đưa ra các tiêu chí lấy mẫu xét nghiệm để tránh bỏ sót nhằm phát hiện sớm trường hợp nhiễm Zika nếu có, sử dụng kĩ thuật xét nghiệm mới cùng lúc phát hiện 3 tác nhân gây bệnh để có thểtổ chức phòng chống kịp thời.

Quy trình chọn mẫu, thu thập, bảo quản và vận chuyển mẫu bệnh phẩm,… được thực hiện theo Quyết định số 3792/QĐ-BYT ngày 25/7/2016 của Bộ trưởng về “Hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh do vi rút Zika”.

2. Việt Nam - Ấn Độ ký Bản ghi nhớ về hợp tác chung trong lĩnh vực y tế

Theo SKĐS: Nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modim, Bộ Y tế Việt Nam và Bộ Y tế phúc lợi Gia đình Ấn Độ vừa ký Bản ghi nhớ hợp tác chung trong lĩnh vực y tế.

Ngày 3/9/2016, Bộ Y tế Việt Nam do GS.TS. Lê Quang Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế, và Bộ Y tế và Phúc lợi Gia đình Ấn Độ do ông Parvathaneni Harish, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Ấn Độ tại Việt Nam, đại diện đã ký Bản ghi nhớ về Hợp tác chung trong lĩnh vực Y tế.

Trong tuyên bố chung của hai nước Việt Nam và Ấn Độ, hai bên hoan nghênh việc ký kết Bản ghi nhớ về Hợp tác y tế giữa Bộ Y tế Việt Nam và Bộ Y tế và Phúc lợi Gia đình Ấn Độ và cùng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển hệ thống y học cổ truyền tại mỗi nước. Hai bên cũng bày tỏ mong muốn thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực y học cổ truyền và dược liệu.

3. Bộ trưởng Bộ Y tế dự APEC 2016: Việt Nam được đánh giá là quốc gia đầu tư y tế đạt hiệu quả cao

Theo moh.gov.vn: Đoàn đại biểu cấp cao của Bộ Y tế do PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế làm trưởng đoàn tham dự cuộc họp Cấp Cao về Y tế của các nền Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương tại thành phố Lima, Peru từ ngày 21-22/8/2016.

Cuộc họp Cấp cao lần thứ 6 về Y tế của các nền kinh tế APEC được xem là một trong những Hội nghị Bộ trưởng chuyên ngành thường niên quan trọng của diễn đàn APEC, được tổ chức luân phiên tại các nền kinh tế thành viên nhằm thảo luận những vấn đề quan trọng, ưu tiên liên quan đến sức khỏe và sự phát triển kinh tế trong khu vực; thúc đẩy việc giải quyết các thách thức về y tế trong khu vực; xác định các kế hoạch hành động ưu tiên và khuyến nghị chính sách liên quan đến y tế để trình lên các nhà Lãnh đạo APEC thông qua.

4. Báo động bệnh viêm gan ở Việt Nam đang tăng mạnh

Theo Kiến Thức: Việt Nam hiện đứng thứ 2 trong khu vực Tây Thái Bình Dương về số lượng người nhiễm viêm gan B, chỉ sau Trung Quốc.

Đó là nhận định được ghi lại tại hội thảo về phòng chống bệnh viêm gan virus diễn ra tại Hà Nội ngày 29/8. Phát biểu trong buổi này, TS. Lokky Wai, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam (WHO) bày tỏ quan ngại về tình hình gia tăng bệnh nhân nhiễm viêm gan tại nước ta.

5. Đắk Lắk phát hiện 2 cháu bé bị viêm não Nhật Bản

Theo VOV.VN: Cả 2 trường hợp trên đều có biểu hiện sốt cao, đau đầu, tiền sử không tiêm vắc xin phòng viêm não Nhật Bản B.

Sáng ngày 31/8/2016: Bác sỹ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk cho biết, đơn vị vừa ghi nhận 2 trường hợp bị viêm não Nhật Bản B. Hai bệnh nhân là em Nguyễn Thị Thu Sương, 4 tuổi ở thôn 3, xã Hòa An, huyện Krông Pắk và em Nguyễn Thị Tâm, 5 tuổi trú tại thôn 7, xã Ea Ning, huyện Chư Kuin.

6. Lạ lùng sản phụ mang thai ở... gan

Theo khampha.vn: Chị T được bác sĩ chẩn đoán có thai nằm ngoài tử cung, nhưng kiểm tra, siêu âm, nội soi nhiều lần không phát hiện được khối thai. Thậm chí, chị từng được mổ nội soi nhưng vẫn không tìm thấy khối thai.

Bác sĩ CK2 Nguyễn Bá Mỹ Nhi - phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ cho biết, trường hợp thai nhi của chị T rất đặc biệt và nguy hiểm bởi khối thai nằm ở cuống gan, sau phúc mạc, trước các mạch máu lớn của cột sống, động mạch tĩnh, tĩnh mạch bụng. Chỉ cần phát hiện trễ vài ngày, khối thai lớn sẽ xâm lấn vào gan, gây chảy máu.

7. Việt Nam dẫn đầu ứng dụng bức xạ ion hóa điều trị ung thư

Theo SKĐS: Việt Nam là một trong những quốc gia ứng dụng thành công một số kỹ thuật hiện đại, tiên tiến có sử dụng bức xạ ion hóa trong chẩn đoán và điều trị ung thư. Người bệnh được hưởng lợi từ những kỹ thuật hiện đại này với chi phí hợp lý, giúp tăng cơ hội sống.

8. 37 tỉnh, thành bội chi bảo hiểm y tế

Theo SGGP: Ngày 30/8/2016, tại TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tổ chức hội nghị cung cấp thông tin về kết quả thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) 7 tháng đầu năm và định hướng nhiệm vụ 5 tháng cuối năm 2016.

Hiện cả nước có 37/63 tỉnh, thành phố bội chi BHYT, trong đó cá biệt có địa phương bội chi tới hơn 400 tỷ đồng. Đây là hiện tượng đáng báo động của ngành bảo hiểm về sự trục lợi, tăng nguồn thu tại các cơ sở khám chữa bệnh.

9. Y tế tuyến huyện chuyện bây giờ mới kể

Theo SKĐS: Nếu như trước đây trong quan niệm của nhiều người, hệ thống y tế tuyến huyện chỉ thực hiện những phẫu thuật ngoại khoa đơn giản như mổ đẻ, mổ mở ruột thừa... và điều trị những bệnh mạn tính thông thường khác như tăng huyết áp, ho, sốt...

Thế nhưng, giờ cách nhìn nhận ấy đã lạc hậu khi thời gian qua, hàng loạt các bệnh viện tuyến huyện trên cả nước đã có bước chuyển mình đầy “thuyết phục” khi thực hiện được những kỹ thuật vượt tuyến để phục vụ người bệnh tốt hơn.

10. Tìm ra phương thức chặn đứng di căn u hắc tố

Theo motthegioi.vn: Tạp chí khoa học Nature Cell Biology cho biết các nhà khoa học ở Đại học Tel Aviv đã phát hiện ra phương thức di căn của bệnh ung thư da nguy hiểm nhất sang các cơ quan khác.

Điều đó cho phép thay đổi về căn bản phương pháp điều trị bệnh u hắc tố. Nhà nghiên cứu Carmit Levy nói rằng khối u ác tính gửi tới các cơ quan khác trên cơ thể các túi nhỏ u nang chứa mầm bệnh. Các nhà khoa học Israel đã bào chế được loại chế phẩm chặn đứng sự lây lan bệnh.

THÔNG TIN Y TẾ QUỐC TẾ

1. Số ca mắc zika ở Singapore lên hơn 200 trường hợp

Theo channelnewsasia.com: Ngày 03/9/2016, Singapore có 26 trường hợp mắc mới vi rút Zika, nâng tổng số trường hợp mắc zika lên 215.

Trong một tuyên bố chung, Bộ Y tế và Cơ quan Môi trường Quốc gia (NEA) cho biết 24 trong các ca mắc mới liên quan đến các điểm nóng tại Aljunied Crescent/Sims Drive/Kallang Way/Paya Lebar Way. Còn 2 ca mắc mới không liên quan đến các điểm nóng này, nhưng cũng không xác định được vị trí bị nhiễm của 2 ca.

Trong khi đó, các phòng thí nghiệm Y tế Công cộng Quốc gia phối hợp với Viện sinh tin học A*STAR đã hoàn thành việc phân tích trình tự gien của vi rút Zika cho thấy hai bệnh nhân tại các điểm nóng Aljunied Crescent/Sims Drive, bị nhiễm vi rút zika thuộc chủng châu Á và có khả năng chúng đã được lưu hành trong khu vực Đông Nam Á.

2. WHO ban hành hướng dẫn điều trị mới cho các bệnh chlamydia, lậu và giang mai

Theo WHO: Ngày 30/8/2016, hướng dẫn mới cho việc điều trị 3 bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến (STIs) đã được ban hành bởi WHO để đối phó với tình trạng kháng kháng sinh ngày càng gia tăng.

Bệnh Chlamydia, lậu và giang mai đều gây ra bởi vi khuẩn và nói chung là có thể chữa được bằng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, những bệnh lây truyền qua đường tình dục thường không được chẩn đoán và ngày càng trở nên khó điều trị, với một số loại thuốc kháng sinh hiện nay thường dễ thất bại do việc lạm dụng và sử dụng tràn lan. Người ta ước tính, mỗi năm có khoảng 131 triệu người bị nhiễm chlamydia, 78 triệu người bị bệnh lậu, và 5,6 triệu với bệnh giang mai.

Các quan chức y tế cần phải theo dõi tình trạng kháng nhiều loại kháng sinh khác nhau phổ biến ở những bệnh nhân mắc bệnh lậu. Các chỉ dẫn mới của WHO không kiến nghị việc dùng kháng sinh quinolones để điều trị bệnh lậu do tình trạng kháng loại kháng sinh này đang phổ biến ở mức độ cao.

3. Cuộc họp lần thứ tư của Ủy ban Khẩn cấp theo Điều lệ y tế quốc tế (2005) về bệnh đầu nhỏ, rối loạn thần kinh khác và vi rút Zika

Theo WHO: Cuộc họp thứ tư của Ủy ban khẩn cấp (EC) về Zika và đầu nhỏ dưới sự điều hành của tổng giám đốc theo Điều lệ y tế quốc tế (2005) về bệnh đầu nhỏ, rối loạn thần kinh khác và vi rút Zika đã tổ chức qua teleconference vào ngày 01/9/2016.

Ủy ban đã thông báo về việc triển khai các khuyến nghị tạm thời của tổng giám đốc từ ba cuộc họp EC trước. Cuộc hợp đã được cập nhật về tình hình trong và sau Thế vận hội Olympic được tổ chức tại Brazil, những diễn biến mới nhất về các nơi lan truyền vi rút Zika, lịch sử tự nhiên, dịch tễ học, đầu nhỏ và biến chứng ở trẻ sơ sinh khác liên quan đến vi rút Zika, hội chứng Guillain-Barré (GBS) và khả năng lan truyền vi rút Zika qua đường tình dục.

Ủy ban nhấn mạnh sự cần thiết phải hiểu biết sâu hơn về dịch tễ học, lâm sàng, và phòng chống vi rút zika, đề xuất tập trung vào một số vấn đề nghiên cứu mới cùng với các vấn đề khác được đề nghị trước đây, nhằm:

  • Tăng cường sự hiểu biết về các dòng vi rút khác nhau, bao gồm phản ứng chéo và miễn dịch chéo giữa chúng cũng như những tác động lâm sàng của chúng.
  • Đánh giá khả năng đồng yếu tố (co-factors) hoặc các yếu tố nguy cơ có thể gây ra tình trạng nghiêm trọng của bệnh.
  • Hiểu rõ hơn về lịch sử tự nhiên của bệnh ở những trẻ em bị nhiễm bẩm sinh, phụ nữ mang thai và trẻ em khác và người lớn.
  • Xác định thời gian và vị trí tồn tại của vi rút ở người, và những tác động lan truyền của vi rút.
  • Đánh giá nguy cơ lây nhiễm và các phương thức lan truyền vi rút
  • Đánh giá hiệu quả của các công cụ kiểm sót véc tơ và tính khả thi của hoạt động phòng chống véc tơ.
  • Tiếp tục phát triển các biện pháp phòng ngừa an toàn và hiệu quả (ví dụ, vắc xin).

Ban Biên tập website Viện

Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,