Hoạt động giám sát tiến tới loại trừ sốt rét

Nhằm chuẩn bị tốt cho việc thực hiện thành công “Chiến lược Quốc gia Phòng chống và Loại trừ Sốt rét giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030” (ban hành kèm theo Quyết định số 1920/QĐ-TTg ngày 27/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ); Kế hoạch hành động Phòng chống bệnh sốt rét giai đoạn 2015 - 2020 (ban hành kèm theo Quyết định số 4717/QĐ-BYT ngày 11/11/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế), ngày 04/8/2015, Viện Sốt rét - KST - CT TP. HCM đã tổ chức chuyến công tác đến tỉnh Trà Vinh - một trong 16 tỉnh triển khai loại trừ sốt rét đến năm 2015. Đoàn công tác do PGS. TS Lê Thành Đồng, Viện trưởng làm trưởng đoàn cùng các cán bộ chuyên môn Khoa Dịch tễ, Khoa Nuôi cấy - Miễn dịch.


PGS. TS Lê Thành Đồng làm việc với lãnh đạo TTYTDP tỉnh Trà Vinh
Theo báo cáo của địa phương, từ năm 2010 đến nay (bao gồm cả 6 tháng đầu năm 2015) 100% bệnh nhân sốt rét ngoại lai. Các ổ dịch cũ hầu như không xuất hiện ca mắc mới. Địa phương vẫn duy trì hoạt động phòng chống sốt rét theo quy định, từ Trung tâm Y tế dự phòng đến y tế xã phường đều có nhân viên y tế làm công tác phòng chống sốt rét, có 40 điểm kính hiển vi ở 4 huyện trọng điểm sốt rét. Trang thiết bị, vật tư, thuốc sốt rét và kinh phí hàng năm vẫn được cấp và đảm bảo cho việc duy trì các hoạt động.

Trong 6 tháng đầu năm 2015, toàn tỉnh có 6 ca sốt rét, trong đó 4 ca nhiễm P.falciparum, 2 ca nhiễm P.vivax, tất cả đều là sốt rét ngoại lai nhiễm từ các tỉnh Tây Nguyên và Bình Phước về. Các ca bệnh này đều do các bệnh viện phát hiện, không có ca bệnh nào được y tế xã hay điểm kính hiển vi phát hiện.

Sau khi làm việc với Trung tâm Y tế dự phòng, đoàn đã đi thực địa tại các xã Tân Sơn, huyện Trà Cú - nơi có dân di biến động nhiều nhất, và xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang - nơi có ổ dịch sốt rét cũ để nắm bắt tình hình và tổ chức điều tra ca bệnh, điều tra ký sinh trùng và các thông tin liên quan về nhiễm ký sinh trùng sốt rét, xét nghiệm, điều trị...

Việc điều tra bao gồm cả xét nghiệm giêm sa và xét nghiệm PCR nhằm phát hiện ký sinh trùng ở mật độ thấp dưới ngưỡng phát hiện giêm sa.

Thông qua kết quả làm việc và tình hình thực tế ở địa phương, Đoàn công tác đã chỉ đạo:

- Đối với công tác quản lý ca bệnh sốt rét ngoại lai, địa phương cần quán triệt và tăng cường khả năng phát hiện, chẩn đoán xét nghiệm ký sinh trùng sốt rét ngay từ tuyến cơ sở, điểm kính hiển vi, hạn chế thấp nhất khả năng phát triển thành sốt rét ác tính và tử vong.

- Tổ chức điều tra dịch tễ với nhóm nguy cơ là những người trong gia đình bệnh nhân, những người cùng đi đến vùng SRLH và về với bệnh nhân, những người xung quanh gia đình bệnh nhân cư trú.

- Khi phát hiện ca bệnh, phải điều trị ngay, đúng và đủ liều theo phác đồ của Bộ Y tế, bao gồm điều trị cắt cơn và đặc biệt lưu ý điều trị chống lây lan đối với P.falciparum và điều trị tiệt căn đối với P.vivax bằng thuốc Primaquin. Không để cho các ca bệnh ngoại lai lan truyền sang người khác và trở thành nội địa từ ca ngoại lai đầu tiên, trong điều kiện véc tơ truyền bệnh sốt rét còn hiện diện ở địa phương.

- Phối hợp với Viện Sốt rét - KST - CT TP. HCM để triển khai các kỹ thuật chuyên sâu giám sát ký sinh trùng sốt rét.

- Báo cáo, đề xuất với Sở Y tế, UBND tỉnh về việc thực hiện Chiến lược loại trừ sốt rét ở địa phương.


Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm tại Trạm Y tế xã Tân Sơn, huyện Trà Cú
ThS. Mai Anh Lợi
Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,