Văn bản pháp quy:
1. Ngày 26/9/2014, Bộ Y tế ban hành Thông tư 31/2014/TT-BYT quy định bảng tiêu chuẩn đánh giá về mặt kỹ thuật tại hồ sơ mời thầu mua thuốc. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ký. Theo đó, Khoản 2, Điều 7 của Thông tư số 37/2013/TT-BYT hướng dẫn lập hồ sơ mời thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành. Đối với hồ sơ mời thầu phát hành trước ngày 15/8/2014, việc đánh giá lựa chọn nhà thầu thực hiện theo quy định của Thông tư số 37/2013/TT-BYT nêu trên. Đối với hồ sơ mời thầu phát hành sau ngày 15/8/2014 mà nội dung hồ sơ mời thầu chưa phù hợp với Thông tư này thì đơn vị phát hành hồ sơ mời thầu tiến hành sửa đổi hồ sơ mời thầu để đảm bảo không trái quy định của Thông tư này.
2. Ngày 30/9/2014, Bộ Y tế ban hành Thông tư 32/2014/TT-BYT ban hành danh mục chỉ tiêu thống kê y tế cơ bản áp dụng cho tuyến tỉnh, huyện và xã. Bao gồm: Danh mục chỉ tiêu thống kê y tế cơ bản áp dụng cho tuyến tỉnh; Danh mục chỉ tiêu thống kê y tế cơ bản áp dụng cho tuyến huyện; Danh mục chỉ tiêu thống kê y tế cơ bản áp dụng cho tuyến xã. Trong đó, đối với sốt rét có các chỉ tiêu: Số bệnh nhân sốt rét mới phát hiện hàng năm trên 1.000 dân; Số bệnh nhân tử vong do sốt rét hàng năm trong 100.000 dân. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 20/11/2014.
3. Ngày 30/9/2014, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 3884/QĐ-BYT về việc đính chính Thông tư số 06/2014/TT-BYT ngày 14/02/2014 của Bộ Y tế ban hành danh mục hệ thống chỉ số thống kê cơ bản ngành y tế. Theo đó, đính chính lỗi kỹ thuật trình bày tại Thông tư và phụ lục ban hành kèm theo thuật ngữ “chỉ số” sửa thành “chỉ tiêu”.
Thông tin chuyên môn:
1. Bộ Y tế đẩy mạnh giám sát người nhập cảnh từ vùng Ebola: Theo Bộ Y tế, ngày 4/11, dịch Ebola trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp với số trường hợp mắc mới và tử vong liên tục tăng cao, đặc biệt đã ghi nhận dịch bệnh tại các quốc gia ngoài khu vực châu Phi. Hiện nay, Việt Nam chưa phát hiện trường hợp mắc bệnh Ebola. Bộ Y tế đã có công văn khẩn gửi Bộ Công an, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao về việc tăng cường phối hợp giám sát hành khách nhập cảnh từ các quốc gia có dịch bệnh Ebola. Bộ Y tế cũng có công văn gửi Bộ Giao thông vận tải về việc bố trí phòng cách ly, khu vực cách ly y tế tại sân bay quốc tế.
(Theo: http://tuoitre24h.org/Bo-Y-te-day-manh-giam-sat-nguoi-nhap-canh-tu-vung-Ebola_3_3013.html)
2. Bộ Y tế đề nghị công an xác minh nghi án hối lộ 2,2 triệu USD: Trong công văn hỏa tốc gửi đến Bộ trưởng Công an chiều 5/11, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị xác minh thông tin Công ty Bio-Rad của Mỹ hối lộ 2,2 triệu USD cho các quan chức chính phủ Việt Nam. Đồng thời Rà soát việc mua các thiết bị y tế của Công ty Bio-Rad. Thanh tra Bộ Y tế vừa có công văn hỏa tốc gửi Sở Y tế các tỉnh thành phố, các BV Trung ương trực thuộc Bộ Y tế về việc mua các thiết bị xét nghiệm và chẩn đoán y tế của Công ty Bio-Rad Laboratories. Báo phản ánh “có thông tin Công ty Bio-rad Laboratories Inc của Mỹ bị cáo buộc giả mạo chứng từ để che giấu các khoản thanh toán và đã trả 7,5 triệu USD tiền hối lộ cho quan chức 3 quốc gia. Bao gồm: Nga (4,6 triệu USD, Thái Lan: (hơn 700 ngàn USD), Việt Nam (2,2 triệu USD) trong nhiều năm để giành hợp đồng”.
(Theo: http://suckhoedoisong.vn/thoi-su/ra-soat-viec-mua-cac-thiet-bi-y-te-cua-cong-ty-bio-rad-20141106100323433.htm; http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/bo-y-te-de-nghi-cong-an-xac-minh-nghi-an-hoi-lo-2-2-trieu-usd-3103156.html)
3. Bé gái nhiễm sán lá gan sau khi ăn thịt bò tái: 10 ngày trước, bé Phàng Thị Cháu 4 tuổi, dân tộc Mông ở Sơn La, được bệnh viện địa phương chuyển tới Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng khó thở, nôn liên tục. Siêu âm tim phát hiện tràn dịch màng tim mức độ nặng, dẫn tới chèn ép tim, gây khó thở. Theo gia đình, cách đây 2 tuần, người nhà có cho cháu ăn thịt bò tái và cua nướng, một tuần sau trẻ xuất hiện sốt, đau đầu, đau bụng và chướng bụng. Tại khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh nhân được thở ôxy và chọc hút dịch ngoài màng tim cấp cứu. Sau vài giờ, cháu bé đã thoát cơn nguy hiểm, tình trạng khó thở giảm hẳn. Điều đặc biệt là dịch màng tim của trẻ có màu vàng, lẫn nhiều sợi trắng và mảnh, nhìn như đốt sán. Kết hợp với dấu hiệu bạch cầu ưa axit trong dịch màng tim tăng cao, các bác sĩ nghi ngờ cháu bé bị nhiễm ký sinh trùng. Kết quả xét nghiệm dịch màng ngoài tim cho thấy bệnh nhân nhiễm sán lá gan lớn.
(Theo: http://doisong.vnexpress.net/tin-tuc/suc-khoe/tre-em/be-gai-nhiem-san-la-gan-sau-khi-an-thit-bo-tai-3101005.html)
4. 13 trẻ ở Hà Nội sốt phát ban nghi sởi nhập viện: Sở Y tế Hà Nội cho biết, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn vừa ghi nhận 13 trẻ bị sốt phát ban nghi sởi nhập viện điều trị. Sở Y tế Hà Nội yêu cầu trung tâm y tế các quận, huyện, chủ động giám sát ca bệnh tại cộng đồng cũng như các bệnh viện được phân cấp và trường học; khoanh vùng, xử lý kịp thời không để dịch lan rộng. Theo các chuyên gia, bệnh sởi lây chủ yếu qua đường hô hấp, khi bệnh nhân có virus sởi, chỉ cần hắt hơi, ho sẽ đưa vi khuẩn ra ngoài và người hít phải sẽ nhiễm virus. Đến nay, tiêm vắc xin vẫn là biện pháp bảo vệ trẻ an toàn nhất. Tiêm vắc xin không chỉ có lợi cho cá nhân người được tiêm mà còn có lợi cho cả cộng đồng.
(Theo: http://www.24h.com.vn/suc-khoe-doi-song/13-tre-o-ha-noi-sot-phat-ban-nghi-soi-nhap-vien-c62a670840.html)
5. Hàng loạt học sinh ói sau khi tiêm phòng sởi - Rubella: Trong số 68 học sinh được tiêm phòng sởi - Rubella, 12 em có biểu hiện nôn ói, ngất xỉu nên cơ sở y tế phải dừng ngay việc tiêm phòng. Sáng 5-11, trong lúc Trạm y tế xã Bình Thanh Tây, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi tiến hành việc tiêm phòng sởi - Rubella tại Trường tiểu học Bình Thanh Tây (xã Bình Thanh Tây), bất ngờ có 12 học sinh từ lớp 1 đến lớp 4 sau khi tiêm phòng xong bị nôn ói, đau đầu, một số em ngất xỉu.
(Theo: http://www.24h.com.vn/suc-khoe-doi-song/hang-loat-hoc-sinh-oi-sau-khi-tiem-phong-soi-rubella-c62a670762.html)
6. Công bố vắc xin ngừa sốt xuất huyết lần đầu tiên trên thế giới: Nhóm nghiên cứu cho biết kết quả thử nghiệm trên 5 quốc gia Đông Nam Á cho thấy, vắc xin mới này có thể phòng ngừa được 56,5% số ca sốt xuất huyết có triệu chứng, giảm được 88,5% ca mắc sốt xuất huyết thể nặng và làm giảm 67% nguy cơ nhập viện do bệnh này. Báo cáo tại hội thảo, ông Trần Ngọc Hữu - Nguyên Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cho biết, từ năm 2011, đơn vị nghiên cứu Sanofi Pasteur đã đưa vắc xin ngừa sốt xuất huyết vào thử nghiệm giai đoạn III nhằm xác định hiệu qủa ngừa bệnh của vắc xin. “Đây là nghiên cứu đa trung tâm, mù quan sát, có đối chứng trên 10.275 trẻ em từ 2-14 tuổi, sống ở 5 quốc gia lưu hành dịch sốt xuất huyết bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam”.
(Theo: http://www.24h.com.vn/suc-khoe-doi-song/cong-bo-vac-xin-ngua-sot-xuat-huyet-lan-dau-tien-tren-the-gioi-c62a670373.html)
7. Thu hồi thực phẩm chức năng chứa chất trị rối loạn cương dương: Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, Cục vừa thu hồi thực phẩm chức năng chứa chất trị rối loạn cương dương. Theo ông Phong, thực phẩm chức năng Kim Thận Bảo chứa chất trị rối loạn cương dương. Thực phẩm có tác dụng tăng cường sinh lý nam. Tuy nhiên theo quy định thực phẩm này không được phép chứa tân dược sildenafil (chất trị rối loạn cương dương)”. Ông Phong cho biết thêm, đây là hành vi gian dối của nhà sản xuất khi công bố tiêu chuẩn sản phẩm không được phép cho chất rối loạn cương dương. Cục sẽ thu hồi và tiêu hủy toàn bộ sản phẩm có chứa chất này.