Bệnh rận mu (Pthirius pubis)

Rận mu (còn gọi là rận càng cua, rận bẹn, rận chân mày, rận lông mi...)có tên khoa học Pthirius pubis, là một loại côn trùng sống ký sinh, phổ biến ở vùng lông mu của con người, thậm chí chúng có thể sống trên các khu vực có lông khác, bao gồm cả lông mi và tóc, gây ra bệnh rận mu. Mặc dù, bệnh rận mu do loài côn trùng ký sinh nhưng được xếp vào nhóm các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Ở người lớn, rận mu chủ yếu lây qua đường tình dục, còn với trẻ nhỏ nguyên nhân nhiễm phải rận, trứng rận thường do yếu tố vệ sinh trong gia đình không đảm bảo. Người lớn có rận, trứng rận mu rồi làm vương vãi ra giường, chăn gối, rồi từ chăn, gối, giường chúng lây sang trẻ nhỏ.

Rận mu ít di chuyển, có thể bò khoảng 10 cm/đêm, thường nằm im ở vị trí ký sinh và hút máu nhiều giờ hoặc nhiều ngày tại một chỗ mà không cần phải lấy phần miệng ra khỏi da, tạo nên một nốt sần nhô cao, nước bọt của chúng gây ra phản ứng dị ứng gây ra ngứa.

Nếu không được phát hiện và điều trị sớm chúng sẽ phát triển thành bầy đàn - lúc này chúng hút máu người với số lượng lớn sẽ gây tình trạng thiếu máu, thiếu sắt…

Rận mu hút no máu dưới KHV phát hiện tại Viện Sốt rét-KST-CT TP.HCM

1. NGUYÊN NHÂN GÂY BỆNH

- Loài côn trùng có tên khoa học Pthirius pubis màu trắng xám kích thước 0,8 - 1,2 mm, có 6 chân, trên các đôi chân đều có những móng vuốt nhọn, không có cánh, hút máu người và sinh sản ở vùng lông mu, lông nách… có thể ký sinh trên mí mắt.

- Khi ký sinh trên cơ thể con người, rận mu là tác nhân gây ra bệnh rận mu, gây triệu chứng ngứa ở vùng sinh dục. Rận mu không truyền mầm bệnh nhưng có thể gây nhiễm trùng thứ cấp do vết gãi làm trầy xước da.

- Người bệnh không vệ sinh sạch sẽ bộ phận sinh dục thường xuyên, tạo điều kiện cho rận mu hình thành, sinh sôi và ký sinh.

- Sử dụng chung khăn tắm, đồ lót, đắp chung chăn hay mặc chung quần áo với người bị bệnh.

- Quan hệ tình dục không lành mạnh, không sử dụng biện pháp phòng tránh khiến rận mu lây truyền từ người này sang người khác.

- Rận mu thường không tự rời vật chủ trừ khi nhiệt độ cơ thể vật chủ tăng (sốt) hay giảm (lúc sắp chết) rận sẽ rời đi tìm vật chủ khác.

Rận mu ký sinh trên mi mắt trẻ nhỏ khám tại Viện Sốt rét-KST-CT TP.HCM

2. TRIỆU CHỨNG

- Triệu chứng đặc trưng nhất của bệnh này là ngứa trầm trọng.

- Có thể sốt nhẹ.

- Viêm da và bội nhiễm vi trùng do gãi nhiều, tạo thành mủ, nặng có thể gây loét da viêm sâu để lại sẹo chai cứng.

- Nếu ký sinh ở lông mi có thể gây viêm kết mạc.

3. CHẨN ĐOÁN

3.1. Chẩn đoán xác định

- Lâm sàng: khám kiểm tra cẩn thận kiểm tra vùng lông mu bằng kính lúp tìm rận trưởng thành.

- Cận lâm sàng: cạo mẫu da soi tươi dưới kính hiển vi quang học tìm trứng, ấu trùng, rận mu trưởng thành.

3.2. Chẩn đoán phân biệt

- Sẩn đỏ ngứa, lở loét ở vùng sinh dục, vùng bẹn, do ghẻ và gãi.

- Ngứa mi mắt do viêm bờ mi ở trẻ nhỏ.

4. ĐIỀU TRỊ

- Kháng sinh, kháng viêm nếu có dấu hiệu nhiễm trùng vết cắn, toàn thân

- Kháng Histamin để giảm ngứa, giảm kích ứng da

- Thuốc dạng kem bôi diệt côn trùng

- Thuốc dạng dầu gội đầu có thể giết chết rận và trứng

- Rận ký sinh ở lông mi nên được điều trị bằng cách áp dụng thuốc mỡ cho mắt hoặc dầu bôi trơn đến các lề mí mắt.

Lưu ý trong quá trình điều trị

- Có cảm giác ngứa kéo dài trong khoảng 2 tuần do cơ thể phản ứng với vết cắn của rận mu.

- Để điều trị rận quanh mắt hiệu quả và an toàn, người bệnh cần lưu ý tham khảo ý kiến của bác sĩ để được chỉ định phương pháp điều trị rận mu vùng mắt phù hợp và an toàn.

- Trường hợp vết cắn sưng đỏ, da bị đổi màu hoặc rỉ nước từ vết thương thì cần đi khám bác sĩ ngay.

5. PHÒNG BỆNH

Rận mu rất dễ lây lan, nên việc phòng tránh rất khó khăn. Có thể hạn chế nguy cơ lây nhiễm bằng cách:

- Phát hiện sớm và điều trị cho người có côn trùng rận mu ký sinh để hạn chế lây lan sang người khác

- Giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đặc biệt là những nơi có nhiều lông như bộ phận sinh dục.

- Nên quan hệ tình dục an toàn, lành mạnh, chung thủy một vợ một chồng. Giặt thường xuyên quần áo, chăn màn, khăn tắm sạch sẽ, phơi đồ nơi có ánh nắng.

- Tổng vệ sinh nhà cửa sạch sẽ để loại bỏ triệt để mầm bệnh khiến chúng không thể lây lan hoặc tái phát.

- Cần tham khảo ý kiến chuyên gia về côn trùng học để được tư vấn.

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Văn Đề (2013), Ký sinh trùng trong lâm sang, Nxb Y học, tr 165 - 166.

2. Trần Xuân Mai (2010), Bộ chí rận, Nxb Y học, tr 387 - 390.

3. https://www.cdc.gov/lice/about/pubiclice.html?CDC_AAref_Val=https://

4. www.cdc.gov/parasites/lice/pubic/

CK1-XN. Phạm Thị Thu Giang

Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,