Điểm tin y tế tuần 41

VĂN BẢN PHÁP LÝ VÀ CHỈ ĐẠO

1. Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020

Ngày 07/9/2017, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 4041/QĐ-BYT về việc phê duyệt đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020. Nhằm:

Rà soát, sửa đổi các quy định của pháp luật liên quan về kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn.

Tăng tỷ lệ tuân thủ việc thực hiện đúng quy định của pháp luật về kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú:

+ Đến năm 2020, đạt 100 % kê đơn thuốc đủ nội dung theo quy định của Bộ Y tế về kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú đối với cơ sở khám, chữa bệnh công lập, bệnh viện tư nhân và đạt 80 % đối với cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân khác.

+ Đến năm 2020, kê đơn thuốc tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế về quản lý và sử dụng kháng sinh trong các bệnh lý nhiễm trùng đạt 90% đối với cơ sở khám, chữa bệnh công lập, bệnh viện tư nhân và 70 % đối với cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân khác.

Tăng tỷ lệ thực hiện bán thuốc kháng sinh phải có đơn thuốc:

Đến năm 2020, đạt 100% bán thuốc kháng sinh phải có đơn thuốc tại quầy thuốc, nhà thuốc.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN

1. Cảnh báo tử vong tăng cao do nhiễm khuẩn bệnh viện

Theo công bố của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hàng năm trên thế giới có khoảng 90.000 người tử vong do nhiễm khuẩn bệnh viện. Đây cũng là một trong các nguyên nhân hàng đầu đe dọa an toàn người bệnh hiện nay. Tình trạng vệ sinh kém, và việc các bệnh nhân nằm chung giường do các bệnh viện quá tải không phải là câu chuyện mới ở Việt Nam. Chính vì thế, việc bệnh nhân nhiễm khuẩn khiến bệnh trầm trọng hơn rất cần được ngành y tế quan tâm hơn. Theo các bác sĩ, điều quan trọng là cả bác sĩ và bệnh nhân phải biết giữ gìn vệ sinh và thường xuyên rửa tay bằng xà phòng để tránh nhiễm bệnh…

Theo WHO, cứ 100 người nằm viện thì có 7 người mắc thêm bệnh nhiễm trùng mới, trong đó một phần do chính nhân viên y tế chưa tuân thủ quy định về vệ sinh cá nhân, rửa tay trước khi tiếp xúc với người bệnh. Tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện tại Việt Nam hiện nay là khoảng 7%, trong đó việc điều trị kháng sinh kéo dài 7-10 ngày sau phẫu thuật vẫn là tình trạng phổ biến ở nhiều cơ sở đã gây nên tình trạng kháng kháng sinh của vi khuẩn.

Các chuyên gia khuyến cáo việc nâng cao ý thức hành vi vệ sinh tay khi chăm sóc người bệnh của đội ngũ y tế và việc kiểm soát nhiễm khuẩn phải được thực hiện đồng bộ trên toàn ngành y tế. Có như vậy, việc nhiễm bệnh chéo và tỷ lệ tử vong tại các bệnh viện do nhiễm khuẩn bệnh viện mới được giảm xuống.

2. Hội thi Y tế thôn bản giỏi lần thứ 2 năm 2017 khu vực Tây Nam Bộ

Theo Trung tâm Truyền thông – Giáo dục Sức khỏe TƯ, Ngày 6/10/2017, tại Nhà Văn hóa Lao động Đồng Tháp, TP Cao Lãnh, Bộ Y tế phối hợp UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội thi Y tế thôn bản giỏi lần thứ 2 năm 2017 khu vực Tây Nam Bộ.

Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng, Bộ Y tế cho biết đây là hoạt động hướng tới Y tế cơ sở, cuộc thi năm nay được tổ chức tại 3 khu vực: khu vực Tây Nguyên, khu vực Tây Nam Bộ và khu vực miền núi phía Bắc. Ban tổ chức mong muốn chuỗi hoạt động này trở thành ngày hội của các cán bộ y tế cơ sở, giúp các nhân viên y tế thôn bản có cơ hội giao lưu học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, khắc phục khó khăn để thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, thông qua đó, tôn vinh vẻ đẹp tri thức, trí tuệ, tài năng, y đức, phong cách phục vụ người bệnh của những cán bộ y tế cơ sở, đặc biệt là nhân viên y tế thôn bản nhằm đẩy mạnh phong trào học tập, rèn luyện, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng thực hành, khả năng giao tiếp, chăm sóc người bệnh,v.v..

Kết thúc cuộc thi, giải nhất thuộc về đội Đồng Tháp, giải nhì thuộc về đội Vĩnh Long và đội Hậu Giang giành giải ba. Hai đội Đồng Tháp và Vĩnh Long sẽ đại diện khu vực Tây Nam Bộ tranh tài ở vòng chung kết, dự kiến được tổ chức tại Hà Nội.

3. Bệnh truyền nhiễm nguy hiểm Melioidosis

Tại Hội thảo Khoa học toàn quốc lần thứ II bệnh Melioidosis do trường Đại học Y Dược Huế phối hợp với Viện Vi sinh và Công nghệ Sinh học, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức ngày 7/10/2017, BS. Direk Limmathurotsakul, Phòng nghiên cứu Y học Nhiệt đới Mahidol-Oxford, Đại học Mahidol (Thái Lan), cho biết: tổng số người chết vì bệnh Melioidosis mỗi năm chưa được biết. Đó là câu hỏi chính mà các nhà hoạch định chính sách như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Bộ Y tế mỗi nước muốn biết câu trả lời.

Bệnh Melioidosis gây ra từ vi sinh vật có trong đất và nước tại khu vực có bệnh lưu hành. Bệnh có tiềm ẩn bệnh động vật và lây lan từ người sang người nhưng những trường hợp này hiếm khi được báo cáo. Vi khuẩn Burkholderia pseudomallei được phân loại là chất độc sinh học cấp 1 bởi Chương trình chất độc sinh học liên bang Hoa Kỳ cùng với Bacillus anthracis, vi rút Ebola và các vi khuẩn khác.

Biểu hiện thông thường bao gồm sốt, nhiễm trùng và sốc nhiễm khuẩn có hoặc không có viêm phổi và áp xe tại bất cứ nội tạng nào; có thể cấp tính, bán cấp tĩnh và mãn tính; có thể tương tự các bệnh khác như bệnh Lao. Bệnh khó điều trị, kháng sinh phổ biến như penicillin và gentamicin không có hiệu quả. Tỷ lệ tử vong bệnh cao, những ca tử vong chủ yếu là tử vong trong vòng 48 giờ. Tỷ lệ tử vong ca bệnh là 60% tại Campuchia, 40% tại Thái Lan và 14% Bắc Úc.

Theo dự báo phân bố toàn cầu vi khuẩn B. pseudomallei và gánh nặng của bệnh Melioidosis (Nature Microbiology, 2016), trên phương pháp tổng hợp 22.338 hồ sơ bệnh Melioidosis trên người và động vật được định vị theo địa lý và sự tồn tại của vi khuẩn B. pseudomallei trong môi trường từ các báo cáo từ năm 1910 đến 2014. Ước tính có 165.000 ca bệnh Melioidosis ở người mỗi năm trên toàn thế giới. Ước tính tổng số trên thế giới có 89.000 trường hợp tử vong.

Việt Nam là một trong những nước nằm trong vùng bệnh lưu hành, tuy nhiên đến nay thông tin về tình hình dịch tễ cũng như những đặc điểm của căn bệnh này vẫn còn rất hạn chế. Trên cả nước chưa có một nghiên cứu dịch tễ để đánh giá một cách tương đối chính xác mức độ phổ biến của bệnh Melioidosis tại Việt Nam. Trong những năm gần đây, nhiều trường hợp mắc bệnh Melioidosis đã được phát hiện ở miền Trung Việt Nam, chủ yếu là các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế. Bệnh này thường gặp vào mùa mưa. Đường lây truyền do tiếp xúc với bùn đất, nước hoặc do hít phải vi khuẩn. Thời gian ủ bệnh từ 1-21 ngày. Biểu hiện lâm sàng bệnh đa dạng, tỷ lệ tử vong từ 10-30%, bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết nặng có sốc tử vong lên đến 85-90%.

THÔNG TIN Y TẾ QUỐC TẾ

1. Giải Nobel y học 2017

Giải Nobel Y sinh học 2017 được trao cho ba nhà khoa học Jeffrey C. Hall, Michael Rosbash và Michael W. Young nhờ khám phá của họ về bộ máy sinh học siêu nhỏ kiểm soát nhịp điệu sinh học hàng ngày, đồng hồ sinh học, của cơ thể con người.

Ủy ban Nobel, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, nhận định "Những khám phá thay đổi mô hình của ba nhà khoa học đã đưa ra những nguyên tắc then chốt của đồng hồ sinh học và mở ra ngàng Thời sinh học (chronobiology)", và hy vọng rằng "Trong những năm tiếp theo, các thành phần phân tử khác của cơ chế đồng hồ đã được làm sáng tỏ, giải thích tính ổn định và chức năng của nó."

Nhịp sinh học (biological rhythm) là chu kỳ tự nhiên về những thay đổi trong cơ thể như nồng độ sinh hóa chất hoặc các chức năng. Nhịp sinh học đóng vai một đồng hồ “chủ" đồng bộ hóa các đồng hồ khác trong cơ thể. "Đồng hồ" sinh học này nằm trên não bộ, cấu thành từ hàng ngàn tế bào thần kinh giúp đồng bộ các chức năng và hoạt động thể chất, tinh thần và hành vi đáp ứng với ánh sáng và bóng tối. Tóm lại, đồng hồ điều chỉnh nhiều chức năng bao gồm: thời gian ngủ, sự thèm ăn, thân nhiệt, nồng độ các hormone, sự tỉnh táo, hoạt động thể chất, huyết áp, khả năng phản ứng…

Có bốn loại nhịp sinh học: (1) nhịp sinh học hàng ngày (circadian rhythms, light-dark cycle) chu kỳ 24 giờ bao gồm nhịp điệu sinh lý và hành vi như ngủ; (2) nhịp điệu ngày (diurnal rhythms) nhịp điệu sinh học được đồng bộ hóa với ngày và đêm; (3) nhịp sinh học ngắn (ultradian rhythms) nhịp sinh học với thời gian ngắn hơn và tần suất cao hơn; (4) nhịp sinh học dài (infradian): nhịp kéo dài hơn 24 giờ, như chu kỳ kinh nguyệt.

2. Chế được vắc xin có thể ngừa các loại vi rút cúm

Theo Reuters, lần đầu tiên các nhà khoa học Anh đã chế được một vắc xin có thể phòng ngừa được tất cả các loại vi rút cúm mùa. Hiện tại, các nhà khoa học của Viện Jenner (trực thuộc Đại học Oxford, Anh) đang thử nghiệm lâm sàng loại vắc xin này trên hơn 2.000 bệnh nhân. Cuộc thử nghiệm này sẽ kéo dài trong vòng hai năm.

Cơ chế hoạt động của vắc xin mới này là sử dụng các protein được tìm thấy trong phần lõi của vi rút cúm hơn sử dụng các protein trên bề mặt của vi rút. Các protein trên bề mặt của vi rút dính vào như những ghim trên vi rút và thay đổi theo thời gian, trong khi đó các protein trong phần lõi của vi rút thì ổn định hơn. Đặc biệt, loại vắc xin mới này giúp kích thích hệ miễn dịch sản sinh ra nhiều tế bào T-cells giết chết vi rút. Những tế bào T-cells có thể giúp chống lại hơn một chủng vi rút cúm. Các nhà nghiên cứu hy vọng loại vắc xin mới này sẽ giúp phòng ngừa lâu hơn và tốt hơn khi được tiêm cùng với mũi cúm mùa hằng năm.

Ban Biên tập website Viện

Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,