Dipylidium caninum là một loại sán dải thông thường ký sinh ở chó và mèo nhưng có thể gặp ở người dưới dạng trưởng thành trong ruột non, nhất là trẻ em.
VỀ HÌNH THỂ:
Sán trưởng thành có màu hồng nhạt, kích thước trung bình dài từ 10 - 70 cm; có khoảng 175 đốt hình elíp hoặc đốt dài.
Đầu có hình thoi, kích thước 0,25 - 0,5 mm, có 4 đĩa hút hình chén. Vòi có hình gậy, miệng của vòi mang 1 - 7 hàng răng (móc), số hàng răng phụ thuộc vào tuổi của sán, có thể nhô ra hoặc thụt vào.
Những đốt ở gần đầu ngắn và mảnh, rộng khoảng 0,2mm; những đốt sán chưa trưởng thành gần cổ thì chiều rộng hơn chiều dài và dần trở nên vuông hơn khi trưởng thành ở phần giữa và già ở phần cuối; đốt già có kích thước 27 x 12mm có chứa trứng; mỗi đốt sán trưởng thành và già chứa 2 cơ quan sinh dục đực, cái và hai lỗ sinh dục nằm 2 bên của đốt sán. Tinh hoàn của các đốt sán trưởng thành có 100 - 200 nang trứng; mỗi nang trứng chứa từ 8 - 15 trứng. Buồng trứng đã có tuyến noãn hoàn; tử cung phát triển giống hình mạng lưới.
Trứng có vỏ mỏng, hình cầu, kích thước trung bình 35-40mm, có phôi sán chứa 3 đôi móc.
Hình 1: Sán trưởng thành | Hình 2: Đầu sán | |
Hình 3:Đốt sán trưởng thành | Hình 4: Nang trứng sán |
ĐẶC ĐIỂM DỊCH TỄ:
Ký chủ: đây là loại ký sinh trùng hay gặp trên chó, mèo. Một số báo cáo có đề cập đến bệnh lây trên mèo hoang dại, mèo sống trong rừng nhiệt đới (nơi đất hoang trong rừng rậm), mèo sống trong rừng cọ, cầy hương, chồn hương, linh cẩu, chó rừng, chó sống hoang dại hay nửa thuần hóa ở Australia và cáo. Người cũng có thể nhiễm Dipylidium caninum.
Vật chủ trung gian truyền bệnh: bọ chét Ctenophalides canis, C. felis felis,
C. felis orientis.
Đối tượng nguy cơ: Trẻ em là những đối tượng dễ nhiễm nhất, hầu hết các ca nhiễm bệnh sán dải chó xảy ra ở trẻ em trong độ tuổi tập đi, có thể do phơi nhiễm/tiếp xúc với các động vật này hoặc tuổi “dung nạp” của trẻ.
Đường lây truyền: Những động vật như chó, mèo bị nhiễm là do nuốt bọ chét có mang ấu trùng đuôi. Ở người, hầu hết các ca bệnh nhiễm ký sinh trùng sán dải chó được phát hiện là ở trẻ em, có thể do phơi nhiễm/tiếp xúc với các động vật này hoặc tuổi “dung nạp” của trẻ. Sự lan truyền bệnh xảy ra do tình cờ nuốt bọ chét có mang ấu trùng đuôi có trong thực phẩm, nước, móng tay, tiếp xúc mật thiết với các thú cưng như liếm, hôn; giữa miệng của trẻ với miệng của chó, mèo là đường lan truyền quan trọng để chuyển mầm bệnh từ lưỡi của chó, mèo sang người.
Phân bố địa lý: toàn thế giới. Ở người, nhất là trẻ em, nhiễm Dipylidium caninum được báo cáo tại nhiều quốc gia châu Âu, châu Mỹ, đặc biệt Argentina và châu Á, bao gồm Việt Nam.
CHU TRÌNH PHÁT TRIỂN:
Hình 5: Chu trình phát triển của D. caninum (Nguồn: CDC)
Sán trưởng thành sống trong ruột non của vật chủ chính. Những đốt sán có chứa trứng đứt ra thành từng đốt hoặc từng đoạn ngắn rồi sau đó di chuyển xuống hậu môn và bò ra ngoài (1). Tuy nhiên, những đốt sán khi bị tiêu hủy vẫn tìm thấy trứng trong phân. Khi gói trứng được phóng thích ra khỏi đốt sán và được phát tán ra môi trường (2), Bọ chét nuốt trứng vào ruột, phôi 6 móc sẽ phát triển thành ấu trùng đuôi (3). Bọ chét mang ấu trùng có khả năng gây nhiễm (4). Các động vật có xương sống chó, mèo …, người nuốt bọ chét có mang ấu trùng đuôi này vào trong ruột (5,6,7). Trong ruột non ấu trùng đuôi phát triển thành sán dây trưởng thành khoảng 1 tháng sau khi nhiễm (8).
BIỂU HIỆN LÂM SÀNG:
Chó, mèo bị bệnh thường không có biểu hiện triệu chứng, khi bệnh nặng thì trở nên yếu và kiệt sức.
Triệu chứng có thể từ nhẹ tới trung bình với các biểu hiện như: chán ăn, rối loạn tiêu hóa nhẹ, khó tiêu, đau bụng, tiêu chảy; khi bị nhiễm nhiều sán thì bệnh nặng hơn: trẻ mệt mỏi, nhứt đầu, giảm cân, đau bụng, tiêu chảy, ngứa xung quanh hậu môn, ói mửa, động kinh,suy nhược, thiếu máu.
CHẨN ĐOÁN
Chẩn đoán chủ yếu dựa vào việc tìm thấy đốt sán hoặc là những đoạn đốt sán bò ra ở hậu môn hoặc trong phân. Trứng hiếm khi thấy trong phân. Hoặc chẩn đoán bằng xét nghiệm huyết thanh. Tuy nhiên kít xét nghiệm huyết thanh đối với sán dải chó chưa được phổ biến rộng rãi như các loại kít giun, sán khác (sán lá gan lớn, giun đũa chó, mèo…).
Một số trường hợp nên chẩn đoán gián biệt (nhất là giai đoạn mạn tính), cần chú ý một số tình trạng sau đây, nhất là khi có rối loạn tiêu hóa mạn tính: bệnh Crohn's, viêm đại tràng giả loét, bệnh Celiac, viêm ruột, hội chứng đại tràng kích thích, hội chứng dạng ung thư (carcinoid syndrome), viêm tụy, sỏi mật, bất dụng nạp lactose.
ĐIỀU TRỊ:
Thuốc được lựa chọn để điều trị là: Niclosamide và Praziquantel
Niclosamide viên 500mg: trẻ em 1 - 2 tuổi uống 1 viên; 2 - 6 tuổi (11 - 34 kg) uống 2 viên; người lớn uống 4 viên. Uống thuốc bằng cách nhai và lúc đói.
Praziquantel viên nén 600mg: liều 25mg/kg cân nặng, liều duy nhất
PHÒNG BỆNH:
Để phòng bệnh cho người chủ yếu bằng truyền thông giáo dục sức khỏe, rửa tay sạch trước khi ăn, không nên tiếp xúc mật thiết với thú cưng; tẩy sán định kỳ cho chó, mèo; diệt bọ chét ở các vật nuôi bằng thuốc các loại thuốc như: Bayticol (flumethrin 6%) pha 1ml cho 2 lít nước tắm hay xịt cho chó, vòng đeo cổ Preventef (diazenon) trừ được bọ chét trong 4 tháng, Prontline xoa lên chó, mèo trừ được bọ chét trong 2 tháng, hoặc cho chó uống Program (lufenuron) định kỳ mỗi tháng 1 viên.
CN. Dương Công Thịnh, CN.Nguyễn Thị Mộng Siêng
Tài liệu tham khảo: