Trong 6 tháng đầu năm 2018, nhìn chung các bệnh ký sinh trùng, bệnh do côn trùng truyền, bệnh nhiệt đới lãng quên ở khu vực tương đối ổn định.
Riêng bệnh sốt rét tăng mạnh trong các tháng sau Tết, sau đó giảm dần nhưng vẫn cao hơn cùng kỳ năm trước. Các chỉ số BNSR, KST SR, TVSR đều tăng, BNSR tăng 71%, KSTSR tăng 73%; có 01 trường hợp tử vong do sốt rét, không có dịch sốt rét xảy ra. Một số tỉnh có tình hình sốt rét ổn định trong nhiều năm qua như huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang; huyện Vĩnh Cửu, Định Quán, Long Thành, tỉnh Đồng Nai; huyện Dầu Tiếng, Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương, và một số tỉnh khác lại có tình hình sốt rét bùng phát, tăng cao vào những tháng đầu năm 2018. Tình trạng kháng thuốc, muỗi kháng hóa chất lan rộng trong khu vực. Kinh phí chậm, hóa chất, thuốc sốt rét thiếu, hết hạn sử dụng.
Các bệnh giun, sán, nấm, đơn bào tương đối ổn định, nhất là các bệnh giun truyền qua đất có xu hướng giảm cả về tỷ lệ và cường độ. Tuy nhiên, vào tháng 2 năm 2018, phát hiện ổ bệnh ấu trùng sán dây lợn tại thôn Bù Gia Phúc 1, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước và nhiều địa phương lân cận.
Bệnh sốt xuất huyết tăng so với cùng kỳ ở một số tỉnh, tập trung tại địa phương khu vực Nam Bộ điển hình như Đồng Nai và Bình Dương. Viện đã chủ trì phối hợp với các đơn vị Viện Pasteur TP. HCM, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. HCM (theo chỉ đạo của Bộ Y tế tại QĐ3468/QĐ-BYT ngày 7/6/2018) đến các địa phương làm việc với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch, triển khai các hoạt động tăng cường công tác phòng chống SXH, kiểm tra công tác triển khai dập dịch SXHD tại cộng đồng ở các vùng trọng điểm (diệt lăng quăng, phun hóa chất, hoạt động của CTV, truyền thông, vật tư hóa chất và các điều kiện triển khai hoạt động); Kiểm tra công tác khám và chữa bệnh SXHD tại các bệnh viện; Kiểm tra các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe của địa phương. Đồng thời, Viện cũng chỉ đạo các địa phương tăng cường giám sát côn trùng truyền bệnh sốt xuất huyết, tập trung giám sát, kiểm tra các địa phương có nguy cơ mắc cao, tập trung tại các khu công nghiệp, khu đô thị, trường học và khu dân cư. Tập trung giám sát, kiểm tra các địa phương có nguy cơ mắc cao.
Các bệnh do chân đốt y học truyền chưa được điều tra diện rộng, tuy nhiên qua các điều tra của đề tài nghiên cứu cho thấy có tác nhân gây bệnh rickettsia ở trên các loài chân đốt là: Có 13/830 mẫu mò (chiếm tỷ lệ 1,57%) dương tính với AND của vi khuẩn O. tsutsugamushi. Không phát hiện ADN của vi khuẩn O. tsutsugamushi, Coxiella burnetii, Rickettsia prowazekii, Rickettsia mooseri và ARN của vi rút họ Bunyaviridae (Orthobunyavirus, Nairovirus, Phlebovirus) trên mẫu ve; và không có mẫu nào dương tính với ADN của vi khuẩn O. tsutsugamushi, Coxiella burnetii, Rickettsia prowazekii, Rickettsia mooseri và ARN của vi rút họ Bunyaviridae (Orthobunyavirus, Nairovirus, Phlebovirus).
Các bệnh nhiệt đới lẵng quên khác chưa được điều tra, đánh giá, chưa xây dựng hệ thống báo cáo giám sát nên chưa có thông tin cụ thể.
Để đánh giá tình hình bệnh và kết quả thực hiện các hoạt động phòng chống Ký sinh trùng, Côn trùng 6 tháng đầu năm 2018, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2018 của khu vực NB-LĐ, ngày 24/8/2018, tại TP. Vũng Tàu, Viện Sốt rét - KST - CT TP. HCM đã tổ chức: “Hội nghị sơ kết công tác phòng chống Ký sinh trùng, Côn trùng 6 tháng đầu năm 2018, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2018, khu vực NB - LĐ”.
Tham dự Hội nghị có đại diện các Viện: Sốt rét - KST - CT Trung ương (ThS. Ngô Hoàng Long, Phó Viện trưởng và chuyên viên), Sốt rét - KST - CT Quy Nhơn (TS. Huỳnh Hồng Quang, Phó Viện trưởng), Tổ chức Sáng kiến tiếp cận Y tế Clinton (BS. Trần Thu Thủy, Quản lý chương trình sốt rét), Đại diện các Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng đại học Oxford (OUCRU), Đại diện Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BSCKI. Nguyễn Văn Thái, Phó Giám đốc), Đại diện lãnh đạo một số sở y tế, đại diện các trung tâm YTDP/PCSR/KSBT 20 tỉnh khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng, trung tâm y tế một số huyện, trạm y tế xã có tình hình sốt rét gia tăng, Trung tâm Y tế ngành cao su; Trung tâm YTDP quân đội phía Nam, Đơn vị Y tế Bộ đội biên phòng. Về phía Viện Sốt rét - KST - CT TP. HCM có PGS. TS. Lê Thành Đồng - Viện trưởng, TS. Phùng Đức Truyền - Phó Viện trưởng và lãnh đạo các khoa phòng, trung tâm thuộc Viện và cán bộ viên chức của Viện, Đài truyền hình tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Toàn cảnh Hội nghị
Sau phát biểu khai mạc của PGS. TS. Lê Thành Đồng Viện trưởng Viện Sốt rét - KST - CT TP. HCM , Hội nghị đã nghe BSCKI. Nguyễn Văn Thái, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu chào mừng Hội nghị và nghe giới thiệu tóm tắt sơ lược về một số đặc điểm về kinh tế, xã hội, bộ máy tổ chức cũng như tình hình bệnh tật tại địa phương.
BSCKI. Nguyễn Văn Thái, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu chào mừng Hội nghị
Hội nghị đã nghe đại diện lãnh đạo các khoa chuyên môn của Viện báo cáo tóm tắt công tác phòng chống ký sinh trùng và côn trùng 6 tháng đầu năm, triển khai kế hoạch công tác 6 tháng cuối năm 2018, khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng .
Hội nghị cũng được nghe báo cáo tham luận về tình hình sốt rét toàn quốc 6 tháng đầu năm 2018 đều giảm, những vấn đề về sốt rét dai dẳng, sốt rét kháng thuốc và một số khó khăn chung của chương trình PCSR như về cơ chế tài chính, việc xây dựng kế hoạch trong giai đoạn sắp tới; tình hình sốt rét khu vực Miền Trung - Tây Nguyên, những khó khăn, thách thức đối với khu vực có tình hình sốt rét nặng nhất cả nước, vấn đề điều trị tiệt căn đối với P. vivax khó thực hiện; Báo cáo tham luận của các địa phương về tình hình sốt rét gia tăng, sốt rét dai dẳng, phức tạp, sốt rét kháng thuốc, sốt rét nội địa - ngoại lai, công tác chẩn đoán, điều trị, xét nghiệm KST SR, ca tử vong do sốt rét; thuốc sốt rét, vật tư cũng như hóa chất chưa được cấp để triển khai các hoạt động; vấn đề biến động về cơ cấu và tổ chức của các đơn vị y tế cơ sở; khó khăn về kinh phí hoạt động của địa phương Bình Phước, Lâm Đồng và Tây Ninh.
Tiếp theo, Hội nghị đã thảo luận sôi nổi, thẳng thắn nhiều vấn đề bức xúc, về các nội dung chủ chốt trong công tác phòng chống ký sinh trùng và côn trùng hiện nay tại khu vực như:
(1) Về công tác phòng chống sốt rét: Hội nghị thảo luận về vấn đề sốt rét gia tăng, các điểm nóng về sốt rét, tử vong do sốt rét; Sốt rét kháng thuốc, muỗi kháng hóa chất; những vấn đề trong chẩn đoán và điều trị, những bất cập trong phác đồ điều trị, chưa có thuốc Mefloquin để điều trị chống kháng; Hoạt động của điểm kính hiển vi, công tác xét nghiệm KST SR, kỹ thuật viên xét nghiện sốt rét thay đổi, luân chuyển, thiếu, chuyên môn kỹ thuật hạn chế, yếu kém, quy định lại việc gửi lam kiểm tra; Công tác quản lý và áp dụng các biện pháp PCSR cho các đối tượng đi rừng, ngủ rẫy; công tác thông kê báo cáo ca bệnh sốt rét nội địa - ngoại lai phải rõ ràng, chính xác; Thuốc, hóa chất, vật tư PCSR cấp chậm, không có hóa chất để triển khai phun, tẩm theo kế hoạch; Vấn đề sáp nhập bộ máy tổ chức tuyến tỉnh, huyện, việc bố trí công tác chuyên môn không hợp lý, cán bộ y tế tuyến cơ sở bỏ nghề do lương thấp; Vấn đề tài chính khó khăn do thực hiện theo Quyết định số 1125/QĐ-TTg ngày 31/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 26/2018/TT-BTC ngày 21/3/2018 của Bộ Tài chính;
(2) Về hoạt động phòng chống giun sán: Tình hình mắc bệnh, các yếu tố liên quan đến mắc bệnh giun, sán, phong tục tập quán sinh hoạt của người dân như ăn gỏi cá sống; phát hiện sự xuất hiện heo gạo tại Bình Phước; đề xuất biện pháp điều tra, can thiệp, công tác truyền thông phòng chống giun, sán; Những khó khăn trong thủ tục nhập thuốc tẩy giun do WHO tài trợ.
(3) Về công tác phòng chống sốt xuất huyết: Công tác phòng chống véc tơ SXH bằng phun không gian không diệt được muỗi trưởng thành mà phải kết hợp cả diệt bọ gậy; phải có sự phối hợp của các ban ngành, đoàn thể trong công tác phòng chống SXH. Điều tra, giám sát, nghiên cứu và đề xuất với Bộ Y tế về việc sử dụng hóa chất phòng chống SXH hiệu quả nhất. Vấn đề tổng hợp báo cáo côn trùng SXH và gửi đúng tuyến để quản lý, điều hành công tác.
(4) Về công tác ngoại ký sinh: Hiện tại tuyến tỉnh chưa thể thực hiện được về công tác ngoại ký sinh (chân đốt y học). Khu vực vẫn tiềm ẩn nhiều vấn đề về chân đốt y học nhưng chưa được điều tra. Sắp tới, Viện sẽ đặc biệt quan tâm đến công tác ngoại ký sinh.
Phát biểu bế mạc hội nghị, PGS.TS. Lê Thành Đồng - Viện trưởng, đã sơ lược lại tình hình sốt rét đã tăng trong 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ, diễn biến sốt rét đến nay đã có chiều hướng giảm. Viện trưởng cũng đánh giá cao những nỗ lực và những thành tích đạt được trong công tác PCSR của các đơn vị y tế trong khu vực NB - LĐ, ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương tiếp tục triển khai tốt các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2018, tiếp tục tập trung đẩy lùi bệnh sốt rét, giữ vững thành quả đạt được, từng bước tiến tới loại trừ sốt rét ở khu vực. Triển khai mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư PCSR. Tăng cường giám sát chất lượng chẩn đoán, điều trị sốt rét, không để tử vong do sốt rét. Viện sẽ đề xuất với Ban quản lý dự án PCSR và Bộ Y tế cấp thuốc Mefloquin để điều trị chống kháng để cấp cho địa phương. Bố trí, sắp xếp lại hệ thống y tế địa phương, ổn định bộ máy tổ chức, quan tâm đến tính kế thừa. Chấn chỉnh và củng cố lại cán bộ phụ trách sốt rét khi sáp nhập các trung tâm, quan tâm đào tạo cán bộ xét nghiệm ký sinh trùng sốt rét. Đề nghị các Trung tâm gửi lam kiểm tra hàng tháng đúng quy định và quy định lại về số lượng lam gửi kiểm tra đối với từng tỉnh. Chuẩn bị sẵn sàng các thủ tục để triển khai loại trừ sốt rét. Trong thời gian tới, Viện sẽ phối hợp với các tỉnh có tình hình sốt rét gia tăng như Lâm Đồng, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, … để đánh giá lại tình hình sốt rét gia tăng vừa rồi. Đề nghị các địa phương giám sát, điều tra, phát hiện, xử lý ngay các ca bệnh, ổ bệnh, theo đúng quy định; xác định đúng đối tượng mắc sốt rét để có những biện pháp phòng chống đúng, hiệu quả. Xây dựng kế hoạch PCSR cụ thể, rõ ràng nguồn kinh phí trung ương và nguồn kinh phí địa phương, kế hoạch phải sát với tình hình thực tế, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để có kinh phí hoạt động. Đề nghị có sự phối hợp giữa chính quyền địa phương, các ban ngành, đoàn thể trong công tác PCSR. Đối với công tác phòng chống SXH, triển khai phòng chống véc tơ SXH, diệt bọ gậy, trong công tác này phải có sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể đồng loạt tham gia; chấn chỉnh công tác thống kê báo cáo và gửi về Viện theo đúng quy định. Về giun sán hiện nay chưa có đầu tư, nên tăng cường công tác truyền thông phòng chống giun sán ở các trường học; đã phát hiện lợn bị nhiễm ấu trùng sán dây (lợn/heo gạo) mà lâu nay chưa thấy tại khu vực; các viện sẽ phối hợp nhập thuốc tẩy giun về để cấp cho địa phương. Triển khai công tác ngoại ký sinh ở khu vực, đề nghị các địa phương quan tâm công tác này, phối hợp với Viện khu vực giám sát các bệnh do chân đốt y học truyền; ban hành 03 quy trình giám sát ve, mò, mạt tại ổ bệnh đã được Bộ Y tế chấp nhận. Viện trưởng cũng cảm ơn Sở Y tế và Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp tổ chức Hội nghị thành công tốt đẹp, mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, phối hợp trong công tác.
ThS. Nguyễn Thị Yến