TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN
1. Hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5
Tổ chức Y tế thế giới đã lấy ngày 31/5 hàng năm là Ngày Thế giới Không thuốc lá. Tại Việt Nam, hưởng ứng Ngày Thế giới Không thuốc lá, Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá Quốc gia tổ chức Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ ngày 25-31/5 với chủ đề “Thuốc lá và bệnh về phổi”.
Theo Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá cho biết: sử dụng thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra các bệnh về phổi, điển hình là ung thư phổi và các bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Trên toàn thế giới hàng năm có đến hơn 90% tổng số người người mắc bệnh ung thư phổi và đến hơn 75% số ca bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là người hút thuốc lá.
Tại Việt Nam, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá là 96,8%, một số trường hợp tử vong do mắc các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích ở Việt Nam, và một trong những nguyên nhân là do sử dụng thuốc lá cao. Hút thuốc thụ động còn là nguyên nhân gây các bệnh về phổi đối với trẻ em. Hút thuốc thụ động từ khi còn nhỏ có thể sẽ làm các em phải gánh chịu hậu quả về sức khỏe tuổi trưởng thành như làm tăng nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính do nhiễm trùng đường hô hấp dưới thường xuyên khi còn nhỏ. Trên toàn cầu ước tính có đến 165.000 trẻ em chết trước 5 tuổi do nhiễm trùng đường hô hấp dưới vì hút thuốc thụ động”.
2. Triển khai Hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cá nhân
Thực hiện Đề án phát triển mạng lưới y tế cơ sở, Bộ Y tế đã lựa chọn 26 trạm y tế xã thuộc 8 tỉnh bao gồm TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Lào Cai, Yên Bái, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Lâm Đồng và Long An tham gia vào Đề án Y tế cơ sở, thực hiện mô hình điểm trạm y tế xã, phường giai đoạn 2018 - 2020. Một trong những nhiệm vụ trong Đề án YTCS là xây dựng Hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cá nhân (EHR) bước đầu đáp ứng các nội dung theo Quyết định số 831/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế ngày 11/03/2017 về việc ban hành mẫu hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cá nhân bảo đảm mỗi người dân có một hồ sơ sức khỏe từ lúc sinh ra cho đến lúc mất đi và được thống nhất lưu trữ trong hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử quốc gia. Việc mỗi cá nhân có hồ sơ điện tử sẽ giúp quản lý và chăm sóc sức khỏe cho người bệnh tốt hơn, giúp ích cho cả người bệnh và cán bộ y tế.
Hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cá nhân là cơ sở dữ liệu về sức khỏe rất lớn, giúp Ngành Y tế có các chỉ đạo kịp thời về phòng chống dịch bệnh, dự báo, hoạch định chính sách về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân tốt hơn vì có những bằng chứng thực tiễn, có cơ sở khoa học hơn.
Phần mềm Hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cá nhân y tế sử dụng nguồn dữ liệu hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế của Bảo hiểm xã hội Việt Nam để tạo lập mã số định danh (ID) và hồ sơ sức khỏe điện tử cho từng cá nhân. Điều này, không gây phiền hà cho người dân và thông tin dữ liệu của người dân được bảo mật tuyệt đối.
Theo kế hoạch, đến nửa cuối năm 2019, Bộ Y tế sẽ triển khai Hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cá nhân trên toàn quốc.
3. Bốn bệnh viện Trung ương được giao tự chủ
Thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ về thí điểm tự chủ tài chính của 4 bệnh viện tuyến Trung ương gồm Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Việc triển khai thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ và tự chịu trách nhiệm toàn diện là nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; bảo đảm quyền lợi cho đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế, đối tượng chính sách, nhất là bệnh nhân nghèo; đặc biệt không được để xảy ra tình trạng thu hút bệnh nhân quá mức và lạm thu. Do đó, khi được giao quyền tự chủ tài chính, đòi hỏi các bệnh viện phải thay đổi tinh thần thái độ phục vụ tốt hơn, năng động hơn trong quản lý, chặt chẽ hơn trong tổ chức để đảm bảo nâng cao chất lượng bệnh viện.
Về giá dịch vụ y tế cũng sẽ phải thực hiện theo đúng quy định, áp dụng theo giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT do Bộ Y tế ban hành. Còn với giá dịch vụ y tế theo yêu cầu, Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế ban hành khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tính đủ các yếu tố chi phí hình thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; 4 bệnh viện tự chủ được quyết định giá dịch vụ y tế đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu trong phạm vi khung giá do Bộ Y tế ban hành.
TIN Y TẾ QUỐC TẾ
1. Bệnh sởi tăng cao trên thế giới những tháng đầu năm 2019
Ngay trong những tuần đầu năm 2019, tình hình dịch bệnh sởi có xu hướng tăng cao tại nhiều nước trên thế giới. Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, trong 4 tháng đầu năm 2019, 170 nước trên thế giới đã ghi nhận các ổ dịch sởi với ít nhất 112.163 trường hợp mắc, trong đó có nhiều nước có số trường hợp mắc cao như: Công hòa dân chủ Congo, Madagascar, Sudan, Ethiopia, Yemen, Ukraine, Georgia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Myanmar, Philippines, Thailand and India, Pakistan, và Brazil.
Số trường hợp mắc sởi trên toàn cầu đã tăng 300%, đặc biệt tại châu Phi cao nhất tới 700%, so với cùng kỳ năm 2018. Sự gia tăng số mắc sởi đã thành xu hướng rõ ràng trên phạm vi toàn cầu với các ổ dịch sởi tại nhiều quốc gia. Tổ chức Y tế thế giới đã chỉ ra việc e ngại sử dụng vắc xin phòng sởi là mối đe dọa lớn toàn cầu.
Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, có 9 quốc gia đã công bố loại trừ bệnh sởi, tuy nhiên trong năm 2019 đều đã ghi nhận các trường hợp mắc sởi như: Australia, Brunei Darussalam, Cambodia, Hong Kong SAR (China), Macao SAR (China), Japan, New Zealand, Hàn Quốc và Singapore.
Ở nước ta, đến nay đã có 59/63 tỉnh, thành phố ghi nhận các trường hợp mắc sởi rải rác, chủ yếu ở trẻ em dưới 10 tuổi nhưng cũng ghi nhận nhiều trường hợp mắc sởi ở người lớn. Trong số các trường hợp mắc sởi có đến 98,7% có tiền sử chưa tiêm vắc xin sởi hoặc không rõ tiền sử tiêm vắc xin sởi. Các trường hợp mắc tập trung chủ yếu tại các tỉnh, thành phố vùng sâu, vùng xa nơi có tỷ lệ tiêm chủng vắc xin sởi thấp và những đô thị có dân số di biến động lớn nên có nguy cơ cao bùng phát dịch.
Để chủ động phòng bệnh sởi, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các nội dung sau:
1. Chủ động đưa con em từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc xin sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vắc xin phòng sởi.
2. Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi, hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ bệnh viện.
3. Trường hợp mắc sởi nhẹ được cho cách ly tại nhà, trẻ cần phải nghỉ học, không tham gia các hoạt động tập thể và đến những nơi tập trung đông người ít nhất 7 ngày kể từ ngày phát ban sởi để tránh lây lan ra trường học và những người xung quanh.
4. Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ và đảm bảo các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.
5. Người lớn chưa tiêm vắc xin sởi cần chủ động đi tiêm vắc xin sởi (vắc xin sởi, MR, MMR) tại các cơ sở y tế để tránh bị mắc sởi.
Ban Biên tập website Viện
BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN SỐT RÉT - KÝ SINH TRÙNG - CÔN TRÙNG - TP. HỒ CHÍ MINH
Số 685 Trần Hưng Đạo - Phường 1 - Quận 5 - TP. Hồ Chí Minh | www.impehcm.org.vn
Điện thoại: 84-028-3923.7117 / 3923.9940 / 3923.7422 / 3923.8091 / 3923.9946 - Fax: 84-8-3923.6734
Giấy phép số 125/GP-BC (9/4/2007)