1. VỊ TRÍ PHÂN LOẠI
Giới | Động vật |
Ngành | Chân đốt |
Lớp | Côn trùng |
Phân lớp | Pterygota |
Phân thứ lớp | Neoptera |
Liên bộ | Endopterygota |
Bộ | Siphonaptera, Latreille, 1825 |
2. THÀNH PHẦN LOÀI VÀ PHÂN BỐ
2.1. Trên thế giới
Theo y văn, năm 1758, lần đầu tiên Linnaeus phát hiện hai loài là Pulex linnae (Pulex irritans) và Pulex penetrans. Năm 1880, Emil Taschenberg ghi nhận 34 loài bọ chét đã được phát hiện trên thế giới. Năm 1894, Alexandre Yersin phân lập được vi khuẩn dịch hạch trên người ở Hồng Kông và sau đó xác định bọ chét là trung gian truyền dịch hạch. Từ đó, hàng trăm công trình nghiên cứu về phân loại, hình thái và sinh thái học của bọ chét trên thế giới xuất hiện. Do vậy, đến năm 1953 trên thế giới, số lượng loài bọ chét đã phát hiện được tăng lên rất nhanh, có khoảng 1.350 loài và phân loài bọ chét thuộc 199 giống và phân giống, 17 họ và phân họ. Năm 1966, số loài bọ chét đã được phát hiện lên tới khoảng 1.830 loài thuộc 16 họ[1]. Theo R.A.Rann (1960), trên thế giới có 124 loài bọ chét có khả năng truyền bệnh dịch hạch[1]. Cho đến nay trên thế giới đã phát hiện khoảng 2.000 loài và 550 phân loài thuộc 18 họ[6].
2.2. Việt Nam
Ở Việt Nam, năm 1898, bệnh dịch hạch được phát hiện lần đầu ở Nha Trang. Năm 1918, C. Boden Kloss là người đầu tiên đã tiến hành điều tra thu thập bọ chét từ chuột Rattus bowesi ở Cao nguyên Langbiang, Lâm Đồng. Những mẫu vật bọ chét này đã được Karl Jordan (1931) mô tả gồm hai loài: Neopsylla avida Jordan và N. tricata Jordan[1]. Năm 1971, số bọ chét đã phát hiện là 19 loài (Nguyễn Kim Bằng, 1971). Từ 1962 - 1990, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương đã điều tra thu thập được 29 loài bọ chét, đưa tổng số loài đã phát hiện ở Việt Nam là 34 loài và phân loài (Đỗ Sĩ Hiển, Nguyễn Thu Vân, Nguyễn Văn Châu và cộng sự, 1985); Nguyễn Thu Vân (1997), một số công trình nghiên cứu về bọ chét đã được các Viện Pasteur tiến hành để phục vụ cho công tác phòng chống bệnh dịch hạch những năm 1975-1990 tại Tây Nguyên, các tỉnh ven biển miền Trung và Đông Nam Bộ.
Theo thống kê của Nguyễn Văn Châu (2017), ở Việt Nam có 31 loài và phân loài, 8 họ[4]. Họ Pulicidae: Ctenocephalides felis felis, C. felis orientis, Pariodontis riggenbachi wernecki, Pa. subjugis, Pulex irritans, Xenopsylla astia, X. cheopis, X. vexabilis hawaiiensis. Họ Pygiopsyllidae: Lenstivalius klossi klossi, L. klossi bispiniformis, Medwayella vietnamensis, Stivalius aporus rectodigitus. Họ Hystrichopsyllidae: Neopsylla avida, Ne. fuckienensis, Ne. dispar, Ne. tricata, Stennischia mirabilis. Họ Ischnopsyllidae: Ischnopsyllus (Hexastenopsylla) indicus, Thaumapsylla brevicep orientalis. Họ Leptopsyllinae: Leptopsylla (Leptopsylla) segnis. Họ Amphipsyllidae: Acropsylla girshami. Họ Ancistropsyllidae: Ancistropsylla roubaudi. Họ Ceratophyllidae: Macrostylophora hastata tonkiensis, Ma. liae, Ma. pilata, Ma. probate, Nosopsyllus fasciatus, No. nicanus, No. wualis, Paraceras pagumani, Pa. berdmorei.
2.3. Khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng
Cho đến nay, khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng đã ghi nhận được 14 loài và phân loài. Theo nghiên cứu của Gregory H. Adler và cộng sự (2001), bọ chét được thu thập trên động vật gặm nhấm nhỏ ở miền nam Việt Nam từ năm 1997 – 1998. Kết quả đã thu thập được tám loài: Xenopsylla vexabilis, Neopsylla tricata, Lentistivalius klossi, Neopsylla avida, Macrostylophora pilata, Lentistivalius insolli, Lentistivalius occidentayunnanus, Gryphopsylla jacobsoni. Trong đó, ba loài Lentistivalius insolli, Lentistivalius occidentayunnanus và Gryphopsylla jacobsoni ghi nhận mới ở Việt Nam.
Lê Thành Đồng và cộng sự (2015) nghiên cứu thành phần loài và phân bố một số nhóm ngoại ký sinh tại một số điểm ở khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng, phát hiện được sáu loài: Ctenocephalides felis orientis, Ctenocephalides felis felis, Lenstivalius klossi klossi, Pulex irritans, Xenopsylla astia, Xenopsylla cheopis[4].
3. ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC
3.1. Đặc điểm hình thể
3.1.1. Trứng
Hình bầu dục, vỏ láng, màu trắng hay kem, dài 0,5 mm.
Hình 4.1. Hình thể trứng bọ chét[11]
3.1.2. Ấu trùng
Ấu trùng bọ chét có ba giai đoạn: ấu trùng tuổi 1 (1 – 2 mm), ấu trùng tuổi 2 (2 – 3 mm), ấu trùng tuổi 3 (3 – 5 mm).
Ấu trùng bọ chét có hình dạng như con sâu, màu trắng, không mắt, không chân, có 14 đốt (3 đốt ngực giống nhau với 10 đốt bụng), có một đầu và hàm răng trên rất cứng, toàn thân có một ít lông tơ.
Hình 4.2. Hình thể ấu trùng bọ chét[12]
3.1.3. Nhộng
Hình dạng giống con trưởng thành, nằm trong một cái kén.
Hình 4.3. Hình thể nhộng của bọ chét[13]
3.1.4. Con trưởng thành
Bọ chét có kích thước từ 2 – 2,5 mm, màu nâu, thân dẹp theo chiều dọc. Con đực nhỏ hơn con cái và có gai giao hợp, con cái có túi chứa tinh.
Đầu: dính liền với ngực, mang râu, mắt, lược và bộ phận miệng kiểu chích.
Ngực: gồm ba cặp chân rất nở nang. Cặp chân thứ 3 nở nhất, giúp bọ chét nhảy cao và xa.
Bụng: có 10 đốt, đốt thứ 8 (ở con cái) hoặc đốt thứ 9 (ở con đực) biến thành cơ quan sinh dục. Đốt 10 tạo thành chóp chứa hậu môn và một cơ quan cảm giác.
Hình 4.4.Hình thể bọ chét trưởng thành[14]
3.2. Vòng đời phát triển
Bọ chét là côn trùng không cánh, biến thái hoàn toàn. Vòng đời phát triển của bọ chét qua các giai đoạn: trứng, ấu trùng, nhộng và trưởng thành.
Bọ chét đẻ trứng trên đất, cát, rơm rác, các chất mùn trong hang tổ của vật chủ. Sau khi đẻ từ 7 – 10 ngày, trứng nở ra ấu trùng hình con sâu. Sau 2, 3 lần lột xác từ 10 ngày đến 2 tuần, ấu trùng dệt một kén, biến thành nhộng, cuối cùng nhộng chui ra khỏi kén, trở thành bọ chét trưởng thành. Chu trình kéo dài từ hàng tháng cho đến hàng năm tùy theo nhiệt độ và tính chất của môi trường bên ngoài.
Hình 4.5.Vòng đời phát triển của bọ chét[15]
3.4. Tập tính
Bọ chét là những côn trùng sống tạm thời ở động vật có xương sống và máu nóng (chuột, chó, mèo, loài gặm nhắm hoang như sóc, chim...). Nó có thể sống thường xuyên trên ký chủ hoặc chỉ ở trong hang ổ của ký chủ, tiếp xúc với ký chủ khi hút máu. Bọ chét có khả năng nhảy cao, xa để truyền bệnh từ ký chủ này sang ký chủ khác. Bọ chét rất tham ăn, hút máu ký chủ nhiều lần trong một ngày. Con trưởng thành sống khoảng một năm. Con cái sau khi hút máu, thụ tinh, có khả năng đẻ 300-500 trứng trong suốt cuộc đời. Chúng đẻ trứng trên sàn nhà, kẽ ván hoặc trên cơ thể ký chủ. Trứng bám vào lông ký chủ khoảng 2 tháng[7].
Ấu trùng bọ chét mặc dù không có chân nhưng chúng di chuyển về phía trước bằng các động tác giật nảy đặc biệt nhờ một đôi móc ở hậu môn và những lông ở các đốt hướng về phía sau. Ấu trùng phát triển trên phân hoặc trên bất kỳ chất protein nào của động vật có xương sống. Sự phát triển của ấu trùng phụ thuộc vào nguồn thực phẩm được cung cấp. Chúng ăn những chất cặn bã do ký chủ thải ra. Chúng cũng có thể ăn ấu trùng mạt, những con bọ chét yếu khác và cả những ấu trùng cùng lứa. Xenopsylla cheopis có thể dùng bột mì, ngũ cốc ở góc nhà làm thức ăn và Ctenocephlides cũng dùng nguồn thức ăn như vậy ở trên và dưới các tấm thảm trải trong nhà. Như vậy, gần như bất kỳ thức ăn nào tiêu hóa được và có acid amin đều là thức ăn thích hợp cho ấu trùng bọ chét. Ấu trùng của X. cheopis và Ctenocephlides còn có thể nuôi nhân tạo trên phân chuột, bột máu khô, thức ăn của chuột thí nghiệm, casein. Những thức ăn đó được trộn với cát. Điều quan trọng là nguồn protein được cung cấp đầy đủ với các thành phần amino acid, các yếu tố khác có thể được cung cấp từ trứng gia cầm. Tuy nhiên, một vài loài (như X. astil và N. fasciatus) cần một chế độ thức ăn khác so với X. cheopis và X. brasiliensis và một số loài (như N. wangneri) không thể nuôi trong phòng thí nghiệm. Bên cạnh những yếu tố về chế độ ăn, sự phát triển có thể bị hạn chế bởi nhiệt độ cao (35 – 370C). Mất nước trong điều kiện khô cũng có hại[7].
Khi vẫn còn là nhộng, nếu có dấu hiệu có vật chủ thì bọ chét trưởng thành có thể thoát khỏi nhộng sớm hơn. Sự rung động và CO2 tác động như là một tác nhân kích thích đối với Ctenocephlides canis hoặc C. felis. Như vậy, một ngôi nhà bị bỏ trống, sau đó có người hoặc gia súc trở lại ở có thể làm cho bọ chét sinh sản nhiều lên. Ở những vùng khô, độ ẩm tăng lên cũng là một tác nhân thuận lợi cho sự phát triển của bọ chét trên loài gặm nhấm hoang dại[7].
Ra khỏi kén, 60% bọ chét nửa giờ sau hút máu ngay, số còn lại 1 - 2 giờ mới hút máu vật chủ. Bọ chét trưởng thành có lớp vỏ cứng, thân dẹt, sau khi nở 24 giờ có thể hút máu ngay nếu gặp vật chủ. Loài X. cheopis có thể nhảy cao 65 mm và xa 180 mm. Mắt bọ chét thường nhỏ, đôi khi không có ở một số loài. Khi bám vào vật chủ, bọ chét bám vào da bằng những phiến hàm trên và hạ họng. Máu được hút trực tiếp từ mao mạch. X. cheopis tạo một ống hút xuyên qua da vật chủ để hút máu, X. astia thì hút máu trực tiếp ngay chỗ da tiếp xúc... Máu được hút vào dạ dày do sự hoạt động mạnh của bơm ở họng và hầu bọ chét. X. cheopis ngừng hút máu khi dạ dày đã đầy nhưng Pulex có thể kéo dài hơn, vừa hút vừa đào thải. Bọ chét trưởng thành chỉ cần một lần hút máu vật chủ để đẻ trứng và thường hút máu trước khi đẻ trứng[5].
Bọ chét đực hầu như sống lâu hơn bọ chét cái. Một số bọ chét sống trong nhà không được ăn có thể sống từ 1 – 4 tháng ở nhiệt độ thấp (7 – 100C) và độ ẩm cao. Nếu được hút máu đều đặn nó có thể sống được từ 3 – 17 tháng. Sự giao phối của bọ chét xảy ra ngay trên mình vật chủ, khi chúng đã hút no máu. Hiện tượng này xảy ra vào cuối ngày đầu mới nở hay đầu ngày thứ hai (quan sát khi nuôi bọ chét) và thời gian giao phối khoảng 10 phút. Giai đoạn trưởng thành, bọ chét sống liên tục hoặc không liên tục trên cơ thể vật chủ để hút máu, diễn ra trong hang tổ vật chủ hoặc trong đất, nơi sống và hoạt động của vật chủ[7].
4. VAI TRÒ Y HỌC
Bọ chét là trung gian truyền bệnh dịch hạch, sốt phát ban chuột, là ký chủ trung gian của vài giống sán, có loài gây bệnh ngoài da.
4.1. Truyền bệnh dịch hạch[16]
Định nghĩa ca bệnh:
- Ca bệnh lâm sàng: dịch hạch là một bệnh truyền nhiễm tối nguy hiểm, tiến triển cấp tính, lây lan mạnh với tỷ lệ tử vong cao và được xếp vào diện phải kiểm dịch và khai báo quốc tế. Bệnh do trực khuẩn Yersinia pestis gây ra, lưu hành trong quần thể động vật thuộc những loài gặm nhấm (chủ yếu là chuột) và bọ chét ký sinh trên chúng. Từ đó, bệnh lây truyền sang người qua trung gian bọ chét nhiễm khuẩn.
Ở Việt Nam, bệnh dịch hạch thường phát triển mạnh vào mùa khô, phù hợp với mùa phát triển của chuột và bọ chét. Tuy nhiên, dịch cũng được ghi nhận vào các thời gian khác trong năm kể cả trong mùa mưa.
Bệnh dịch hạch ở người gồm các thể bệnh: thể hạch, thể nhiễm khuẩn huyết, thể phổi và thể màng não, thường gặp hơn cả là thể hạch (chiếm hơn 90% các thể bệnh).
Thể hạch biểu hiện bằng phát bệnh đột ngột, ớn lạnh, mệt mỏi, đau cơ, đau bụng, buồn nôn và đau đầu. Sau đó, bệnh chuyển sang giai đoạn toàn phát với các triệu chứng đặc trưng là nhiễm khuẩn, nhiễm độc và sưng hạch. Hạch có thể to bằng ngón tay cái hoặc bằng quả trứng gà, lúc đầu đau và cứng chắc, sau đó hạch mềm hoá mủ. Thể hạch có thể tiến triển thành nhiễm khuẩn huyết, thể phổi hoặc viêm màng não thứ phát. Nếu không được điều trị sớm và thích hợp, thể hạch rất dễ tiến triển đột ngột thành nhiễm khuẩn tối cấp với sốt cao 40 - 410C, tình trạng nhiễm khuẩn, nhiễm độc, huyết áp giảm, mạch nhanh, nhỏ, vật vã, rối loạn tinh thần, hôn mê, thường bệnh nhân chết trong vòng 3 - 5 ngày.
Thể nhiễm khuẩn huyết, thể phổi, thể viêm màng não thường là thứ phát. Dịch hạch thể phổi rất nguy hiểm vì có thể lây truyền trực tiếp qua đường hô hấp từ người bệnh sang người lành và bùng phát thành dịch lớn. Bệnh nhân có dấu hiệu ở phổi cho đến ngày cuối cùng của bệnh, đờm loãng, có bọt dính máu, thường xuất hiện tràn dịch màng phổi, có biến chứng phù phổi cấp, tỷ lệ tử vong cao.
- Ca bệnh xác định: Tìm thấy vi khuẩn dịch hạch hoặc kháng nguyên F1 của vi khuẩn trong bệnh phẩm từ bệnh nhân.
Tác nhân gây bệnh: Trực khuẩn dịch hạch (Yersinia pestis) thuộc họ Enterobacteriaceae.
Véc tơ truyền bệnh: Xenopsylla cheopis, Pulex irritans
Hình 4.6.Chu trình dịch tễ học của bệnh dịch hạch[17]
Vi khuẩn Yersinia pestis làm chuột mắc bệnh rồi chết. Khi chuột sắp chết, nhiệt độ giảm, bọ chét nhảy ra tìm ký chủ khác. Bọ chét khi ký sinh trên chuột đã hút máu chuột có vi khuẩn dịch hạch[7].
Vi khuẩn vào bọ chét, tạo nên một nút chặn trước dạ dày: vi khuẩn vào đến tiền phòng, nơi có khoảng 800 gai bằng kitin, tăng sinh nhiều và tiết ra coaglulase làm đông máu, đồng thời vách dạ dày cũng tiết ra trypsin làm đông máu. Lúc đó, vi khuẩn bị giữ lại bởi những sợi fibrin, tạo thành nùi mắc vào gai ở tiền phòng[7].
Nếu tiền phòng chỉ bị tắc nghẽn phần nào thì bọ chét có thể tiếp tục hút máu. Nếu bị tắc nghẽn hoàn toàn, khi bọ chét hút máu, máu chỉ vào đến tiền phòng mà không vào được dạ dày nên bị dội ra cùng với một số vi khuẩn dịch hạch để truyền vào ký chủ mới. Bọ chét vì đói, lại càng hút máu nhiều lần khiến bệnh lan nhanh. Trong thời gian 2 – 10 ngày trước khi bọ chét bị tắc nghẽn chết, chúng có thể truyền vi khuẩn dịch hạch sang nhiều người hoặc động vật[7].
4.2. Truyền bệnh sốt phát ban do bọ chét chuột[8]
Định nghĩa ca bệnh:
Bệnh sốt phát ban do chuột khởi phát đột ngột với sốt cao, ớn lạnh, đau đầu, đau cơ, buồn nôn và nôn, thường kéo dài khoảng 12 ngày nếu không được điều trị. Khoảng 4 ngày xuất hiện triệu chứng thì nổi ban, nhưng cũng chỉ có khoảng 13% bệnh nhân phát ban. Lúc đầu, ban xuất hiện nửa người, khoảng 2 ngày sau thì ban lan ra toàn thân và hiếm thấy ban ở mặt, lòng bàn tay và gan bàn chân.
Nhìn chung, diễn biến lâm sàng của bệnh tương tự như bệnh sốt phát ban do chấy rận, nhưng nhẹ hơn, tỷ lệ tử vong khoảng dưới 1%. Bệnh do bọ chét chuột truyền và xuất hiện tản phát bất kỳ lúc nào và nơi nào có bệnh lưu hành địa phương.
- Ca bệnh lâm sàng:
Sốt cao, ớn lạnh, đau đầu, đau cơ, đau khớp, buồn nôn, nôn và mệt mỏi.
Phát ban. Ban xuất hiện nửa người, sau khoảng 2 ngày thì lan ra toàn thân và hiếm thấy ở mặt, lòng bàn tay và gan bàn chân.
Trong công thức máu thường bị thiếu máu, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu.
- Ca bệnh xác định: có xét nghiệm huyết thanh (+) bằng các kỹ thuật: IFA, EIA, PCR, CF đặc hiệu với kháng nguyên Rickettsia mooseri, Rickettsia felis.
Tên tác nhân: Rickettsia mooseri (Rickettsia typhi), Rickettsia felis
Véc tơ truyền bệnh: Xenopsylla cheopis, Ctenocephalides felis
Hình 4.7.Chu trình dịch tễ học bệnh sốt phát ban do bọ chét
4.3. Truyền một số bệnh khác
Truyền vi khuẩn Bartonella henselae.
Hình 4.8. Chu trình dịch tễ học bệnh bọ chét truyền vi khuẩn Bartonella henselae
Ký chủ trung gian của sán Dipylidium caninum, Hymelolepis diminuta.
Hình 4.9.Chu trình dịch tễ học bọ chét là trung gian các bệnh sán
Bọ chét gây bệnh
Hình 4.10.Chu trình dịch tễ học bọ chét ký sinh dưới da[18]
Loài bọ chét Tunga penetrans ký sinh trong da người, đây là loài bọ chét trực tiếp gây bệnh, gây loét da và áp xe.
Bọ chét đốt gây ngứa ngáy và đôi khi rất khó chịu. Bị đốt nhiều có thể gây dị ứng và viêm da. Bọ chét chó mèo Ctenocephalides felis felis, Ct. felis orientis và bọ chét người Pulex irritans thường đốt người khi thiếu vật chủ chính.
5. BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG
Bảo vệ cá nhân: chất xua bôi vào da và quần áo, hay tẩm hóa chất vào quần áo.
Vệ sinh nhà cửa: bọ chét trưởng thành, trứng, ấu trùng và kén có thể hết khi quét dọn, cọ rửa nền nhà và giữ nhà sạch sẽ; dọn nhà bằng máy hút bụi cũng có tác dụng hút bỏ bọ chét.
Dùng hóa chất diệt côn trùng: trong trường hợp nhiễm bọ chét nặng, có thể phun hoặc rắc hóa chất diệt côn trùng vào các khe kẽ, góc phòng nơi có mặt bọ chét và ấu trùng. Cũng có thể dùng hóa chất xử lý quần áo và lông động vật. Các bình xông hơi hay phun trực tiếp các chất diệt tác dụng nhanh như pyrethroids, propoxur và bendicarb. Tuy nhiên, tác dụng của hóa chất diệt ngắn và sự tái nhiễm bọ chét nhanh.
Rắc hóa chất ít có mùi hơn và không ảnh hưởng nhiều đến da như việc phun. Không được dùng carbaryl và malathion cho gà con và chó con dưới 4 tuần tuổi. Gia súc có thể được đeo một vòng cổ có tẩm hóa chất diệt bọ chét.
Sử dụng viên Lufenuron để phòng chống bọ chét cho chó và mèo. Những viên này được cho uống 1 tháng 1 lần với liều 30 mg/kg thể trọng đối với mèo và 10 mg/kg thể trọng đối với chó, và an toàn khi dùng với động vật mang thai và đang nuôi con. Lufenuron được bọ chét cái hút vào theo máu khi đốt vật chủ và có tác dụng ngăn cản sự phát triển của trứng.
Kết hợp diệt chuột và diệt bọ chét.
6. PHƯƠNG PHÁP THU THẬP, ĐIỀU TRA
6.1. Thu thập bọ chét sống
Thu thập bọ chét sống tiến hành trên động vật nuôi (chó, mèo…). Nhờ người nhà giữ chặt chó hay mèo và cho con vật nằm xuống, ta tìm bắt bọ chét trên chúng bằng cách tách hoặc chải lông của vật chủ để tìm bọ chét. Khi đã thấy bọ chét, cần dính ngay bọ chét bằng bút lông hoặc một que bông ướt vì bọ chét nhảy nhanh và liên tục, nếu không bị ướt thân sẽ rất khó thu thập.
Bọ chét có thể sưu tầm ở tự nhiên, trên mặt đất, dưới chuồng gà, trong những hang ổ của chuột. Khi thu thập, đổ nước vào tìm bọ chét bị trôi nổi. Bẫy bọ chét bằng khay nước, cho nước vào khay và đặt ở góc gầm chuồng gà, góc nhà nơi có bọ chét cả ngày lẫn đêm, sau 3 giờ, 6 giờ, 12 giờ lấy khay ra thu bọ chét một lần. Nếu ở những chuồng gà có nhiều bọ chét, tốt nhất là đặt khay nước vào chuồng sau khi đã thả gà ra để tránh bụi, rác và gà dẫm vào khay.
Đối với những súc vật hoang dại lớn như nai, hoãng, khi sưu tầm phải vạch lông tìm bọ chét ngay khi con vật đang sống hoặc còn nóng. Những thú nhỏ như chồn, nhím, thỏ… khi thu thập được dù sống hay chết đều phải cho vào túi vải trắng có thắt miệng, đem về chỗ làm việc và cho vào chậu nhôm trắng cao thành rồi chải bắt bọ chét, đồng thời lật túi ra từ từ để tìm bắt bọ chét bám vào mặt trong túi. Khi xác súc vật bị lạnh, bọ chét rời bỏ thân của súc vật ra túi vải. Dùng bút lông hay bông tẩm ướt nước để nhặt bọ chét cho vào ống nghiệm khô và nút bông kín không để bọ chét bò ra.
6.2. Thu thập bọ chét chết
Đối với chuột bắt được, xông hơi clorofoc để chuột bị chết và bọ chét cũng chết, sau đó chải chuột bị chết và bọ chét chết để thu hồi bọ chét. Cũng có thể cho chuột vào cồn và sau khi chuột chết, tìm bọ chét hoặc lọc cồn để lấy bọ chét.
Những thú nhỏ khác khi thu thập được đã chết do săn bắn, bẫy kẹp… ta bỏ ngay con vật vào túi vải (túi tích) và buộc kín miệng lại mang về nhà, sau đó thả một ít bông có tẩm clorofoc vào túi, đồng thời bỏ cả túi vải có đựng con vật vào một túi ni lông kín hay một bình thủy tinh kín, sau 10 phút đưa ra chải tìm bọ chét.
6.3. Bảo quản bọ chét
Bọ chét sống hay chết thu ở từng con vật chủ cho vào từng lọ riêng cùng với nhãn ghi thời gian, địa điểm, vật chủ và số lượng bọ chét. Các bọ chét chết nhặt cho vào tuýp chứa cồn 70 và ghi nhãn, ghi sổ. Tất cả các tuýp đựng bọ chét đã thu thập được xếp dựng đứng vào lọ nhựa (thể tích 0,5 lít) có chứa cồn 70. Bọ chét của từng điểm bỏ riêng từng lọ. Dưới đáy, trên miệng lọ và giữa các lớp tuýp lót một ít bông không thấm và vặn nắp mang về phòng thí nghiệm lên tiêu bản và định loại.
7. HÌNH ẢNH MỘT SỐ LOÀI BỌ CHÉT
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Nguyễn Văn Châu, Đỗ Sĩ Hiển, Nguyễn Thu Vân (2007). Động vật chí Việt Nam. Tập 16, Họ Mò Đỏ (Trombiculidae - Acarina) và Bộ Bọ chét (Siphonaptera). NXB KH&KT. 306 trang.
Nguyễn Văn Châu và cs (2011). Thành phần loài động vật chân đốt y học và độ nhạy cảm với hóa chất diệt côn trùng của véc tơ sốt xuất huyết tại đảo Phú Quốc – Kiên Giang. Kỹ yếu công trình nghiên cứu khoa học. NXB Y học.
Nguyễn Văn Châu và cs (2011). Thực hành kỹ thuật chân đốt y học. Viện SR – KST-CT TƯ. NXB Y học. 462 trang.
Nguyễn Văn Châu. (2017), “Các loài động vật chân đốt ký sinh đã phát hiện ở Việt Nam”. Hội nghị côn trùng toàn quốc, lần thứ 9, Tr. 770 - 782.
Trần Thanh Dương và cộng sự, 2015. Kỹ năng nhận biết và phòng chống côn trùng gây bệnh, gây hại. Viện Sốt rét - KST - CT Trung ương.
Lê Thành Đồng và cs, 2015. Nghiên cứu thành phần loài và phân bố một số nhóm ngoại ký sinh tại một số điểm ở khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng. Tạp chí y học dự phòng. Tập XXV, số 8 (168) 2015, số đặc biệt.
Trần Xuân Mai và cs, 2013. Ký sinh trùng y học. NXB Y học.
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), 2014. Cẩm nang phòng chống bệnh truyền nhiễm
Gregory H. Adler, Nina I. Suntsova, Victor V. Suntsov, and Scott A. Mangan, 2001. Fleas (Siphonaptera) Collected from Small Mammals in Southern Viet Nam in 1997–1998. Journal of Medical Entomology, 38(2):210-213.
S. G. Medvedev, 1996. Geographical Distribution of Families of Fleas (Siphonaptera). Entomological review. Vol 76. No. 8. 1996. Pp. 978 – 992.
http://www.thepetsite.co.uk/vetknowledge/health/diseases/fleas.htm
https://www.environmentalscience.bayer.co.za/Pest-Management/WhatToControl/Flea-Immatures
https://fleascience.com/flea-encyclopedia/life-cycle-of-fleas/flea-pupae/what-do-flea-pupae-look-like/pictures-of-flea-pupae/
https://www.insectimages.org/browse/detail.cfm?imgnum=5459511
https://www.comfortis.com/flea-life-cycle
http://vncdc.gov.vn/vi/danh-muc-benh-truyen-nhiem/1076/benh-dich-hach
https://digital.wwnorton.com/ebooks/epub/microbio4/OEBPS/Chapter26-06.xhtml
https://www.dabasocommunityunit.com/jiggers-tungiasis.html
-benh-truyen-nhiem/1076/benh-dich-hach
https://www.insectimages.org/browse/detail.cfm?imgnum=5459531
http://controldelpozo.com.mx/producto/pulga-de-rata-xenopsylla-cheopis/
https://cameronwebb.wordpress.com/tag/ctenocephalides-canis/
http://www.padil.gov.au/pests-and-diseases/pest/main/136559
http://www.parasitandonaweb.xpg.com.br/tunga.html