Điểm tin y tế tuần 36

VĂN BẢN PHÁP LÝ VÀ CHỈ ĐẠO

1. Phê duyệt chương trình mục tiêu phát triển hệ thống y tế địa phương giai đoạn 2016 – 2020

Ngày 25/8/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1267/QĐ-TTg về việc Phê duyệt chương trình mục tiêu phát triển hệ thống y tế địa phương giai đoạn 2016 – 2020

Mục tiêu: Hỗ trợ đầu tư các cơ sở y tế công lập tại địa phương thuộc quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt để nâng cấp cơ sở hạ tầng và thiết bị y tế, nâng cao chất lượng dịch vụ khám và chữa bệnh đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân.

Phạm vi thực hiện: Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có dự án thuộc đối tượng đầu tư của Chương trình, trong đó ưu tiên hỗ trợ đầu tư cho các tỉnh nghèo, không tự cân đối được ngân sách.

Thời gian thực hiện Chương trình: Từ năm 2016 đến năm 2020

Kinh phí: Tổng số vốn thực hiện Chương trình là 19.829 tỷ đồng (điều chỉnh tăng thêm khi có nguồn nhưng không vượt quá 22.500 tỷ đồng).

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN

1. Bộ Y tế họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch

Theo Cổng Thông tin điên tử Bộ Y tế, ngày 31/8/2017 tại Hà Nội, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Bộ Y tế họp về công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết (SXH) và các dịch bệnh khác. GS.TS.Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì cuộc họp.

Cục Y tế dự phòng cho biết: từ đầu năm đến ngày 30/8/2017 cả nước ghi nhận 108.925 trường hợp mắc sốt xuất huyết và 26 trường hợp tử vong. Trong đó, số người hợp nhập viện là 91.656 trường hợp. So với cung kỳ năm 2016, số mắc tăng 43.5%%, số trường hợp tử vong tăng 7 trường hợp. Số mắc tập trung cao nhất tại khu vực miền Nam (51.2%), sau đó là khu vực miền Bắc (31,3%), khu vực miền Trung (14,3%), khu vực Tây Nguyên (3,2%). Cục Y tế dự phòng nhận định trong thời gian tới do thời tiết nắng mưa bất thường, tạo điều kiện thuận lợi để muỗi truyền bệnh sinh sản đẻ trứng diễn biến dịch SXH có thể vẫn phức tạp nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng dịch.

Trung tâm y tế dự phòng thành phố Hà Nội cho biết: từ ngày 1/1 đến 28/8/2017, Hà Nội ghi nhận 22.296 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết và 7 trường hợp tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện; tập trung chủ yếu tại khu vực nội thành. Số bệnh nhân đang điều trị nội trú tại bệnh viện có xu hướng giảm so với các tuần trước. Đặc biệt, số trường hợp mắc bệnh trong 2 tuần gần đây của Hà Nội không tăng, có xu hướng chững lại.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá cao những nỗ lực của Thành phố Hà Nội với công tác phòng chống dịch SXH trên địa bàn trong thời gian qua. Đồng thời nhấn mạnh: tình hình dịch SXH tại Hà Nội có xu hướng chững lại, nhưng trên cả nước vẫn có diễn biến phức tạp vì thế để có tính bền vững và ổn định lâu dài cho công tác phòng chống dịch cần tập trung quyết liệt hơn nữa và tuyệt đối không lơ là. Các tỉnh đồng bằng bắc bộ như tỉnh Nam Định, Thanh Hóa đã xuất hiện dịch SXH, Thứ trưởng khuyến cáo tại các tỉnh Đồng bằng Bắc bộ cần tăng cường các biện pháp phòng chống dịch SXH, không lơ là chủ quan. Bên cạnh đó cần tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức của người dân với việc tăng cường diệt lăng quăng, bọ gậy bằng cách lật úp và cọ rửa các vận dụng chứa nước. Đồng chí Thứ trưởng giao Vụ truyền thông thi đua khen thưởng và Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe Trung ương, Bộ Y tế cần tăng cường công tác tuyên truyền, xây dựng các thông điệp truyền thông phòng chống dịch SXH và các dịch bệnh khác.

2. Hội nghị Quốc tế lần thứ 3 phòng chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người

Theo Cổng Thông tin điên tử Bộ Y tế, từ ngày 29 - 30/8/2017 tại thành phố Đà Nẵng, Hội nghị quốc tế lần thứ 03 về phòng chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người đã tổ chức tại Đà Nẵng. Hội nghị được đồng chủ trì bởi 3 quốc gia: Việt Nam, Indonesia và Senegal với sự có mặt của khoảng 200 đại biểu đến từ 16 quốc gia khu vực Châu Á, Châu Phi, Châu Âu và Bắc Mỹ cùng 16 tổ chức quốc tế và trong nước. Các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế thế giới, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc, Tổ chức Thú y thế giới cùng các đối tác phát triển khác đóng vai trò cố vấn kỹ thuật cho Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Chính phủ Việt Nam đã thành lập nhóm Đối tác Một sức khỏe phòng chống dịch bệnh từ động vật sang người và hiện Bộ Y tế Việt Nam đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục xây dựng Kế hoạch tổng thể quốc gia thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế giai đoạn 2018-2013. "với vai trò đồng chủ trì Hội nghị này, Việt Nam tiếp tục khẳng định cam kết tham gia tích cực vào gói hành động ZDAP trong Chương trình GHS và mong muốn nhận được sự hợp tác chặt chẽ và sự hỗ trợ từ các quốc gia và cộng đồng quốc tế trong công tác phòng chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người. Tôi cho rằng với chương trình làm việc 2 ngày, chúng ta sẽ có nhiều cuộc trao đổi, thảo luận và thống nhất từ đó đưa ra những mục tiêu cụ thể của Hội nghị cấp cao An ninh y tế toàn cầu tổ chức tại Kampala, Uganda trong tháng 10 năm 2017".

Hội nghị quốc tế lần thứ 3 về phòng chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người nằm trong khuôn khổ hoạt động của của Gói Hành động phòng chống bệnh truyền lây từ động vật sang người (ZDAP) thuộc Chương trình An ninh Y tế toàn cầu (GHSA).

THÔNG TIN Y TẾ QUỐC TẾ

1. Mỹ thông qua trị liệu gen chữa ung thư máu, bước đột phá trong điều trị ung thư

Theo Telegraph đưa tin các nhà làm luật Mỹ đã chấp thuận trị liệu gen đầu tiên để chữa bệnh ung thư máu, mở ra kỷ nguyên mới cho nước Mỹ và cả thế giới trong cuộc chiến chống lại một trong những sát thủ hàng đầu của loài người thời hiện đại.

Khác với việc dùng thuốc hay hóa trị có thể làm suy yếu khả năng tự vệ của cơ thể, trị liệu bằng gen mới sẽ biến đổi tế bào miễn dịch của chính bệnh nhân, tập luyện cho chúng nhận ra và chống lại ung thư. Theo đó, các tế bào T và bạch cầu của bệnh nhân sẽ được đưa ra khỏi cơ thể qua một quá trình lọc máu đặc biệt rồi đem tới phòng thí nghiệm để mã hóa gen có khả năng săn tìm tế bào ung thư. Đó là gen của một loại protein thụ thể khán nguyên dạng khảm (chimeric antigen receptor-CAR) có vai trò định hướng cho các tế bào T nhắm tới các tế bào ung thư bạch cầu. Tiếp đó, các tế bào T đã chỉnh sửa sẽ được đưa trở lại cơ thể bệnh nhân để bắt đầu tấn công tế bào bạch cầu bị bệnh.

Các nghiên cứu cho thấy dù vẫn có vài phản ứng phụ nghiêm trọng, 83% trong 63 bệnh nhân trẻ tham gia thử nghiệm đã có phản ứng tốt, thuyên giảm bệnh trong vòng 3 tháng. Công ty Novartis cũng đã gửi hồ sơ cho cơ quan y khoa châu Âu với hy vọng Kymriah được tổ chức này chấp thuận vào cuối năm nay

Ban Biên tập website Viện