Bệnh do ký sinh trùng là một bệnh thường gặp và phổ biến khắp thế giới, trong đó nhiễm ký sinh trùng đường ruột nói chung và giun, sán, đơn bào, nấm nói riêng là bệnh rất hay gặp. Bên cạnh đó y học đang ngày càng phát triển và phát minh ra nhiều phương pháp, kỹ thuật để chẩn đoán bệnh do ký sinh trùng gây ra như:
1. Xét nghiệm phân để tìm ký sinh trùng
Xét nghiệm phân là một xét nghiệm thường quy để tìm ký sinh trùng đường ruột, khi nhận được bệnh phẩm chúng ta ghi nhận những đặc tính của mẫu phân, phân loại bệnh phẩm để xét nghiệm: mẫu phân lỏng, có chất nhày, máu, mủ, phải xét nghiệm ngay. Tùy thuộc tính chất của phân ta có thể thực hiện các kỹ thuật như: Kato, Kato Katz, phương pháp làm nổi trứng, phương pháp ly tâm lắng cặn, phương pháp trực tiếp… để tìm trứng, ấu trùng, kén (bào nang), thể hoặt động của ký sinh trùng. Để phát hiện được ký sinh trùng chúng ta cần phải dùng kính hiển vi để quan sát.
Hình 1: Trứng giun móc/mỏ được xét nghiệm bằng phương pháp xét nghiệm phân trực tiếp
(nguồn: Viện Sốt rét - KST - CT Tp. HCM)
2. Xét nghiệm máu để tìm ký sinh trùng
Có hai loại xét nghiệm máu thường được sử dụng:
Ký sinh trùng sau khi xâm nhập vào cơ thể bệnh nhân có khả năng kích thích cơ thể sản xuất ra kháng thể đặc hiệu. Vì vậy, các nguyên lý chung về miễn dịch học đều có thể áp dụng được đối với các bệnh ký sinh trùng. Xét nghiệm này được sử dụng để tìm kháng thể hoặc kháng nguyên của ký sinh trùng sinh ra khi cơ thể bị nhiễm ký sinh trùng.
Kỹ thuật miễn dịch được sử dụng trong các trường hợp mà phương pháp trực tiếp không thể làm được như: Giai đoạn mới nhiễm, ký sinh trùng còn non, chưa đẻ trứng (sán lá gan, sán máng), trong giai đoạn mãn tính, mật độ ký sinh thấp, ký sinh trùng ký sinh trong nội tạng, ngõ cụt ký sinh như hội chứng ấu trùng di chuyển, ký sinh trùng ở dạng ấu trùng.
Phương pháp miễn dịch học áp dụng trong chẩn đoán bệnh ký sinh trùng bao gồm nhiều kỹ thuật như: kết tủa, điện di, gắn bổ thể, ngưng kết, miễn dịch huỳnh quang, miễn dịch phóng xạ, miễn dịch men….
Có một số loại ký sinh trùng có thể trú ẩn và gây bệnh trong máu để phát hiện ký sinh trùng cần phải làm phết máu và tiêu bản máu phải được nhuộm. Phết máu được nhuộm càng sớm càng tốt vì việc nhuộm cũng giúp kéo dài thời gian bảo quản. Có nhiều cách nhuộm như: nhuộm Gram, nhuộm Wright, nhuộm giêm sa, Hematoxilin Fe, nhuộm HE, nhuộm P.A.S.
Hình 2: Ký sinh trùng sốt rét trên tiêu bản nhuộm giêm sa.
( nguồn: Viện Sốt rét - KST - CT Tp. HCM)
3. Xét nghiệm mẫu da, tóc, móng, dịch …
Tùy từng loại bệnh phẩm mà có thể sử dụng kỹ thuật soi tươi với nước muối sinh lí hoặc KOH để tìm vi nấm.
Nhuộm mực tàu hoặc nigrosin để tìm vi nấm.
Kỹ thuật nuôi cấy để chẩn đoán các vi nấm.
Hình 3: Nấm C. neoformans trên đĩa thạch và trên tiêu bản nhuộm
(nguồn: http://www.life-worldwide.org/fungal-diseases/cryptococcus-neoformans/)
4. Phương pháp nội soi, siêu âm để tìm ký sinh trùng
Trong một số trường hợp, do đặc điểm sinh học khác nhau của một số loại giun, sán, đơn bào mà các phương pháp xét nghiệm thông thường không thể hoặc thỉnh thoảng mới phát hiện mầm bệnh. Nên người ta đã sử dụng các phương pháp thích hợp hơn như: siêu âm, nội soi để tìm ký sinh trùng ký sinh trong nội tạng.
Hình 4 : Giun kim qua hình ảnh nội soi.
( nguồn: http://www.ejemplode.com/36-biologia/3837-caracteristicas_de_los_oxiuros.html )
5. Phương pháp X-quang, chụp cộng hưởng từ (MRI), quét tia X trên máy tính (CAT) để tìm ký sinh trùng
Những kỹ thuật này được sử dụng để tìm một số bệnh ký sinh trùng có thể gây ra tổn thương trong các cơ quan như: tim, gan, phổi, não, ruột, cơ….
Hình 5 : Trùng lông Balantidium coli (x) ký sinh trong ruột qua phim Xray.
(nguồn: http://suckhoedoisong.vn/trung-long-balantidium-co-the-gay-thung-ruot-n48849.html)
Tóm lại: Nước ta là nước có tỷ lệ nhiễm ký sinh trùng khá cao, vì vậy nên kiểm tra sức khoẻ định kỳ và khi nghi ngờ nhiễm bệnh do ký sinh trùng nên đến các cơ sở khám bệnh chuyên khoa để được tư vấn, khám, chẩn đoán và điều trị một cách hiệu quả nhất.
Hoàng Anh
Tài liệu tham khảo:
BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN SỐT RÉT - KÝ SINH TRÙNG - CÔN TRÙNG - TP. HỒ CHÍ MINH
Số 685 Trần Hưng Đạo - Phường 1 - Quận 5 - TP. Hồ Chí Minh | www.impehcm.org.vn
Điện thoại: 84-028-3923.7117 / 3923.9940 / 3923.7422 / 3923.8091 / 3923.9946 - Fax: 84-8-3923.6734
Giấy phép số 125/GP-BC (9/4/2007)