Một trường tiểu học ở ngoại thành TP. Hồ chí Minh được chọn để làm thí điểm phòng chống giun sán đường ruột bằng điều trị hàng loạt một năm ba lần. Tổng số học sinh là 1089 em thuộc 38 lớp.
Xét nghiệm trước khi điều trị cho thấy tỉ lệ nhiễm giun là 18,70%, chủ yếu là giun đũa. Cường độ nhiễm giun không cao, trung bình 1900 trứng giun đũa /g phân. Không có sự khác nhau có ý nghĩa thống kê giữa hai phái nam và nữ.
Đợt điều trị đầu tiên được tiến hành vào tháng 10/1999 với pyrantel pamoate liều duy nhất 10 mg/kg cân nặng. Đợt điều trị lần 2 (tháng 1/2000) và lần 3 (tháng 5/2000) sử dụng mebendazole liều duy nhất 500 mg. Qua 3 đợt điều trị có 93,93%, 95,68% và 91,64% học sinh của trường được điều trị và uống thuốc tại chỗ. Chưa ghi nhận được tác dụng phụ của thuốc qua các đợt điều trị. Trong vòng 1 tháng sau khi điều trị, xét nghiệm lại phân để đánh giá tỉ lệ và cường độ nhiễm giun.
Kết quả là tỉ lệ nhiễm giun giảm nhanh, từ 18,70% xuống còn 2,52%, 0,75% và 0,71% theo thời gian. Tỉ lệ khỏi bệnh sau đợt I điều trị là 86,52%. Cường độ nhiễm giun đũa cũng giảm đáng kể từ 1900 trứng/g phân xuống còn 556 trứng/g phân, 400 trứng/g phân và 51 trứng/g phân. Tỉ lệ giảm trứng giun đũa sau đợt I điều trị là 70,74%.
Biện pháp điều trị hàng loạt và định kỳ làm giảm nhanh tỉ lệ và cường độ nhiễm giun. Các thuốc được sử dụng công hiệu và an toàn, chi phí chấp nhận được (như mebendazole). Biện pháp này có thể được áp dụng rộng rãi trong công tác phòng chống các bệnh do giun sán hiện nay.
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Tình hình nhiễm các bệnh giun sán trong lứa tuổi học sinh ở ngoại thành TP. Hồ chí Minh hiện nay chưa được đánh giá một cách đầy đủ, nhưng theo điều tra tại một số điểm các năm trước thì không phải là thấp, ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển thể lực của các em.
Dự án Phòng Chống Giun Sán thuộc Bộ Y Tế, thành lập năm 1998, có mục tiêu là giảm cường độ nhiễm, hạn chế tác hại của bệnh đối với sức khỏe trẻ em và nhân dân, giảm tỉ lệ nhiễm các bệnh giun sán nói chung và tiến tới khống chế bệnh giun chỉ và một số bệnh sán có tính chất khu trú ở một số địa phương.
Trong các biện pháp thực hiện thì bên cạnh việc giáo dục sức khỏe, cải thiện vệ sinh môi trường, điều trị cá nhân…., phải kể đến biện pháp điều trị hàng loạt và định kỳ, quan trọng để cải thiện tình hình nhiễm giun sán một cách nhanh chóng.
Trên tinh thần đó chúng tôi chọn Trường Tiểu Học Hồng Đức thuộc Phường 14 Quận 8, cách Tp. Hồ chí Minh khoảng 12 cây số để làm thí điểm phòng chống giun sán với biện pháp điều trị hàng loạt và định kỳ (tháng 10/1999, tháng 1/2000 và tháng 5/2000).
2. PHƯƠNG PHÁP
Điều tra tỉ lệ và cường độ nhiễm giun sán ban đầu. Sau đó tiến hành điều trị cho học sinh toàn trường bằng các loại thuốc giun công hiệu và an toàn. Sau mỗi đợt điều trị, đánh giá lại tỉ lệ và cường độ nhiễm.
2.1. Cỡ mẫu điều tra ban đầu trước khi tiến hành điều trị
Trường có 38 lớp, gồm các khối lớp 1, 2, 3, 4, 5 có tổng số học sinh là 1089 em. Chúng tôi chọn lớp là đơn vị để tiến hành xét nghiệm.
Cỡ mẫu cần xét nghiệm, tính bằng Statcalc (Epi Info 6), là 384 học sinh, với giá trị hiện mắc dự kiến là 50%, sai số chấp nhận được là 5%, khoảng tin cậy 95%.
Ước tính tỉ lệ thu hồi được mẫu phân là 80%, do đó số chai phân cần phát ra là 480. Từ đó chúng tôi chọn ngẫu nhiên 16 lớp và cho xét nghiệm toàn bộ lớp.
2.2. Cỡ mẫu đánh giá sau mỗi đợt điều trị
Đánh giá trong vòng 1 tháng sau khi điều trị. Dựa trên tỉ lệ nhiễm điều tra được trước khi điều trị (là 20%), chúng tôi cũng áp dụng công thức chọn mẫu trên và cỡ mẫu của các đợt đánh giá sau điều trị tính được là 264 học sinh. Chúng tôi chọn ngẫu nhiên mỗi đợt 10 lớp và cho xét nghiệm toàn bộ lớp.
2.3. Kỹ thuật xét nghiệm
Soi trực tiếp phân được bảo quản trong dung dịch F2AM.
Để đánh giá cường độ nhiễm, vì không có dụng cụ Kato-Katz nên chúng tôi có thử cân số lượng phân được soi cho mỗi mẫu, tính ra là từ 30-35 mg. Chọn một xét nghiệm viên duy nhất để làm tất cả các tiêu bản phân và để đếm số trứng giun có trong đó. Từ đó tính ra số lượng trứng giun trong một gram phân.
2.4. Thuốc sử dụng
Đợt điều trị I (tháng 10/1999): Pyrantel pamoate viên nén 125 mg (Combantrin) của PFIZER INDONESIA. Liều duy nhất 10 mg/kg cân nặng. Cân học sinh và cho uống tại chỗ. Cho uống toàn trường.
Đợt điều trị II và III (tháng 1 và 5/2000): Mebendazole viên nén 500 mg, do Xí Nghiệp Dược Phẩm 24 – MEKOPHAR sản xuất. Liều duy nhất 1 viên, uống tại chỗ. Cho uống toàn trường.
3. NHẬN XÉT VÀ BÀN LUẬN
Đề tài được thực hiện ở một trường học, được sự tích cực hỗ trợ của Ban Giám Hiệu , Hội Phụ Huynh Học Sinh và các Thầy Cô giáo, do đó tỉ lệ thu hồi mẫu phân để xét nghiệm rất cao (trên 90%).
Tỉ lệ nhiễm giun ban đầu 18,70%, chủ yếu là giun đũa, là một tỉ lệ không thấp. Đây là một vùng thuộc ngoại thành TP. Hồ chí Minh, dân cư chủ yếu sống bằng nghề buôn bán nhỏ, công nhân, lao động bốc vác. Nơi trường tọa lạc không có đất làm nông nghiệp, tình trạng cầu tiêu bừa bãi có nhưng rất ít.
Cường độ nhiễm giun cũng không cao (trung bình 1900 trứng giun đũa trong 1g phân).
Tỉ lệ và cường độ nhiễm giun giữa hai phái nam và nữ qua điều tra ban đầu không thấy có sự khác nhau về thống kê, qua xử lý số liệu bằng phần mềm Epi Info 6.
Về các loại giun khác, giun móc có nhưng rất thấp. Chúng tôi có chọn ngẫu nhiên một số mẫu phân âm tính và xét nghiệm bằng phương pháp Willis, nhưng kết quả cũng không phát hiện trứng giun móc. Chúng tôi không quan tâm đến tỉ lệ nhiễm giun kim, vì tuy có vài trường hợp nhiễm giun kim nhưng phương pháp soi phân trực tiếp không phản ánh chính xác tình hình nhiễm giun này.Có 2 trường hợp xét nghiệm thấy ấu trùng giun lươn sau đợt điều trị lần I (một trường hợp có 1 ấu trùng, 1 trường hợp có 5 ấu trùng trong lam). Chúng tôi có kiểm tra lại lâm sàng của hai em học sinh đó, nhưng không thấy biểu hiện gì, và xét nghiệm lại 1 tuần sau đó thì không thấy ấu trùng giun lươn.
Tình hình nhiễm giun giảm rất nhiều sau các đợt điều trị, cả về tỉ lệ lẫn cường độ. Từ tỉ lệ nhiễm 18,70% ban đầu, sau 3 đợt điều trị xuống còn 0,71%. Cường độ nhiễm giun đũa của các trường hợp dương tính cũng giảm rất nhiều. Tỉ lệ khỏi bệnh sau đợt I điều trị là 86,52%. Tỉ lệ giảm trứng giun đũa sau đợt I điều trị là 70,74%.
Về các thuốc đã sử dụng như pyrantel pamoate và mebendazole, các thuốc này cho thấy hiệu quả và an toàn khi sử dụng ở diện rộng. Riêng mebendazole có lợi điểm là giá thành thấp, nhân dân có thể tự bỏ tiền ra mua để điều trị và điều trị định kỳ trong năm nếu Dự án Phòng Chống Giun Sán không cung cấp miễn phí được.
4. KẾT LUẬN
Đề tài này nhằm đánh giá hiệu quả của biện pháp điều trị hàng loạt và định kỳ, nên tuy không có triển khai việc giáo dục sức khỏe cho các em học sinh, nhưng cũng cho kết quả khả quan. Tuy bệnh giun sán có thể bị tái nhiễm, nhưng những kết quả đạt được cũng góp phần nâng cao sức khỏe của các em học sinh. Với các loại thuốc giun công hiệu, an toàn và chi phí chấp nhận được, có thể áp dụng rộng rãi biện pháp điều trị hàng loạt và định kỳ trong công tác phòng chống các bệnh đường ruột do giun sán.
Nhóm tác giả: Nguyễn Quốc Hưng, Phùng Đức Thuận, Mã Minh Hiếu, Nguyễn Thị Xuân Thu
BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN SỐT RÉT - KÝ SINH TRÙNG - CÔN TRÙNG - TP. HỒ CHÍ MINH
Số 685 Trần Hưng Đạo - Phường 1 - Quận 5 - TP. Hồ Chí Minh | www.impehcm.org.vn
Điện thoại: 84-028-3923.7117 / 3923.9940 / 3923.7422 / 3923.8091 / 3923.9946 - Fax: 84-8-3923.6734
Giấy phép số 125/GP-BC (9/4/2007)