Điểm tin y tế tuần 44 - 2018

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN

1. Dịch bạch hầu xuất hiện ở Kon Tum

Từ đầu năm 2018 đến nay, tại Kon Tum đã có 02 người tử vong vì bệnh bạch hầu, 3 trường hợp có nhiều triệu chứng bệnh đang được tiếp tục cách ly, theo dõi.

Bệnh bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính, nếu không khống chế kịp thời sẽ lây nhanh và nguy hiểm đến cộng đồng bởi con đường lây nhiễm chủ yếu là đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với trực khuẩn bạch hầu có trong dịch tiết từ mũi, họng của bệnh nhân thông qua ho, hắt hơi, nói chuyện. Khi nhiễm bệnh, người bị nhiễm viêm loét ở vùng mũi, họng, thanh quản. Các dấu hiệu này nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng xuất hiện các màng màu trắng ở thanh quản, nhiễm độc nặng, tổn thương khắp các cơ quan nhất là hệ thần kinh trung ương, tim mạch, thận và thượng thận do ngoại độc tố. Loại độc tố này do chính vi khuẩn tiết ra và sẽ lan nhanh đi khắp cơ thể. Tất cả các đối tượng đều có thể mắc bệnh bạch hầu, đặc biệt là với những người chưa được tiêm chủng.

Để ngăn chặn bệnh, ngay trong năm 2018 này, ngành y tế Kon Tum cũng tiếh hành tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu cho những người ở độ tuổi 7 đến 30 chưa được tiêm loại vắc-xin này. Song khó khăn lớn nhất của việc phòng chống bệnh bạch hầu là dịch xuất hiện ở vùng sâu, ý thức phòng dịch kém, nhiễm bệnh vẫn tiếp xúc nhiều người và đi nương rẫy bình thường. Vậy nên cùng với ngành y tế, chính quyền các xã, huyện cần tăng cường phối hợp để tuyên truyền phòng chống dịch.

2. Hội nghị Khoa học Toàn Quốc lần thứ VII năm 2018 với chủ đề: “Phòng chống các bệnh không lây nhiễm”

Ngày 25/10/2018, Tổng hội Y học Việt Nam đã phối hợp với Bộ Y tế tổ chức Hội nghị Khoa học Toàn Quốc lần thứ VII năm 2018 với chủ đề: “Phòng chống các bệnh không lây nhiễm” với sự tham gia của các giáo sư đầu ngành y tế, các hội viên chuyên khoa, hội viên Hội Y tế địa phương trên cả nước. Đây là dịp để những người làm chuyên môn y tế chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn, quản lý, phòng chống bệnh không lây nhiễm.

Hội nghị: “Phòng chống các bệnh không lây nhiễm” được tổ chức trong 1 ngày chia làm 3 chuyên đề báo cáo về các bệnh: Ung thư, Sức khỏe tâm thần, Dinh dưỡng. Cuối hội nghị chuyên đề sẽ trao giấy chứng nhận đào tạo liên tục cho các bác sĩ đã tham dự Hội nghị.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện nay bệnh không lây nhiễm đang trở thành gánh nặng lớn về kinh tế, dự báo trong 20 năm tới, toàn thế giới sẽ mất đi 47.000 tỷ USD do các bệnh không lây nhiễm gây ra. Trong khi ở các nước phát triển, tỷ lệ bệnh tim mạch, đột quỵ ngày càng giảm do họ kiểm soát tốt và sớm còn ở Việt Nam tỷ lệ người mắc 2 căn bệnh này đang có xu hướng gia tăng và trở thành nguyên nhân chính gây tử vong trong số các bệnh không lây nhiễm.

TIN Y TẾ QUỐC TẾ

1. Phát hiện gene gây biến chứng bệnh tay chân miệng

Một nghiên cứu của nhà vi sinh học của Đại học HongKong đã phát hiện gene hWARS là thụ thể cho phép enterovirus-A71 (EV-A71) xâm nhập vào tế bào và gây bệnh tay chân miệng. Trước đây, các nhà khoa học không lý giải được vì sao một số bệnh nhân tay chân miệng lại có biến chứng nghiêm trọng như vậy. Tuy nhiên, nghiên cứu trên đã phần nào lý giải được vấn đề: gene hWARS từ trước đến nay thường được cho là một loại gene bình thường, không gây nguy hại, có mặt trong tế bào của tất cả mọi người. Tuy nhiên, gen hWARS ngừng hoạt động khi virus xâm nhập thường không gây bệnh tay chân miệng. Ngược lại, những người mà gene hWARS vẫn hoạt động thì có nguy cơ cao phát bệnh. Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy khi cơ thể con người tạo ra một loại protein có tên là interferon gamma trong quá trình nhiễm virus, nó có thể dẫn đến tăng sản lượng gene hWARS, do đó giúp EV-A71 xâm nhập vào tế bào.

EV-A71 là một trong những loại virus có thể dẫn đến bệnh tay chân miệng - một bệnh phổ biến ở trẻ em. Bệnh nhân thường có các biểu hiện như sốt, xuất hiện các đốm nhỏ màu đỏ, mụn nước trên lưỡi, nướu răng và bên trong má. Căn bệnh này có thể gây thành dịch lớn. Một số ca để lại những biến chứng nguy hiểm và đặc biệt là diễn biến rất nhanh trong vòng vài giờ.

Các nhà nghiên cứu hy vọng có thể phát triển loại thuốc ngăn chặn hWARS hoạt động để giảm nguy cơ virus tay chân miệng xâm nhập tế bào trong 10 năm tới.

Ban Biên tập website Viện

Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,