GIÁN

1. VỊ TRÍ PHÂN LOẠI

Giới

Động vật

Ngành

Chân đốt

Lớp

Côn trùng;

Phân lớp (subclass)

Pterygota

Liên bộ

Dictyoptera

Bộ

Blattodea

2. THÀNH PHẦN LOÀI VÀ PHÂN BỐ

2.1. Trên thế giới

Gián thuộc lớp côn trùng, trong số 4.600 loài có khoảng 30 loài sống trong môi trường gần nười [4].

Gián phân bố khắp nơi trên thế giói, tuy nhiên thành phần loài gián khác nhau ở từng vùng địa lý, khí hậu, độ cao và sinh cảnh. Một số loài gián phân bố rộng như gián Đức, gián Mỹ, gián úc. Nhiều loài phân bố hẹp, chỉ ở phạm vị vùng, lãnh thổ hay quốc gia và sinh cảnh. Có loài chỉ phân bố hay sinh sống trong nhà, gần người, có loài sống trong rừng xa người [4].

2.2. Việt Nam

Ở Việt Nam việc nghiên cứu về gián còn ít, nhất là về khu hệ, vai trò dịch tễ của nó. Theo các tài liệu đã công bố, cho đến nay ở Việt Nam mới phát hiện khoảng 10 loài. Những loài gián thường gặp nhất ở VN là gián Mỹ (Periplaneta americana), gián Úc (Periplaneta australasiae), gián Đức (Blattella germanica), gián phương Đông (Blatta orientalis) [2] .

2.3. Khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng

Ở khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng chưa thấy có ngiên cứu về thành phần loài và phân bố của gián. Theo ghi nhận của Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TP. HCM từ việc các đơn vị trong khu vực gửi mẫu gián đến định loại thì cũng chỉ có các loài gián Mỹ (Periplaneta americana), gián Úc (Periplaneta australasiae), gián Đức (Blattella germanica), gián phương Đông (Blatta orientalis)

3. ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC

3.1. Đặc điểm hình thể

3.1.1. Trứng:

Gián cái đẻ các bọc trứng, còn gọi là túi bào tử. Một túi bào tử chứa rất nhiều trứng và được bao bọc bởi một chất protein mà sẽ từ từ cứng lại thành một lớp vỏ rắn chắc, kiên cố. Vài loài gián thả rơi các bọc trứng, trong khi số còn lại mang chúng theo cho đến khi trứng nở [2, 4].

Hình 8.1. Hình dạng trứng gián [5]

3.1.2. Thiếu trùng:

Gián con hay thiếu trùng, thường không có cánh và kích thước chỉ dài vài mm,khi mới nở có màu trắng và đen dần sau vài giờ.

Hình 8.2. Hình thể gián ở giai đoạn thiếu trùng[6]

3.1.3. Gián trưởng thành:

Gián là loại côn trùng có cơ thể dẹt hướng lưng bụng, thông thường có đôi cánh ôm kín lưng. Kích thước cơ thể dài từ 2-3 mm đến 80 mm. Thân thể màu nâu sáng hoặc đen. Đa số các loài gián ít khi bay nhưng chúng bò rất nhanh.

Cơ thể gián nhà gồm ba phần: đầu, ngực và bụng.

Phần phụ miệng kiểu nghiền.

Trên ngực có 3 đôi chân, thuộc kiểu chân bò nên mảnh, dài, gồm 5 đốt: đốt háng, đốt chuyển, đốt đùi, đốt ống và đốt bàn.

Hai đôi cánh dài bằng nhau, có nhiều gân màu nâu thẫm đặc trưng, xếp chéo trên lưng con vật. Đôi cánh trước dày và sẫm màu hơn, phủ ở trên. Đôi cánh sau mỏng như lụa, ở phía dưới.

Cả gián đực lẫn gián cái phía trên hậu môn đều có một phần phụ đuôi phân đốt (cercus). Riêng gián đực còn có thêm một đôi gai giao phối không phân đốt (stylus).

Hình 8.3.Hình thể gián trưởng thành[7]

3.2. Vòng đời phát triển

Gián phát triển qua 3 giai đoạn: Trứng - thiếu trùng - trưởng thành.

Gián cái đẻ trứng kết dính thành ổ có hình quả đậu gọi là ootheca. Một số loài, như gián Đức mang trứng phía sau lưng. Đa số các loài gián khác đẻ trứng sau một hoặc hai ngày. Ootheca rất đặc trưng cho từng loài, sử dụng để phân biệt các loài. Tùy loài, tùy điều kiện nhiệt độ và độ ẩm, trứng gián có thể nở sau 1 đến 3 tháng.

Gián con hay thiếu trùng lớn lên bằng cách lột xác. Gián con phát triển và trở thành gián trưởng thành sau vài tháng đến hơn một năm tùy thuộc vào từng loài.

Gián trường thành có thể cỏ hoặc không có cánh.

Hình 8.4.Vòng đời phát triển của gián[8]

3.3. Tập tính

Gián có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới, tuy nhiên ở vùng ôn đới chúng sống trong nhà, nơi ấm áp, ẩm thấp và có thức ăn thích hợp. Các loài gián nhà như gián Đức, gián Mỹ, rất thích sống và phát triển trong các tủ, thùng đựng quần áo cũ bằng gỗ hay bằng giấy carton; đặc biệt những dụng cụ đó đã cũ và không kín. Gián thường sống thành bầy đàn. Chúng thường hoạt động về đêm. Ban ngày ẩn náu ở chổ tối như hang, hốc, kẽ tường, kẽ cửa, hố ga, cống rãnh thoát nước v.v... Ban đêm ra hoạt động kiếm ăn. Có một số loài gián có thể di cư thành đàn do sự phát triển đông đúc. Chúng di cư đến địa điểm mới bằng cách bò hay bay. Gián có thể được đưa đi xa bằng các phương tiện như máy bay, tàu biển và các loại xe cộ khác [2, 4].

Gián thuộc loại ăn tạp và phàm ăn, chúng ăn tất cả các loại thức ăn mà con người sử dụng. Nhưng chúng rất thích chất bột đường. Chúng nhấm sữa, bơ, bánh ngọt, bột đường và sôcôla ngọt v.v... ăn cả xác lột của chúng, gián chết, máu khô, máu tươi, phân; nhấm cả móng chân, móng tay trẻ em, người ngủ hoặc người ốm. Gián là động vật ăn chất thải rất mất vệ sinh ở các khu dân cư. Con gián nhà được coi là loài gây hại ở hầu hết các căn nhà của chúng ta vì chúng có tập tính bẩn thỉu và mùi hôi khó chịu. Ban đêm chúng tìm thức ăn trong bếp, trong chạn nơi thùng rác, cống rãnh thoát nước [2, 4].

4. VAI TRÒ Y HỌC

Gián không phải là tác nhân gây bệnh nhưng Gián là vật gây hại quan trọng vì chúng nhiễm bẩn và huỷ hoại thức ăn, gặm nhấm vải vóc, giấy sách. Các chất tiết, mửa từ miệng gián và các tuyến trên cơ thể có mùi đọng lại rất lâu và rất khó chịu ở những nơi chúng đi qua.

Gián có thể lây lan nhiều loại bệnh. Tuy nhiên, không giống như muỗi, chúng không phải là véc tơ truyền bệnh trực tiếp mà chúng chỉ là vật chứa mầm bệnh và truyền bệnh bằng hình thức lan truyền cơ học. Sự lan truyền xảy ra gián tiếp, do con người tiếp xúc với vật dụng nơi gián sinh sống hay ăn đồ ăn mà gián đã tiếp xúc [9].

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) “Gián thường không phải là nguyên nhân gây bệnh quan trọng nhất, nhưng giống như ruồi nhà, chúng đóng vai trò quan trọng trong việc lan truyền một một số bệnh”. Gián được chứng minh hoặc nghi ngờ là vật mang các vi sinh vật gây bệnh sau đây [9]:

- Bệnh Salmonella

- Thương hàn

- Bệnh tả

- Viêm dạ dày

- Bệnh kiết lỵ

- Bệnh phong

- Bệnh dịch hạch

- Bệnh Campylobacteria

- Bệnh Listeria

- Bệnh Giardia

- Gián cũng có thể gây ra hen suyễn và các dị ứng khác cũng như lan truyền E.coli, tụ cầu vàng và liên cầu.

5. BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG [2, 3]

5.1. Vệ sinh môi trường, giảm nơi trú ẩn của gián

Thức ăn cần được để nơi sạch sẽ và đậy kín trong tủ lưới hoặc tủ lạnh. Tất cả các khu vực trong nhà cần được giữ sạch sẽ đừng để các mẩu thức ăn thừa hoặc các chất hữu cơ vương vãi. Thùng rác phải đậy kín và thường xuyên đổ rác hàng ngày.
Nên và tất cả các khu trong nhà cần được giữ khô không để vương thức ăn và nước ra nhà.

Các tạp phẩm, khăn trải giường, quần áo bẩn, thùng đựng hàng và các vật dụng bằng gỗ: giá, tủ, giường v.v... cần được kiểm tra trứng gián và gián trước khi đem vào nhà.

Trong một số trường hợp, để làm giảm nơi trú ẩn, nơi đẻ của chúng, cần làm kín các mối nối sàn hoặc kẽ cửa. cần lấp kín các rãnh nước, ống thoát nước, ống đẫn nước uống và ngay cả các cáp điện.

5.2. Biện pháp hoá học chống gián

Thực ra diệt gián bằng biện pháp hoá học có gặp một số khó khăn vì chúng rất dễ trở nên quen thuốc, chỉ sau vài lần sử dụng, chúng sẽ tiếp xúc với hoá chất mà không chết. Hơn thế nữa chọn hoá chất để diệt chúng rất khó vì bản thân hoá chất đó đã xua chúng và chúng sẽ tránh không tiếp xúc. Chính vì thế biện pháp hóa học diệt gián là biện pháp làm giảm tạm thời và có thể thực kiện cùng với các biện pháp vệ sinh môi trường, cải thiện nhà ở.

Hoá chất diệt gián thường được sử dụng dưới dạng phun tồn lưu và rải bột để diệt ổ và noi trú ẩn của chúng. Tuy nhiên dùng hoá chất và giá thể mà phun, rải hoá chất. Hoá chất diệt gián còn có thể trộn với chất thu hút đề làm thành các mồi bẫy diệt gián.

5.3. Những khu vực cần xử lý

Khu vực cần được phun, rải hoá chất chống gián là bếp, các góc nhà, gỗ ốp tường nhà, xung quanh nơi ẩm thấp, chạn thức ăn, dưới gầm bàn ghế, buồng, nơi gần tủ lạnh, thùng lạnh, nơi sàn ướt, nơi chuẩn bị thức ăn, ống nước, nơi để thức ăn của nhà hàng ăn, kho hàng, của các cơ sở kinh doanh đều cần phải phun rái hoá chất diệt gián.

Tần sổ phun hóa chất diệt gián phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, như vậy phun rải đúng kỹ thuật, tốc độ của sự hồi phục của gián sau khi phun rải; hoá chất sử dụng, liều lượng và dạng hoá chất áp dụng, cấu trúc của bề mặt áp dụng, nhiệt độ, độ ẩm không khí và diện bao phủ cũng như diện hoá chất bị phân huỷ. Nhìn chung nếu phun vào tường sơn tồn lưu lâu hơn tường không sơn và ở tường gỗ tồn lưu lâu hơn tường gạch và tường bê tông.

Nếu thường xuyên rửa bề mặt phun, rải hoá chất hay quang dầu thì là hủy hoại hoá chất. Nếu phun rải hoá chất 1 lần thì kết quả diệt gián hạn chế. Đối với đa số các loài gián, phun rải nhiều lần bổ trợ cho nhau trong vòng 1 tháng là rất cần thiết để diệt các lứa gián con mới nở và chống tái xuất hiện của gián.

5.4. Phunhoá chất tồn lưu diệt gián

Phun tồn lưu hoá chất thường áp dụng bằng bình bơm đeo vai hoặc bơm tay áp suất. Bình bơm cần có đầu vòi phù hợp để phun được hóa chất vào khe hốc và những nơi khó phun tới. Độ tỏa hình quạt của đầu vòi rộng, thì tác dụng phun tốt hơn cần phun các hạt rải đều trên bề mặt, song không được phun để nước rỏ xuống chân tường...
Thường người ta pha hóa chất vào bình bơm khoảng 4 lít để phun cho 100m2 với vệt phun rộng 30 - 150 cm là hợp lý. Những nơi không có phương tiện có thể dùng chổi quét sơn quét lên bề mặt cần phun, hoặc rải hóa chất, cần áp dụng đúng kỹ thuật khắp những nơi gián thường qua lại và ẩn náu thì hiệu quả mới cao. Thường thì sau đợt phun đầu tiên cẩn thận, từng thời kỳ phải có những đợt phun nhắc lại mới có kểt quả, vì gián nở từ bọc trứng ra kéo đài trong thời gian từ 1 đến 3 tháng. Bình bơm có cần phun đặc bịệt với chlorpyrifos hoặc diazinon có thể diệt gián trong vòng 9 tháng hoặc hơn.

Để rải chất bột cần sử dụng cụ bơm riêng, hoặc bình phun bột, đôi chỗ có thể dùng thìa con để rải. Đầu vòi bình phum bột cần dài, mảnh, cong...để có thể phun được bột sâu vào tận nơi cư trú của gián. Khi rải được bột vào các khe hốc, ngoài tác dụng diệt gián, còn có thể xua đuổi gián sang vùng không có hoá chất, hoặc xua chúng ra khỏi nơi cư trú ẩn thích hợp và diệt chúng. Bột hoá chất không được dùng nơi có nước vì sẽ kém hiệu quả. Khi rải bột hoá chất kết hợp với phun tồn lưu thì bột cũng chỉ được rải trong trường hợp bề mặt khô ráo.

5.5. Phun khí dung

Hoá chất để phun khí dung là phun hạt rất nhỏ (0,1- 0,5 um). Phun không gian phù hợp với việc giữ cho hoá chất có tác dụng diệt tồn lưu, song có thể dừng biện pháp này để các giọt này lơ lửng trong không khí để diệt gián khi các giọt này rơi vào mình gián. Có thể dùng biện pháp này để hạ gục nhanh gián (khi dùng hoá chất thuộc nhóm carbamat và pyrethroid), và là biện pháp thích hợp để diệt gián tức thời vì các hạt cực nhỏ này có thể thâm sâu vào hang hốc kín mà chúng ta không trông thấy gián đang trốn. Thường hoá chất Pyrethoid cũng có tác dụng xua gián ra khỏi nơi trú ẩn, tạo điều kiện dễ dàng diệt chúng, phun không gian có thể làm giảm số lượng gián nhanh, song để giữ được hoá chất có tác dụng diệt tồn lưu lâu dài thì cần phun tồn lưu.

5.6. Sử dụng khói để chống gián

Khói là những đám mây hóa chất được tạo thành bằng nhiệt, có kích thước hạt cực nhỏ (0,001- 0,1μm), nhỏ hơn hạt phun không gian. Khói có thể thấm len lỏi sâu vào các kẽ ở tường, nền hoặc vào trong các ống thoát trong hệ thống thoát nước.

5.7. Các chất xua gián

Nhiều loại dầu thiết yểu, như dầu bạc hà, dầu lưu lan hương, được biết là có tác dụng xua gián, nhưng kết quả tốt nhất là đổi với các chất tổng hợp dễ chuẩn hoá. Thí dụ: các chất liệu để đóng gói, mặt trong nhà kho có thể được xử lý với chất deet (N, N - diethyl - 3 toluamide) hoặc DMP (dimethyl phthalate) với một nồng độ thích hợp. Một lượng tồn lưu 0,5 mg deet trên 1 cm có thể xua trên 90% gián Blattella germanica và trên 80% gián Periplaneta americana khỏi các thùng giấy.

6. PHƯƠNG PHÁP THU THẬP, ĐIỀU TRA [1]

Dựa vào đặc tính sinh thái, tập tính hoạt động, trú ẩn và kiếm ăn của gián để tiến hành các biện pháp điều tra thu thập gián phù hợp. Đồng thời tùy từng mục đích khác nhau, áp dụng các phương pháp thu thập gián khác nhau.

Điều quan trọng là phải xem xét kỹ, cần vài lần để xác định phạm vi nhiễm gián. Tìm kiếm, phát hiện gián tiến hành vào ban đêm, khi mọi hoạt động của con người đã ngừng, trong nhà, bếp, nhà kho đã yên tĩnh, ta dùng đèn pin chiếu rọi phát hiện gián bò ra. Để tính số lượng có thể đếm số con gián đã thấy trên một diện tích nhất định và trong khoảng thời gian nhất định. Phát hiện sự có mặt của gián trong khu vực nhà ở bằng cách phát hiện phân hay trứng gián rơi vãi trên nền nhà, nền bếp, kho… và sáng sớm khi chưa quét nhà và dọn dẹp kho, bếp.

Các loại gián nhà như gián Đức, gián Mỹ, rất thích sống và phát triển trong các tủ, rương, thùng đựng quần áo cũ bằng gỗ hay bằng giấy carton; đặc biệt những dụng cụ đó đã cũ và không kín.

Để xem xét tại nơi nào đó có gián hay không, có thể đặt các bẫy dính ở những nơi thiết yếu. Nơi đặt bẫy là vị trí có khả năng gián qua lại như chân tường, góc trần nhà, giá sách, ngăn kéo, hoặc dưới các dụng cụ và quầy hàng. Các bẫy dính phải đặt ít nhất 3 ngày.

Dùng một cái que dài khoảng 70 cm, một đầu quấn vải tẩm mật mía, đút xuống dưới nắp cống, sau 15 phút rút lên, gián bu đặc. Đút chúng vào lồng, tay lắc nhẹ để chúng rơi vào trong giỏ. Từ khoảng 20 giờ đến gần sáng, nên “giăng câu” khắp các nắp cống. Không cần tìm đến những con đường hôi hám, rác rưởi, tăm tối vì nơi nào có nắp cống là có gián. Sau khi bắt được gián để trong lồng cần phải che kín, nếu để lọt ánh sáng vào gián sẽ dễ chết. Đặc biệt nếu cho ăn chúng càng chết nhanh hơn.

7. HÌNH ẢNH MỘT SỐ LOÀI GIÁN

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Văn Châu, Nguyễn Mạnh Hùng, Hồ Đình Trung (2011), Thực hành kỹ thuật chân đốt y học, NXB Y học, Hà Nội, 462.

  2. Trần Thanh Dương và cs (2015). Kỹ năng nhận biết và phòng chống côn trùng gây bệnh, gây hại. Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương.

  3. Donald G. Cochran, 1999. Cockroaches. Their biology, distribution and control. World health organization. Communicable diseases provention and control WHO Pesticide evaluation scheme (WHOPES).

  4. https://en.wikipedia.org/wiki/Cockroach

  5. https://entomology.unl.edu/images/cockroaches/oothecae.jpg

  6. https://bugguide.net/node/view/1254067

  7. https://allaboutants.net/pest/american-cockroach/

  8. http://www.biologydiscussion.com/invertebrate-zoology/cockroach/cockroach-habitat-locomotion-and-life-history/27528

  9. https://www.westernexterminator.com/cockroaches/cockroach-diseases/

  10. https://bugguide.net/node/view/536452/bgimage

  11. https://en.wikipedia.org/wiki/Australian_cockroach

  12. https://bugguide.net/node/view/1310841

  13. http://entomology.ifas.ufl.edu/creatures/urban/roaches/oriental_cockroach.htm

Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,