Nhằm tìm hiểu tình hình sốt rét và các hoạt động PCSR, đặc biệt là PCSR cho dân di biến động, dân di cư, cũng như theo dõi tiến độ triển khai đề tài “Hiệu quả và an toàn của Dihydroartemesinin - piperaquin trong điều trị sốt rét chưa biến chứng do Plasmodium falciparum đơn thuần tại tỉnh Bình Phước. Từ ngày 14 đến 17/7/2014, Tổ chức Y tế thế giới (TS. Gawrie N. Loku Galappaththy, BS. Trần Công Đại, ThS. Nguyễn Thị Hồng Ân - Tư vấn viên chương trình ERAR) đã phối hợp với Viện Sốt rét - KST - CT TP. HCM (PGS. TS. Lê Thành Đồng và BSCKII. Hồ Ngọc Quý) đã đến Bình Phước làm việc với lãnh đạo Sở Y tế, Trung tâm PCSR tỉnh Bình Phước, lãnh đạo TTYT các huyện Bù Đăng và Bù Gia Mập, khảo sát thực địa tại các xã Đak Nhau, Bù Gia Mập và Đak Ơ.
Tại buổi làm việc, qua thảo luận và trao đổi, PGS.TS. Lê Thành Đồng thay mặt đoàn giám sát đã nhận xét, đánh giá sơ bộ: Trong 6 tháng đầu năm 2014, công tác phòng chống sốt rét tại tỉnh Bình Phước đã đạt được một số thành quả: Không để dịch sốt rét xảy ra trên địa bàn; so với cùng kỳ năm 2013 số bệnh nhân mắc sốt rét giảm 56,9% (597/1.386 ca); số bệnh nhân SRAT giảm 57,1% (3/7ca); không có trường hợp tử vong do sốt rét (cùng kỳ năm 2013: 01 ca); số bệnh nhân có KSTSR giảm 57% (566/1316 ca). Về cơ cấu KSTSR, tỷ lệ nhiễm P.falciparum chiếm 44,1% (250/566), P.vivax chiếm 54,8% (310/566) và phối hợp chiếm 1,1% (6/566) so với cùng kỳ năm 2013 tỷ lệ nhiễm P.falciparum chiếm 49,8% (655/1.316), P.vivax chiếm 43,9% (578/1.316) và phối hợp chiếm 6,3% (83/1.316).
Nguyên nhân tình hình sốt rét giảm mạnh trong thời gian qua do nhiều yếu tố tác động, trong đó về chủ quan, ngay từ đầu năm hệ thống y tế địa phương đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phòng chống sốt rét như tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, giám sát dịch tễ, tiếp nhận và cấp phát 48.586 màn đã tẩm hóa chất có độ tồn lưu lâu dài, tiến hành phun tồn lưu cho 4.467 hộ, tẩm hóa chất 87.543 màn, bảo vệ 92.010 dân nằm trong vùng trọng điểm sốt rét lưu hành. Về khách quan, trong những năm gần đây, trên địa bàn Bình Phước đã và đang triển khai nhiều đề tài nghiên cứu về sốt rét, đặc biệt đối với các đề tài nghiên cứu kháng thuốc, bệnh nhân có ký sinh trùng được phát hiện, quản lý điều trị triệt căn đúng và đủ theo phác đồ quy định của Bộ Y tế.
Tuy nhiên, dự báo trong thời gian tới tình hình sốt rét địa phương có nhiều diễn biến khó lường, các biện pháp phòng chống chưa mang tính bền vững để có thể đạt mục tiêu loại trừ sốt rét trong tương lai.
Xuất phát từ nhận định trên, đoàn giám sát lưu ý với lãnh đạo y tế địa phương cần quan tâm đầu tư hơn nữa đến công tác phòng chống sốt rét tại tỉnh, trước mắt trong quý III/2014 với sự hỗ trợ, giúp đỡ của Tổ chức Y tế thế giới và Viện Sốt rét - KST - CT TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Phước cần triển khai ngay một số công việc, cụ thể:
- Xây dựng đề án trình thẩm duyệt để hình thành các điểm phòng chống sốt rét (Malaria posts: MP) tại các vùng có dân di biến động nhằm nắm bắt tình hình, phát hiện, xử trí và quản lý bệnh nhân sốt rét.
- Tiếp tục chỉ đạo các điểm nghiên cứu tập trung thu dung bệnh nhân để bảo đảm thực hiện hoàn thành đúng tiến độ đề tài: “Hiệu lực và tính an toàn của thuốc dihydroartemisinin-piperaquine trong điều trị sốt rét do Plasmodium falciparum chưa biến chứng tại tỉnh Bình Phước”.
- Cùng thời điểm, Viện Sốt rét - KST - CT TP. Hồ Chí Minh sẽ làm đầu mối, phối phợp với y tế tỉnh và các ban ngành có liên quan xây dựng đề cương dự án điều tra di biến động dân tại Bình Phước bằng nguồn kinh phí tài trợ của WHO và IOM. Viện sẽ triển khai kế hoạch giám sát chủ động, tập trung các cộng đồng dân cư tại tỉnh có nguy cơ mắc sốt rét cao để phát hiện, điều trị triệt để theo phác đồ cho những đối tượng có ký sinh trùng sốt rét nhằm cắt đứt nguồn lây.
Với những biện pháp quyết liệt được triển khai một cách đồng bộ và kịp thời, hy vọng tình hình sốt rét tại tỉnh Bình Phước ngày càng được cải thiện và sớm đạt mục tiêu loại trừ trên quy mô toàn tỉnh.
BSCKII. Hồ Ngọc Quý