VĂN BẢN PHÁP LÝ VÀ CHỈ ĐẠO
1. Tăng cường quản lý bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm
Ngày 27/4/2016, Bộ Y tế ban hành công văn số 2362/BYT-ATTP đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường quản lý bảo đảm an toàn thực phẩm.
Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các nội dung sau:
Tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố triển khai các giải pháp bảo đảm ATTP trên địa bàn, phân công và quy trách nhiệm rõ ràng cho từng cơ quan, tổ chức và cá nhân chịu trách nhiệm theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền theo quy định.
Tăng cường truyền thông về ATTP bằng nhiều hình thức; phù hợp với đặc thù của từng địa phương; tuyên truyền các chính sách pháp luật quy định ATTP đến người dân, các cá nhân, tổ chức sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và cơ quan quản lý. Tuyên truyền sâu rộng quy định xử lý hình sự đối với cá nhân, tổ chức phạm tội quy định về ATTP theo Bộ Luật hình sự năm 2015 có hiệu lực từ 01/7/2016 (Điều 317, 193, 191, 190). Đồng thời, cung cấp thông tin về cơ sở trên địa bàn chấp hành tốt các quy định về ATTP, cơ sở bán thực phẩm an toàn để người dân biết và lựa chọn. Công bố công khai cá nhân, tổ chức vi phạm về ATTP trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định.
Tăng cường công kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định về ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên, vật liệu bao gói thực phẩm, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Tập trung thanh tra, kiểm tra bảo đảm chất lượng sản phẩm, việc chấp hành quy định về quảng cáo, kiểm nghiệm định kỳ sản phẩm, ghi nhãn, truy xuất nguồn gốc; điều kiện sản xuất, chế biến; chấn chỉnh việc kinh doanh và sử dụng phụ gia thực phẩm; thanh tra, kiểm tra đối với bếp ăn tập thể khu công nghiệp, trường học. Tăng cường lấy mẫu kiểm nghiệm hậu kiểm; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, công bố công khai để người dân biết.
Tiếp tục nâng cao năng lực cho Chi cục ATTP, đầu tư cơ sở vất chất, phương tiện, nhân lực, chuyên môn nghiệp vụ về ATTP.
Báo cáo định kỳ hàng qúy về Cục ATTP - Bộ Y tế trước ngày 30 của tháng cuối quý kết quả thanh tra, kiêm tra và xử lý vi phạm theo từng chuyên đề thực phẩm chức năng; phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ trong chế biến thực phẩm; nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Các thực phẩm khác thuộc phạm vi quản lý của ngành y tế báo cáo tổng hợp cùng kết quả thanh tra, kiểm tra hằng quý đã quy định.
2. Ngừng sử dụng vắc xin bại liệt OPV
Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế vừa có công văn gửi Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Trung tâm nghiên cứu sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế và Sở Y tế các tỉnh, thành phố trong cả nước về việc ngừng sử dụng, thu hồi và tiêu hủy vắc xin bại liệt OPV. OPV là vắc xin sống giảm độc lực, chứa 3 tuýp vi rút 1,2, 3 được thay thế bằng vắc xin chứa 2 tuýp vi rút 1 và 3. Cùng với đó sẽ tiêm vắc xin bại liệt IPV, loại bất hoạt, chứa 3 tuýp vi rút 1,2, 3.
Bộ Y tế đã yêu cầu Dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia tổ chức thu hồi triệt để toàn bộ số vắc xin vừa nêu trên tại tất cả các cơ sở tiêm chủng, đồng thời phối hợp với nhà sản xuất đề xuất phương án tiêu hủy.
TIN Y TẾ NỔI BẬT
1. Một số tỉnh đồng bằng Sông cửu long sốt xuất huyết tăng
Theo Sở Y tế Sóc Trăng tình hình bệnh SXH trên địa bàn tỉnh từ đầu năm 2016 đến nay tăng gần 70% so với năm 2015. Trong khi đó, tại Đồng Tháp trong những tháng đầu năm mỗi tuần có khoảng 50 ca mắc SXH so với cùng thời điểm năm 2015 có từ 5-8 ca/tuần và trong quý 1-2016, số người bị bệnh SXH cũng tăng hơn 70% so cùng kỳ tại TP. Cần Thơ và hiện nay chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong do SXH.
Trước tình hình SXH gia tăng như hiện nay việc phòng chống đang là vấn đề cấp bách, ngành y tế của các tỉnh đang phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp phòng chống, tổ chức các chiến dịch tiêu diệt muỗi, lăng quăng và đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức để người dân, chủ động phát quang bụi rậm, bỏ các vật dụng chứa nước không cần thiết… và chuẩn bị đầy đủ về cơ số thuốc, hóa chất nhằm chủ động phòng chống dịch SXH hiệu quả.
2. Đề phòng vi rút Zika quay trở lại
Theo WHO, đến nay đã ghi nhận 68 quốc gia và vùng lãnh thổ có sự lưu hành hoặc có sự lây truyền vi rút Zika, trong đó có 55 quốc gia và vùng lãnh thổ tiếp tục ghi nhận có sự lây truyền của vi rút Zika do muỗi truyền.
Theo Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, đến nay chưa phát hiện thêm trường hợp nhiễm mới vi rút Zika. Trong thời gian tới sẽ tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc bệnh mới rải rác tại một số địa phương nơi lưu hành dịch bệnh sốt xuất huyết cao, đặc biệt có thể gia tăng trùng với mùa dịch sốt xuất huyết sắp đến gần. Hiện nay, cả nước đang áp dụng mức độ cảnh báo ở mức độ hai theo Kế hoạch hành động phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika nhằm tăng cường phòng chống, tiếp tục đẩy mạnh công tác giám sát, lấy mẫu xét nghiệm phát hiện sớm vi rút Zika, xử lý kịp thời ổ dịch; tăng cường truyền thông cho cộng đồng, thực hiện các chiến dịch diệt muỗi, lăng quăng (bọ gậy) để phòng bệnh.
Đối với phụ nữ mang thai hoặc chuẩn bị mang thai cần thực hiện các biện pháp phòng tránh bị muỗi đốt, chủ động theo dõi sức khỏe, khám thai định kỳ; nếu có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và chẩn đoán điều trị kịp thời.
Ban Biên tập website Viện
Hôm nay là Thứ Ba, 21 Tháng Giêng 2025 |