Với lo ngại về “sự lan truyền nguy hiểm”, các nhà khoa học cảnh báo về một chủng ký sinh trùng sốt rét đa kháng thuốc điều trị sốt rét đang lan truyền nhanh và kháng lại phác đồ điều trị sốt rét ở Đông Nam Á. Chủng ký sinh trùng sốt rét này lan truyền từ phía Tây Campuchia, qua Đông Bắc Thái Lan, Nam Lào và xuất hiện ở khu vực miền Nam của Việt Nam - nơi đang được báo động điều trị sốt rét thất bại.
Nhóm nghiên cứu thuộc Đơn vị Nghiên cứu y học nhiệt đới Oxford Mahidol ở Băng cốc đã công bố trên Tạp chí The Lancet số tháng 10 phần Các Bệnh truyền nhiễm: Chủng kháng với phác đồ phối hợp artemisinin (ACT) đang vượt trội so với các chủng ký sinh trùng sốt rét khác và chiếm ưu thế ở Tiểu vùng sông Mekong [1]. Các nhà nghiên cứu nhận định: Đó không chỉ là tin xấu đối với khu vực, mà hậu quả có thể tồi tệ hơn nếu chủng kháng với ACT này có thể lan qua châu Phi, nơi có hơn 90% trường hợp tử vong do sốt rét. Nicholas White - người đứng đầu nhóm nghiên cứu, đã kêu gọi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế khả năng bùng phát nghiêm trọng tình trạng sốt rét kháng thuốc đe dọa toàn cầu.
Tuy nhiên, các chuyên gia của WHO đã bác bỏ đề xuất “không có gì mới” và quá đề cao vấn đề của nhóm nghiên cứu. Do đó người đứng đầu Chương trình sốt rét toàn cầu của WHO – ông Pedro Alonso đã phát biểu "ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc điều trị là một vấn đề nghiêm trọng, nhưng chưa đến mức phải báo động khi chưa cần thiết".
Các nhà phản biện không nghi ngờ kết quả nghiên cứu di truyền của ký sinh trùng sốt rét P. falciparum của nhóm nghiên cứu, nhưng họ tranh luận về việc giải thích rằng tình trạng kháng với ACT gây ra thảm hoạ. Theo Dyann Wirth - một nhà nghiên cứu bệnh sốt rét thuộc Đại học Harvard, người đứng đầu ban giám sát của WHO cho rằng “đây không phải là siêu chủng”, đồng thời sau khi xem xét các dữ liệu trước đó của nhóm nghiên cứu đã khẳng định "nó không đạt đến tỷ lệ mà thế giới phải hoảng sợ".
Tháng 5, năm 2017 , nhóm nghiên cứu đã mô tả sự lan tràn của chủng kháng ACT đến Thái Lan và Lào trong một báo cáo phân tích sâu của cùng tạp chí [2]. Sau đó, trong một thông điệp khác, các nhà nghiên cứu cũng cho biết chủng kháng thuốc ACT đã có mặt ở tỉnh Bình Phước, miền Nam của Việt Namvà họ muốn công bố nhanh chóng sự lan truyền kháng thuốc sốt rét này.
Con đường kháng thuốc: Chủng P. falciparum mang đột biến C580Y lan tràn ra các vùng khác của Khu vực sông Mê Công.
Phác đồ phối hợp artemisinin (ACTs) - hiện nay được xem là chìa khóa trong điều trị sốt rét, khi sử dụng phối hợp của artemisinin hoặc 1 trong các dẫn xuất của artemisinin với 1 trong 5 thuốc khác; các phác đồ điều trị phối hợp được sử dụng khác nhau ở các vùng lãnh thổ khác nhau. Phác đồ phối hợp này tạo nên hiệp lực điều trị triệt để ký sinh trùng sốt rét: artemisinin có tác dụng mạnh và nhanh, diệt ký sinh trùng sốt rét trong vài giờ, trong đó thuốc phối hợp khác sẽ có hoạt tính lâu hơn sẽ dọn sạch các ký sinh trùng sốt rét còn lại.
Năm 2008, 2 nhóm nghiên cứu gồm: nhóm nghiên cứu của Dondorp, phát hiện ký sinh trùng đang tăng đề kháng với artemisinin ở miền Tây Campuchia. Và nhóm nghiên cứu của White cảnh báo điều trị thất bại artemisinin có thể gây ra một sự lặp lại thảm hoạ như đối với chloroquine. Điển hình như vào năm 1980, khi các ký sinh trùng kháng lan từ Tiểu vùng sông Mekong đến châu Phi làm hàng triệu người đã tử vong. White đã liên tục nhấn mạnh WHO đã phản ứng chậm chạp trước mối đe dọa này.
Năm 2015, các nhà khoa học đã phát hiện điều trị bằng thuốc piperaquine đã thất bại tại Campuchia. Khi ký sinh trùng sốt rét kháng với các dẫn xuất của artemisinin, nhưng thuốc vẫn có tác dụng nhưng thời gian làm sạch ký sinh trùng lâu hơn. Cũng như khi xuất hiện ký sinh trùng kháng piperaquin, các thất bại điều trị: bệnh nhân có đáp ứng tốt hơn, nhưng một tháng sau bệnh nhân lại tái phát. Hiện nay, tỷ lệ điều trị thất bại của ACT là 90% ở miền Tây Campuchia và 30% ở Việt Nam.
Các nhà nghiên cứu đã theo dõi sự lây lan của ký sinh trùng kháng artemisinin, đầu tiên bằng cách tìm kiếm các dấu hiệu trên bệnh nhân và sau đó tìm các điểm đột biến trên gen Kelch 13 (K13) của ký sinh trùng sốt rét được xem như là chỉ điểm phân tử của kháng thuốc. Khi sốt rét đa kháng thuốc được phát hiện, ban đầu các nhà nghiên cứu bị trở ngại do không có yếu tố chỉ điểm kháng piperaquine; sau đó có sự hiện diện của nhiều bản sao của gen plasmepsin 2. (Cả 2 yếu tố chỉ điểm đều được Didier Ménard, người trước đây từng làm việc ở Viện Pasteur Phnom Penh, Campuchia và hiện nay làm đối tác ở Viện Pasteur Pari).
Với các dữ liệu trên, nhóm Mahidol đã phát hiện kiểu hình ký sinh trùng sốt rét đáng lưu ý. Một chủng P. falciparum mang điểm đột biến C580Y trên gen K13 đang vượt trội so với các chủng khác và kháng luôn cả thuốc piperaquine. Nhóm nghiên cứu đã truy lại nguồn gốc là chủng đã được phát hiện lần đầu tiên tại Pailin, vùng biên giới miền Tây Campuchia và Thái Lan.
Chris Plowe, người điều hành Viện Sức khoẻ toàn cầu thuộc Đại học Maryland ở Baltimore, cho biết bằng chứng mới này rất chắc chắn và "đáng báo động". Plowe cho rằng các lý do vẫn còn chưa rõ ràng, sự kháng thuốc của các loại thuốc sốt rét cũ, bao gồm chloroquine và sulfadoxine-pyrimethamine xuất hiện ở Pailin và sau đó lan rộng ra. Ông nói: "Nếu sự can thiệp đa chiều có thể lan rộng từ Campuchia sang Việt Nam, nó có thể và sẽ lan rộng ra nơi khác.
Philippe Guérin, giám đốc Mạng lưới nghiên cứu kháng thuốc sốt rét toàn cầu ở Luân đôn, nói rằng mô hình kháng thuốc quá quen thuộc "nguy cơ lý thuyết đang trở thành hiện thực".
Sau bài phát biểu của White về mô hình lây truyền của C580Y, các chuyên gia của WHO đã đưa ra nhiều vấn đề về C580Y dòng K13 đang trở nên chiếm ưu thế ở các vùng của khu vực. Nhưng theo một báo cáo của WHO, các trường hợp C580Y đang lan truyền không phải là ở mọi nơi của Tiểu vùng sông Mekong, nơi có các chủng ký sinh trùng sốt rét đang lưu hành ở trạng thái cân bằng. Họ thừa nhận nguy cơ lan truyền sang châu Phi là “không thể không tính đến” nhưng họ cho rằng nguy cơ xảy ra khá thấp vì các yếu tố di truyền khác nhau làm giảm nguy cơ ký sinh trùng có thể phát triển trong một môi trường mới. Thêm vào đó, các chuyên gia của WHO cho rằng, với chương trình sốt rét quốc gia mạnh mẽ và tăng cường giám sát hiệu quả của thuốc điều trị sốt rét, và với việc châu Phi đã trang bị đầy đủ hơn để giải quyết tốt hơn những gì đã xảy ra trong những năm 1980 khi ký sinh trùng sốt rét kháng chloroquine xảy ra. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cho biết, kế hoạch của WHO và 6 quốc gia của Tiểu vùng sông Mekong đưa ra năm 2015 để tiến tới loại trừ sốt rét
P. falciparum vào năm 2025 nên ngăn chặn sự lan rộng của các chủng kháng thuốc [3], dự án nhận được 242 triệu USD do Quỹ Toàn cầu cho chương trình phòng chống AIDS, lao và sốt rét tài trợ. Alonso khẳng định trong tuyên bố của mình "Chúng tôi đang chiến thắng trận chiến chống sốt rét".
Các chuyên gia về sốt rét phấn khởi vì mặc dù ký sinh trùng sốt rét đề kháng với piperaquine nhưng vẫn còn nhạy với loại thuốc chống sốt rét thế hệ cũ là mefloquine (loại thuốc đã từng bị kháng trước đây). Campuchia đã chuyển sang phác đồ ACT phối hợp mefloquine thay vì piperaquine, Việt Nam cũng đã làm như vậy. Nhóm chuyên gia khuyến cáo tăng cường giám sát ở khu vực Tiểu vùng sông Mekong, châu Phi và các nơi khác đặc biệt liên quan đến chủng C580Y (K13), do đó các nước khác có thể hành động nhanh chóng và thay phác đồ nếu cần. Nhưng Dondorp và những chuyên gia khác dự đoán rằng "kháng thuốc mefloquine sẽ nhanh chóng xuất hiện", cũng như sự kháng thuốc phối hợp khác của ký sinh trùng sốt rét, sẽ làm tăng viễn cảnh sốt rét không thể điều trị.
ThS. Trần Minh Quí
Lược dịch từ Drug-resistant malaria is spreading, but experts clash over its global risk (http://www.sciencemag.org/news/2017/10/drug-resistant-malaria-spreading-experts-clash-over-its-global-risk)
BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN SỐT RÉT - KÝ SINH TRÙNG - CÔN TRÙNG - TP. HỒ CHÍ MINH
Số 685 Trần Hưng Đạo - Phường 1 - Quận 5 - TP. Hồ Chí Minh | www.impehcm.org.vn
Điện thoại: 84-028-3923.7117 / 3923.9940 / 3923.7422 / 3923.8091 / 3923.9946 - Fax: 84-8-3923.6734
Giấy phép số 125/GP-BC (9/4/2007)