VĂN BẢN PHÁP LÝ VÀ CHỈ ĐẠO
1. Cơ chế tài chính áp dụng thí điểm đối với các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi ngành y tế
Ngày 05/6/2017, Thủ tướng chính phủ ban hành Quyết định số 19/2017/QĐ-TTg về cơ chế tài chính áp dụng thí điểm đối với các chương trình, dự án sử dụng vốn oda, vốn vay ưu đãi ngành y tế
Quyết định này quy định về cơ chế tài chính áp dụng thí điểm đối với các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi ngành y tế.
Quyết định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý và thực hiện các chương trình, dự án ODA và vay ưu đãi ngành y tế.
Cơ chế tài chính trong nước đối với các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi ngành y tế được áp dụng như sau:
- Đối với các chương trình, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, phúc lợi xã hội hoặc các lĩnh vực khác không có khả năng thu hồi vốn trực tiếp thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương: Cấp phát 100% vốn ODA và vốn vay ưu đãi.
- Đối với các chương trình, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, phúc lợi xã hội hoặc các lĩnh vực khác không có khả năng thu hồi vốn trực tiếp thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương:
+ Cấp phát 100% vốn ODA viện trợ không hoàn lại;
+ Ngân sách Trung ương hỗ trợ cấp phát một phần, cho vay lại một phần với tỷ lệ cho vay lại vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi theo quy định pháp luật về cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ đối với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
- Đối với các chương trình, dự án có khả năng thu hồi vốn toàn bộ hoặc một phần:
+ Đối với các chương trình, dự án do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập thực hiện: Cấp phát 100% vốn ODA viện trợ không hoàn lại; Cho vay lại 20% vốn vay ODA và 50% vốn vay ưu đãi;
+ Đối với các chương trình, dự án do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài công lập thực hiện: Cho vay lại 100% vốn nước ngoài.
- Trong trường hợp cần thiết phải áp dụng cơ chế tài chính khác cơ chế này, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 7 năm 2017
TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN
1. Bệnh sốt xuất huyết tăng theo tay chân miệng tại TPHCM
Theo báo Dân trí, thông tin từ Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM ngày 7/6/2017 cho hay, qua công tác giám sát các loại bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tuần qua cho thấy cả hai loại bệnh gồm sốt xuất huyết và tay chân miệng đều gia tăng. Trong đó, bệnh tay chân miệng đã bắt đầu tăng từ 2 tuần trước, đến nay tuy chưa ghi nhận ca từ vong kể từ đầu năm nhưng số ca bệnh đã lên tới 1.659 trường hợp phải nhập viện điều trị. Tuần qua có tới gần 100 ca bệnh được xác định mắc tay chân miệng phân bố rải rác trên nhiều quận huyện. Sau khi đạt mức giảm sâu nhất kể từ đầu năm, tuần qua bệnh sốt xuất huyết đã bắt đầu tăng trở lại. Số người mắc sốt xuất huyết được ghi nhận trong tuần lên tới 233 trường hợp (tăng gần 7%) so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca bệnh từ đầu năm đến nay đã lên tới gần 8.800 ca.
Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố cảnh báo, năm nay mùa mưa đến sớm nên nguy cơ sốt xuất huyết “vào mùa” sớm và gia tăng nhanh có thể xảy ra trong thời gian tới. Ngoài việc yêu cầu các đơn vị trực thuộc triển khai cá biện pháp kiểm soát điểm nguy cơ, phun hóa chất diệt muỗi, ngành y tế thành phố kêu gọi động đồng chủ động các biện pháp: vệ sinh môi trường, diệt muỗi, lăng quăng, ngủ mùng thường xuyên... khi có biểu hiện mắc bệnh cần đến bệnh viện khám và điều trị kịp thời, tránh nguy hiểm có thể xảy ra.
2. 68% công nhân nữ bị nhiễm khuẩn đường sinh sản
Theo báo Dân trí, ngày 09/6/2017, toàn quốc hiện có 463 khu công nghiệp, với 15 triệu công nhân làm việc trong các nhà máy, số công nhân nữ chiếm 48,2%. Ngoài những hạn chế trong việc chăm sóc sức khỏe toàn diện thì sức khỏe sinh sản của nữ công nhân đang là vấn đề đáng báo động.
Kết quả nghiên cứu tại một số khu công nghiệp ở các tỉnh phía Nam, chỉ ra có 68% nữ công nhân nhiễm một trong các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản. Nguyên nhân chính là do điều kiện vệ sinh cá nhân kém, đặc biệt 28% công nhân nhập cư có sự hiểu biết hạn chế và ít được tiếp cận với các phương tiện và dịch vụ tránh thai, dẫn tới hệ lụy của 79% ca mang thai ngoài ý muốn. Mặc dù tỷ lệ công nhân nữ mang thai quan tâm đến việc tiếp cận, chăm sóc trước khi sinh ngay tại nơi làm việc chiếm tới 96% song các nhà máy chưa đáp ứng được.
Để hỗ trợ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người lao động, với sự tài trợ của Chính phủ Úc (khoảng 500.000 đô la Úc), Bộ Y tế Việt Nam đã triển khai dự án “Đối tác Y tế với Doanh nghiệp” tại nhà máy Pouyuen. Dự án sẽ cung cấp thông tin và dịch vụ sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình cho 45.000 nữ công nhân ngay tại phòng khám đa khoa tại nhà máy. Những dịch vụ được triển khai gồm: các biện pháp tránh thai hiện đại; xét nghiệm thai sớm; khám và chăm sóc thai nghén; khám và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục, các bệnh nhiễm trùng đường sinh sản; xét nghiệm sớm và điều trị ung thư cổ tử cung, ung thư vú. Ngoài chi phí được tài trợ, chi phí bảo hiểm y tế, các khoản phát sinh công nhân sẽ được nhà máy hỗ trợ.
THÔNG TIN Y TẾ QUỐC TẾ
1. Trung Quốc phát hiện thêm ca nhiễm vi rút H7N9 giáp giới Việt Nam
Theo Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) dẫn nguồn tin Tân Hoa Xã ngày 2/6/2017 cho biết Ủy ban sức khỏe và kế hoạch hóa gia đình Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây vừa phát hiện thêm một ca lây nhiễm virus H7N9 trên người ở thành phố Bách Sắc. Thành phố này có vị trí địa lý giáp với hai tỉnh Cao Bằng và Hà Giang của Việt Nam. Với ca phát hiện mới nhất, tổng số ca nhiễm virus H7N9 được ghi nhận từ đầu năm tới nay tại Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây của Trung Quốc là 26 trường hợp, trong đó có 13 ca tử vong.
Theo số liệu thống kê của Ủy ban về sức khỏe và kế hoạch hóa gia đình quốc gia Trung Quốc, tính riêng trong tháng 3/2017, trên cả nước Trung Quốc có tổng cộng 96 người nhiễm virus H7N9 và 47 người đã tử vong. Trung Quốc lần đầu tiên ghi nhận ca nhiễm cúm gia cầm H7N9 ở người hồi tháng 3/2013. Các ca nhiễm bệnh thường xuất hiện vào mùa Đông và mùa Xuân.
Giới chuyên gia khẳng định H7N9 không lây từ người sang người, đồng thời khuyến cáo người dân chỉ nên mua các sản phẩm gia cầm có chứng nhận kiểm dịch.
2. Brazil chế tạo thiết bị chẩn đoán bệnh sốt xuất huyết trong 15 phút
Theo nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Cảm biến sinh học và Điện tử sinh học ngày 9/6/2017, các nhà khoa học Brazil vừa nghiên cứu chế tạo một thiết bị cảm biến sinh học có khả năng nhanh chóng phát hiện bệnh sốt xuất huyết, từ đó giúp tạo ra một dụng cụ giá rẻ hiệu quả để chẩn đoán căn bệnh do muỗi mang virus sốt xuất huyết lây truyền sang hàng triệu người mỗi năm. Nhà nghiên cứu Cleverton Luiz Pirich tại Đại học Liên bang Paran, cho biết nhóm nhà khoa học nước này đang hướng tới việc sản xuất một dụng cụ xét nghiệm nhanh với giá khoảng 30 USD và sẽ cho kết quả phân tích mẫu máu chứa protein của virus sốt xuất huyết chỉ sau 15 phút.
Để chế tạo dụng cụ này, các nhà khoa học đã áp dụng phương pháp tráng một lớp màng mỏng gồm các tinh thể nano chứa cellulose vi khuẩn bởi lớp màng này giúp phát hiện hiệu quả loại protein có trong các mẫu máu mang tên NS1.
Khu vực châu Mỹ ước tính thiệt hại khoảng 2,1 tỷ USD mỗi năm, trong khi các nền kinh tế Đông Nam Á tổn thất gần 2,4 tỷ USD do căn bệnh này.
3. Tử vong do nhiễm trùng khi đi bơi sau khi xăm 5 ngày
Theo Medical Daily, Mexico: một người đàn ông 31 tuổi đã tử vong, được biết, nạn nhân được đưa đến phòng cấp cứu ba ngày sau khi bị sốt và ớn lạnh, sưng tấy tại hình xăm, và cả hai chân. Nghiên cứu tại phòng thí nghiệm cho thấy nạn nhân có nhiều men gan, tức có tiền sử bệnh gan mạn tính. Bệnh này làm cho nạn nhân dễ bị nhiễm V. vulnificus, một loại vi khuẩn ăn thịt có ở đại dương, và phải đối mặt với tỷ lệ tử vong cao. Sau khi xét nghiệm xác nhận nạn nhân nhiễm V. vulnificus, các bác sĩ ngay lập tức điều trị bằng kháng sinh gấp đôi. Tuy nhiên, tình trạng của bệnh nhân tiếp tục suy giảm, và được điều trị sau khi bị suy cơ quan. Hai tuần sau, sức khỏe bệnh nhân có cải thiện, nhưng đã bị sốc nhiễm khuẩn, dẫn đến suy thận, và cuối cùng là tử vong.
Các bác sĩ cảnh báo mối liên quan giữa bệnh gan mạn tính và tỷ lệ tử vong cao với nhiễm trùng V. vulnificus.
Ban Biên tập website Viện