Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP. Hồ Chí Minh là Viện chuyên khoa đầu ngành của khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng về nghiên cứu và chỉ đạo phòng chống sốt rét, các bệnh ký sinh trùng, bệnh do côn trùng truyền, góp phần chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân khu vực, nhất là cộng đồng các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới và hải đảo.
1. Phạm vi phụ trách
Viện được giao phụ trách và chỉ đạo phòng chống sốt rét, phòng chống các bệnh ký sinh trùng, các bệnh do côn trùng truyền tại 20 tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng. Năm 2011, khu vực có 208 huyện, thị; 2.606 xã, phường, thị trấn; 16.920 thôn, ấp. Địa bàn hội đủ các vùng sinh thái liên quan đến lưu hành bệnh sốt rét, bệnh ký sinh trùng, các bệnh do côn trùng truyền, có 1 tỉnh Tây Nguyên, 6 tỉnh Đông Nam Bộ, 13 tỉnh Tây Nam Bộ. Dân số 33.093.275 người.
a. Về phòng chống sốt rét
Có gần 8.000.000 dân sống trong vùng sốt rét lưu hành (chiếm 22,56% dân số chung của khu vực). Dân số giao lưu với vùng sốt rét lưu hành gần 7.000.000 người, do đó tổng dân số nguy cơ sốt rét trên 8.000.000 người.
Những vùng sốt rét lưu hành nặng ở khu vực có nhiều đối tượng di biến động, dân di cư tự do lớn, hầu hết các tỉnh của cả nước, từ miền Bắc, miền Trung - Tây Nguyên, miền Đông và miền Tây Nam Bộ, dân từ các vùng sốt rét lưu hành nhẹ hoặc không còn sốt rét lưu hành (Bến Tre, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Long An, Cần Thơ,…) đến làm ăn, buôn bán, cộng với số dân ở các huyện, xã khác trong tỉnh đến địa phương có sốt rét lưu hành nặng tạo ra sự đa dạng về dịch tễ bệnh sốt rét, sự khó khăn trong việc giám sát, can thiệp các biện pháp phòng chống sốt rét của khu vực và của cả nước. Nhiều cộng đồng dân cư có mức sống và trình độ dân trí thấp, chủ yếu ở các vùng biên giới, miền núi nơi có sốt rét lưu hành.
Khu vực cũng là nơi năm 2009 phát hiện có ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc sốt rét (P. falciparum kháng artesunat) đầu tiên ở Việt Nam và là nước thứ hai phát hiện ký sinh trùng kháng thuốc trên thế giới (sau Campuchia).
Với sự giao lưu lớn, đa dạng và phức tạp, với sự xuất hiện của ký sinh trùng kháng thuốc ở khu vực, việc phòng chống sốt rét trở nên khó khăn, phức tạp và do đó đòi hỏi công tác phòng chống sốt rét phải quyết liệt hơn để vừa thực hiện các mục tiêu giảm mắc, giảm chết do sốt rét, vừa ngăn chặn và loại trừ ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc ở Việt Nam.
b. Về giun, sán và phòng chống bệnh giun, sán
Khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng có nhiều cộng đồng dân cư, dân tộc, mỗi nơi có những tập quán sinh hoạt, lao động, chăn nuôi và canh tác khác nhau, bên cạnh đó điều kiện vệ sinh môi trường thuộc khu vực nhiệt đới, khí hậu nóng ẩm quanh năm, có nhiều bệnh truyền nhiễm, trong đó bệnh giun sán lưu hành rộng rãi, đặc biệt là các bệnh giun truyền qua đất.
Mặc dù chưa được đầu tư đáp ứng nhu cầu, các hoạt động chưa được triển khai thực hiện đầy đủ, rộng khắp nhưng đội ngũ cán bộ chuyên môn kỹ thuật vẫn được duy trì thường xuyên tại Viện Sốt rét - KST - CT TP. HCM, Khoa Ký sinh trùng phụ trách công tác nghiên cứu, chỉ đạo và tổ chức phòng chống giun, sán cho toàn khu vực. Ở tuyến tỉnh, thành phố có các khoa ký sinh trùng (ở các trung tâm phòng chống sốt rét), hoặc tổ ký sinh trùng thuộc khoa sốt rét (ở các trung tâm y tế dự phòng) phụ trách công tác ký sinh trùng sốt rét, giun, sán. Ở tuyến huyện, xã hiện tại hầu như không có hệ thống chuyên trách phòng chống giun, sán.
Nhân lực chuyên trách phòng chống giun, sán còn hạn chế cả về số lượng, trình độ chuyên môn, chỉ có một số ít cán bộ có trình độ chuyên ngành ký sinh trùng ở tuyến Trung ương, ở các địa phương hầu như chưa có hoặc chưa được đào tạo chuyên ngành.
Trang thiết bị ở các tuyến hầu như chưa được đầu tư, chỉ một số thiết bị được đầu tư thông qua các dự án hỗ trợ quốc tế. Hoạt động giám sát và phòng chống bệnh giun, sán ở khu vực nhìn chung chưa được tổ chức thực hiện một cách đầy đủ và có hệ thống, chỉ một số hoạt động điều tra, can thiệp rời rạc từ các nguồn đầu tư ít ỏi của nhà nước và của các tổ chức quốc tế.
Trong bối cảnh chung về tình hình nhiễm giun sán trên thế giới, tại Việt nam cũng như khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng đang có chiều hướng gia tăng. Dựa vào các số liệu điều tra gần đây về tình hình nhiễm giun sán tại khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng đặc biệt là trẻ em lứa tuổi học đường có tỷ lệ nhiễm giun cao. Trên cơ sở đó Viện Sốt rét - KST - CT TP. HCM đã xây dựng dự án “Phòng chống giun sán trẻ em lứa tuổi học đường khu vực Nam bộ - Lâm Đồng giai đoạn 2010 - 2013” và đã được Bộ Y tế đã chính thức phê duyệt và cấp kinh phí cho dự án đi vào hoạt động từ tháng 11/2010.
Theo đó, Viện đã chỉ đạo thu thập tổng hợp toàn bộ thông tin liên quan đến bệnh giun sán, các bệnh đơn bào và phòng chống bệnh ở khu vực. Bước đầu thực hiện dự án Phòng chống giun sán trẻ em lứa tuổi học đường khu vực, Viện đã chỉ đạo và đang tổ chức thực hiện các hoạt động xây dựng và triển khai áp dụng cơ chế phối hợp phòng chống giun sán giữa ngành y tế và giáo dục, nâng cao hiểu biết và tham gia của cộng đồng, nâng cao năng lực phòng chống giun sán của các tuyến y tế (tổ chức, nhân lực, chuyên môn nghiệp vụ…) tại 4 tỉnh thí điểm.
Dự án phòng chống giun sán cho trẻ em lứa tuổi học đường là hoạt động mũi nhọn trong năm 2011 của Viện, nhằm đẩy mạnh công tác phòng chống giun sán trong khu vực thường xuyên và phát triển trên diện rộng. Đến nay, sau 1 năm chính thức đi vào hoạt động, Dự án phòng chống giun sán cho trẻ em lứa tuổi học đường khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng đã đi vào quỹ đạo và kết quả ban đầu tương đối khả quan.
Tiếp tục thực hiện dự án phòng chống giun sán, Viện sẽ xây dựng theo mô hình phòng chống giun sán dựa vào cộng đồng, đây là một mô hình chăm sóc sức khỏe tiến bộ, với mục đích cuối cùng là xã hội hóa công tác phòng chống giun sán mà trong đó y tế địa phương có thể triển khai hoạt động phòng chống giun sán với sự ủng hộ về vật lực lẫn nhân lực của cộng đồng, giúp giảm gánh nặng về kinh phí cho ngành y tế, xây dựng sự hợp tác bền vững giữa Y tế và Giáo dục, kêu gọi vai trò của người dân trong vấn đề chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.
c. Về công tác phòng chống sốt xuất huyết
Năm 2009, Bộ Y tế giao thêm nhiệm vụ phòng chống sốt xuất huyết cho Viện Sốt rét - KST - CT TP. Hồ Chí Minh và một số đơn vị khác. Viện đã bước đầu triển khai các hoạt động phòng chống sốt xuất huyết.
Với đặc thù về sinh thái và tập quán sinh hoạt của người dân Nam Bộ, với sự giao lưu lớn, đa dạng và phức tạp việc phòng chống sốt xuất huyết trở nên khó khăn, phức tạp do đó đòi hỏi công tác phòng chống sốt xuất huyết phải quyết liệt để thực hiện các mục tiêu giảm mắc và giảm chết do sốt xuất huyết.
Viện đã chỉ đạo và thực hiện các biện pháp tăng cường giám sát côn trùng truyền bệnh sốt xuất huyết tập trung giám sát, kiểm tra các địa phương có nguy cơ mắc cao.
Tổ chức nhiều đợt điều tra, giám sát côn trùng và đánh giá công tác xử lý ổ dịch tại những điạ phương thuộc Viện quản lý.
Chỉ đạo địa phương tổng hợp, báo cáo kịp thời. Phối hợp tham gia tuyên truyền vận động phòng chống sốt xuất huyết nhân ngày phòng,chống sốt xuất huyết của các nước khu vực ASEAN (15/6/2011) tổ chức tại Cần Thơ và các tỉnh khác.
Chỉ đạo địa phương thực hiện tốt các hoạt động phòng chống sốt xuất huyết. Thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng, và vệ sinh môi trường .
2. Tổ chức hệ thống
Tổ chức y tế phòng chống sốt rét, giun sán hiện nay: Tuyến trung ương, Viện Sốt rét - KST - CT TP. Hồ Chí Minh, trong năm qua đã được Bộ Y tế quan tâm chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ chuyên môn, ngoài phòng chống sốt rét, bổ sung thêm nhiệm vụ phòng chống sốt xuất huyết, triển khai các hoạt động phòng chống giun, sán và đầu tư phát triển về các mặt công tác khác, bổ sung thành lập thêm các khoa, phòng, đơn vị trực thuộc, xây dựng cơ sở hạ tầng và nâng cấp trang thiết bị, phát triển nhân lực.
Tuyến tỉnh, hiện có 18 Trung tâm Y tế dự phòng (ở tỉnh không có Trung tâm Phòng chống sốt rét) và 2 Trung tâm Phòng chống sốt rét (Tây Ninh, Bình Phước) chịu trách nhiệm trực tiếp thực hiện các hoạt động phòng chống sốt rét và giun sán của tỉnh. Tỉnh Đồng Nai sát nhập Trung tâm Phòng chống sốt rét với Trung tâm Y tế dự phòng và thành lập Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế. Tuyến quận, huyện, thị, thành phố trực thuộc tỉnh, hiện tại có nhiều hình thức tổ chức khác nhau, theo đó bộ phận sốt rét cũng chịu sự điều hành của các hình thức tổ chức khác nhau.
Tuyến xã, phường, điểm kính hiển vi hiện nay ở nhiều nơi do tình hình sốt rét giảm nên việc triển khai các hoạt động phòng chống sốt rét đã có phần lơ là, nhiều nơi hầu như không hoạt động. Nhiều tác động về kinh tế xã hội mấy năm gần đây gây nên tình trạng biên chế cho y tế dự phòng thiếu, số tăng không đủ cho số đi học và chuyển đi nơi khác, đặc biệt là kỹ thuật viên xét nghiệm. Về chuyên môn kỹ thuật do luân chuyển cán bộ, không ổn định công tác và lại kiêm nhiệm nhiều chương trình nên chưa đáp ứng các yêu cầu về chuyên môn chuyên sâu, nhiều cán bộ mới và chưa có kinh nghiệm.
Tổ chức y tế trong công tác phòng chống sốt xuất huyết còn thiếu nhân lực là một trở ngại chính, đặc biệt là là số cán bộ có chuyên môn có kinh nghiệm, cán bộ kỹ thuật giỏi. Nhận thức của người dân trong công đồng còn hạn chế trong công tác phòng chống sốt xuất huyết. Đội ngũ cán bộ y tế thay đổi liên tục và kiêm nhiệm nhiều công việc. Cộng tác viên sốt xuất huyết còn thiếu và yếu. Trình độ nhận thức của người dân về phòng chống sốt xuất huyết chưa cao.
Trong phạm vi phụ trách, cùng với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, với tình hình dịch bệnh và nhu cầu thực tế của khu vực, trước nguy cơ bệnh sốt rét có thể bùng phát trở lại, các bệnh ký sinh trùng và bệnh do côn trùng, ngoại ký sinh chưa được giải quyết thỏa đáng và vẫn tiếp tục là một vấn đề sức khỏe ở khu vực.
Để duy trì, thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, phát huy những thành quả đạt được, cùng với sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Y tế, sự quan tâm, phối hợp chỉ đạo và thực hiện của các cấp, các ngành ở địa phương, cùng với cả nước, Viện sẽ mở rộng và nâng cao kỹ thuật chuyên môn phòng chống dịch bệnh ở khu vực. Kế thừa bộ máy tổ chức và kinh nghiệm sẵn có, với đội ngũ nhân lực vẫn nhiệt huyết trong công cuộc phòng chống sốt rét, ký sinh trùng và côn trùng của Viện và các địa phương, việc nghiên cứu, chỉ đạo và thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn không ngừng được duy trì, đẩy mạnh, tạo nên sức mạnh, góp phần quyết định đảm bảo việc thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ.