Thứ 2 ngày 30/6/2014 tại Phòng khám số 1 của Trung Tâm Khám Bệnh Chuyên Ngành, Viện Sốt rét - KST - CT TP. HCM ở địa chỉ 699 Trần Hưng Đạo, Phường 1, Quận 5 tiếp nhận một trường hợp ấu trùng giun di chuyển tại lòng bàn chân.
(Trước đây, tại Phòng khám số 2 của Trung tâm ở địa chỉ 351/2 Nguyễn Trọng Tuyển (số 2 Tân Canh) Phường 1, Quận Tân Bình cũng đã phát hiện một số trường hợp tương tự).
Tóm tắt ca bệnh: Bệnh nhân nữ, 22 tuổi, sống tại Bình Dương, làm việc văn phòng, tới khám bệnh với lý do: đau, ngứa và có dấu hiệu một đường di chuyển ngoằn ngoèo tại da lòng bàn chân (T). Triệu chứng cơ năng của bệnh nhân là đau, ngứa và có dấu hiệu ấu trùng giun di chuyển ở lòng ban chân (T). Triệu chứng toàn thân không có gì đặc biệt. Triệu chứng tại chỗ nơi ấu trùng xâm nhập có vết sẩn đỏ, ngứa, một đầu hóa mủ, phát triển ra chung quanh thành một đường ngoằn ngoèo, gồ cao, tổn thương dài khoảng 5 cm, lòng bàn chân nóng. Xét nghiệm: công thức máu không có gì đặc biệt, chức năng gan thận bình thường, xét nghiệm miễn dịch ELISA dương tính với giun đũa chó/mèo (Toxocara spp). Bệnh nhân được điều trị với phác đồ và thuốc đặc trị giun sán cùng một số thuốc hỗ trợ khác.
Đây là trường hợp đặc biệt, bệnh nhân có thể nhiễm cả ấu trùng giun móc chó, mèo và động vật khác trong da lẫn ấu trùng giun đũa chó/mèo trong máu.
Người bị nhiễm mầm bệnh do tiếp xúc với đất, cát ở môi trường ngoại cảnh bị ô nhiễm phân chó, mèo, động vật khác có ấu trùng giun ở giai đoạn lây nhiễm được. Ấu trùng chui qua bề mặt da ở vùng da tay, da chân; vì lạc chủ nên ấu trùng không có men làm phân hủy thành mạch của người nên không thể chui vào máu, chu du khắp cơ thể như loại ấu trùng giun thường ký sinh ở người; do vậy chúng chỉ di chuyển ở các mô dưới da và niêm mạc. Triệu chứng tại chỗ nơi ấu trùng xâm nhập có vết sẩn đỏ, ngứa, sau thành mọng nước, phát triển ra chung quanh thành một hay nhiều đường ngoằn ngoèo, gồ cao là dấu hiệu của đoạn đường ấu trùng di chuyển. Do ngứa gãi nên có thể bị nhiễm trùng, hóa mủ... Ấu trùng giun có thể tồn tại trong cơ thể người nhiều tuần, có khi nhiều tháng.
Phòng bệnh bằng cách không tiếp xúc với đất, cát bị ô nhiễm phân chó, mèo, động vật khác; không đi chân đất. Nếu có điều kiện, nên tẩy giun cho chó, mèo và các động vật sống gần người.