Với một năm đầy biến động trên nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trong và ngoài nước. Đối với ngành y tế, đã nỗ lực tạo được những đột phá mới nhưng cũng còn những hạn chế. Trong đó:
Những thành tựu nổi bật:
Trên thế giới, lần đầu tiên trong lịch sử, một phụ nữ đã sinh con thành công sau khi tiến hành cấy ghép tử cung. Các nhà khoa học thuộc Trung tâm nghiên cứu y khoa đại học Edinburgh (Scotland) đã nuôi cấy thành công một cơ quan nội tạng nhờ sử dụng phương pháp "tái lập trình", biến tế bào nguyên bào sợi của phôi chuột thành tế bào có thể trộn lẫn với một số tế bào quan trọng của tuyến ức, từ đó biến chúng thành một tuyến ức hoạt động bình thường bên trong chuột.
Tại Việt Nam, các chỉ tiêu y tế cơ bản đạt được năm 2014 đều được cải thiện đáng kể so với năm 2013. Năm 2014, ngành y tế hoàn thành 2/2 chỉ tiêu Quốc hội giao là: số giường bệnh trên 1 vạn dân (không kể trạm y tế xã) (giao 22,5, đạt 23,0); chỉ tiêu giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng xuống dưới 15,5%, đạt 15,0%. Ngoài ra, trong 18 chỉ tiêu Chính phủ giao đạt gần 100%. Đầu tư xây dựng, triển khai các dự án đầu tư từ ngân sách, trái phiếu chính phủ, ODA, trong đó tập trung vào các dự án liên quan đến giảm tải, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Đến nay, tỷ lệ giường bệnh thực kê trên vạn dân là 28,1, tăng 3,4 so với năm 2012. Tại 36 bệnh viện tuyến trung ương, tổng số giường bệnh thực kê tăng 4.800 giường (24,6%) đặc biệt, trên 2/3 các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế đã và đang thực hiện cam kết giảm quá tải, nằm ghép nên tại một số bệnh viện đã giải quyết cơ bản tình trạng quá tải, nằm ghép. Thống kê cho thấy có 58% số bệnh viện tuyến trung ương, 47% số bệnh viện tuyến tỉnh có xu hướng giảm số khoa có nằm ghép; đồng thời tăng công suất sử dụng giường bệnh tại 25% số bệnh viện tuyến huyện, nhiều bệnh viện tuyến huyện tăng công suất sử dụng giường bệnh từ 40 lên 60-70%. Về lĩnh vực phòng bệnh, Việt Nam vừa sản xuất và đưa vào thử nghiệm thành công vắc xin phòng bệnh tiêu chảy cho trẻ em có tên Rotavin-M1, qua đó trở thành quốc gia thứ hai của châu Á, nước thứ tư trên thế giới nghiên cứu và sản xuất thành công loại vắc xin này.
Những hạn chế, thách thức
Trên phạm vi toàn cầu, hiện tượng kháng kháng sinh theo dự đoán có thể sẽ giết chết nhiều người hơn ung thư. Đại dịch Ebola đang dần được khống chế, tuy nhiên qua đó cho thấy bệnh có thể sẽ tiếp tục bùng phát một thời điểm khác. Năm 2014 đã ghi dấu vụ dịch Ebola tồi tệ nhất trong lịch sử và lần đầu tiên chúng ta chứng kiến sự lây lan ra khắp thế giới của vi rút chết người này, dịch bệnh đã gây ra tổn thất chưa từng có cho hệ thống y tế ở Guinea, Liberia và Sierra Leone. Hàng trăm bác sĩ và y tá đã chết trên tuyến đầu. Thế giới đã thực sự có bước tiến bộ mạnh mẽ trong 25 năm qua, số tiền tài trợ ưu tiên cho ngành y tế toàn cầu, từ các chính phủ và các nhà tài trợ đã tăng gấp 5 lần, từ 5,82 tỷ đô la năm 1990 lên 31,3 tỷ đô la năm 2013, so với năm 1990, tỷ lệ tử vong trẻ em đã giảm 47%, tỷ lệ tử vong mẹ giảm 45%, và sự lây lan của HIV/AIDS, sốt rét và nhiều bệnh khác bắt đầu được đẩy lùi... Ngoài ra, năm 2014 nhiều dịch bệnh khác cũng diễn biến phức tạp (H7N9, H5N6 ở Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Malaysia; MERS-CoV ở Trung Đông, dịch hạch tại Madagascar, dịch sởi tại 177/194 quốc gia, …).
Tại Việt Nam, năm 2014 nguy cơ dịch tả, sốt rét kháng thuốc còn cao, chất lượng nước ở một số khu vực chưa đạt tiêu chuẩn an toàn. Viện phí đã tăng nhưng nhiều cơ sở y tế vẫn chưa đáp ứng yêu cầu người bệnh. Tình trạng quá tải cục bộ tại các tuyến cuối chuyên khoa vẫn còn, một số vụ tai biến vắc xin sởi, phẫu thuật sứt môi hở hàm ếch… Năm 2014 cũng là năm ngành y tế quyết liệt chỉnh đốn thái độ y đức. Triển khai mạnh mẽ hoạt động của “đường dây nóng”. Cho đến nay, đã có hơn 1.200 bệnh viện, cơ sở y tế triển khai đồng bộ sử dụng số điện thoại đường dây nóng theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế. Thông qua đường dây nóng, sau khi xác minh, kiểm tra, một số cán bộ đã bị kỷ luật nghỉ việc, cách chức. Năm 2015, Bộ Y tế sẽ cố gắng đạt các chỉ tiêu của Quốc hội và Chính phủ đề ra, ngành y tế sẽ đẩy mạnh kiểm tra, giám sát hoạt động khám chữa bệnh; bảo hiểm y tế; an toàn thực phẩm, quản lý nhà nước về lĩnh vực dược, đấu thầu thuốc, giá thuốc và sử dụng thuốc, phòng chống dịch bệnh, cải cách quy trình khám, chữa bệnh, giảm quá tải bệnh viện…
Đối với bệnh sốt rét, chương trình đã đạt được kết quả đáng kể, tỷ lệ mắc và tử vong do sốt rét liên tục giảm qua hàng năm. Đã đạt được mục tiêu trong việc giảm tỷ lệ mắc và tử vong do sốt rét. Tổ chức giám sát chặt chẽ tình sốt rét trên toàn quốc, giám sát việc chẩn đoán phát hiện sớm người mắc bệnh sốt rét, đặc biệt là vùng có nguy cơ sốt rét cao, các nhóm di biến động, làm nương rẫy, dân vùng biên giới, vùng sốt rét kháng thuốc. Giám sát chặt chẽ dân di biến động, xét nghiệm và điều trị triệt để người có ký sinh trùng sốt rét; theo dõi, đánh giá và quản lý tốt việc sử dụng thuốc của nhân dân, kiểm tra và phổ biến các quy định về chẩn đoán, điều trị sốt rét ở các tuyến y tế cơ sở. Tuyên truyền, phổ biến, nghiêm cấm việc mua bán, sử dụng thuốc uống artemisinin và dẫn xuất đơn chất tại các cơ sở y tế tư nhân. Quản lý, kiểm soát và điều trị triệt để ca nhiễm bệnh tại vùng kháng thuốc; theo dõi KST SR ngày D3; tập huấn cho y tế tư nhân điều trị đúng phác đồ hướng dẫn; tăng cường tuyên truyền để người dân biết cách tự phòng bệnh; thuốc sốt rét được cung cấp kịp thời...
Tuy nhiên, khó khăn thách thức vẫn còn nhiều, ký sinh trùng sốt rét kháng artemisinin có nguy cơ lan rộng ra các tỉnh khác rất cao do vấn đề dân di biến động; khó khăn trong công tác quản lý, phòng chống sốt rét cho dân di biến động nhất là vào các mùa vụ thu hoạch nông sản, lâm sản. Các điểm kính hiển vi hoạt động không thường xuyên, kính hỏng, cũ không sử dụng được, các điểm kính tuyến xã chưa làm hết chức năng, nhiều bệnh nhân có sốt đến Trạm y tế không được xét nghiệm KST sốt rét...
ThS. Cao Thị Hường