Những năm gần đây có nhiều nghiên cứu, báo cáo cho rằng R. felis là mầm bệnh ở người, song song với việc gia tăng các báo cáo về việc phát hiện
R. felis ở các vật chủ là động vật chân đốt trên khắp thế giới và muỗi được cho là có thể là véctơ lây truyền vi khuẩn R. felis. Một số công bố đã phát hiện sự hiện diện của R. felis trên ký chủ muỗi, điều đó nói lên vai trò của muỗi trong việc truyền bệnh Rickettsiosis và nguy cơ tiềm ẩn của nó đối với sức khỏe cộng đồng cần được xem xét thêm.
Theo kết quả nghiên cứu của Socolovschi và Cs. được đăng trên Tạp chí Emerging Infectious Diseases (Tạp chí các bệnh truyền nhiễm mới nổi) năm 2012 tại Libreville, Gabon. Tác giả đã phân tích 192 mẫu DNA của muỗi cái (96 Ae. aegypti và 96 Ae. albopictus) trong giai đoạn từ tháng 12/2008 đến tháng 01/2010, bằng kỹ thuật qPCR. Với kết quả cụ thể: 0/96 muỗi Ae. aegypti và 3/96 muỗi Ae. albopictus dương tính với qPCR đặc trưng cho loài R. felis. Từ công bố của Socolovschi và Cs. cho thấy muỗi có thể chứa tác nhân gây bệnh R. felis tuy nhiên chưa nêu được vai trò truyền bệnh R. felis của muỗi. [1]
Theo kết quả nghiên cứu về khả năng lây truyền của R. felis trên muỗi Anopheles gambiae do Dieme và Cs. được đăng trên tạp chí PNAS (tạp chí viện hàn lâm khoa học Hoa Kỳ) năm 2015, với tỉ lệ phát hiện DNA của R. felis là 20% (ở buồng trứng và tuyến nước bọt của muỗi) vào ngày thứ 0 đến ngày thứ 14 sau lây nhiễm, và tỉ lệ nhiễm 42% vào ngày thứ 15 sau khi lây nhiễm cho muỗi. Trong thử nghiệm về sự lây truyền R. felis trên chuột, họ ghi nhận có sự truyền nhiễm R. felis ở chuột khỏe mạnh thông qua vết đốt của muỗi nhiễm R. felis. Từ kết quả nghiên cứu của Dieme và Cs. có thể thấy được véctơ muỗi Anopheles gambiae (véctơ truyền bệnh sốt rét chính ở khu vực châu Phi cận Sahara) có khả năng truyền nhiễm Rickettsia felis và R. felis có thể là nguyên nhân gây ra “sốt không rõ nguồn gốc” ở các khu vực sốt rét lưu hành. [2]
Theo báo cáo của Parola và Cs. nghiên cứu về các đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm do muỗi truyền trên tạp chí Lancet năm 2016, tác giả ghi nhận muỗi Anopheles gambiae, véctơ sốt rét chính ở khu vực cận Sahara (châu Phi), là một véctơ có khả năng lây truyền R. felis. Thông qua nghiên cứu trên muỗi Ae. albopictus (ở Gabon) có kết quả xét nghiệm dương tính với R. felis bằng qPCR [3]
Theo kết quả nghiên cứu của Zhang và Cs. tại tỉnh Dương Châu, Trung Quốc và được đăng trên tạp chí Emerging Microbes & Infections năm 2016, nhóm tác giả đã thu thập 795 muỗi Cx. pipiens (450 cá thể đực và 345 cá thể cái). Kết quả 30% mẫu gộp muỗi đực (9/30) và 9% mẫu gộp muỗi cái (2/23) dương tính với kỹ thuật PCR để xác định loài Rickettsia.[4]
Theo kết quả nghiên cứu của Maina và Cs. tại Hàn Quốc đăng trên tạp chí Pubmed năm 2017, tác giả đã giải trình tự gene và phát hiện kiểu gene Rickettsia sp. A12.2638 và Rickettsia sp. A12.3271 lần lượt có trên muỗi Culex pipiens và
Aedes esoensis. Việc phát hiện ra các kiểu gen Rickettsial mới ở muỗi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiểu sự tiến hóa, phân bố và tiềm năng của chúng như là vật trung gian truyền bệnh. [5]
Theo kết quả nghiên cứu của Jilei Zhangvà Cs. tại Trung Quốc và được đăng trên tạp chí Pubmed năm 2019, họ đã khảo sát trên 3.051 mẫu muỗi (Culex pipiens pallens: 1.620 cá thể, Aedes albopictus: 806 cá thể, Armigeres subalbatus: 377 cá thể, Anopheles sinensis: 168 cá thể và Culex tritaeniorhynchus: 80 cá thể. Kết quả cho thấy có sự hiện diện của Rickettsia felis trên các cá thể muỗi: Cx. Pipiens Pallens (1,8%, 29/1620); Ae. albopictus (1,2%, 10/806); An. sinensis (1,2%, 2/168); và Ar. subalbatus (2,1%, 8/377). Tỉ lệ nhiễm ở muỗi đực là 1,8% (22/1.242) và 1,5% ở muỗi cái (27/1.809). [6]
Theo nghiên cứu của Fongsara và Cs. về vai trò của động vật chân đốt trong việc truyền bệnh R. felis được công bố trên tạp chí Plos Neglected Tropical Diseases năm 2022. Với kết quả của nghiên cứu là bọ chét mèo bị nhiễm Rickettsia felis có thể truyền R. felis sang ve và muỗi thông qua hoạt động đồng dưỡng (cofeeding). Lây truyền đồng dưỡng được cho là một cơ chế hiệu quả để truyền rickettsiae giữa các động vật chân đốt. Phát hiện này mở rộng sự hiểu biết của chúng ta về các véctơ tiềm năng cho R. felis. [7]
Ở Việt Nam, hiện nay chưa tìm thấy công bố liên quan đến muỗi và R. felis, theo tìm hiểu hiện có nghiên cứu của Nguyễn Văn Trọng và Cs. tại khu vực Tây Nghiên và được đăng trên tạp chí Pubmed năm 2022, tác giả đã phát hiện 68/100 bọ chét được thu thập từ chó nhà dương tính với Rickettsiae, và tỉ lệ nhiễm R. felis là 97,06% (66/68 mẫu dương tính với Rickettsiae) [8]
Từ các phát hiện về sự có mặt của R. felis trên muỗi, cho thấy sự đa dạng về loài muỗi có liên quan đến Rickettsia, nhưng cần thêm các nghiên cứu để xác định rõ vai trò, sự phân bố của động vật chân đốt trong chu kỳ lây truyền, khả năng lây truyền bệnh của chúng trong môi trường tự nhiên. Bên cạnh các kết quả nghiên cứu hiện nay, có thể thấy các loài muỗi có khả năng là véctơ tiềm năng truyền bệnh R. felis, từđó đặt ra câu hỏi liệu muỗi có thể lây truyền R. felis sang người không?
Một số hình ảnh bọ chét, và một số động vật chân đốt có Rickettsia
Bọ chét mèo (Ctenocephalides felis) được xem là vật chủ trung gian truyền bệnh chính của R. felis và liên quan đến sốt do bọ chét truyền ở người (Nguồn: Internet)
Bọ chét mèo (Ctenocephalides felis) (Tạp chí Sciencedirect)
Ảnh kính hiển vi điện tử của các mô được mổ xẻ trong 28 ngày sau khi tiếp xúc với bọ chét nhiễm R. felis (Hình ảnh từ Tạp chí Parasitesandvectors) - Ghi chú:; Thang đo 500nm.
A, B, C, D: rickettsiae ở ruột bọ chét mèo; B: rickettsiae bị phá hủy trong phagolysosome (mũi tên); C: sự phân chia tế bào của rickettsiae; D: rickettsiae trong không bào (mũi tên đặc) hoặc thoát khỏi không bào (mũi tên dài); E,F: rickettsiae ở buồng trứng, G,H: tuyến nước bọt; H: cấu trúc thành tế bào rickettsial điển hình chứa màng ba lớp (mặt cắt ngang).
Hình ảnh một số véc tơ muỗi phát hiện có chứa mầm bệnh R. felis (Nguồn: Internet)
ThS. Trần Minh Quí lược dịch và tổng hợp.
Tài liệu tham khảo:
1. Rickettsia felis in Aedes albopictus Mosquitoes, Libreville, Gabon. https://wwwnc.cdc.gov/eid/article/18/10/12-0178_article, ngày truy cập 01/03/2024
2. Dieme, C., Bechah, Y., Socolovschi, C., Audoly, G., Berenger, J.M., Faye, O., Raoult, D. and Parola, P., 2015. Transmission potential of Rickettsia felis infection by Anopheles gambiae mosquitoes. Proceedings of the National Academy of Sciences, 112(26), pp.8088-8093.
3. Parola, P., Musso, D. and Raoult, D., 2016. Rickettsia felis: the next mosquito-borne outbreak?. The Lancet Infectious Diseases, 16(10), pp.1112-1113.
4. Zhang, J., John Kelly, P., Lu, G., Cruz-Martinez, L. and Wang, C., 2016. Rickettsia in mosquitoes, Yangzhou, China. Emerging Microbes & Infections, 5(1), pp.1-7.
5. Maina, A.N., Klein, T.A., Kim, H.C., Chong, S.T., Yang, Y.U., Mullins, K., Jiang, J.U., St. John, H., Jarman, R.G., Hang, J. and Richards, A.L., 2017. Molecular characterization of novel mosquito-borne Rickettsia spp. from mosquitoes collected at the Demilitarized Zone of the Republic of Korea. PloS one, 12(11), p.e0188327.
6. Zhang, J., Lu, G., Li, J., Kelly, P., Li, M., Wang, J., Huang, K., Qiu, H., You, J., Zhang, R. and Wang, Y., 2019. Molecular Detection of Rickettsia felis and Rickettsia bellii in Mosquitoes. Vector-Borne and Zoonotic Diseases, 19(11), pp.802-809.
7. Fongsaran, C., Jirakanwisal, K., Tongluan, N., Latour, A., Healy, S., Christofferson, R.C. and Macaluso, K.R., 2022. The role of cofeeding arthropods in the transmission of Rickettsia felis. PLoS neglected tropical diseases, 16(6), p.e0010576.
8. Nguyen, H.Q. and Ng-Nguyen, D., 2023. Rickettsia felis and species of fleas parasitizing on household dogs in the Central Highlands of Vietnam. Comparative Immunology, Microbiology and Infectious Diseases, 92, p.101926.
BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN SỐT RÉT - KÝ SINH TRÙNG - CÔN TRÙNG - TP. HỒ CHÍ MINH
Số 685 Trần Hưng Đạo - Phường 1 - Quận 5 - TP. Hồ Chí Minh | www.impehcm.org.vn
Điện thoại: 84-028-3923.7117 / 3923.9940 / 3923.7422 / 3923.8091 / 3923.9946 - Fax: 84-8-3923.6734
Giấy phép số 125/GP-BC (9/4/2007)