Điểm tin y tế tuần 25 - 2018

VĂN BẢN PHÁP LÝ CHỈ ĐẠO

1. Mức lương cơ sở mới đối với cán bộ, công chức, viên chức:

Từ ngày 01/7/2018, lương cơ sở tăng từ 1.300.000 đồng/tháng lên thành 1.390.000 đồng/tháng nên cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động ở trung ương, ở cấp tỉnh, ở cấp huyện, ở cấp xã, ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và lực lượng vũ trang sẽ đồng loạt được tăng lương cho phù hợp với quy định.

Nội dung này được quy định tại Nghị định 72/2018/NĐ-CP về mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang và Thông tư 06/2018/TT-BNV hướng dẫn thực hiện mức lương cơ sở đối với các đối tượng hưởng lương, phụ cấp trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và hội.

Theo đó, so với Nghị định 47/2017/NĐ-CP thì Nghị định 72/2018 có 03 điểm mới nổi bật sau đây:

  • Mức lương cơ sở sẽ tăng từ 1.300.000 đồng/tháng lên thành 1.390.000 đồng/tháng (tăng thêm 90.000 đồng/tháng) từ ngày 01/7/2018.
  • Chính phủ trình Quốc hội xem xét Điều chỉnh mức lương cơ sở phù hợp khả năng ngân sách nhà nước, chỉ số giá tiêu dùng và tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước.
  • Điểm mới về kinh phí thực hiện tăng lương, đáng chú ý là cần sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế để thực hiện việc tăng lương.

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN

1. Dịch Cúm A/H1N1 đe dọa xảy ra ở Khu vực phía Nam

Thời gian vừa qua, ổ dịch cúm A/H1N1 xảy ra tại TP Hồ Chí Minh và Vĩnh Long, mặc dù các ổ dịch này đã được khống chế, nhưng nguy cơ sẽ tiếp tục xảy ra ở khu vực.

Theo Bộ Y tế, virus cúm A/ H1N1 tồn tại khá lâu ngoài môi trường, có thể sống từ 24 - 48 giờ trên các bề mặt như bàn, ghế, tủ, tay vịn cầu thang...; tồn tại trong quần áo từ 8 - 12 giờ và duy trì được 5 phút trong lòng bàn tay. Loại virus này đặc biệt sống lâu trong môi trường nước; có thể sống được đến 4 ngày trong môi trường nước ở nhiệt độ khoảng 22oC và sống đến 30 ngày ở nhiệt độ 0oC. Do đó, các hồ bơi trong các khách sạn cũng có thể tạo ra môi trường cho virus phát triển, nhất là vào tiết trời mưa dầm, thiếu ánh nắng để diệt virus.

Bệnh lây truyền từ người sang người theo đường hô hấp, qua các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc lây qua tiếp xúc với một số đồ vật có chứa virus rồi qua bàn tay đưa lên mắt, mũi, miệng. Người mang virus cúm A/H1N1 có khả năng truyền virus cho những người xung quanh trong thời gian 1 ngày trước tới 7 ngày sau kể từ khi có triệu chứng của bệnh. Bệnh lây lan càng mạnh, càng nhanh khi có sự tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, đặc biệt ở nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ, bệnh viện...

Bệnh thường dễ mắc và lây lan vào mùa đông xuân, nhưng khác với cúm mùa thông thường - chỉ tấn công vào các tế bào thuộc phần trên của hệ hô hấp, cúm A/H1N1 có khả năng tấn công sâu vào tế bào phổi, gây viêm phổi và thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Theo đó, bệnh có biểu hiện sốt trên 38oC, ho, đau họng, sổ mũi, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi. Một số trường hợp nặng có thể bị suy hô hấp và dẫn đến tử vong. Bệnh cúm A/H1N1 có triệu chứng giống với cúm thông thường, chỉ có thể chẩn đoán xác định bằng cách lấy dịch mũi họng tại cơ sở y tế để xét nghiệm.

Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo:

  1. Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng và mũi khi ho, hắt hơi.
  2. Vệ sinh và mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc; lau chùi bề mặt, vật dụng bằng hoá chất sát khuẩn thông thường.
  3. Người dân nên tự theo dõi sức khỏe hàng ngày, nếu có biểu hiện sốt, ho, đau họng…thì thông báo cho trường học, cơ quan, đoàn thể nơi đang học tập, công tác và cơ sở y tế địa phương. Nếu được xác định mắc cúm thì cần được cách ly và đeo khẩu trang.
  4. Những người mắc bệnh mạn tính, phụ nữ mang thai, người già, trẻ em cần tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh.
  5. Tránh tiếp xúc với người mắc hoặc nghi mắc bệnh cúm.
  6. Cần đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách trên 01 mét nếu phải tiếp xúc với người bệnh.
  7. Không tự ý sử dụng thuốc đặc biệt là thuốc kháng vi rút như Tamiflu mà phải tuân theo hướng dẫn của thầy thuốc.

2. Giám sát chặt các bệnh truyền nhiễm tại cộng đồng

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy một số bệnh truyền nhiễm như: sốt xuất huyết (SXH), tay, chân, miệng (TCM), sởi, viêm não do vi-rút, viêm não Nhật Bản, dại... đang có xu hướng gia tăng và nguy cơ bùng phát thành dịch rất lớn.

Số liệu thống kê cho thấy, từ đầu năm đến nay, cả nước có hơn 20 nghìn người mắc SXH (trong đó có 04 người chết); 14.092 người mắc bệnh TCM; cả nước có 567 trường hợp sốt phát ban nghi sởi (01 trường hợp chết); 48 người mắc bệnh do liên cầu lợn (03 người chết tại Trà Vinh, Lai Châu và Bà Rịa - Vũng Tàu); 19 người mắc bệnh viêm màng não do não mô cầu... Cả nước có tới 28 người chết do bệnh dại tại 17 tỉnh, thành phố, tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía bắc… Như vậy bệnh có số mắc lớn nhất là SXH, bệnh có số chết lớn nhất là bệnh dại.

Để chủ động phòng, chống hiệu quả các dịch bệnh nêu trên, Bộ Y tế đề nghị các địa phương giám sát chặt chẽ các trường hợp nghi mắc, nhất là đối với bệnh sởi, viêm não vi-rút, viêm não Nhật Bản...; đồng thời tăng cường kiểm tra công tác tiêm phòng vắc xin tại các khu vực có số trường hợp mắc tăng cao. Đôn đốc các địa phương, đơn vị chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa xuân hè, nhất là triển khai các chiến dịch diệt bọ gậy phòng, chống SXH. Điều tra xử lý tại cộng đồng các ca bệnh ghi nhận trong tuần như sốt phát ban nghi sởi, SXH, TCM, ho gà, liên cầu lợn... Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm việc tiêm chủng các bệnh có vắc-xin dự phòng, với phương châm tiêm “đúng lịch, đúng tuổi, đúng liều” với bất kỳ hình thức tiêm nào trong chương trình tiêm chủng quốc gia, hay tiêm dịch vụ. Nếu tiêm không đủ liều vắc-xin, vẫn có khả năng mắc bệnh, làm giảm sự miễn dịch tại cộng đồng. Đây đang được coi là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến dịch bệnh gia tăng và bùng phát tại cộng đồng thời gian qua.

3. Tuần lễ Tiêm chủng năm 2018

Tuần lễ tiêm chủng “Immunization week” là sáng kiến của Tổ chức Y tế thế giới nhằm bảo vệ cuộc sống thông qua tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh.

Các thông điệp toàn cầu và khu vực Tây Thái Bình Dương trong Tuần lễ Tiêm chủng năm 2018 nhấn mạnh về hiệu quả của vắc-xin và lợi ích bảo vệ cho cộng đồng khi đạt được tỷ lệ tiêm chủng cao. Thông điệp này hướng đến nâng cao nhận thức, sự tham gia và hành động của cả cộng đồng, tầm quan trọng khi tất cả mọi người được tiêm chủng, bao gồm cả các đối tượng khó tiếp cận cũng như những lợi ích to lớn đối với mỗi cá nhân được tiêm chủng đầy đủ, cho cộng đồng và toàn xã hội. Các thông điệp góp phần tác động đến các chính phủ và các đối tác liên quan nhận thức được vai trò của họ trong việc đưa dịch vụ tiêm chủng đến tất cả các đối tượng, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa, nhấn mạnh lợi ích to lớn có được khi đầu tư cho tiêm chủng cũng như đầu tư cho y tế.

Lễ mít tinh hưởng ứng “Tuần lễ Tiêm chủng” năm 2018 sẽ được tổ chức vào ngày 15/6 tại Đăk Lăk với sự tham gia của lãnh đạo UBND tỉnh, các ban ngành, đoàn thể và các tổ chức quốc tế. Sự tham gia của các cơ quan truyền thông đại chúng trung ương và địa phương trước và trong thời gian diễn ra sự kiện này sẽ giúp chuyển tải các thông điệp truyền thông về tiêm chủng đến được với cộng đồng và các bậc cha mẹ, góp phần quan trọng giúp trẻ em Việt Nam được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

4. Việt Nam trong nhóm 19 nước trên thế giới bị thiếu I-ốt

Ngày 7/6/2018, tại Hà Nội, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Qũy Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) kêu gọi Chính phủ Việt Nam và các cơ quan quản lý tăng cường thực hiện Nghị định 09/2016/ND-CP về việc bắt buộc tăng cường vi chất dinh dưỡng vào muối, bột mì, dầu ăn và sử dung muối Iốt và bột mì đã bố sung vi chất trong chế biến thực phẩm

Nghị định này được ban hành trên cơ sở các bằng chứng khoa học về việc cần phải hành động để giải quyết vấn đề thiếu vi chất dinh dưỡng nghiêm trọng của người dân Việt Nam. Và phù hợp với các khuyến nghị quốc tế về một chiến lược có hiệu quả cao với chi phí thấp giúp phòng ngừa và kiểm soát thiếu hụt vi chất dinh dưỡng

Tuy nhiên, WHO và UNICEF nhận thấy Nghị định chưa được thực hiện sau hơn hai năm ra đời, mặc dù tăng cường vi chất vào thực phẩm, bao gồm việc sử dụng nguyên liệu đã được bổ sung vi chất trong chế biến thực phẩm, vốn là một xu hướng toàn cầu, không gây ra tác động bất lợi nào lên thành phẩm, cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Bổ sung vi chất vào thực phẩm góp phần tạo ra lực lượng dân số khỏe mạnh và thông minh sẽ đóng góp nhiều lợi ích hơn cho xã hội và sự phát triển của quốc gia, bao gồm phát triển năng lực cạnh tranh.

Hai năm qua, Việt Nam đã hành động rất tích cực vì sức khỏe cộng đồng để phòng chống và kiểm soát thiếu hụt vi chất và những nỗ lực này cần được tiếp tục. WHO và UNICEF khuyến cáo Việt Nam cần tăng cường thực hiện Nghị định 09, bao gồm bảo đảm thực phẩm được chế biến bằng muối I-ốt và bột mì đã được bổ sung vi chất, còn doanh nghiệp thì cần được tạo điều kiện thuận lợi để bảo đảm sự tuân thủ của họ. Các doanh nghiệp chế biến và phân phối thực phẩm cần được hỗ trợ với các quy định rõ ràng hướng dẫn thực hiện Nghị định và sử dụng nguyên liệu đã bổ sung vi chất để chế biến thực phẩm.

Ở Việt Nam, phần lớn nguồn muối và bột mì được tiêu thụ là từ thực phẩm chế biến và bữa ăn ngoài gia đình. Do đó, việc bổ sung vi chất vào thực phẩm như Nghị định 09 quy định không phải là rào cản đối với hoạt động kinh doanh và ngành công nghiệp thực phẩm. Ngoài ra, doanh nghiệp còn có cơ hội xin miễn trừ những trường hợp hãn hữu khi chứng minh được có các tác động tiêu cực đến sản phẩm hoặc doanh thu cuối cùng của họ. Việc bắt buộc bổ sung vi chất vào muối, bột mì và dầu ăn là những biện pháp quan trọng giúp thực hiện Nghị quyết 20/NQ-TW mới đây của Trung ương Đảng để nâng cao sức khỏe nhân dân.

Ban Biên tập website Viện