Điểm tin y tế tuần 08 - 2018

VĂN BẢN PHÁP LÝ VÀ CHỈ ĐẠO

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN

1. Khuyến cáo các biện pháp ngăn chặn cúm A (H5N1), cúm A (H7N9) và liên cầu lợn

Theo NDDRT (13/02/2018), theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), dịp Tết, nhu cầu thực phẩm, nhất là thịt gia cầm, thịt lợn tăng rất cao, vì thế nguy cơ lây truyền các bệnh từ gia cầm, lợn sang người cũng sẽ tăng.

Ðể chủ động phòng, chống bệnh cúm gia cầm A (H5N1) và cúm A (H7N9) lây sang người trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội đầu năm 2018, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân không ăn tiết canh, không ăn gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm ốm, chết, không rõ nguồn gốc; bảo đảm ăn chín, uống chín.

Ðối với bệnh liên cầu lợn, người dân không ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt lợn (heo) chưa được nấu chín. Không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không bảo đảm vệ sinh hoặc không rõ nguồn gốc; không sử dụng thịt lợn có mầu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn, thường xuyên rửa tay với xà-phòng. Khi có biểu hiện mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời…

2. 9 bệnh nguy hiểm sẽ có vắc xin trong thập kỷ tới

Theo báo Dân trí, 9 loại vắc xin đang được phát triển có thể làm thay đổi mạnh mẽ cuộc sống của chúng ta.

Bệnh lậu

Lậu là một bệnh lây truyền qua đường tình dục, thường được điều trị bằng kháng sinh. Nhưng trong vài năm qua, bệnh đã trở nên không thể điều trị được trong một số trường hợp. Tuy nhiên, trong một bước ngoặt đáng ngạc nhiên, các nhà nghiên cứu khi xem xét dữ liệu về dịch viêm màng não và các nỗ lực tiêm chủng sau đó ở New Zealand đã phát hiện ra rằng vắc-xin cũng bảo vệ chống lại bệnh lậu. Hóa ra là vi khuẩn gây viêm màng não và lậu có quan hệ rất gần gũi – giống như "anh em họ".

Vắc-xin nhắm vào vụ dịch viêm màng não cụ thể này được sử dụng từ năm 2004 đến năm 2006, và không còn sử dụng nữa. Vẫn còn chờ xem liệu có ai đó sẽ phát triển vắc-xin này thành một vắc xin đơn thuần cho bệnh lậu.

Ung thư

Đã có một số vắc-xin phòng ngừa một số loại ung thư. Ví dụ, vắc xin chống papillomavirus ở người (HPV), có thể ngăn ngừa được 6 loại ung thư khác nhau. Một vắc xin khác phòng viêm gan B cũng ngăn ngừa ung thư gan.

Cũng đã có sự thúc đẩy để sử dụng vắc xin sau khi có chẩn đoán ung thư. Một điều trị như vậy đã được phê duyệt cho ung thư tuyến tiền liệt năm 2010. Điều trị này lập trình lại hệ thống miễn dịch của cơ thể đi theo một protein đặc hiệu giúp tế bào miễn dịch tấn công các tế bào ung thư.

Các loại vắc xin khác đang được phát triển có thể có cách tiếp cận cá nhận hơn, phát hiện các đột biến ung thư và khuếch đại hệ miễn dịch của cơ thể để chống lại một số loại tế bào ung thư.

Bệnh sốt rét

Sốt rét là một bệnh nhiễm ký sinh truyền qua muỗi, có thể dẫn đến sốt, rét run và buồn nôn, cùng với các biến chứng nghiêm trọng khác, bao gồm suy tạng. Bệnh là nguyên nhân của hơn một nửa số ca tử vong do muỗi, chủ yếu ở tiểu vùng Sahara Châu Phi.

Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh sốt rét trên diện rộng, nhưng có ba quốc gia đang chuẩn bị tham gia một chương trình thí điểm về một loại vắc-xin sốt rét bắt đầu vào năm 2018.

Ebola

Vắc xin Ebola ban đầu đã được chứng minh là bảo vệ vững chắc chống lại căn bệnh này. Trong một thử nghiệm rộng rãi trên gần 6.000 người, Merck đã chứng minh vắc-xin có hiệu quả 100%, đồng nghĩa với một giải pháp tạm thời để ngăn chặn những đại dịch như đã từng xảy ra trong khoảng năm 2014 đến 2016, chỉ có điều nó chưa được sử dụng. Nếu phát sinh thêm vụ dịch khác, các cơ quan y tế có thể xác định liệu họ có muốn sử dụng nó hay không.

Các nhà nghiên cứu cũng đang nghiên cứu một giải pháp lâu dài hơn. Một thử nghiệm giai đoạn đầu trên 75 người tình nguyện khỏe mạnh cho thấy vắc xin đã cho đáp ứng miễn dịch trong một năm ở 100% bệnh nhân. Một thử nghiệm quy mô lớn hơn sẽ phải chứng minh được liệu vắc-xin kéo dài hơn có hiệu quả trong việc phòng ngừa bệnh này hay không.

HIV

Vắc xin HIV vẫn thất bại trong vài thập kỷ qua, bất chấp vô số nghiên cứu và tiền của đổ vào lĩnh vực này.Tháng 7 năm 2017, Johnson & Johnson tuyên bố một thử nghiệm giai đoạn đầu về vắc xin HIV-1 ở người khỏe mạnh đã tạo ra đáp ứng miễn dịch và được "dung nạp tốt". Hanneke Schuitemaker, phó chủ tịch công ty và là người đứng đầu bộ phận phát hiện vắc xin cho biết, phải mất từ 12 đến 13 năm mới để đi đến giai đoạn này, với rất nhiều trở ngại. Quá trình phát triển vắc xin đã được hưởng lợi từ kiến thức thu được trong các thử nghiệm vắc xin vi rút Ebola.

Vẫn còn phải mất một thời gian nữa trước khi vắc xin có mặt - tiếp theo sẽ phải chứng minh rằng vắc xin có hiệu quả trong việc ngăn ngừa HIV.

Norovirus

Norovirus, thủ phạm gây ra một số vụ ngộ độc thực phẩm, có thể gây đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy và nôn. Mặc dù có nhiều cách để ngăn ngừa norovirus, nhưng vẫn chưa có vắc xin cho nó. Tuy nhiên, một công ty được gọi là Vaxart đang phát triển một loại vắc xin dạng viên có thể ngăn ngừa vi-rút. Tháng 2 năm 2017, Vaxart thông báo thuốc đã thành công trong một thử nghiệm ban đầu ở người, chứng minh là an toàn và có khả năng thúc đẩy phản ứng miễn dịch. Tiếp theo, vắc xin sẽ phải chứng minh hiệu quả trước khi được chấp thuận.

Vắc-xin cúm phổ rộng

Hầu hết các loại vắc xin chỉ cần được tiêm một lần hoặc vài lần trong đời. Tuy nhiên, vi rút cúm đột biến thường xuyên đến mức vắc xin phải cập nhật thường xuyên dựa trên khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới. Đó là lý do tại sao nhiều người hay bị cúm mỗi mùa đông.Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu tại công ty chế tạo vắc xin Sanofi đang tiến gần tới một loại văc-xin phổ quát có thể cung cấp sự bảo vệ rộng rãi hơn đối với bệnh cúm. Bằng cách đó, thay vì tiêm mỗi năm một lần, vắc xin có thể bảo vệ chống lại vi rút ngay cả khi nó tiến hóa trong một vài năm.

Ý tưởng vẫn đang ở giai đoạn tiền lâm sàng.

Nghiện heroin

Có hai vắc-xin đang trong quá trình nghiên cứu để điều trị nghiện opioid, tuy nhiên chúng đều chưa được thử nghiệm trên người.

Điều này có thể là lý tưởng để giúp những người nghiện heroin hồi phục. Vẫn cần tìm hiểu xem vắc xin cần được cung cấp bao lâu một lần.

Zika

Gần như ngay sau khi thế giới nhận ra Zika đang trở thành một đại dịch toàn cầu vào đầu năm 2016, các nhà khoa học đã bắt tay vào việc tìm kiếm vắc xin. Ngay sau đó, họ bắt đầu các thử nghiệm trên người để kiểm nghiệm vắc xin.

Tháng 3 năm 2017, nỗ lực đạt đến đỉnh điểm với sự khởi đầu của một thử nghiệm giai đoạn 2, đánh giá xem liệu vắc xin có hiệu quả hay không trên 2.490 người ở Mỹ, Trung và Nam Mỹ. Thử nghiệm dự kiến sẽ kết thúc vào năm 2019.

TIN TỨC THẾ GIỚI

1.Trung Quốc đã sửa gen cho 86 người bệnh

Theo TTO (12/02/2018), Trong khi nhiều nước trên thế giới còn đang ngần ngại ứng dụng kỹ thuật chỉnh sửa gen trong chữa bệnh ở người, Trung Quốc đã ứng dụng nó với 86 người bệnh. Có thể thấy, trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ chỉnh sửa gen vào y học, Trung Quốc đang chứng tỏ họ đầy tham vọng trong mục tiêu trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới.

Theo báo Wall Street Journal (WSJ), từ năm 2015 tới nay, các nhà khoa học Trung Quốc đã chỉnh sửa gen của ít nhất 86 bệnh nhân ung thư và bệnh nhân HIV bằng kỹ thuật chỉnh sửa gen Crispr-Cas9.Mặc dù chưa có bất cứ báo cáo khoa học chính thức nào trình bày về các thử nghiệm này cũng như kết quả của chúng, song khi chia sẻ thông tin với báo WSJ, các nhà khoa học Trung Quốc cho biết tình trạng sức khỏe một số người bệnh đã có tiến triển. Đã có ít nhất 15 trường hợp tử vong, 7 người trong đó từng tham gia một thử nghiệm. Tuy nhiên theo các nhà khoa học, những trường hợp tử vong đều có nguyên nhân liên quan tới các tình trạng bệnh trước đó của họ, không phải do điều trị bằng kỹ thuật chỉnh sửa gen Crispr. Những liệu pháp điều trị bằng gen này được tiến hành theo nguyên lý lấy các tế bào miễn dịch từ các bệnh nhân, chỉnh sửa gen của tế bào đó, sau đó đưa các tế bào này trở lại cơ thể.Năm 2013, các nhà khoa học đã lần đầu tiên sử dụng phương pháp Crispr trên DNA người. Tới năm 2017, các nhà khoa học Mỹ tại Đại học Khoa học và Sức khỏe Oregan công bố đã sử dụng kỹ thuật này trong việc chỉnh sửa gen của phôi thai người. Dĩ nhiên các phôi thai người sau đó không được phép phát triển thêm nữa vì luật pháp Mỹ không cho phép.

Ban Biên tập website Viện

Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,