Điểm tin y tế tuần 46 - 2018

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN

  1. Về thông tin tình hình nhiễm sán dây lợn ở Bình Phước

Trong mấy ngày gần đây, trên các kênh truyền hình trung ương cũng như địa phương, trên các báo, đài đã đưa tin về tình hình nhiễm sán dây lợn ở Huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước, Viện Sốt rét -Ký sinh trùng - Côn trùng TP HCM xin khẳng định đây là các số liệu điều tra của Viện, ngoài các kết quả xét nghiệm ELIZA phát hiện thấy 108/904 trường hợp dương tính với với ấu trùng sán dây lợn trên người, điều tra còn phát hiện một số bệnh nhân đang mắc bệnh ấu trùng sán dây lợn và sán dây lợn trưởng thành, một số trường hợp ở địa phương đã đến khám, điều trị và đã được tẩy xổ, bắt sán tại Phòng khám Chuyên khoa Ký sinh trùng của Viện. Kết hợp các yếu tố quan sát thấy từ thực tế lợn nhiễm ấu trùng sán dây lợn ở nhà dân và ở lò giết mổ, tình trạng chăn nuôi lợn thả rông của đồng bào, giết mổ và tiêu thụ thịt lợn, thói quen ăn nem, gỏi thịt sống, tình trạng vệ sinh kém, với tỷ lệ huyết thanh dương tính với ấu trùng sán dây lợn, các bệnh nhân đã phát hiện ở khu vực cho thấy cộng đồng đang lưu hành bệnh sán dây lợn, nguy cơ lan rộng khó tránh khỏi.

Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP HCM sẽ phối hợp với y tế và chính quyền địa phương tiếp tục điều tra mở rộng thêm và tổ chức phòng, chống bệnh cho nhân dân. Trước mắt là các địa phương ở Huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước.

  1. Dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi vẫn chưa thấy điểm dừng

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, sau hai tháng bùng phát, đến nay tình hình dịch bệnh tay chân miệng (TCM), sốt xuất huyết (SXH) và sởi vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống. Trong đó, bệnh SXHt trong tháng 10 tăng hơn 125 % số ca nhập viện so với cùng kỳ năm ngoái và đang diễn biến bất thường trong đợt cao điểm.

Về bệnh TCM, tính đến hết tháng 10, trên địa bàn có 5.678 trường hợp nhập viện điều trị nội trú, tăng 19,7% so với năm 2017.

Về bệnh sởi vẫn tiếp tục gia tăng với trung bình 60 ca/tuần, hầu hết là trẻ em, trong đó có 62% số trẻ không được tiêm chủng theo chương trình tiêm chủng mở rộng.

Để phòng chống 3 dịch bệnh nguy hiểm này, ngành y tế tiếp tục kêu gọi người dân đưa trẻ đi tiêm vắc xin ngừa sởi; rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh cá nhân để phòng bệnh TCM; diệt muỗi, lăng quăng để phòng bệnh SXH.

TIN Y TẾ QUỐC TẾ

  1. Giải mã bộ gen của ký sinh trùng gây bệnh ngủ ở người

Viện Công nghệ Israel (Technion) thông báo các nhà khoa học nước này vừa phát triển một phương pháp sáng tạo giải mã bộ gen của ký sinh trùng Trypanosoma Brucei gây ra bệnh Trypanosomiasis ở châu Phi, hay còn gọi là bệnh ngủ ở người. Theo các nhà nghiên cứu, bộ gen của Trypanosoma Brucei là một chuỗi rất phức tạp có thể chứa hàng tỷ đơn vị ADN và cũng đã phân tích cấu trúc 3 chiều bộ gen ký sinh trùng Trypanosoma Brucei, phát hiện mối liên quan độc đáo giữa tổ chức không gian của bộ gen và cơ chế thay thế kháng nguyên, một loại protein có sẵn trong hệ miễn dịch của con người. Cơ chế này cho phép ký sinh trùng Trypanosoma Brucei thoát khỏi hệ miễn dịch của người bệnh.

Bệnh Trypanosomiasis phổ biến ở các khu rừng và những khu vực có nhiều nước ở vùng Trung Phi. Triệu chứng của bệnh là co giật, gây sốt, nhức đầu, ngứa ngáy, đau khớp, lú lẫn, rối loạn giấc ngủ và dẫn đến tử vong. Bệnh này lây nhiễm qua vết đốt của ruồi Tsetse. Ruồi Tsetse truyền ký sinh trùng Trypanosoma Brucei từ người sang người hay từ gia súc sang người trong quá trình hút máu.

  1. Một số đột phá trong y học nhờ tiến bộ của công nghệ
  • Máu tổng hợp : Khoa học đã sản xuất ra những tế bào máu đỏ tổng hợp dạng O (có thể truyền cho bất kỳ ai mà không bị biến chứng). Lần đầu tiên loại máu như vậy đã được sản xuất ra trong phòng thí nghiệm và điều này có thể chấm dứt việc phải truyền máu và mở đầu cho ngành công nghiệp sản xuất máu.
  • Xử lý bệnh bại liệt: Những nghiên cứu tiên phong về vai trò của các xung điện trong mô thần kinh cột sống cho phép các nhà khoa học khôi phục lại khả năng di chuyển của người tưởng như sẽ bị bại liệt suốt đời. Sau khi có sự tác động của xung điện vào tủy sống, bệnh nhân có thể cử động những bộ phận cơ thể đã bị liệt. Kết quả còn tốt hơn khi được kết hợp với liệu pháp vật lý truyền thống.
  • Khắc phục tình trạng lão hóa: Các nhà khoa học đã phát hiện ra một chất hóa học trong máu của những người trẻ tuổi có thể có ảnh hưởng đáng kể đối với cơ thể ở tuổi già. Sau những thử nghiệm với loài chuột, cho thấy việc truyền máu của người trẻ sẽ làm đảo ngược sự mất trí nhớ, khả năng học tập, chức năng của não, sức mạnh cơ bắp và sức chịu đựng. Vẫn chưa rõ liệu các kết quả có được như vậy đối với con người, nhưng các nhà khoa học tin rằng sẽ đạt được điều này.
  • Kiểm soát việc uống thuốc: Với sự phát triển của hệ thống điện tử, những chiếc cảm biến nhỏ có đèn báo hiệu sẽ nhắc bệnh nhân khi cần uống thuốc và sẽ không bỏ qua một liều thuốc nào. Hệ thống này còn quan sát sự phản ứng của cơ thể đối với những loại thuốc nhất định, cho họ và bác sĩ biết thông tin về phản ứng bất thường nào đó của cơ thể.
  • Cấy ghép quả tim mới từ động vật: Các nhà khoa học đã cấy ghép quả tim biến đổi gen của lợn cho con khỉ đầu chó và nó đã hoạt động tốt trong thời gian một năm. Nghiên cứu này đã mang cho giới y học hy vọng vào một ngày nào đó động vật sẽ là nguồn cung cấp vô tận quả tim và các bộ phận khác cho con người và tuổi thọ sẽ được tăng đáng kể.
  • Giảm biến chứng do đột quỵ: Bằng cách đưa các tế bào gốc vào não bộ của bệnh nhân, các nhà nghiên cứu đã có thể khôi phục khả năng vận động của các chi và họ thực hiện được những công việc mà trước đó không thể làm. Qua thử nghiệm cho thấy có tín hiệu khả quan trong việc điều trị cho những nạn nhân bị đột quỵ.
  • Cánh tay sinh học: DEKA là cánh tay giả được điều khiển bằng xung não - đó không phải là sự bổ sung đơn giản mà là một điều kỳ diệu thực sự. Với phát minh này, cánh tay có thể thực hiện được từ những công việc tỉ mỉ nhất và nhiều điều khác nữa mà đôi khi những người có đôi tay lành lặn cũng khó làm được.

Ban Biên tập website Viện