Điểm tin y tế tuần 29

VĂN BẢN PHÁP LÝ VÀ CHỈ ĐẠO

1. Ban hành danh mục xét nghiệm áp dụng để liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm

Ngày 07/ 07/ 2017, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 3148/QĐ-BYT, về việc ban hành danh mục xét nghiệm áp dụng để liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm

Ban hành kèm theo Quyết định này "Danh mục xét nghiệm áp dụng để liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm" tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và cơ sở y tế có thực hiện xét nghiệm phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh (gọi chung là phòng xét nghiệm).

Nguyên tắc áp dụng:

+ Các phòng xét nghiệm đã được đánh giá, công bố đạt chất lượng từ mức 1 trở lên theo quy định tại Quyết định số 2429/QĐ-BYT ngày 12 tháng 6 năm 2017 của Bộ Y tế, về việc ban hành Tiêu chí đánh giá mức chất lượng phòng xét nghiệm y học, được liên thông, công nhận kết quả theo nguyên tắc: công nhận kết quả lẫn nhau giữa các phòng xét nghiệm đạt cùng mức chất lượng; phòng xét nghiệm đạt mức chất lượng thấp công nhận kết quả của phòng xét nghiệm đạt mức cao hơn.

+ Đối với các phòng xét nghiệm đã đạt ISO 15189, chỉ áp dụng liên thông các xét nghiệm có trong danh mục và đã được công nhận chất lượng.

+ Bác sỹ lâm sàng là người quyết định việc sử dụng kết quả xét nghiệm liên thông công nhận hay cần thiết chỉ định xét nghiệm lại tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý và diễn biến lâm sàng của người bệnh.

+ Để sử dụng kết quả xét nghiệm cho việc liên thông, công nhận, khi người bệnh được chuyển viện, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sao lưu kết quả xét nghiệm gửi kèm theo hồ sơ, giấy chuyển viện đối với các xét nghiệm trong Danh mục (nếu có).

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN

1. Dịch bệnh “đua nhau” bùng phát

Theo báo Sài gòn giải phóng, ngày 15/7/2017, thông tin từ Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, thống kê trong 6 tháng đầu năm 2017 cho thấy nhiều dịch bệnh truyền nhiễm trên người có số ca mắc tăng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết trong số các dịch bệnh, dịch sốt xuất huyết (SXH) đang diễn biến phức tạp với số người mắc rất lớn hơn 45.000 trường hợp và 14 ca tử vong. Qua giám sát dịch tễ, số người mắc SXH tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam, miền Trung và Tây Nguyên - chiếm hơn 80% số ca mắc cả nước.

Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là Hà Nội đang có số ca mắc tăng cao hơn cùng kỳ năm ngoái tới 400%, với trên 4.000 người mắc SXH và 1 ca tử vong. PGS-TS Trần Đắc Phu cảnh báo, dịch SXH năm nay đến sớm hơn mọi năm, nhất là ở Hà Nội. Thông thường, dịch SXH diễn ra vào khoảng tháng 7 - 8, nhưng năm nay dịch xuất hiện sớm với số ca mắc nhiều từ tháng 5 và tháng 6.

Cùng với dịch SXH, trong nửa năm qua, cả nước cũng ghi nhận gần 400 người mắc bệnh do viêm não virus, trong đó có 10 ca tử vong. Đối với viêm não Nhật Bản, ghi nhận 62 ca mắc với 1 trường hợp tử vong. 69 người mắc liên cầu heo, 4 ca tử vong, tăng 40 ca so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, bệnh dại cũng cướp đi mạng sống của 35 người và tất cả các trường hợp tử vong đều không đi tiêm phòng sau khi bị chó dại cắn.

Đại diện Cục Y tế dự phòng cũng chỉ rõ, sự gia tăng và diễn biến phức tạp của nhiều dịch bệnh hiện nay là do điều kiện thời tiết, khí hậu diễn biến thất thường, nóng ẩm, mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho muỗi, vi khuẩn, virus truyền bệnh phát triển mạnh. Tuy nhiên, dù một số dịch bệnh gia tăng trong mùa hè, nhưng chưa phát hiện các virus gây dịch bệnh biến đổi gien hay thay đổi độc lực, mà chỉ là thay đổi tính chất môi trường khiến nguồn bệnh phát triển.

2. Dân báo sốt, y tế phường chờ “giấy xét nghiệm” mới diệt muỗi?

Theo báo Giao thông, ngày 15/7/2017, tính từ đầu năm tới nay, số ca SXH trên cả nước đã lên tới gần 49.000 ca, trong đó có 14 trường hợp đã tử vong. Nằm viện vì SXH đã gần 1 tuần, chị Nguyễn Hồng N. (Trần Phú, Ba Đình, HN) cho biết, khu chị ở có đến 3 trường hợp cũng mắc SXH. Tuy nhiên, khi báo tin cho Trạm Y tế phường thì được cho biết phải có giấy của viện khẳng định mắc SXH mới sớm tiến hành thông báo ổ dịch và phun thuốc diệt muỗi. Bất ngờ khi nghe thông tin này, chị N. cho biết, người dân đã chủ động thông báo với mong muốn không để hình thành ổ dịch ở khu dân cư lại gặp “thủ tục hành chính” như vậy. Tương tự, tại tổ 41, Thịnh Liệt, Hoàng Mai, nhiều cá nhân cũng mắc SXH. Vị tổ trưởng tổ dân phố đã có thông báo với trạm y tế phường. Tuy nhiên, cán bộ y tế cũng đòi hỏi phải có xác nhận “dương tính với SXH” mới xử lý ổ dịch.

Cách làm nói trên của cán bộ y tế xã, phường có đúng trong khi dịch SXH đang hoành hành khắp Hà Nội? Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khẳng định: “Cách làm như vậy là sai. Với những trường hợp chỉ nghi ngờ SXH cũng đã phải ngăn chặn. Ngay trường hợp tử vong tại Hà Nội cũng là do chủ quan không nghi ngờ mắc SXH, nên khi nhập viện đã trong tình trạng quá nặng không xử lý được. Trong phòng chống dịch SXH hiện nay, quan trọng là phát hiện dịch sớm, có biện pháp bao vây bằng việc thông báo cho người khác phòng bệnh, phun hóa chất diệt ổ dịch. Vì vậy, nếu nói rằng phải có giấy xét nghiệm dương tính SXH hay thủ tục này nọ, theo tôi cần phải làm rõ vấn đề, không thể như vậy”.

Liên quan đến phòng chống dịch SXH, nhiều ý kiến cho rằng, “sau khi phun thuốc vẫn tiếp tục xuất hiện muỗi, liệu chất lượng hóa chất phun diệt muỗi SXH có ổn (?)”. Trả lời câu hỏi này, ông Phu khẳng định: “Tất cả hóa chất diệt muỗi đều được thử nghiệm, thực địa cả ba miền. Đồng thời, luôn có bộ phận theo dõi thử tính kháng và hiệu quả hiện vẫn được khẳng định hoàn toàn ổn”. Còn việc sau phun vẫn xuất hiện muỗi, ông Phu lý giải, muỗi truyền SXH có đặc tính đậu khắp nơi do vậy phải phun dạng khí dung, tạo cả không gian sương mù diệt toàn bộ đàn muỗi đang mang mầm bệnh. Tuy nhiên, do cách phun không tồn lưu, nên chỉ tác dụng 2 ngày và cần phải tiếp tục phun lần hai. Bên cạnh đó, muỗi SXH còn có thể di chuyển trong bán kinh 50m nên nếu cả khu vực không phun đồng loạt thì cũng rất khó có thể diệt hết muỗi.

Ông Phu nhấn mạnh, việc phun thuốc diệt muỗi SXH cũng chỉ là một cách, nhưng cốt lõi là từ mỗi cá nhân cần chủ động loại bỏ các vật dụng tích nước có khả năng làm ổ bọ gậy, tạo sinh trưởng cho muỗi SXH.

Ông Phu cũng khuyến cáo: “Hiện, đã xảy ra trường hợp giả danh Viện Dịch tễ, Viện Sốt rét đi phun thuốc diệt muỗi SXH và thu tiền với chất lượng kém. Do vậy, người dân cần lưu ý, việc phun thuốc muỗi của các đội y tế dự phòng hoàn toàn không mất phí”.

THÔNG TIN Y TẾ QUỐC TẾ

1. Bước ngoặt trong điều trị ung thư

Theo The Washington Post, Toàn bộ thành viên thuộc Ủy ban Cố vấn điều trị ung thư của Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) đã bỏ phiếu ủng hộ hoàn toàn liệu pháp do Đại học Pennsylvania và Tập đoàn Novartis Corp phối hợp phát minh. Sau khi cân nhắc, họ kết luận rằng phương pháp sử dụng các tế bào miễn dịch của chính người bệnh để chống ung thư có thể mang lại lợi ích thiết thực cho các bệnh nhân nhỏ tuổi, vượt xa mức độ ảnh hưởng của các tác dụng phụ nguy hiểm. Sự nhất trí cao độ của nhóm chuyên gia đồng nghĩa với viễn cảnh liệu pháp này có thể được FDA thông qua vào cuối tháng 9, mở ra một hướng đi mới trong lĩnh vực miễn dịch trị liệu,

Được gọi là CAR-T, đây là liệu pháp chỉ điều trị một lần, dành cho các bệnh nhân ở độ tuổi từ 3 - 25 mắc chứng ung thư bạch cầu lympho ác tính (ALL), không phản ứng trước những phương pháp điều trị thông thường hoặc đã di căn. Nó bao gồm giai đoạn chiết xuất tế bào miễn dịch từ máu người bệnh, lập trình lại nhằm tạo ra một binh đoàn tế bào có thể nhận diện và phá hủy tế bào ung thư, trước khi chuyển ngược về cơ thể bệnh nhân. Cuộc bỏ phiếu đã được tổ chức sau cuộc thảo luận dài và những lời khẩn khoản từ phụ huynh của hai người bệnh nhỏ tuổi đã được cứu sống nhờ vào cách tiếp cận mới. Chỉ tính riêng tại Mỹ, mỗi năm có hơn 600 trường hợp rơi vào tình trạng như trên. Tính đến thời điểm này, các bác sĩ chỉ nắm được một số cách điều trị giới hạn, và toàn bộ đều có hại hơn CAR-T trong khi cơ hội sống sót quá thấp.

Trong một cuộc kiểm tra quan trọng, CAR-T mang lại kết quả hơn xa liệu pháp hóa trị và thậm chí cả những dạng thuốc ung thư mới. Cụ thể, đối với 52 hồ sơ được phân tích, 83% số này chứng kiến ung thư biến mất. Đa số các bệnh nhân đều trải qua những tác dụng phụ nghiêm trọng, nhưng gần như mọi người đều hồi phục. Phương pháp CAR-T bắt đầu với việc lọc tế bào miễn dịch chủ chốt là tế bào T từ máu người bệnh và chuyển đến phòng thí nghiệm. Trong điều kiện vô trùng, các chuyên gia chèn một gien vào tế bào T, kích thích chúng sản sinh một thụ quan truy tìm chất chỉ thị cụ thể thường xuất hiện trong một số dạng ung thư máu. Sau thời gian nuôi dưỡng hàng triệu tế bào T mới, các chuyên gia bắt đầu tiêm chúng cho bệnh nhân. Những “chiến binh” này bắt đầu truy lùng và tìm diệt các tế bào ung thư dưới dạng tế bào thực thụ, nên được giới bác sĩ gọi là “thuốc sống”.

Quá trình điều trị kéo dài khoảng 16 tuần, có thể quá dài đối với một số bệnh nhân đang trên bờ vực sống chết, nên các cố vấn của FDA đề nghị thu ngắn thời gian. Phía nhà cung cấp cho hay có thể hoàn tất trong vòng 3 tuần, nhưng với chi phí lên đến hàng trăm ngàn USD.

Ban Biên tập website Viện