VĂN BẢN PHÁP LÝ, CHỈ ĐẠO
1. Tăng cường thực hiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19
Trước tình hình dịch COVID-19 có diễn biến mới, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện khẩn số 1699/CĐ-TTg ngày 2/12/2020 về tăng cường thực hiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Công điện nêu rõ, dịch bệnh COVID-19 trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, bùng phát trở lại trong mùa đông tại nhiều quốc gia với số trường hợp mắc liên tục gia tăng.
Ở trong nước, sau 88 ngày liên tiếp không phát hiện ca mắc mới trong cộng đồng, đã ghi nhận trường hợp lây nhiễm từ người nhập cảnh trong thời gian cách ly tại thành phố Hồ Chí Minh. Đã có tình trạng lơ là, chủ quan, thực hiện không đúng, không đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch. Theo đó, để duy trì vững chắc thành quả PCD, bảo vệ sức khỏe nhân dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
Tiếp tục thực hiện nghiêm chiến lược kiểm soát chặt chẽ nguồn lây từ bên ngoài, khoanh vùng dập dịch triệt để, điều trị hiệu quả ở trong nước; tăng cường cảnh giác với nguy cơ dịch bệnh, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, bình tĩnh ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp PCD đã đề ra.
Tiếp tục dừng các hoạt động, sự kiện có tập trung đông người khi không cần thiết; trường hợp tổ chức thì phải thực hiện nghiêm các biện pháp PCD như đeo khẩu trang, sát khuẩn... theo đúng quy định.
Chi tiết Công điện khẩn số 1699/CĐ-TTg ngày 2/12/2020.
TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN
1. Diễn biến mới của dịch COVID-19 tại Việt Nam
Những ngày qua, ngành y tế TP. HCM đã ghi nhận 4 ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng (bệnh nhân 1342, 1347, 1348, 1349) với tổng số mẫu đã được lấy xét nghiệm là 3.263. Tất cả các mẫu xét nghiệm này đã có kết quả. Cụ thể, 861 trường hợp tiếp xúc gần F1, 1.400 trường hợp tiếp xúc của F1 và 1.002 trường hợp lấy mẫu giám sát đều có kết quả âm tính. TP đang điều trị 33 bệnh nhân COVID-19, trong đó 29 bệnh nhân là ca cách ly nhập cảnh. Tính đến thời điểm hiện tại, TP còn 2.185 người cách ly tại các điểm tập trung và 3.251 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Tổng số ca mắc tại Việt Nam là 1.366, trong đó 1.220 người đã khỏi, 35 ca tử vong. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 17.020, trong đó: cách ly tập trung tại bệnh viện: 160; cách ly tập trung tại cơ sở khác: 15.183; cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 1.677.
2. Sốt xuất huyết gia tăng
Tình hình lũ lụt kéo dài thời gian qua đã làm số ca mắc sốt xuất huyết sau lũ giữ ở mức cao, hiện tại khu vực miền Trung, đặc biệt là Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa… ghi nhận 1.300-1.500 ca mắc sốt xuất huyết mới/tuần, nhưng yếu tố quan trọng nhất vẫn là mùa dịch sốt xuất huyết đang ở cao điểm.
Mặt khác, Cục Y tế dự phòng cho biết, do tình hình dịch COVID-19 vẫn còn phức tạp, người dân e ngại việc đi khám và điều trị tại bệnh viện mà tự mua thuốc, điều trị tại nhà dẫn đến tình trạng bệnh sốt xuất huyết diễn biến nặng hơn. Dự báo dịch sốt xuất huyết vẫn còn kéo dài sang tới tháng 12 và sang năm 2021 tới do những yếu tố nguy cơ vẫn còn.
3. Hợp tác phòng, chống kháng kháng sinh tại Việt Nam 2021 - 2023
Ngày 26/11/2020, Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ Chương trình Hợp tác phòng, chống kháng kháng sinh tại Việt Nam 2021-2023 giữa Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Đại sứ quán Anh tại Việt Nam và Công ty GlaxoSmithKline Pte Ltd tại Việt Nam, đã diễn ra tại trụ sở Bộ Y tế. Nội dung hợp tác bao gồm:
1. Hỗ trợ nâng cao năng lực cho cán bộ y tế về kháng kháng sinh và Kê đơn kháng sinh hợp lý trong nhiễm khuẩn hô hấp cộng đồng;
2. Cung cấp giải pháp chăm sóc sức khỏe toàn diện từ phòng ngừa đến điều trị và tăng cường khả năng tiếp cận với các thuốc kháng sinh và vaccine chất lượng quốc tế;
3. Tăng cường nhận thức về gánh nặng & hậu quả của kháng kháng sinh, nâng cao hiểu biết về việc sử dụng kháng sinh hợp lý trong cộng đồng để phòng tránh những diễn tiến phức tạp trong tương lai.
TIN Y TẾ QUỐC TẾ
1. Diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới
Tính đến ngày 7/12, thế giới ghi nhận hơn 67,3 triệu người mắc và hơn 1,5 triệu người tử vong vì COVID-19. Mỹ vẫn đang là vùng dịch chịu ảnh hưởng nặng nhất, nước này ghi nhận hơn 15,1 triệu ca mắc và hơn 288 nghìn ca tử vong. Thứ hai là Ấn Độ, với số ca mắc là hơn 9,6 triệu và hơn 140 nghìn ca tử vong. Tiếp đến là Brazil, số ca mắc được ghi nhận là hơn 6,6 triệu ca và hơn 176 nghìn ca tử vong.
Tại Đông Nam Á, Indonesia tiếp tục là vùng dịch lớn nhất khu vực với hơn 575 nghìn ca mắc và hơn 17 nghìn ca tử vong. Tại Philippines, ghi nhận hơn 439 nghìn ca mắc và 8,5 nghìn ca tử vong.
Ban Biên tập website Viện