Sáng ngày 20/4/2018, tại Bộ Y tế, Nhóm nghiên cứu của Viện Sốt rét - KST - CT TP. Hồ Chí Minh đã bảo thành công đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, mã số 5492/BYT do PGS. TS. Lê Thành Đồng làm chủ nhiệm đề tài. Kết quả được Hội đồng nghiệm thu đánh giá xuất sắc.
Đề tài “Xác định thành phần loài, sự lưu hành tác nhân gây bệnh và đề xuất quy trình giám sát một số loài chân đốt y học ở khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng” được thực hiện từ tháng 5/2015 - 11/2017 tại 15 điểm nghiên cứu đại diện cho các sinh cảnh (rừng và khu bảo tồn ngập nước; đồng bằng, nông thôn; hải đảo; thành thị và Tây Nguyên) và vùng địa lý (Vùng Đông Nam Bộ; Vùng Tây Nam Bộ và Vùng Tây Nguyên).
Bên cạnh công tác điều tra thành phần loài ngoại ký sinh và xác định sự lưu hành tác nhân gây bệnh, nhóm nghiên cứu đã thu thập thông tin, tài liệu, kết hợp với tổng hợp các bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện đề tài tại các địa phương, đã tổ chức biên soạn và tổ chức các cuộc họp xin ý kiến các chuyên gia liên quan, tổ chức các buổi họp Hội đồng Khoa học kỹ thuật của Viện để góp ý và hoàn thiện quy trình giám sát ve, mò, mạt. Quyển quy trình gồm 3 phần: Một số thông tin chung về ve/mò/mạt và bệnh do ve/mò/mạt truyền; Quy trình giám sát ve/mò/mạt; Các biểu mẫu điều tra và khoa định loại ve/mò/mạt. Nội dung được biên soạn thành các mục, các bước, kèm theo là sơ đồ và hình ảnh minh họa.
Các địa điểm nghiên cứu tại khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng
Kết quả nghiên cứu về thành phần loài ngoại ký sinh
Đã phát hiện thấy 7 họ, 16 giống, 34 loài ve, mò, mạt. Trong đó:
- Đối với liên họ ve (Ixodoidea): Đã thu thập được 31.492 cá thể thuộc 2 họ, 7 giống, 9 loài là: Argas sp., Amblyomma sp., Aponomma crassipes, Aponomma gervaisi, Boophylus microplus, Haemaphysalis (H.) yeni, Ixodes (Ixodes) granulatus, Rhipicephalus (Rhipicephalus) haemaphysaloides, Rh. (Rh.) sanguineus. Loài có số lượng cá thể lớn nhất là Rh. sanguineus (20.721 cá thể), tiếp đến là loài B. microplus 8.275 cá thể và Rh. haemaphysaloides 2.315 cá thể. Các loài còn lại có số lượng thấp từ 1- 67 cá thể. Các loài ve là B. microplus ,Rh. (R.) sanguineus, Rh. (R.) haemaphysaloides phân bố rộng (13/15 điểm); các loài còn lại phân bố hẹp (1 - 5/15 điểm). Các loài ve chủ yếu ký sinh trên các thú nuôi (trâu, bò, chó, mèo) và bò sát (trăn, kỳ đà).
- Đối với họ mò (Trombiculidae): Đã thu thập được 17.253 cá thể thuộc 5 giống, 11 loài là: Ascoschoengastia (Laurentella) indica, As. (L.) indica, Choengastia sp., Eutrombicula wichmanni, Eu. hirsti, Gahrliepia (Walchia) chinensis, G. (W.) lupella, Gahrliepia (W.) pacifica, G. (W.) parapacifica, Leptotrombidium (Leptotrombidium) deliense, L. (L.) striatum. Loài có số lượng cá thể lớn nhất là G. (W.) chinensis (6.049 cá thể), L. deliense (4.298 cá thể), loài As. (L.) indica có 2.986 cá thể, loài G. lupella 2.060 cá thể. Số lượng cá thể thấp nhất là loài mò Choengastia sp. chỉ có 18 cá thể. 4 loài mò là L. (L.) deliense, G. (W.) chinensis, G. (W.) lupella và As. (L.) indica phân bố rộng (11 - 15/15 điểm); các loài còn lại thấy ở từ 1 - 7/15 điểm. Ấu trùng mò chủ yếu ký sinh trên nhóm thú hoang dại (chủ yếu là chuột), chim hoang dại, chim nuôi.
- Đối với liên họ mạt (Gamasoidea): Đã thu thập được 9.009 cá thể thuộc 4 họ, 5 giống, 14 loài là: Haemolelaps zuluensis, Laelaps (Echinolaelap) aingworthae, L. (E.) echininus, L. (E.) sanguisugus, L. (E.) sedlaceki, L. (E.) traubi, Laelaps (Laelaps) nuttalli, Lealaps (L.) myonyssognathus, Laelaps (L.) prognathous, L. (L.) tainguyeni, Dermanyssus sp., Macrocheles glaber, Ornithonyssus bacoti, Or. bursa. Loài Laelaps (E.) echininus có số lượng cá thể lớn nhất (2.018 cá thể). Các loài khác có số lượng cá thể thấp (từ 7- 199 cá thể). 5 loài mạt là L. (E.) echininus, L. (E.) sanguisugus, L. (E.) sedlaceki, Or. bursa, Or. bacoti và L. (L.) nuttalli phân bố rộng (từ 11-15/15 điểm), các loài còn lại chỉ phân bố hẹp (từ 1-9 điểm điều tra). Mạt chủ yếu ký sinh trên nhóm động vật hoang dã, chủ yếu là chuột và nhóm giá thể (rác, ổ gà).
Kết quả nghiên cứu về phân bố tác nhân gây bệnh ở ve, mò, mạt
- Đã phân tích 1.846 mẫu ve với 9.182 cá thể thuộc 9 loài, không phát hiện ADN của vi khuẩn O. tsutsugamushi, Coxiella burnetii, Rickettsia prowazekii, Rickettsia mooseri và ARN của vi rút họ Bunyaviridae (Orthobunyavirus, Nairovirus, Phlebovirus).
- Đã phân tích 830 mẫu mò với 13.763 cá thể thuộc 11 loài, không phát hiện ADN của vi khuẩn Coxiella burnetii, Rickettsia prowazekii, Rickettsia mooseri và ARN của vi rút họ Bunyaviridae (Orthobunyavirus, Nairovirus, Phlebovirus). Có 13/830 mẫu mò (chiếm tỷ lệ 1,57%) dương tính với AND của vi khuẩn O. tsutsugamushi trong đó: VQG Bù Gia Mập là loài Leptotrombidium (L.) deliense/R. norvegieus (6/2015); L. (L.) deliense/R. edwardsi; Ascoschoengastia (L.) indica/ R. norvegieus; VQG Cát Tiên là L. (L.) deliense/R. rattus, As. (L.) indica/R. norvegieus (2 mẫu); Chân đỉnh Langbiang là L. (L.) deliense/R. edwardsi; TP. Thủ Dầu Một là Gahrliepia (W.) parapacifica/R. Molliculus; H. Tịnh Biên là L. (L.) deliense/R. norvegicus; G. (W.) parapacifica/R. Molliculus; H. Thạnh Phú là As. (L.) indica/R. Norvegieus; VQG U Minh Hạ là L. (L.) deliense/R. argentiventer; As. (L.) indica/ R. norvegieus.
- Đã phân tích 825 mẫu mạt với 7.252 cá thể thuộc 14 loài, không có mẫu nào dương tính với ADN của vi khuẩn O. tsutsugamushi, Coxiella burnetii, Rickettsia prowazekii, Rickettsia mooseri và ARN của vi rút họ Bunyaviridae (Orthobunyavirus, Nairovirus, Phlebovirus).
Các sản phẩm của đề tài:
TS. Đoàn Bình Minh