Sáng 13/07/2020, gia đình chị Lê N. ngụ tại Phường 15, Quận 8, TP. HCM gồm 04 người lớn và 02 trẻ em đã đến Phòng khám Chuyên khoa Ký sinh trùng của Viện Ký sinh trùng - Côn trùng TP. HCM để khám bệnh do bị ngứa mắt, da đầu, bộ phận sinh dục và một số nơi khác trên cơ thể.
Sau khi khám và xét nghiệm, kết quả tìm thấy trứng và rận mu trưởng thành trên mi mắt, tóc của 02 trẻ nhỏ. Còn 02 người lớn thì tìm thấy rận ở bộ phận sinh dục.
Bác sĩ đã chỉ định điều trị cho các cá nhân đồng thời liên hệ Khoa Côn trùng để phối hợp hướng dẫn xử lý như: Vệ sinh nhà cửa, đồ dùng cá nhân và môi trường xung quanh nơi ở của gia đình.
Hình ảnh rận Mu dưới kính hiển vi phát hiện tại Khoa Côn trùng
Rận mu hay còn gọi rận Cua có tên khoa học là Pthirus pubis (Linnaeus, 1758), thuộc Giống pthirus, Họ pthiridae, Phân bộ anoplura, Lớp insecta. Rận Mu là một loài rận thuộc côn trùng hút máu, không có cánh và sinh sản ở vùng lông mu, nhất là ở nam giới. Rận Mu cũng có thể ký sinh trên mí mắt. Khi ký sinh trên cơ thể con người, rận Mu là tác nhân gây ra bệnh rận mu gây triệu chứng ngứa ở vùng sinh dục. Rận Mu không truyền mầm bệnh nhưng có thể gây nhiễm trùng thứ cấp do vết gãi làm trầy xước da.
- Về hình thể, con trưởng thành dài khoảng 1.3 - 2 mm. Hai cặp chân sau to hơn cặp chân trước. Trứng rận Mu có màu trắng trong, kích thước nhỏ hơn con trưởng thành một chut, bám chặt vào sợi lông.
Hình ảnh trứng rận Mu
- Vòng đời: Trứng của rận Mu thường đẻ trên sợi lông vùng sinh dục. Con cái đẻ 03 trứng/ngày. Khoảng 6 - 8 ngày, trứng nở. Ấu trùng trãi qua ba giai đoạn. Khoảng 10 - 17 ngày, trứng sẽ nở thành con trưởng thành. Con trưởng thành có thể sống khoảng 30 ngày. Tuy nhiên, khi rận rời khỏi cơ thể con người thì rận chỉ sống khoảng 2 - 3 ngày. Rận Mu có bề ngang của ngực rộng hơn bụng trong khi con chí (thuộc giống Pediculus) thì có bề ngang của ngực bé hơn bụng. Rận mu có thể lây truyền khi quan hệ tình dục. Chúng cũng có thể lây truyền khi nằm chung giường, chiếu, mền.
- Phân bố: Rận Mu phân bố khắp thế giới, ở các chủng tộc, dân tộc. Tuy nhiên, ở vùng nhiệt đới thì rận Mu phát triển nhanh hơn vùng xứ lạnh.
Rận Mu thường lây lan mạnh những khu tập thể như danh trại quân đội, trường học.
Môi trường ẩm thấp, tối tăm, vệ sinh kém cũng là nơi chúng ẩn nấp và sinh sản.
- Cách xử lý: Vệ sinh sạch sẽ nhà, cửa, quần áo, giường chiếu, đầu tóc, bộ phận sinh dục. Phun hóa chất diệt côn trùng. Tốt nhất là cần tham khảo ý kiến những chuyên gia về côn trùng học để được tư vấn xử lý.
Thạc sĩ Lê Tấn Kiệt & CN. Phạm Thị Thu Giang