Năm 2006, diễn biến bệnh sốt rét trong khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng khá phức tạp. Tuy số lượng bệnh nhân sốt rét tiếp tục giảm song lại gia tăng bệnh nhân có ký sinh trùng (chủ yếu là Plasmodium falciparum), bệnh nhân sốt rét ác tính và tử vong do sốt rét.
Nguyên nhân do tình trạng kiểm soát di dân tự do còn yếu và hầu hết các ca bệnh sốt rét ở nhóm đối tượng này; mặt khác là do tình trạng chủ quan lơ là của chính người dân trong vùng sốt rét lưu hành và sự thiếu cảnh giác, nhạy bén về chẩn đoán và điều trị bệnh nhân sốt rét tại các cơ sở y tế đưa tới chậm trễ can thiệp để cứu chữa sớm bệnh nhân.
Ngay từ đầu năm 2007, Bộ y tế, Dự án phòng chống sốt rét quốc gia đã chỉ đạo cho Viện và các tỉnh trong khu vực sớm chấn chỉnh và triển khai các biện pháp phòng chống sốt rét có chất lượng, tập trung vào các trọng điểm và đối tượng đích. Kết quả là tình hình sốt rét 4 tháng đầu năm 2007 tương đối ổn định so với cùng thời gian năm 2006.
Bệnh nhân sốt rét và tử vong do sốt rét giảm lần lượt là 21% và 67%, số ca nhiễm P.falciparum giảm nhẹ. Tuy nhiên, sốt rét ác tính và ký sinh trùng sốt rét vẫn còn cao tại các tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu. Năm 2006, tỉnh Sóc Trăng có một dịch sốt rét nhỏ tại xã Lai Hòa, huyện Vĩnh Châu, nhưng đến nay tình hình sốt rét chưa thật sự ổn định.
Tỉnh Bạc Liêu đã có nhiều cố gắng ngăn ngừa sốt rét của những huyện lân cận thuộc tỉnh Sóc Trăng, song ký sinh trùng sốt rét vẫn còn tăng so với cùng kỳ năm 2007 (62% so với 46%). Từ nay đến cuối năm 2007 còn nhiều chuyển biến không thuận lợi do mùa mưa là mùa truyền bệnh mạnh về sốt rét trong toàn khu khu vực.
Vì vậy, đề nghị các tỉnh rà soát kỹ tình hình sốt rét thực tế của địa phương nhằm chủ động đưa ra các biện pháp phòng chống sốt rét cụ thể có hiệu quả tốt để có thể đạt các mục tiêu quốc gia đề ra, bao gồm: giảm bệnh nhân sốt rét 5%, giảm tử vong do sốt rét 5%, không để dịch sốt rét lớn xảy ra và phát triển yếu tố bền vững phòng chống sốt rét trong địa bàn của mình.