1. Mục tiêu:
Tẩm màn hóa chất diệt côn trùng (Insecticide treated bednets - ITNs) có hiệu quả trong việc ngăn ngừa sự truyền bệnh của véc tơ hoạt động vào ban đêm, nhưng hiệu quả của chúng đối với các véc tơ sốt xuất huyết hoạt động vào ban ngày chưa được nghiên cứu. Chúng tôi khảo sát hiệu quả của biện pháp tẩm màn hóa chất diệt côn trùng để làm giảm quần thể muỗi Aedes aegypti và sự truyền bệnh sốt xuất huyết.
2. Phương pháp nghiên cứu:
Một thử nghiệm ngẫu nhiên cụm đã được thực hiện ở Leogane, Haiti từ tháng 7/2003 - 7/2004. Vùng nghiên cứu (1.017 nhà) được chia thành 18 cụm: 09 cụm nhận màn tẩm tồn lưu lâu (Olyset(R) long-lasting insecticidal bednets) và 09 cụm đối chứng (không nhận màn tẩm). Điều tra côn trùng (Chỉ số: BI- Breteau index, HI- House index, CI- Container index, PPI- pupae per person index và hoạt động đẻ trứng) được thực hiện trước khi thử nghiệm, tháng thứ 1 và 5 sau khi can thiệp. Tất cả nhà được đánh số để thuận tiện trong việc phân tích số liệu. Các cụm đối chứng sẽ được nhận màn tẩm tồn lưu lâu ở tháng thứ 6, và một cuộc điều tra cuối cùng về côn trùng và thái độ của người dân được thực hiện ở tháng 12. Tỷ lệ huyết thanh dương tính với kháng thể IgM của vi rút Dengue được đo ở thời điểm ban đầu và sau 12 tháng. Hiệu quả của phương pháp tẩm màn được đánh giá bằng phương pháp phễu tồn lưu sinh học (WHO cone bioassays).
3. Kết quả:
Tại tháng thứ 1 sau can thiệp, chỉ số côn trùng giảm ở tất cả các cụm, chỉ số HI và BI trong các cụm sử dụng màn tẩm tồn lưu lâu giảm 6,7 lần và 8,4 lần tương ứng. Hơn nữa ở tháng thứ 1, bẫy trứng (ovitraps) ở các cụm đối chứng dương tính cao hơn nhiều so với các cụm sử dụng màn tẩm tồn lưu lâu (P <0,01). Ở tháng thứ 5, tất cả các chỉ số vẫn còn ở mức thấp và chỉ số HI, CI và BI thấp hơn nhiều so với chỉ số lúc ban đầu của cụm đối chứng. Thật kỳ lạ, ở tháng thứ 5, chỉ số HI, CI và BI ở cụm đối chứng thấp hơn so với cụm sử dụng màn tẩm tồn lưu lâu. Một cuộc khảo sát cuối cùng, ở tháng thứ 12 sau đợt nghiên cứu ban đầu (5 tháng sau khi các màn tẩm tồn lưu lâu đã được trao cho tất cả các hộ gia đình cả hai cụm thử nghiệm và đối chứng) chỉ ra rằng tất cả các chỉ số đều thấp hơn đáng kể so với thời điểm điều tra ban đầu (P <0.001). Các hộ ở cụm đối chứng trong vòng bán kính 50 m quanh nhà sử dụng màn tẩm tồn lưu lâu có chỉ số CI và PPI thấp hơn đáng kể trong 1 tháng và một hiệu ứng mở rộng đến 100 m sau 5 tháng, cho thấy một sự lan tỏa ảnh hưởng của màn tẩm tồn lưu lâu. Kiểm tra huyết thanh cho thấy IgM giảm 15,3% về số người dương tính từ giai đoạn đầu cho đến tháng thứ 12.
4. Kết luận:
Biện pháp tẩm màn tồn lưu lâu có một ảnh hưởng trực tiếp lên các quần thể véc tơ sốt xuất huyết sau khi đưa vào sử dụng sau 5 - 12 tháng, sự hiện diện của màn tẩm tồn lứu lâu có thể tiếp tục ảnh hưởng đến quần thể véc tơ và sự truyền bệnh sốt xuất huyết.
CN. Trần Nguyên Hùng
Ths. Đoàn Bình Minh
(Lược dịch Insecticide-treated bednets to control dengue vectors: preliminary evidence from a controlled trial in Haiti, http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/18291003)
BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN SỐT RÉT - KÝ SINH TRÙNG - CÔN TRÙNG - TP. HỒ CHÍ MINH
Số 685 Trần Hưng Đạo - Phường 1 - Quận 5 - TP. Hồ Chí Minh | www.impehcm.org.vn
Điện thoại: 84-028-3923.7117 / 3923.9940 / 3923.7422 / 3923.8091 / 3923.9946 - Fax: 84-8-3923.6734
Giấy phép số 125/GP-BC (9/4/2007)