Mỗi năm, hàng trăm triệu người ở Châu Phi và Châu Mỹ La Tinh được cấp Ivermectin trong các chiến dịch phòng chống bệnh giun xoắn Onchocerca và giun chỉ bạch huyết với độ an toàn tuyệt đối. Kết quả của nghiên cứu gần đây của Chaccour và cộng sự đăng trên tạp chí sốt rét năm 2017 cho thấy Ivermectin làm giảm sự tồn tại và cho đốt máu của muỗi truyền bệnh sốt rét.
Nguồn: https://www.sciencedirect.com/science/article/
Ivermectin là thuốc kháng ký sinh trùng. Ivermectin có ái lực cao đối với các kênh glutamate ở động vật không xương sống. Nó tạo ra các dòng ion clorua vào các tế bào cơ và tế bào thần kinh, làm cho ký sinh trùng tê liệt và chết. Ivermectin có ái lực thấp hơn đối với các kênh glutamate, GABA (Glutamate và Acide gamma – Amino butyrique: hai loại dẫn truyền thần kinh) ở động vật có vú và không vượt qua hàng rào máu não. Ivermectin cũng ức chế khả năng giải phóng các protein của ký sinh trùng, một loại protein giúp ký sinh trùng chống lại sự miễn dịch tự nhiên của con người.
Khi đối mặt với những thách thức được đặt ra bởi sự kháng hóa chất và sự lan truyền bệnh sốt rét, việc cấp phát hàng loạt thuốc kháng ký sinh trùng đóng vai trò tiềm năng trong chiến lược loại trừ sốt rét. Các bằng chứng thu được cho thấy việc điều trị bằng Ivermectin hàng loạt ở người (hoặc vật nuôi) có thể làm giảm sự tồn tại của véc tơ và giảm lan truyền sốt rét. Tuy nhiên, việc tiếp cận mô hình sử dụng Ivermectin trong kiểm soát véc tơ sốt rét vẫn còn nhiều khoảng trống kiến thức về thiết kế thử nghiệm, liều lượng sử dụng và con đường hấp thu.
Kiểm soát vector bằng Ivermectin: một mô hình tiềm năng mới
Với tầm nhìn về một thế giới không có sốt rét, Chiến lược kỹ thuật toàn cầu bệnh sốt rét 2016 - 2030 đặt ra những tham vọng và những mục tiêu sẽ đạt được trong 14 năm tới. Dựa trên các bài học từ Chương trình xóa bỏ sốt rét toàn cầu năm 1953, Chiến lược kỹ thuật toàn cầu (GTS) nhấn mạnh mô hình mới này sẽ đóng vai trò then chốt nhằm đạt được các bước quan trọng trong chiến lược loại trừ sốt rét.
Biện pháp kiếm soát vector, một trong các biện pháp chủ yếu trong chiến lược phòng chống và loại trừ chống sốt rét, đang gặp trở ngại do tình trạng véc tơ kháng hóa chất. Thật khó để tìm thấy những bằng chứng cho thấy tình trạng véc tơ kháng hóa chất ảnh hưởng đến cộng đồng. Thêm vào đó, các kết quả thử nghiệm tại nhiều trung tâm nghiên cứu về sốt rét cho thấy mùng tẩm hóa chất tồn lưu lâu dài (LLIN) vẫn còn hiệu quả trong phòng chống véc tơ. Tuy nhiên, tập tính đốt người ngoài nhà của véc tơ lại là một trở ngại trong chiến lược loại trừ sốt rét hiện nay. Sử dụng Ivermectin trong kiểm soát véc tơ có khả năng trở thành một biện pháp can thiệp bổ sung trong chiến lược loại trừ sốt rét. Ivermectin là một thuốc kháng ký sinh trùng được cấp hàng loạt và sử dụng rộng rãi trong kiểm soát bệnh giun xoắn Onchocerca và giun chỉ bạch huyết. Nếu có đầy đủ bằng chứng cho thấy việc sử dụng Ivermectin an toàn, hiệu quả thì mô hình mới này có thể góp phần làm giảm lan truyền bệnh sốt rét và các bệnh nhiệt đới bị lãng quên. Tuy nhiên, việc sử dụng Ivermectin trong phòng chống vector sốt rét có thể dẫn đến nguy cơ kháng thuốc nếu không được khuyến cáo và hướng dẫn cụ thể.
Năm 2016, Chương trình sốt rét toàn cầu (GMP) và Cục phòng chống bệnh nhiệt đới bị lãng quên đã thành lập một nhóm các chuyên gia thuộc Tổ chức Y tế thế giới nhằm tư vấn kỹ thuật, đánh giá các bằng chứng trong việc sử dụng Ivermectin và phát triển thành một loại thuốc kháng ký sinh trùng mục tiêu trong phòng chống véc tơ sốt rét. Nếu các bằng chứng thu được cho thấy việc cấp phát hàng loạt Ivermectin an toàn, tiết kiệm chi phí và hạn chế sự lan truyền của bệnh sốt rét thì mô hình này sẽ được lựa chọn trong chiến lược phòng chống, loại trừ bệnh sốt rét và các bệnh nhiệt đới bị lãng quên.
Tài liệu tham khảo:
DS. Huỳnh Kha Thảo Hiền (Tổng hợp và lược dịch)
BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN SỐT RÉT - KÝ SINH TRÙNG - CÔN TRÙNG - TP. HỒ CHÍ MINH
Số 685 Trần Hưng Đạo - Phường 1 - Quận 5 - TP. Hồ Chí Minh | www.impehcm.org.vn
Điện thoại: 84-028-3923.7117 / 3923.9940 / 3923.7422 / 3923.8091 / 3923.9946 - Fax: 84-8-3923.6734
Giấy phép số 125/GP-BC (9/4/2007)