Bệnh ký sinh trùng trên người là một bệnh khá phổ biến hiện nay. Tuy nhiên nhiều người vẫn còn mơ hồ về những triệu chứng, nguyên nhân gây bệnh dẫn đến không có cách phòng ngừa hiệu quả. Bệnh do ký sinh trùng gây ra ở người về lâu dài nếu không được phát hiện và điều trị sẽ tác động nặng nề đến chất lượng cuộc sống của con người, ảnh hưởng đến tầm vóc giống nòi, suy giảm trí tuệ, ngoài ra nhiều trường hợp có thể có ảnh hưởng nguy hiểm đến tính mạng.
Điều kiện thời tiết ở nước ta thuận lợi cho sự phát triển của ký sinh trùng đường ruột như giun, sán, nấm, đơn bào cùng với điều kiện vệ sinh môi trường kém, tập quán sinh hoạt, canh tác đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự nhiễm và lan truyền bệnh. Các bệnh do ký sinh trùng cho đến nay vẫn bị xếp vào nhóm những bệnh “bị lãng quên”, chưa có sự đầu tư thích đáng, mà mới chỉ có một vài tổ chức trong và ngoài nước hỗ trợ cho hoạt động này ở một số vùng có tỷ lệ nhiễm cao, nhưng không mang tính thường xuyên. Khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng gồm có 20 tỉnh, thành phố, là khu vực dân cư có các điều kiện kinh tế xã hội đa dạng, có các cộng đồng dân cư ở thị xã, thị trấn, thành phố, ven đường giao thông, ven sông ở đồng bằng, ven biển, có các thôn, bản ở miền núi,... tập quán sinh hoạt, canh tác có liên quan khác nhau đến các bệnh ký sinh trùng.
Theo các điều tra cho thấy tỷ lệ nhiễm giun truyền qua đất trong cộng đồng vẫn còn cao nhưng do không có diễn biến rầm rộ và không có các triệu chứng rõ rệt ở giai đoạn đầu nên chưa được người dân quan tâm đúng mức. Tỷ lệ nhiễm giun chung của cả nước vào khoảng 30%, ở các tỉnh miền núi phía Bắc và các tỉnh Tây Nguyên có tỉ lệ nhiễm cao nhất > 50%, tiếp đến là các tỉnh miền Trung 30-50%, sau là các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng 10-30% và nhiễm thấp nhất là các tỉnh miền Nam 10-20%. Các đối tượng có nguy cơ nhiễm cao là trẻ em mầm non, học sinh và phụ nữ tuổi sinh sản.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng- Côn trùng TP. Hồ Chí Minh đã điều tra tình hình nhiễm ký sinh trùng đường ruột tại xã Bảo Thuận, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng và xã Hòa Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Đây là 2 xã có số lượng người dân tộc thiểu số chiếm đa số (xã Bảo Thuận chủ yếu là dân tộc K' Ho chiếm khoảng 94%, xã Hòa Thạnh chủ yếu là dân tộc Khơme, còn lại là một số dân tộc khác), công tác phòng chống ký sinh trùng gặp một số khó khăn nhất định do ý thức phòng chống bệnh của người dân chưa cao, một số thói quen lâu đời của cộng đồng này là đi vệ sinh ngoài vườn, rẫy, chăn nuôi gia súc thả rông.
Trong số 362 mẫu phân thu thập được từ người dân xã Bảo Thuận, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng thì có 150 ca dương tính (chiếm tỷ lệ 41,44%) trong đó: 08 mẫu nhiễm đơn bào chiếm tỷ lệ 2,21% (07 mẫu nhiễm Etamoeba coli, 01 mẫu nhiễm G. lamblia), 01 mẫu nhiễm ấu trùng giun lươn (chiếm tỷ lệ 0,28%), 135 mẫunhiễm trứng giun móc/mỏ (chiếm tỷ lệ 37,29%), 01 mẫu nhiễm trứng giun kim (chiếm tỷ lệ 0,28%), 01 mẫu nhiễm trứng giun tóc (chiếm tỷ lệ 0,28%), 04 ca nhiễm phối hợp (01 mẫu nhiễm giun kim + giun móc; 01 mẫu nhiễm giun móc + giun tóc; 02 mẫu nhiễm giun móc và E.coli) (chiếm tỷ lệ 1,10%).
Biểu đồ 1. Tỷ lệ nhiễm giun sán, đơn bào tại xã Bảo Thuận, Di Linh, Lâm Đồng
Trong số 260 mẫu phân thu thập được từ người dân xã Hòa Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh có 42 ca dương tính với ký sinh trùng đường ruột (chiếm tỷ lệ 16,54%) trong đó: 01 trường hợp dương tính với đơn bào E. coli (chiếm tỷ lệ 0,38 %): 01 dương tính ấu trùng giun lươn (chiếm tỷ lệ 0,38%); 40 ca nhiễm trứng giun móc/mỏ (chiếm tỷ lệ 15,38%).
Biểu đồ 2. Tỷ lệ nhiễm giun sán, đơn bào tại xã Hòa Thạnh, Châu Thành Tây Ninh
Qua các cuộc điều tra cho thấy, tỷ lệ nhiễm ký sinh trùng đường ruột tại cộng đồng dân tộc thiểu số khá cao so với người dân tộc Kinh. Để có đánh giá khách quan, khoa học, phản ánh đứng thực trạng nhiễm ký sinh trùng đường ruột ở các cộng đồng dân cư người dân tộc thiểu số, cần triển khai điều tra mở rộng hơn nữa ở các địa phương khác nhau, ở các dân tộc khác nhau để từ đó có cơ sở lập kế hoạch phòng chống các bệnh ký sinh trùng đường ruột hiệu quả cho cộng đồng.
ThS. Đỗ Thị Phượng Linh, ThS. Hoàng Anh
MỘT SỐ HÌNH ẢNH TẠI THỰC ĐỊA
Hình 1: Thu thập và xét nghiệm mẫu phân tại thực địa
Hình 2: Trứng giun móc/mỏ (Ancylostoma duodenale/Necator americanus) trên mẫu phân người soi dưới kính hiển vi
Hình 3: Trứng giun tócTrichuris trichiura (A) và trứng giun kimEnterobius vermicularis (B) trên mẫu phân người soi dưới kính hiển vi
Hình 4: Ấu trùng giun trong mẫu phân người soi dưới kính hiển vi